banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

Đời sống Thánh Hiến: niềm vui, vẻ đẹp sống Tin Mừng và theo Chúa Kitô.

Đăng lúc: Thứ ba - 24/10/2017 23:03 - Người đăng bài viết: menthanhgia
Đời sống Thánh Hiến: niềm vui, vẻ đẹp sống Tin Mừng và theo Chúa Kitô.

Đời sống Thánh Hiến: niềm vui, vẻ đẹp sống Tin Mừng và theo Chúa Kitô.

Đọc lại Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxico gửi cho tu sĩ nam nữ nhân dịp năm Đời Sống Thánh Hiến
Các nam nữ tu sĩ rất quý mến,

Tôi viết cho các bạn trong cương vị của người kế nhiệm Thánh Phêrô, Người đã được Thiên Chúa ủy thác bổn phận củng cố anh em trong đức tin (x., Lc 22, 32), tôi viết cho các bạn như một người bạn của các bạn và như một người đã thánh hiến cho Thiên Chúa như bạn.

Chúng ta cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa Cha, Người đã mời gọi chúng ta bước theo Đức Giêsu trong việc kết hợp tròn đầy với Tin Mừng của Ngài và trong việc phục vụ của Giáo Hội. Ngài đã đổ đầy trong trái tim các bạn Chúa Thánh Thần, Người ban cho chúng ta niềm vui và làm cho chúng ta trở nên chứng nhân tình yêu và lòng thương xót của Ngài trên toàn thế giới.

Gợi lại trong tôi vang vọng của nhiều người trong các bạn, Bộ tu sĩ và tu đoàn Tông đồ, nhân dịp 50 năm kỷ niệm ban hành hiến chế tín lý về Giáo Hội – Lumen gentium, mà trong chương IV bàn về tu sĩ, cũng như Sắc lệnh về canh tân thích nghi đời sống dòng tu – Perfectae Cartitatis, tôi quyết định công bố năm đời sống thánh hiến. Sẽ bắt đầu vào này 30 tháng 11, Chúa Nhật thứ 1 Mùa Vọng và sẽ kết thúc vào dịp lễ Dâng Chúa Giêsu vào đền thờ ngày 02 tháng 2 năm 2016.

Sau khi lắng nghe Bộ tu sĩ, tôi đã đưa ra mục đích cho năm này, chúng chính là mục đích mà Thánh Gioan Phaolo II đã gợi ý cho Giáo Hội ở đầu ngàn năm thứ 3. Tôi lặp lại toàn bộ những gì đã được công bố trong Tông huấn hậu công đồng Vita consecrate: “Các bạn không chỉ có một lịch sử vẻ vang để nhớ đến và để kể lại, nhưng là một lịch sử hào hùng để xây dựng! Hãy nhìn về tương lai, trong đó Chúa Thánh Thần soi sáng để cùng các bạn làm nên những điều lớn lao” (số 110).

I. Những mục đích của năm đời sống thánh hiến

        1. Mục đích thứ nhất: Hãy nhìn về quá khứ với tấm lòng biết ơn. Mỗi Hội dòng được sinh ra với một lịch sử phong phú của đặc sủng. Ở nguồn gốc của Hội Dòng hiện diện hoạt động của Thiên Chúa, trong Chúa Thánh Thần, Ngài mời gọi mỗi người theo sát Đức Kitô, diễn tả Tin Mừng trong một hình thức đặc biệt của đời sống, đọc những dấu chỉ của thời đại với con mắt đức tin, đáp trả những nhu cầu của Giáo hội với sự sáng tạo. Kinh nghiệm của những người tiên phong đã lớn lên, sau đó phát triển, hướng về những thành viên khác trong những bối cảnh mới về địa lý và văn hóa, trao tặng của cuộc sống dưới những hình thức mới để thực thi sứ mạng, ở những khởi đầu mới và bày tỏ mới của Đức Ái tông đồ. Như hạt giống trở nên một cây đang nảy sinh những nhánh mới.

Năm này như một cơ hội, mà mỗi gia đình cùng đặc sủng (Liên hiệp dòng) nhớ lại buổi ban đầu của chính mình và sự phát triển trong dòng lịch sử, để tạ ơn Thiên Chúa, Ngài đã trao tặng cho Giáo Hội rất nhiều hồng ân như thế, làm đẹp và tô điểm Giáo Hội bởi mỗi công trình tốt đẹp (x., Lumen gentium số 12).

Kể lại chính lịch sử là rất cần thiết để làm sống căn tính, như thế để củng cố tính duy nhất của gia đình (liên hiệp) và tinh thần thuộc về gia đình của các thành viên. Không bàn về việc làm một cuộc khảo cổ hoặc vun xới những hồi tưởng vô ích hơn là đi lại lần nữa hành trình của những thế hệ trước để nhặt lấy một chút cảm hứng, ý tưởng, những chương trình, những giá trị mà họ đã đưa ra từ những vị sáng lập và từ những cộng đoàn đầu tiên. Cũng là phương thức để ý thức đặc sủng được sống thế nào dọc theo dòng lịch sử, sáng tạo nào được phát sinh, những khó khăn nào họ đã phải đương đầu và đã vượt qua như thế nào. Người ta sẽ có thể khám phá ra những tương phản, những kết quả của những yếu đuối con người, lắm khi có lẽ là những lãng quên một vài khía cạnh căn bản của đặc sủng. Tất cả là bài học và trở nên lời mời gọi hoán cải. Kể lại lịch sử là dâng lên Thiên Chúa lời chúc tụng và tạ ơn Ngài về tất cả hồng ân của Ngài.

Chúng ta tạ ơn Ngài cách đặc biệt về những năm cuối của hành trình 50 năm Công Đồng Vatican II, Công Đồng được gọi là cơn gió của Chúa Thánh Thần trong cả Giáo Hội. Nhờ đó đời sống thánh hiến đã thực hiện một hành trình canh tân mầu mỡ, với những ánh sáng và bóng tối, đã là thời gian của ân sủng, ghi dấu sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.

Năm đời sống thánh hiến cũng là cơ hội để xưng thú với sự khiêm nhường và cùng với sự thân mật sâu xa trong tình yêu Chúa (X. 1Ga 4, 8) chính sự mỏng giòn và để sống sự mỏng giòn ấy như kinh nghiệm về tình yêu thương xót của Chúa; một cơ hội để hét toáng lên với thế giới với một sức mạnh và để làm chứng với niềm vui sự thánh thiện và sức sống hiện hữu trong những người được mời gọi theo Chúa Kitô trong đời sống thánh hiến.


      2. Hơn nữa Năm này cũng mời gọi chúng ta sống cái hiện tại với một niềm say mê. Chấn song trí nhớ của quá khứ thúc đẩy chúng ta, trong sự lắng nghe cách chăm chú những gì mà hôm nay Chúa Thánh Thần nói với Giáo Hội, để thực hiện trong cách luôn luôn sâu sắc hơn những khía cạnh nền tảng của đời sống thánh hiến của chúng ta.

Từ những người đầu của phong trào ẩn sĩ đầu tiên cho đến những cộng đoàn mới ngày nay, mỗi hình thức sống của đời sống thánh hiến đều được mời gọi theo Chúa Kitô như được dạy trong Tin Mừng (x., Perfectae caritatis, 2). Đối với các Đấng Sáng Lập nam và nữ một cách tuyệt đối qui tắc là Tin Mừng, mỗi qui tắc khác chỉ là sự bày tỏ của Tin Mừng và là công cụ để sống Tin Mừng đó cách tròn đầy. Khuôn mẫu của họ là Chúa Kitô, kết hợp với Ngài cách sâu sắc đến độ có thể nói như Thánh Phaolo: “Đối với tôi sống là Chúa Kitô” (Pl 1, 21); lời khấn chỉ là hướng để sống tình yêu nồng nàn này.

Câu hỏi mời gọi chúng ta đặt ra cho chính mình trong Năm nay là liệu và làm thế nào chúng ta được chất vấn từ Tin Mừng; nếu Tin Mừng thực sự là kim chỉ nam cho đời sống hằng ngày và cho những chọn lựa mà chúng ta được mời gọi thực hiện. Tin Mừng là một đòi buộc và yêu cầu được sống cách tận căn và chân thành. Đọc thôi không đủ (cũng vậy đọc và nghiên cứu chúng có tầm quan trọng); suy niệm thôi không đủ (và tôi làm nó mỗi ngày với niềm vui). Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta hãy thực hiện nó, hãy sống lời của Ngài.

Chúng ta còn phải hỏi chính mình nữa rằng, Chúa Giêsu có thực sự là tình yêu đầu tiên và duy nhất của chúng ta như chúng ta đặt ra cho chính mình khi tuyên khấn các lời khấn dòng? Chỉ có như vậy, chúng ta có thể và chúng ta phải yêu mến trong sự thật và trong sự thương xót mỗi người mà chúng ta gặp trên hành trình của chúng ta. Bởi vì chúng ta học được từ Ngài: tình yêu là gì và yêu như thế nào, chúng ta biết yêu bởi vì chúng ta có cùng trái tim của Ngài.

Các Vị Sáng Lập nam và nữ đã nghe trong chính mình lòng trắc ẩn mà Chúa Giêsu đã có khi thấy đám đông như đàn chiên lạc không người chăn. Như Chúa Giêsu, họ đã cảm động từ lòng trắc ẩn này, Ngài đã cho họ lời của Ngài, Ngài đã chữa lành bệnh nhân, đã trao cho họ bánh để ăn, Ngài đã trao tặng chính cuộc sống Ngài, cũng vậy các Đấng Sáng Lập đã phục vụ nhân loại, ở đó Chúa Thánh Thần sai họ đến, trong nhiều cách thức khác nhau: chuyển cầu, rao giảng Tin Mừng, dạy Giáo Lý, giáo dục, phục vụ người nghèo, bệnh nhân… Tính sáng tạo của Bác Ái không không biết đến giới hạn và nó biết mở ra vô số con đường mang hơi thở của Tin Mừng đến các nền văn hóa và các phạm vi khác nhau của xã hội.

Năm đời sống thánh hiến chất vấn chúng ta về sự trung thành trong việc truyền giáo đã được ủy thác cho chúng ta. Những sứ vụ, những công trình, sự hiện diện của chúng ta trả lời cho những gì Chúa Thánh Thần đòi hỏi ở các Đấng Sáng Lập, chúng thích hợp để theo đuổi mục đích trong xã hội và Giáo Hội hôm nay? Có một cái gì đó mà chúng ta phải thay đổi? Chúng ta có cùng đam mê đối với những người mà chúng ta gần gũi đến độ chia sẻ với họ niềm vui và nỗi đau, như thế để hiểu một cách thực sự những nhu cầu và có trao tặng những đóng góp của chúng ta? Thánh Gioan Phaolo II đã nói: “Cùng một sự hào phóng và từ chối mà chúng thúc đẩy các Đấng Sáng Lập, chúng thúc đẩy các bạn, những người con thiêng liêng, hãy duy trì sống động những đặc sủng, mà chính sức mạnh của Chúa Thánh Thần đã khơi dậy, tiếp tục làm phong phú và thích ứng, đừng làm mất đi tính cách xác thực, để đặt mình trong sự phục vụ của Giáo Hội và mang lại sự hoàn tất của việc xây dựng Nước Trời[1].

Trong khi nhớ lại nguồn gốc chợt nhớ đến một thành phần khác trong chương trình của đời sống thánh hiến. Các Đấng Sáng Lập nam và nữ đã say mê từ sự kết hợp duy nhất của nhóm Mười Hai xung quanh Chúa Giêsu, từ sự hiệp thông, nó ghi dấu tính đặc trưng cộng đoàn đầu tiên Giêrusalem. Trao ban cuộc sống cho cộng đoàn, mỗi người trong họ muốn tái diễn lại những khuôn mẫu của Tin Mừng, chỉ với một trái tim và một tinh thần duy nhất, điều này thừa hưởng bởi sự hiện diện của Thiên Chúa (x., Perfectae caritatis, 15).

Sống cái hiện tại với sự say mê có nghĩa là trở nên “lão luyện trong sự hiệp thông”, “là chứng nhân và nghệ nhân của chương trình hiệp thông”, cái mà theo Thiên Chúa sự hiệp thông này ở tột đỉnh của lịch sử con người[2]. Trong một xã hội của sự đối đầu, của những khó khăn chung sống giữa các nền văn hóa khác nhau, của sự áp đảo trên những người yếu thế, của sự bất bình đẳng, chúng ta được mời gọi trao tặng một khuôn mẫu của một cộng đoàn, mà ngang qua sự công nhận nhân phẩm của mỗi người và của sự chia sẻ những ân huệ mà mỗi người chúng ta là những người mang ân huệ ấy, cho phép chúng ta sống mối tương quan huynh đệ.

Bởi vậy, các bạn là những người nữ và người nam của sự hiệp thông, các bạn hãy hiện diện với sự can đảm ở nơi có những phân biệt và căn thẳng, các bạn là những dấu chỉ đáng tin cậy của sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Người đã đổ đầy trong những trái tim tình say mến để tất cả trở nên một (x., Ga 17,21). Các bạn sống sự kết hợp thần bí của cuộc gặp gỡ: “khả năng nghe, lắng nghe người khác. Khả năng cùng nhau tìm kiếm những con đường, phương pháp[3], hãy để cho các bạn được soi sáng từ mối tương quan yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi (x., Ga 4, 8), là khuôn mẫu của mối tương quan giữa những con người.


       3. Ôm ấp tương lai với niềm hy vọng là mục đích thứ 3 của Năm này. Chúng ta biết những khó khăn mà chúng ta gặp phải trong đời sống thánh hiến dưới nhiều hình thức khác nhau: sự giảm sút ơn gọi và sự lão hóa, đặc biệt là ở phương Tây, những vấn đề không hoảng kinh tế tài chính, những thách đố của vấn đề đa văn hóa và toàn cầu hóa, những nguy hiểm của chủ nghĩa tương đối, gạt ra khỏi xã hội, những bất công xã hội… Chính trong những không chắc chắn này, chúng ta chia sẻ với những người đương thời, thực hiện niềm hy vọng của chúng ta, hoa trái của đức tin trong Thiên Chúa của lịch sử, Ngài tiếp tục lặp lại với chúng ta: “Đừng sợ… bởi vì Ta ở với con” (Gr 1,8).

Niềm hy vọng mà chúng ta đang nói tới không xây dựng trên những con số hoặc những công trình, mà trên Đấng trong đó chúng ta tín thác (x., 2 Tm 1,12) và bởi sự tín thác đó mà “không gì là không thể” (Lc 1,37). Là niềm hy vọng không lừa dối và cho phép đời sống thánh hiến tiếp tục viết nên những trang sử hào hùng trong tương lai. Ở tương lai này chúng ta luôn giữ hướng nhìn một cách ý thức Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta tiếp tục cùng với chúng ta làm nên những điều kỳ diệu.

Các bạn đừng nặng lòng ở những cám dỗ về con số và hiệu quả, tệ hơn nữa là tin cậy vào những nổ lực của riêng mình. Hãy dò xét kỹ lưỡng những góc cạnh của cuộc sống các bạn và của từng giây phút hiện tại trong sự tỉnh thức. Với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tôi lặp lại cho các bạn: “Các bạn đừng kết hợp với những ngôn sứ của những tai họa, họ loan báo sự tận cùng hoặc không có tinh thần của đời sống thánh hiến trong Giáo Hội trong thời đại của chúng ta; tốt hơn hãy mặc lấy Chúa Giêsu và mặc lấy vũ khí của sự sáng, như thánh Phaolo đã khích lệ (x., Rm 13,11 – 14), hãy tỉnh thức[4]. Chúng ta hãy tiếp tục và chúng ta làm mới lại luôn luôn hành trình của chúng ta trong sự tín thác vào Thiên Chúa.

Tôi hướng một cách đặc biệt về các bạn trẻ. Các bạn là hiện tại bởi vì các bạn đang sống cách sống động trong lòng Hội dòng của các bạn, dâng hiến sự đóng góp cách xác quyết với sự tươi trẻ và hào phóng của những lựa chọn của các bạn. Đồng thời các bạn là tương lai bởi vì chẳng bao lâu nữa các bạn được mời gọi nắm trong tay các bạn điều kiển năng động, việc đào tạo, sự phục vụ và truyền giáo của Hội Dòng bạn. Trong Năm này các bạn là những nhân vật chính trong việc đối thoại với thế hệ đi trước. Trong sự hiệp thông huynh đệ các bạn hãy làm giàu cho nhau bằng những kinh nghiệm và khôn ngoan, và đồng thời các bạn cũng có thể đề xuất những ý tưởng, hãy trao tặng cái đà và sự tươi trẻ hăng say của các bạn, như vậy để cùng nhau soạn thảo ra những hình thức mới sống Tin Mừng, những đáp trả luôn luôn thích ứng với những đòi hỏi làm chứng nhân của loan báo Tin mừng.

Tôi thật hài lòng khi biết rằng có nhiều cơ hội để các tu sĩ trẻ trong các Hội Dòng khác nhau gặp gỡ giữa họ. Gặp gỡ thông thường trở nên con đường của sự hiệp thông, của sự nâng đỡ và của sự hợp nhất.

II. Những mong đợi trong Năm đời sống thánh hiến

Tôi mong đợi điều gì ở đời sống thánh hiến trong Nam này?

    1. Đời sống thánh hiến luôn là như tôi đã nói một lần “Ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui”. Chúng ta được mời gọi cảm nghiệm và diễn tả rằng Thiên Chúa lấp đầy trái tim chúng ta và làm cho chúng ta hạnh phúc, không cần phải đi tìm một hạnh phúc khác ở một nơi khác; tình huynh đệ xác thực trong cộng đoàn nuôi dưỡng niềm vui của chúng ta; sự dâng hiến trọn vẹn trong sự phục vụ Giáo Hội, gia đình, người trẻ, người già, người nghèo. Chúng ta thực hiện như một nhân vị, họ trao tặng cho cuộc sống chúng ta nên tròn đầy.

Mong ước rằng giữa chúng ta không có những khuôn mặt buồn, những người không hài lòng, không thõa mãn, bởi vì một sự dâng hiến buồn là “một sự dâng hiến đáng buồn”. Chúng ta cũng vậy, như tất cả những người nam và người nữ khác chúng ta gặp phải những khó khăn, đêm tối của tinh thần, thất vọng, bệnh tật, sự suy tàn của năng lực theo sự già nua. Chính trong những điều đó chúng ta phải tìm thấy niềm vui hoàn hảo, học để biết khuôn mặt của Chúa Kitô, Ngài đã làm người giống chúng ta và bởi vậy, hãy chứng tỏ niềm vui chúng ta biết rằng chúng ta giống Ngài, vì tình yêu đối với chúng ta, Ngài đã không từ chối chấp nhận thập giá.

Trong một xã hội phô trương sự sùng bái hiệu quả, ý thức sức khỏe, sự thành công, hạ thấp người nghèo và loại trừ những người thua cuộc, chúng ta có thể làm chứng, bằng chính cuộc sống của chúng ta, sự thật của những lời Kinh Thánh: “Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,10).

Chúng ta có thể áp dụng cho đời sống thánh hiến những gì tôi đã nói trong Tông huấn Evangelii gaudium, được trích từ một bài huấn từ của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI “Giáo Hội lớn lên không bởi sự truyền đạo, mà bởi sự lôi cuốn” (số 14). Vâng, đời sống thánh hiến không lớn lên nếu chúng ta tổ chức những cuộc gặp gỡ đẹp đẽ về ơn gọi, nhưng nếu các người nam và nữ trẻ không gặp gỡ, không bị lôi cuốn từ chúng ta, nếu chúng thấy nơi chúng ta những người nam và người nữ hạnh phúc! Cũng vậy cái hiệu quả tông đồ không tùy thuộc vào hiệu quả và khả năng của những phương tiện. Cuộc sống của chúng ta phải nói được, là một cuộc sống tỏ lộ niềm vui và vẻ đẹp sống Tin Mừng và theo Chúa Kitô.

Tôi cũng lặp lại với các bạn những gì tôi đã nói trong đêm canh thức lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống với những phong trào của Giáo Hội: “Giá trị của Giáo Hội, một cách căn bản, là sống Tin Mừng và làm chứng cho đức tin của chúng ta. Giáo Hội là muối của đất, là ánh sáng cho thế gian, được mời gọi làm cho men của Nước Thiên Chúa hiện diện trong xã hội và làm điều đó trước hết bằng việc là chứng nhân của một tình yêu huynh đệ, của tình liên đới, của sự chia sẻ.


    2. Tôi mong ước rằng “các bạn thức tỉnh thế giới”, bởi vì tính cách đặc trưng của đời sống thánh hiến là tiên tri. Như tôi đã nói với các bề trên thượng cấp “sống tận căn Tin Mừng không chỉ đòi hỏi ở các tu sĩ, mà ở mọi người. Nhưng người tu sĩ theo Chúa Kitô cách đặc biệt, mang tính tiên tri”. Là cái đầu tiên được đòi buộc ngay bây giờ “là tiên tri, những người làm chứng như Chúa Giêsu đã sống trên thế gian này…không bao giờ một tu sĩ có thể chối vai trò ngôn sứ của mình” (29. 11. 2013).

Tiên tri nhận nơi Thiên Chúa khả năng dò xét lịch sử trong đó họ sống và để giải thích những biến cố xảy ra: như người lính canh, thức suốt đêm và biết khi nào bình minh đến (x., Is 21,11 – 12). Họ biết Thiên Chúa và biết những người anh chị em mình. Có khả năng phân định và tố giác những tồi tệ của tội lỗi và bất công, bởi vì họ tự do, họ không phải trả lẽ cho bất cứ một ông chủ nào khác ngoài Thiên Chúa, họ không có những quan tâm khác ngoài Ngài. Các tiên tri một cách thường lệ họ ở về phía người nghèo, những người thấp cổ bé miệng, bởi vì họ biết rằng Thiên Chúa cũng đứng về phía họ.

Bởi vậy tôi cũng mong muốn các bạn đừng cầm nắm những ảo tưởng, mà biết tạo ra “không gian khác”, ở đó người ta sống logic Tin Mừng của sự trao ban, của tình huynh đệ, của sự đón nhận những khác biệt, của tình yêu lẫn nhau. Những đan viện, những cộng đoàn, những trung tâm thiêng liêng, trường học, bệnh viện, căn nhà cho gia đình và tất cả những nơi khác, những nơi mà đức ái và sự sáng tạo của đặc sủng đã làm nảy sinh, và sẽ làm nảy sinh với sự sáng tạo cuối cùng, chúng phải luôn luôn trở nên là men của một xã hội được gợi hứng từ Tin Mừng, “một thành phố trên núi” nói lên sự thật và sức mạnh của lời Thiên Chúa.

Nhiều khi giống như đã xảy ra với Elia và Gioana, có thể xảy ra cám dỗ chạy trốn, thoát khỏi bổn phận tiên tri của mình, bởi vì nó quá đòi hỏi, mệt mỏi, thất vọng với những kết quả. Nhưng người tiên tri không bao giờ đơn độc. Như với tiên tri Gieremia, Thiên Chúa cũng bảo đảm với chúng ta rằng: “Đừng sợ…vì Ta ở với con để bảo vệ con” (Gr 1,8).


     3. Những người tu sĩ, cũng như tất cả những người thánh hiến khác họ được mời gọi sống “lão luyện sự hiệp thông”. Tôi mong muốn rằng tu đức của sự hiệp thông được đề nghị bởi Thánh Giáo Hoàng Gioan Paolo II, trở nên thực tại và các bạn là những người đứng hàng đầu trong việc đón nhận những thách đố lớn lao trước mắt chúng ta trong ngàn năm thứ 3 “Hãy làm cho Giáo Hội trở nên nhà và trường học của sự hiệp thông”[5]. Tôi tin chắc rằng trong Năm này các bạn sẽ làm việc cách nghiêm túc để ý tưởng về tình huynh đệ của các Đấng Sáng Lập được lớn lên ở nhiều mức độ khác nhau, như những vòng tròn đồng tâm.

Sự hiệp thông người ta sống trước hết trong chính bên trong cộng đoàn của mình. Tôi mời gọi các bạn hãy đọc lại những bài tham luận của tôi, trong đó tôi không mệt mỏi lặp lại rằng những phê bình, những tán gẫu, những đố kỵ, những ghen tương, những đối lập chúng không có quyền sống trong nhà của các bạn. Nhưng, hãy đặt lời hứa này, hành trình của đức ái luôn mở ra trước mắt chúng ta hầu như là không giới hạn, bởi vì người ta bàn về việc theo đuổi sự đón tiếp và quan tâm lẫn nhau, về thực hiện sự chia sẻ về vật chất và tinh thần; tu sửa huynh đệ, tôn trọng những người yếu thế… Là “thần bí” của sự chung sống, điều đó làm cho cuộc sống chúng ta trở nên “cuộc hành hương thánh”[6]. Chúng ta cũng tự vấn chính mình về mối tương quan giữa những người thuộc các nền văn hóa khác. Mong ước rằng các cộng đoàn của chúng ta luôn trở nên một cộng đoàn liên chủng tộc. Làm thế nào để mỗi người đồng thuận: bày tỏ, đón nhận những ân huệ đặc biệt, trở nên một cách tròn đầy tinh thần đồng trách nhiệm?

Hơn nữa tôi cũng mong đợi sự lớn lên việc hiệp thông giữa các Hội Dòng với nhau. Năm nay không thể là cơ hội để đi ra khỏi giới hạn của chính Hội Dòng mình với một tinh thần can đảm để cùng nhau soạn thảo, ở mức độ địa phương và toàn cầu, những chương trình chung của việc đào tạo, của loan báo Tin Mừng, của những can thiệp xã hội? Trong hình thức này, các bạn có thể trao tặng một cách hiệu quả hơn thực sự chứng nhân tiên tri. Hiệp thông và gặp gỡ giữa những đặc sủng và ơn gọi khác nhau là hành trình của niềm hy vọng. Không một ai xây tương lai một mình, cũng không chỉ với nổ lực của chính mình, nhưng là nhận biết trong sự thật của sự hiệp thông luôn luôn mở ra sự đối thoại, lắng nghe, giúp đỡ lẫn nhau và đề phòng cho khỏi bệnh “tự mình”.

Đồng thời đời sống thánh hiến cũng được mời gọi theo đuổi sự trợ lực chân thành giữa tất cả những ơn gọi trong Giáo Hội, khởi đi từ gian cung thánh đến cuộc sống thế tục, như vậy để làm lớn lên tu đức của sự hiệp thông trước hết ngay trong chính cộng đoàn Giáo Hội và sau đó là bên ngoài[7].

x Tôi còn chờ đợi nữa ở nơi các bạn những gì tôi muốn tất cả thành viên trong Giáo Hội: hãy ra khỏi chính mình để đi đến những vùng ngoại ô của cuộc sống. “Hãy đi khắp thế gian” là lời cuối cùng Chúa Giêsu đã nói với các Tông đồ và tiếp tục nói với chúng ta hôm nay (x., Mc 16,15). Có một nhân loại đang chờ: những người đã mất đi niềm hy vọng, những gia đình khó khăn, những người giàu dư thừa vật chất nhưng trống rỗng trong tâm hồn, những người nam và người nữ đang tìm hướng sống, khao khát sự thiêng liêng…

Đừng thu vào trong chính mình, các bạn đừng để mình chết ngạt vì những buồn chán nhỏ nhen trong nhà, đừng ở lại trong tù ngục của những vấn đề của các bạn. Những vấn đề này sẽ giải quyết nếu các bạn ra đi ra ngoài chính mình và giúp người khác giải quyết những vấn đề của họ và loan báo tin vui. Các bạn tìm cuộc sống trao ban cuộc sống, niềm hy vọng trao ban hy vọng, tìm tình yêu trao ban tình yêu.

Tôi đợi chờ nơi các bạn những hành động của sự đón tiếp những người tị nạn, gần gũi người nghèo, sáng tạo trong việc dạy Giáo Lý, trong loan báo Tin Mừng, trong lời cầu nguyện. Vì thế, tôi mong ước đơn giản hóa những thể chế, sử dụng lại những căn nhà lớn lao cho những nhu cầu của loan báo Tin Mừng và làm việc bác ái, điều chỉnh những cộng việc theo những nhu cầu mới.

Tôi mong ước rằng mỗi hình thức thánh hiến hãy tự tra vấn chính mình những gì Thiên Chúa và nhân loại đòi hỏi.

Những đan sĩ và những nhóm chiêm niệm có thể gặp gỡ nhau giữa họ hoặc liên kết trong những hình thức khác nhau để trao đổi những kinh nghiệm sống cầu nguyện, kinh nghiệm lớn lên như thế nào trong sự hiệp thông với cả Giáo Hội, kinh nghiệm làm thế nào nâng đỡ những Kitô hữu bị bách hại, làm thế nào đón nhận và đồng hành với những người tìm kiếm một đời sống thiêng liêng, hoặc họ cần nâng đỡ về đời sống luân lý hay vật chất.

Cũng vậy, những Hội Dòng chuyên về bác ái, giáo dục, thăng tiến về văn hóa, họ có thể đưa ra trong lời loan báo Tin Mừng, hoặc hướng về những tác vụ mục vụ đặc biệt, những tu hội đời sự hiện diện của họ trong xã hội. Sự độc đáo của Chúa Thánh Thần đã khai sinh những hình thức sống và những công trình khác nhau chúng ta không dễ dàng phân loại và sắp vào khuôn. Tôi không thể tường thuật lại hết mỗi đặc sủng. Tuy vậy trong Năm này đừng một ai tránh né việc đánh giá nghiêm túc sự hiện diện của mình trong đời sống Giáo Hội và hình thức mình đáp trả ở sự tiếp tục và những đòi hỏi mới đang nảy sinh xung quanh chúng ta, ở tiếng gào thét của người nghèo. Chỉ trong sự lưu tâm đến những nhu cầu của thế giới, trong sự ngoan ngùy dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Năm đời sống thánh hiến biến đổi thành một thời khắc xác thật, một thời gian dồi dào ân sủng của Thiên Chúa và của biến đổi.

III. Những triển vọng trong Năm đời sống thánh hiến
Với lá thư này, ngoài những nam nữ tu sĩ, tôi muốn hướng về giáo dân, họ chia sẻ những ý tưởng, tinh thần thần và truyền giáo. Một vài Hội Dòng có truyền thống từ lâu đời, những Hội Dòng khác thì có những kinh nghiệm mới đây. Thật vậy, xung quanh mỗi gia đình tu sĩ, cũng như các Tu đoàn Tông đồ và Tu hội đời tất cả hiện diện một gia đình lớn “gia đình của đặc sủng”, những Hội Dòng cùng một đặc sủng và trên hết những giáo dân, họ cảm thấy được mời gọi tham dự thực tại của đặc sủng trong chính điều kiện giáo dân của họ.

Tôi khuyến khích các bạn, những người giáo dân, hãy sống năm thánh hiến như thời gian của ân sủng, điều đó có thể làm cho các bạn ý thức hơn quà tặng cuộc sống mà các bạn đã đón nhận. Cử hành năm này cùng với “gia đình tu sĩ” để cùng nhau lớn và cùng nhau đáp trả ở lời mời gọi của Chúa Thánh Thần trong xã hội hôm nay. Trong một vài dịp, khi các Hội Dòng có những cuộc gặp gỡ, các bạn hãy hiện diện với họ như sự bày tỏ của quà tặng duy nhất của Thiên Chúa, như vậy để làm lớn lên những kinh nghiệm của các gia đình đặc sủng, của những nhóm giáo dân, làm giàu cho nhau và nâng đỡ lẫn nhau.

Năm đời sống thánh hiến không chỉ dành riêng cho các tu sĩ, mà cho toàn thể Giáo Hội. Vì thế, tôi hướng về toàn thể cộng đồng Kitô hữu, để họ nhận thức hơn nữa, sự hiện diện của biết bao tu sĩ nam nữ như là quà tặng, những người kế thừa của các vị thánh lớn, những người đã làm nên lịch sử của Kitô giáo. Giáo Hội sẽ thế nào nếu không có thánh Biển Đức và Basilio, không có thánh Augustino và Bernado, không có thánh Phanxico và thánh Đaminh, không có thánh Inhaxio thành Loyola và thánh Terêsa thành Avila, không có thánh Angela Merici và thánh Vincenzo de Paoli. Danh sách các thánh thì vô cùng, cho đến thánh Gioan Bosco và chân phước Têrêsa thành Caltutta? Chân phước Paolo VI đã khẳng định rằng: “Không có dấu chỉ cụ thể này, đức ái mà linh hoạt toàn thể Giáo Hội có nguy cơ nguội lạnh đi, nghịch lý cứu độ của Tin Mừng là không đo lường được, “muối của đức tin” bị pha loãng trong một xã hội tục hóa” (Evangelica testificatio, 3).

Tôi mời gọi tất cả cộng đoàn Kitô hữu sống Năm này, trước hết để tạ ơn Thiên Chúa và nhớ lại những hồng ân chúng ta đã đón nhận, và chúng ta vẫn còn đón nhận qua sự thánh thiện của các Đấng Sáng Lập nam và nữ, cũng như sự trung thành sống đặc sủng của biết bao tu sĩ. Tôi mời gọi tất cả hãy xiết chặt xung quanh những người thánh hiến để vui với họ, để chia sẻ cùng họ những khó khăn, để cộng tác cùng họ trong những điều kiện có thể để đạt đến sứ vụ và công trình của họ, cũng là của toàn Giáo Hội.

Tôi chúc tụng Thiên Chúa vì sự trùng hợp Năm đời sống thánh hiến với Thượng hội đồng về gia đình. Gia đình và đời sống thánh hiến là ơn gọi mang đến sự phong phú và ân huệ cho tất cả, là không gian của con người trong việc xây dựng mối tương quan cuộc sống, nơi loan báo Tin Mừng, nơi giúp đỡ lẫn nhau.

Với lá thư này tôi cũng muốn hướng những người thánh hiến, những anh em và những cộng đoàn thuộc về Giáo Hội truyền thống ngoài công giáo. Đan tu là di sản của Giáo Hội hiệp nhất, vẫn còn sống động cho đến hôm nay trong Giáo hội Chính Thống cũng như Công Giáo. Cũng như ở các kinh nghiệm thành công khác của thời gian, trong đó Giáo Hội Phương Tây vẫn còn hiệp nhất, chúng gợi hứng vận mệnh ban đầu trong các cộng đoàn giáo hội canh tân, những cộng đoàn này họ tiếp tục khai sinh trong họ những bày tỏ của đời sống huynh đệ và phục vụ.

Bộ tu sĩ đã lên chương trình khởi đầu để gặp gỡ những thành viên thuộc về những kinh nghiệm khác nhau của đời sống thánh hiến và huynh đệ trong các giáo hội khác. Tôi khuyến khích cách mạnh mẽ những cuộc gặp gỡ này để tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau, sự quý mến, sự cộng tác, trong hình thức đại kết của đời sống thánh hiến sẽ là một thuận lợi cho hành trình tiến về sự hợp nhất giữa các giáo hội.


    4. Chúng ta cũng không thể quên rằng phong trào đan tu và những nhóm huynh đệ hiện diện trong các tôn giáo lớn khác, họ không thiếu những kinh nghiệm, tình đoàn kết, đối thoại giữa các tu sĩ khác nhau trong các giáo hội khác nhau. Tôi mong ước là Năm đời sống thánh hiến là cơ hội lượng định lại hành trình, để những người thánh hiến bén nhạy trong lĩnh vực này, để chúng ta tự hỏi đâu là những bước cuối cùng thực hiện việc hiểu biết lẫn nhau sâu xa hơn, để cùng nhau đưa ra chương trình phục vụ chung cho con người trong nhiều lãnh vực khác nhau.

Cùng nhau bước đi luôn luôn là sự phong phú, làm giàu cho nhau và có thể mở ra những con đường mới giữa các dân tộc và văn hóa trong thời đại nhiều khó khăn.


     5. Cuối cùng tôi hướng về những người anh em của tôi trong Hội đồng Giám Mục, Năm này sẽ là cơ hội để đón nhận cách thân thiện với niềm vui đời sống thánh hiến như một vốn liếng thiêng liêng đóng góp vào lợi ích không chỉ cho những gia đình tu sĩ mà cho cả toàn thể thân thể Chúa Kitô (x,. Lumen gentium, 43). “Đời sống thánh hiến là quà tặng dành cho Giáo Hội, sinh ra trong lòng Giáo Hội, lớn lên trong Giáo Hội, hoàn toàn hướng về Giáo Hội[8]. Bởi vậy, là quà tặng dành cho Giáo Hội, không phải là một thực tại cô lập hay ngoài lề, mà thuộc về một cách sâu sa của Giáo Hội, ở ngay trong trái tim Giáo Hội như một yếu tố quyết định cho sứ mạng của Giáo Hội, vì nó diễn tả bản chất sâu xa của ơn gọi Kitô hữu và khao khát của Giáo Hội là Hiền Thê hướng về sự kết hợp sâu xa với vị Hôn Phu của mình; bởi vậy “đời sống thánh hiến thuộc về một cách không lay chuyển đời sống và sự thánh thiện của Giáo Hội (x., Lumen gentium, 44).
 
Trong bối cảnh này, tôi mời gọi các bạn, những mục tử của các Giáo hội địa phương, một sự mong muốn đặc biệt trong việc thăng tiến trong các cộng đoàn của các bạn những đặc sủng khác nhau, cả những đặc sủng lâu đời và mới, nâng đỡ, linh hoạt, giúp đỡ trong phân định, các bạn hãy gần gũi với một sự âu yếm và tình yêu đối với những người thánh hiến, những người gặp những hoàn cảnh đau khổ và yếu đuối, và trên hết với những lời dạy dỗ của các bạn hãy làm sáng trong giáo dân của các bạn giá trị của đời sống thánh hiến như thế làm cho đời sống thánh hiến phản chiếu vẻ đẹp và sự thánh thiện trong Giáo Hội.

Tôi phó thác cho Đức Maria, Đức Trinh Nữ của lắng nghe và của chiêm niệm, Người nữ Tông Đồ đầu tiên của Người Con yêu dấu Năm đời sống Thánh Hiến này. Ký thác cho Ngài, Người con gái được mến chuộng của Chúa Cha và được trang điểm bởi mọi ân sủng, chúng ta hãy nhìn lên Ngài như mẫu gương tuyệt hảo theo Chúa Kitô trong tình yêu Thiên Chúa và trong việc phục vụ tha nhân.

Cùng với các bạn, trong tâm tình biết ơn về những hồng ân và ánh sáng mà Thiên Chúa đã muốn làm giàu cho chúng ta, tôi đồng hành cùng tất cả các bạn với phép lành Tòa Thánh.

Từ Vatican, ngày 21 tháng 11 năm 2014, Lễ Đức Mẹ Dâng mình vào đền thờ
                                             Phanxico
 

[1] Lett. Ap. Los caminos del Evangelio, Thư mục vụ Những hành trình của Tin Mừng (Los caminos del Evangelio) viết cho nam nữ tu sĩ Châu Mỹ Latinh, nhân dịp 500 năm Tin Mừng được loan báo ở thế giới mới, 29 giungo 1990, 26.
[2] Thánh Bộ Tu sĩ, Religiosi e promozione umana, 12 agosto 1980, 24: Quan sát viên Roma, số 12 1980, 1- 8.
[3] Discorso ai rettori ed agli alunni dei pontifici Collegi e Convitti a Roma, 12 maggio 2014. (Bài diễn văn dành cho các hiệu trưởng và học sinh của các trường và nội trú ở Roma).
[4] Omelia nella Festa della Presentazione di Gesù al tempio, 2 febraio 2013. (Bài giảng lễ Dâng Chúa Giêsu trong đền thánh).
[5] Thư mục vụ Novo millennio ineunte, 6 tháng 1 2001, 43.
[6] Tông huấn Evangelii gaudium, 24 tháng 11 2013, 87.
[7] Giovanni Paolo II, Tông huấn hậu công đồng Vita consacrata, 25 tháng 3 1996, 51.
[8] Mons. J. M. Bergoglio, Intervento al Sinodo sulla ita consacrata e la sua missione nella Chiesa e nel mondo, XVI Congregazione generale, 13 ottobre 1994. (Bài tham luận ở hội nghị về đời sống thánh hiến và sứ mạng truyền giáo trong Giáo Hội và trong thế giới).

Tác giả bài viết: MTG Nha Trang chuyển ngữ
Nguồn tin: w2.vatican.va
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc