banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

Tin Vatican ngày 28 tháng 9 năm 2017

Đăng lúc: Thứ năm - 28/09/2017 23:38 - Người đăng bài viết: menthanhgia
Tin Vatican ngày 28 tháng 9 năm 2017

Tin Vatican ngày 28 tháng 9 năm 2017

ĐTC đã bổ nhiệm Đức TGM Savio Hàn Đại Huy (Hon Tai-Fai), Tổng thư ký Bộ truyền giáo, làm Tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Hy Lạp * ĐTC cám ơn và khuyến khích toàn thể Đại gia đình dòng Thánh Vinh Sơn Phaolô và ngài đề cao giá trị và thời sự tính của Thánh Nhân * Những chia sẻ lời Chúa trong bài giảng lễ tại nhà nguyện Thánh Matta

VATICAN. Hôm 28-9-2017, ĐTC đã bổ nhiệm Đức TGM Savio Hàn Đại Huy (Hon Tai-Fai), Tổng thư ký Bộ truyền giáo, làm Tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Hy Lạp.

Đức TGM Hàn Đại Huy dòng Don Bosco, năm nay 67 tuổi, sinh ngày 21-10 năm 1950 tại Hong Kong, thụ phong linh mục năm 1982 và năm 2010, ngài được ĐGH Biển Đức 16 bổ nhiệm làm TGM Tổng thư ký Bộ Truyền Giáo.

Sự kiện một vị không xuất thân từ trường ngoại giao Tòa Thánh được bổ nhiệm làm Sứ Thần Tòa Thánh, là điều khá họa hiếm.

Cùng ngày 28-9, ĐTC bổ nhiệm Cha Ryszart Szmydki, OMI, làm tân Phó Tổng thư ký Bộ truyền giáo.

Cha Szmydki người Ba Lan, năm nay 66 tuổi (1951), gia nhập dòng Hiến Sinh Thừa Sai Đức Mẹ Vô Nhiễm (OMI) năm 1970. Cha từng làm giáo sư tại Đại Học Công giáo Lublino ở Ba Lan, và làm thừa sai tại Camerun 2 năm. Năm 2010, Cha được bầu làm Giám tỉnh dòng OMI ở Ba Lan và tái cử năm 2013. Nhưng năm sau đó thì được bổ nhiệm làm Tổng thư ký Hội truyền bá đức tin, một trong 4 Hội Giáo hoàng truyền giáo. Ngoài tiếng Ba Lan, Cha Szmydki biết tiếng Ý, Pháp và Anh.

Hai bổ nhiệm trên đây cũng có liên hệ tới Giáo Hội tại Việt Nam vì nhiều hồ sơ, hoặc vấn đề, qua tay vị Phó Tổng thư ký và Tổng thư ký trước khi lên tới cấp cao hơn (Rei 28/9/2017)

 

ĐTC cám ơn và khuyến khích toàn thể Đại gia đình dòng Thánh Vinh Sơn Phaolô và ngài đề cao giá trị và thời sự tính của Thánh Nhân.

ĐTC bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp công bố hôm 27-9-2017, lễ kính Thánh Vinh Sơn Phaolô và cũng là dịp kỷ niệm 400 năm đoàn sủng của thánh nhân, dấn thân phục vụ và săn sóc người nghèo.

ĐTC nhắc đến sự kiện năm 1617, Thánh Vinh Sơn Phaolô bấy giờ 40 tuổi, đã khám phá ơn gọi, đoàn sủng, cứu giúp những người nghèo. Trong tư cách là một cha sở miền quê, ngài chứng kiến tình trạng lầm than trầm trọng về vật chất cũng như tinh thần của các nông dân. Được gọi đến bên giường của một người thợ xay bột sắp qua đời, cha xúc động đến tận thẳm sâu trong tâm hồn. Vinh Sơn Phaolô trước đó đã vào hàng giáo sĩ với chủ ý tiến thân trên đường ”công danh sự nghiệp”, nay ngài ý thức về sứ mạng đích thực là loan báo Tin Mừng và cứu giúp những người nghèo khổ.

Trong sứ điệp sau khi gợi lại những nét nổi bật trong cuộc đời và hoạt động bác ái của thánh Vinh Sơn Phaolô, ĐTC khẳng định rằng: ”Nơi trọng tâm Gia đình Vinh Sơn có sự tìm kiếm ”những người lầm than nhất và bị bỏ rơi”, với ý thức quyết liệt rằng mình không xứng đáng cung cấp cho họ những việc phục vụ khiêm tốn nhất của chúng ta” (Correspondance, Entretiens, documents, XI, 392).

 “Chứng tá bác ái của thánh Vinh Sơn mời gọi chúng ta luôn tiến bước, sẵn sàng để cho mình được cái nhìn và Lời Chúa làm cho ngạc nhiên. Chứng tá ấy yêu cầu chúng ta hãy có tâm hồn bé nhỏ, hoàn toàn sẵn sàng và khiêm tốn ngoan ngãn, thúc đẩy chúng ta sống hiệp thông huynh đệ và can đảm thi hành sứ mạng trên thế giới. Chứng tá của thánh Vinh Sơn cũng yêu cầu chúng ta loại bỏ những ngôn ngữ phức tạp, những thứ hùng biện tự tham chiếu và những gắn bó với an ninh vật chất, có thể trấn an nhất thời, nhưng không phú an bình của Thiên Chúa và thậm chí còn cản trở sứ mạng”.

            ĐTC cũng viết rằng: ”Đức bác ái không hài lòng với những tập quán tốt lành quá khứ, nhưng biết biến đổi hiện tại. Đó là điều càng cần thiết ngày nay, trong những biến chuyển phức tạp của xã hội hoàn cầu hóa, trong đó một số hình thức làm phúc bố thí và trợ giúp, tuy được những ý hướng quảng đại thúc đẩy, nhưng chúng có nguy cơ nuôi dưỡng những hình thức bóc lột và bất hợp pháp, không mang lại những lợi ích thực sự và lâu bền”.

            Sau cùng, ĐTC khẳng định rằng ”Tấm gương của thánh Vinh Sơn thúc đẩy chúng ta dành chỗ và thời giờ cho người nghèo, những người nghèo mới này nay, quá nhiều người nghèo hiện nay, biến những tư tưởng và cơ cực của họ thành của chúng ta, vì một Kitô giáo không có tiếp xúc với những người đau khổ thì trở thành một Kitô giáo thiếu thực tế, không có khả năng động chạm đến thân mình Chúa Kitô. Gặp gỡ người nghèo, dành ưu tiên cho người nghèo, mang lại tiếng nói cho người nghèo, để sự hiện diện của họ không bị thứ văn hóa phù du bóp nghẹt. Tôi nồng nhiệt hy vọng việc cử hành Ngày Thế giới người nghèo vào chúa nhật 19-11 tới đây sẽ giúp chúng ta ”trong ơn gọi theo Chúa Giêsu nghèo”, ngày càng trở thành dấu chỉ cụ thể rõ ràng hơn về tình bác ái của Chúa Kitô đối với những người rốt cùng và túng thiếu nhất, và phản ứng chống lại thứ văn hóa gạt bỏ và phung phí” (Sứ điệp ĐTC nhân Ngày Thế giới người nghèo 13-6-2017

 

Những chia sẻ lời Chúa trong bài giảng lễ tại nhà nguyện Thánh Matta

Đừng sợ nói sự thật về cuộc sống của chúng ta. Hãy nhìn nhận tội lỗi của mình, xưng thú với Chúa, để đón nhận ơn tha thứ. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Bệnh giả điếc làm ngơ

Bài Tin Mừng theo thánh Luca nói đến phản ứng của Hêrôđê trước việc Chúa Giêsu rao giảng. Có người nói Chúa Giêsu chính là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì nói là ngôn sứ Elia, hoặc là một ngôn sứ nào đó. Trước những nhận định ấy, Hêrôđê không biết phải nghĩ cách nào, nhưng ông cảm thấy có điều gì đó trong lòng. Có lẽ không chỉ là tò mò, nhưng còn là điều gì đó bất an. Và Hêrôđê tìm Chúa Giêsu để có thể trấn an tâm hồn. Ông muốn nhìn thấy phép lạ Chúa Giêsu làm, nhưng trong lần gặp mặt nơi cuộc Thương Khó, trước mặt Hêrôđê, Chúa không làm gì, Chúa không trở thành “gánh xiếc biểu diễn” cho ông xem. Thế nên, Hêrôđê trả Chúa Giêsu lại cho Philatô, và sau đó, Chúa bị kết án tử. Hêrôđê đã có thể nghe thấy điều gì đó trong nội tâm, nhưng ông phớt lờ. Đó là một căn bệnh.

Căn bệnh ấy chúng ta mắc phải khi làm điều gì đó xấu xa. Căn bệnh ấy rất khó nhìn thấy. Căn bệnh ấy chúng ta mang lấy và bị gây mê trong đó. Khi làm điều sai trái, chúng ta không chỉ ý thức về hành động sai trái ấy, mà còn cảm thấy điều gì đó hối hận, cảm thấy điều gì đó trong cơ thể, trong tâm hồn, trong cuộc sống. Nhưng căn bệnh ở chỗ: có cám dỗ làm cho chúng ta phớt lờ tất cả những cảm nhận ấy, làm cho chúng ta giả điếc làm ngơ.

Bệnh dịch đến từ đâu?

Thật là hồng ân lớn khi chúng ta cảm thấy rằng, lương tâm đang lên tiếng, đang buộc tội chúng ta, đang nói điều gì đó với chúng ta. Chẳng ai trong chúng ta thánh thiện cả, vì tất cả đều có tội, và chúng ta thường có xu hướng nhìn thấy tội người khác chứ không phải là tội của bản thân mình. Căn bệnh ấy, xu hướng tệ hại ấy, là bệnh dịch.

Nhưng bạn có biết được bệnh dịch này nằm ở đâu không? Làm thế nào để tống khứ bệnh dịch ấy khỏi chúng ta? Trước hết, hãy cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi! Thiên Chúa sẽ lắng nghe lời bạn nguyện cầu. Sau đó hãy nhìn vào cuộc sống của mình. Nếu tôi không nhìn thấy bệnh dịch nằm ở đâu trong con người mình, nếu tôi không thấy cách thức mà bệnh dịch ấy hoạt động, thì tôi cần trợ giúp từ người khác. Tôi cần gọi tên cụ thể căn bệnh trong con người tôi. Tôi cần nhận biết các triệu chứng của nó. Sau khi tôi tìm thấy, tôi hối tiếc về điều xấu mình làm, một cách hết sức cụ thể. Sự cụ thể rõ ràng ấy, chính là khiêm tốn thực sự trước mặt Chúa. Ví dụ, đặc biệt về cách trẻ em nói chuyện, cách trẻ em xưng tội. Các em nói rất cụ thể về những gì các em làm. Các em nói sự thật, và vì vậy, các em được chữa lành.

Xin ơn sám hối

Hãy học lấy sự khôn ngoan, khôn ngoan buộc tội chính bản thân mình. Hãy cảm nhận nỗi đau của các vết thương. Hãy nhận biết các triệu chứng của bệnh dịch trong tâm hồn. Hãy làm mọi cách để tìm ra gốc rễ của bệnh dịch ấy. Sau đó, hãy nhìn nhận và tự buộc tội chính mình. Đừng sợ ăn năn sám hối, vì đó là dấu hiệu của ơn cứu rỗi. Hãy biết sợ, khi đang tìm cách che giấu tội lỗi. Nếu chúng ta sám hối ăn năn, Chúa sẽ chữa lành chúng ta.

Xin Chúa ban ơn sủng, để chúng ta có đủ can đảm tự buộc tội chính mình, để chúng ta can đảm sám hối ăn năn, để chúng ta có đủ sức mạnh bước vào con đường tha thứ mà Chúa muốn tặng ban.

 


Nguồn tin: vi.radiovaticana.va
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc