Anh chị em thân mến!
Ngày 8 tháng 12 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 150 năm công bố Thánh Giu-se là Quan thầy của Giáo hội Hoàn vũ, đã đánh dấu sự khởi đầu một năm đặc biệt tôn kính ngài (x. Sắc lệnh Tòa Ân giải Tối cao, 8/12/2020). Về phần mình, tôi đã hoàn tất Tông thư Patris Corde (“Với Tấm lòng người Cha”) nhằm mục đích “gia tăng lòng yêu mến đối với Thánh Cả Giu-se”. Quả thế, ngài là một người phi thường, đồng thời “rất gần gũi với trải nghiệm con người nơi mỗi chúng ta”. Thánh Giu-se không gây ấn tượng gì, ngài chẳng có đặc sủng độc đáo nào, cũng không xuất hiện đặc biệt trước mắt những ai gặp gỡ ngài. Dù chẳng nổi tiếng, thậm chí không nổi bật: ngay cả các sách Tin Mừng không hề thuật lại một lời nào của ngài, nhưng xuyên suốt cuộc sống thường nhật của mình, ngài đã hoàn tất điều gì đó phi thường trước mặt Thiên Chúa.
Thiên Chúa thấy tận đáy lòng (x. 1S 16, 7), và nơi thánh Giu-se, Người đã nhận ra trái tim của một người cha, hết lòng trao ban, cùng khơi dậy sức sống giữa bộn bề đời thường. Đây cũng chính là mục tiêu mà ơn gọi hướng tới: sản sinh và canh tân đời sống mỗi ngày. Chúa ao ước dệt nên tâm hồn của người cha, người mẹ: những con tim rộng mở, đầy sáng kiến lớn lao, quảng đại trao hiến thân mình, có lòng trắc ẩn, an ủi những lo âu và kiên định củng cố niềm hy vọng. Đây là những phẩm chất mà sứ vụ linh mục và đời sống thánh hiến rất cần đến hôm nay, đặc biệt vào thời điểm được đánh dấu bằng sự mong manh và đau khổ do cơn đại dịch gây ra, vốn khơi lên nỗi bấp bênh và sợ hãi về tương lai, cùng chính ý nghĩa của cuộc sống. Thánh Giu-se đến gặp gỡ chúng ta với cả lòng trìu mến của ngài, tựa như một trong “những vị thánh ở nhà kế bên qua viếng thăm”. Đồng thời, mẫu gương chứng tá hùng hồn của ngài có thể dẫn dắt chúng ta suốt chặng đường đời.
Thánh Giu-se gợi lên cho chúng ta ba từ khóa về ơn gọi của mỗi người. Từ đầu tiên là ước mơ. Mọi người đều có mơ ước trong đời, mong sao trở thành hiện thực. Thật chí lý để chúng ta nuôi dưỡng những hy vọng lớn lao, lòng khao khát cao cả, mà các mục tiêu chóng qua như thành công, tiền tài và thú vui không thể nào làm thoả mãn được. Quả thế, nếu yêu cầu mọi người diễn tả ước mơ của họ chỉ bằng một từ, thì chúng ta sẽ không dễ hình dung lời giải đáp: “được yêu”. Chính tình yêu mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, bởi lẽ nó lột tả mầu nhiệm của sự sống. Thật vậy, ta chỉ có sự sống, nếu ta chia san nó; ta chỉ thực sự sở hữu nó, nếu ta quảng đại cho đi mà thôi. Thánh Giu-se có nhiều điều muốn nói với chúng ta về chủ đề này, bởi vì, qua những giấc chiêm bao mà Thiên Chúa đã linh hứng, ngài đã biến cuộc sống của mình thành một tặng phẩm.
Các Tin Mừng thuật lại bốn giấc chiêm bao (x. Mt 1, 20; 2, 13.19.22), vốn là những lời mời gọi của Thiên Chúa, nhưng chẳng dễ dàng đón nhận chút nào. Sau mỗi giấc mơ, thánh Giu-se đã phải thay đổi kế hoạch của mình và chấp nhận rủi ro, hy sinh các dự định bản thân, ngõ hầu làm theo những chương trình huyền nhiệm của Chúa, Đấng mà ngài hoàn toàn tín thác. Nhưng có lẽ chúng ta tự hỏi: “Tại sao phải tin tưởng quá nhiều vào một giấc chiêm bao giữa đêm khuya cơ chứ?” Mặc dù trong thời cổ đại, giấc mơ được đánh giá rất hệ trọng, nhưng nó cũng chỉ là điều nhỏ nhoi, khi đối diện với thực tế cuộc sống cụ thể. Tuy nhiên, thánh Giu-se không hề do dự, vẫn để các giấc mơ này hướng dẫn mình. Tại sao vậy? Bởi vì tâm hồn ngài quy hướng trực tiếp về Chúa, ngài hằng sẵn lòng tựa nương vào Người. “Đôi tai nội tâm” luôn tỉnh thức của ngài chỉ cần một dấu chỉ nhỏ bé để nhận ra tiếng Chúa. Điều này cũng được áp dụng vào ơn gọi của chúng ta: Thiên Chúa không muốn tỏ mình ra cách ngoạn mục, bằng cách ép buộc sự tự do của ta. Người nhẹ nhàng thông truyền chương trình của Người cho chúng ta; Người không làm ta choáng ngợp với những thị kiến chói lọi, nhưng Người khẽ nói vào tận đáy lòng sâu thẳm của ta, Người tiến gần và chuyện trò với ta qua những tư tưởng và tình cảm của chúng ta. Do đó, như đã từng làm với thánh Giu-se, Người cũng đặt trước mắt chúng ta các chân trời sâu thẳm và đầy bất ngờ.
Quả thật, những giấc mơ đã dẫn thánh Giu-se đến vô vàn cảm nghiệm, mà ngài chưa bao giờ nghĩ tới. Trải nghiệm đầu tiên khiến việc đính hôn của ngài bị đảo ngược, nhưng lại biến ngài thành dưỡng phụ của Đấng Thiên Sai; trải nghiệm thứ hai buộc ngài phải trốn sang Ai-cập, nhưng nhờ vậy, đã cứu sống cả gia đình. Sau trải nghiệm thứ ba, ngài được báo tin trở về quê hương, thì trải nghiệm thứ tư khiến ngài thay đổi kế hoạch của mình lần nữa, đó là đưa Con trẻ và Mẹ Người trở lại làng Na-za-rét, chính nơi đó mà Đức Giê-su bắt đầu sứ vụ rao truyền Nước Thiên Chúa. Giữa tất cả những biến động đột ngột này, ngài tìm thấy lòng can đảm, hầu làm theo thánh ý Chúa. Trong ơn gọi cũng vậy: lời kêu mời của Chúa luôn thúc giục chúng ta bước ra để trao hiến bản thân, rồi kiên định tiến xa. Vì chẳng có niềm tin nào lại không chấp nhận rủi ro cả. Chỉ với lòng tin tưởng phó thác vào ơn Chúa, gạt qua một bên các chương trình và tiện nghi của riêng mình, thì ta mới có thể thực sự đáp lời “xin vâng” với Thiên Chúa. Và mỗi lời “xin vâng” đều sinh hoa kết trái, bởi lẽ nó thuộc về một kế hoạch lớn lao hơn, mà chúng ta chỉ thoáng nhìn thấy các chi tiết, nhưng Thiên Chúa tựa như người Nghệ nhân thông biết và xúc tiến, biến đổi mỗi mảnh đời thành một kiệt tác. Theo nghĩa này, thánh Giu-se là mẫu gương vô song, sẵn sàng đón nhận các kế hoạch của Thiên Chúa. Nhưng ngài đón nhận một cách chủ động: không bao giờ miễn cưỡng hoặc bỏ cuộc. Thánh Giu-se “chắc chắn không phải là người thụ động phó mặc, nhưng can đảm chủ động từ bỏ dứt khoát” (Thông tư Patris Corde, số 4). Xin ngài trợ giúp mọi người, cách riêng các bạn trẻ trong việc phân định, ngõ hầu biến những ước mơ mà Thiên Chúa dành cho họ thành hiện thực! Xin ngài khơi dậy trong họ lòng can đảm thưa lời “xin vâng” với Chúa, Đấng khiến mọi người luôn kinh ngạc, nhưng chẳng làm ai thất vọng bao giờ!
Từ khóa thứ hai đánh dấu hành trình và ơn gọi của thánh Giu-se, đó là: phục vụ. Các sách Tin Mừng cho thấy ngài hoàn toàn sống cho tha nhân và chẳng bao giờ sống cho chính mình. Dân thánh Chúa kêu cầu ngài như người bạn trăm năm rất thanh sạch, vốn được đặt trên khả năng yêu thương hết mực của ngài. Quả thật, khi giải thoát tình yêu khỏi mọi sự chiếm hữu, ngài rộng lòng cởi mở cho tinh thần phục vụ hiệu quả hơn. Sự quan tâm chăm sóc đầy yêu thương của ngài đã trải qua các thế hệ; nhiệt huyết chở che tận tình của ngài khiến ngài trở thành Thánh quan thầy của Giáo hội. Như ai biết sống hiện thân đời tận hiến trao ban, cũng sẽ thấu hiếu rằng ngài là Đấng bảo trợ cho ơn chết lành. Tinh thần phục vụ và lòng hy sinh của ngài chỉ có thể được nuôi dưỡng nhờ đức mến lớn lao: “Mỗi ơn gọi đích thật đều phát sinh từ tâm tình tự hiến, vốn là hoa trái của sự hy sinh chín chắn. Tương tự, thiên chức linh mục và đời sống thánh hiến cũng đòi hỏi dạng thức trưởng thành này. Bất kể ơn gọi của chúng ta là gì, dù kết hôn, độc thân hay sống khiết trinh, việc tự hiến sẽ chẳng trọn vẹn, nếu chỉ dừng lại ở lòng hy sinh; nhưng giả như đúng như thế, thì việc tự hiến sẽ có nguy cơ trở thành biểu thức của nỗi bất hạnh, buồn bã và thất vọng, thay vì trở nên dấu chỉ tươi thắm và hân hoan của tình yêu” (Tông thư Patris Corde, số 7).
Đối với thánh Giu-se, sự phục vụ như một lối diễn tả cụ thể về ơn tự hiến, nó không đơn thuần là dạng thức lý tưởng cao cả, nhưng còn trở nên quy luật sống thường ngày. Ngài đã ra sức tìm kiếm và sắp xếp một nơi cho Đức Giê-su chào đời; ngài hết lòng bảo vệ Người khỏi cơn thịnh nộ của Hê-rô-đê bằng cách nhanh chóng trốn sang Ai-cập; ngài vội vã trở lại Giê-ru-sa-lem khi Đức Giê-su bị thất lạc; ngài nỗ lực làm việc, hầu nuôi sống gia đình mình, ngay cả nơi xứ lạ quê người. Tóm lại, ngài thích nghi với các hoàn cảnh khác nhau bằng thái độ của một người không nản lòng nhục chí khi cuộc sống chẳng diễn ra như mong muốn; ngài lột tả tinh thần sẵn lòng, vốn là đặc tính tiêu biểu của những ai sống để phục vụ. Vì vậy, thánh Giu-se đón nhận nhiều cuộc hành trình và thông thường đầy bất ngờ, chẳng lường trước được: từ Na-za-rét đến Bê-lem cho cuộc điều tra dân số, rồi tới Ai-cập và trở về Na-za-rét, cũng như lên đền thờ Giê-ru-sa-lem hàng năm. Mỗi lần ngài vui lòng đối diện với những hoàn cảnh mới, không một lời than phiền, sẵn sàng hỗi trợ giải quyết. Chúng ta có thể nói rằng ngài là cánh tay dang rộng của Cha trên trời, hướng tới Con Một Người dưới trần gian. Vì vậy, ngài không thể không trở nên hình mẫu cho mọi ơn gọi, được mệnh danh là những đôi tay năng động của Chúa Cha, vươn đến con cái Người.
Do đó, tôi muốn ngẫm suy đến thánh Giu-se, ngài vừa là Đấng bảo vệ Đức Giê-su và Giáo hội, vừa là Đấng chở che cho các ơn gọi. Quả thật, tinh thần sẵn lòng phục vụ khiến ngài quan tâm che chở chu đáo. Tin Mừng thuật lại cho chúng ta: “Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập” (Mt 2, 14), cho thấy ngài mau mắn tận tuỵ với lợi ích gia đình. Ngài không lãng phí thời gian để phiền muộn về những gì ngoài tầm kiểm soát, thay vào đó, ngài hoàn toàn chú tâm đến những ai được trao phó cho mình. Sự chăm sóc chu đáo này là dấu chỉ của một ơn gọi đích thật, là chứng tá cuộc đời, vốn được tình Chúa đánh động. Thật là mẫu gương tốt đẹp cho đời sống Ki-tô hữu mà chúng ta trao hiến khi từ khước theo đuổi các tham vọng bản thân hoặc nuông chiều trong ảo tưởng, nhưng đúng hơn, biết quan tâm đến những gì Thiên Chúa giao phó cho chúng ta qua Giáo hội! Sau đó, Người tuôn đổ Thần Khí và ơn tác tạo của Người trên chúng ta; Người sẽ thực hiện những kỳ công nơi ta, như đã từng làm trong cuộc đời thánh Giu-se.
Cùng với lời mời gọi của Thiên Chúa, Đấng biến những ước mơ lớn lao nhất của chúng ta thành hiện thực, còn lời đáp trả của ta, vốn được cấu thành từ sự phục vụ quảng đại và lòng quan tâm chăm sóc chu đáo, thì đặc tính thứ ba xuyên suốt cuộc sống thường nhật của thánh Giu-se và ơn gọi Ki-tô hữu đó là sự trung tín. Thánh Giu-se là “người công chính” (Mt 1, 19), vốn kiên định mỗi ngày, âm thầm phục vụ Chúa và thi hành các kế hoạch của Người. Vào một thời điểm đặc biệt khó khăn trong đời, ngài cân nhắc mọi sự (x. Mt 1, 20). Ngài chẳng để bản thân chịu áp lực vội vã; không nhượng bộ cho cơn cám dỗ hành động hấp tấp, không đơn thuần làm theo bản năng hoặc chỉ sống cho thời điểm ấy. Thay vào đó, ngài kiên nhẫn suy xét mọi việc, và biết rằng thành công trong đời chỉ được xây dựng trên sự trung tín bền bỉ với những lựa chọn hệ trọng. Điều này phản ánh tính cần cù nhẫn nại, ra sức làm việc thợ mộc đơn hèn (x. Mt 13, 55), một nghề khá kiên định âm thầm, vốn chẳng tiếng tăm gì vào thời đó, nhưng mang lại nguồn cảm hứng đời thường cho biết bao ông bố, người lao động và Ki-tô hữu sau này. Bởi lẽ ơn gọi tựa như chính cuộc sống vậy, chỉ chín chắn nhờ lòng trung tín mỗi ngày mà thôi.
Lòng trung tín này được dưỡng nuôi thế nào? Đó là nhờ ánh sáng của niềm tín trung nơi Thiên Chúa. Những lời đầu tiên mà thánh Giu-se được nghe trong giấc mộng chính là lời mời gọi đừng sợ, bởi lẽ Thiên Chúa hằng trung tín với các lời hứa của Người: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng sợ” (Mt 1, 20). Đừng lo sợ: cũng là ngôn từ Chúa nói với các anh chị em yêu quý, bất kể những bấp bênh và do dự, lúc anh chị em cảm thấy như thể không trì hoãn ước muốn hiến dâng cuộc đời cho Người được nữa. Có lẽ giữa bao thử thách và hiểu lầm, Người lặp lại những lời này khi anh chị em tìm kiếm hầu làm theo thánh ý Chúa, bất kể nơi nào mà tìm thấy bản thân. Đó là những lời mà anh chị em sẽ được nghe một cách mới mẻ, trên mỗi bước hành trình ơn gọi, tựa như được trở về với tình yêu ban sơ của mình vậy. Hơn nữa, đấy là một điệp khúc song hành cùng mọi người như thánh Giu-se biết đáp lời “xin vâng” với Chúa, qua cuộc sống của họ, trong niềm tín trung mỗi ngày.
Lòng trung tín này là bí quyết của niềm hân hoan. Trong phụng vụ, có một thánh thi diễn tả “lòng mừng vui khôn tả” hiện diện trong ngôi nhà Na-da-rét. Đó là niềm hoan lạc của sự giản đơn, được những người quan tâm đến điều thật hệ trọng cảm nhận hằng ngày, cụ thể: tình thân gần gũi thấm đượm lòng trung tín với Thiên Chúa và tha nhân. Thật tốt lành dường nào, nếu cũng chính bầu khí đơn sơ và rạng rỡ, điều độ và tràn đầy hy vọng này, được thấm nhập vào các chủng viện, cộng đoàn dòng tu, và mọi giáo xứ chúng ta! Anh chị em thân mến, tôi cầu chúc mọi người cùng được cảm nghiệm niềm vui này, hết thảy những ai quảng đại biến Thiên Chúa thành ước mơ đời mình, ngõ hầu phục vụ Người nơi anh chị em, với cả lòng trung tín, mà nó vốn là chứng tá mạnh mẽ trong thời đại được ghi dấu bởi những lựa chọn chóng qua và bao nỗi xúc cảm không mang lại niềm hoan lạc vĩnh cửu. Nguyện xin thánh Giu-se, Đấng bảo trợ các ơn gọi, luôn đồng hành với anh chị em với cả trái tim người cha!
Lễ kính Thánh Giu-se, 19/3/2021, tại Đền thờ thánh Gio-an La-tê-ra-nô, Rô-ma.
Giáo Hoàng PHAN-XI-CÔ
Lm. Xuân Hy Vọng chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc