KINH THÁNH NGUỒN LƯƠNG THỰC THIÊNG LIÊNG CỦA NGƯỜI TÍN HỮU

KINH THÁNH NGUỒN LƯƠNG THỰC THIÊNG LIÊNG CỦA NGƯỜI TÍN HỮU
Kinh Thánh không phải sách giáo khoa về lịch sử hoặc tác phẩm khoa học tự nhiên. Kinh Thánh là tài liệu của niềm tin về hành động Thiên Chúa đối với loài người. Kinh Thánh tuyên bố chân lý nền tảng, là châm ngôn của cuộc sống.
Kinh Thánh là gì? Nếu gõ hai từ “Kinh Thánh” vào Google để tra cứu, bách khoa toàn thư mở sẽ mở ra cho bạn một trang thật dài, thật chi tiết nói về Kinh Thánh[1]. Người ta sẽ bắt đầu như thế này: Kinh Thánh hoặc Thánh Kinh là từ ngữ để chỉ các văn bản thiêng liêng của nhiều niềm tin khác nhau, nhưng thường là các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham. Trang bách khoa này còn cho bạn biết rằng: Kinh Thánh là bộ sách bán chạy nhất mọi thời đại, ước tính mỗi năm có thêm 100 triệu bản và nó đã gây sức ảnh hưởng lớn về văn học và lịch sử, đặc biệt là ở phương tây, nơi mà nó là sách đầu tiên được in hàng loạt. Kinh Thánh có lẽ là bộ sách gây ảnh hưởng nhiều nhất trong lịch sử loài người. Số bản in Kinh Thánh vượt mọi sách khác. Kinh Thánh trọn bộ hoặc một phần đã được dịch sang hơn 2.100 ngôn ngữ của 90% dân số thế giới.
Người ta có trong tay cuốn Kinh Thánh và sử dụng nó theo mục đích và mối bận tâm của riêng mình. Dù với mục đích gì đi nữa thì có một điều chắc chắn rằng Kinh Thánh là nguồn vô song trong đó con người đi tìm sự thật và chân lý. Năm 1929, một tin chấn động loan truyền khắp thế giới, chiếm trang đầu các báo, lôi kéo chú ý độc giả và thay đổi đầu óc nhiều nhà khảo cổ Woolley vừa đào thấy những di tích của Đại Hồng Thủy dưới những ngọn đồi thành Ur[2]! Cuộc khám phá của Woolley mang một ý nghĩa to lớn: khoa học vừa chứng minh rằng một câu chuyện của Kinh Thánh Cựu Ước, mà tới lúc đó vẫn được người đời coi là hoang đường, thực đã tường thuật một biến cố thật sự đã xảy ra. Khoa học đã tỏ ra nó có thể lầm lẫn lâu năm, trong khi người tín hữu đơn giản nhất đã nắm được sự thật. Đành rằng coi những thành quả khảo cổ như những chứng minh cho sự chính xác của bản văn Kinh Thánh thì cũng là sai lầm. Vì rằng Kinh Thánh ít cần chứng minh hoặc cải chính. Kinh Thánh đâu phải sách giáo khoa về lịch sử hoặc tác phẩm khoa học tự nhiên. Kinh Thánh chỉ là tài liệu của niềm tin về hành động Thiên Chúa đối với loài người. Kinh Thánh không cần chứng minh hoặc phi bát như các định đề. Kinh Thánh tuyên bố chân lý nền tảng; Kinh Thánh là châm ngôn của cuộc sống.
Người Kitô hữu đi tìm gì trong Kinh Thánh?
Mẹ Giáo Hội chúng ta qua Công Đồng Vatican II xác định cách rõ ràng rằng: Thánh Kinh cùng với Thánh Truyền như là quy luật tối thượng của đức tin, bởi vì là sách được Thiên Chúa linh hứng và được ghi chép một lần cho mãi mãi […] Toàn thể việc rao giảng trong Giáo Hội cũng như chính nếp sống đạo của người Kitô hữu phải được Kinh Thánh nuôi dưỡng và hướng dẫn[3]. Còn đối với người nữ tu Mến Thánh Giá, Kinh Thánh là nguồn lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng đời sống thánh hiến, chị em đọc và suy niệm hằng ngày[4].
Chuyên mục này của góc học tập, xin được ghi lại những dẫn giải thần học về các hình ảnh, ngôn từ, phong cách ẩn dụ trong văn chương Kinh Thánh được trích từ Điển ngữ thần học Thánh Kinh để phần nào giúp có thêm chất liệu cho việc suy niệm hằng ngày, làm phong phú cho đời sống nội tâm, thêm đức tin và lòng mến, khám phá chân thiện mỹ của Kinh Thánh.



[2] X. Joseph Nguyễn Thế Thoại, 6.000 năm một bộ sách, Lưu hành nội bộ, tr. 4 - 6.
[3] Công Đồng Vatican II, Hiến chế tín lý về mặc khải Thiên Chúa Dei Verbum (ngày 18.11.1965), Bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội 2012, s. 21, tr. 209.
[4] Hiến Chương số 57.