RA ĐI

RA ĐI
Ánh đèn leo loét nơi nhà tạm cho nó thêm sức mạnh. Nhìn về phía chân trời, nó thấy ánh bình minh đang lên.

Cơn mưa chiều làm tan đi cái nóng oi bức của những ngày hè nhưng lại làm cho nỗi buồn trong lòng nó thêm day dứt. Nó buồn vì sắp phải chia tay cộng đoàn, rời xa những người nó yêu thương. Bao năm gắn bó cùng chị em nơi đây đã để lại trong lòng nó nhiều lưu luyến. Mọi thứ đã thay đổi kể từ khi có bài sai mới, kẻ ở lại, người ra đi.

Bài sai, một thực tại đã trở nên quá quen thuộc với những người sống đời tu, thế nhưng mỗi lần đối diện vẫn khiến người ta có cảm giác hoang mang lo lắng, không biết cuộc đời mình sẽ đi về đâu, sẽ như thế nào. Mỗi lần đối diện với bài sai nó lại thấy mình yếu đuối. Ngày xưa đó khi theo Chúa, nó nhủ với lòng mình rằng mình sẽ thật mạnh mẽ, sẽ theo Chúa đến bất cứ nơi đâu, làm bất cứ điều gì Chúa muốn. Thế nhưng, khi kinh nghiệm đường đời cho thấy những nỗi đau, những vấp ngã trong đời tận hiến, những va chạm trong đời sống chung, nỗi cô đơn, những khó khăn trong việc thực thi sứ vụ mới thấy con đường theo Chúa thật không dễ. Trong nó lại khao khát tìm một chốn nghỉ ngơi, một bến đỗ an toàn. Đôi lúc nó cũng thầm nghĩ trong lòng: Chúa ơi, ước gì con được đến một cộng đoàn thoải mái một chút, sống với những chị em dễ tính một chút, công việc nhẹ nhàng một chút, ước gì và ước gì...Nghĩ như vậy, song nó lại thấy mình quá ích kỷ, bởi chính nó đang đi tìm sự an toàn cho chính mình. Ngày xưa đó, Chúa đã nói với những người muốn làm môn đệ Chúa: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9, 58). Phải, cuộc đời của người đi theo Chúa đâu có chốn nghỉ ngơi. Con chồn, con chim còn tìm được chốn bình yên khi trở về với tổ, với hang của nó, còn người môn đệ Chúa đâu có tìm sự an toàn cho chính mình. Nhớ lại ngày xưa đó, trên hành trình dương thế, Chúa cũng đâu có được nghỉ ngơi. Cho đến lúc chết trên thập giá, Chúa cũng chẳng có chỗ tựa đầu. Rồi có biết bao cuộc đời các thánh nữa, nhất là những nhà thừa sai. Các ngài đã ra khỏi cuộc sống an toàn của mình mà đi đến những miền đất xa lạ, phải gánh chịu biết bao nhiêu khó khăn, bách hại vì Tin Mừng, để rồi chết ở một miền đất xa xôi không một ai thân thích. Đức Cha Pierre Lambert - Người Cha thiêng liêng của nó cũng vậy. Ngài đã ra đi theo tiếng gọi của Chúa, dấn thân cách quên mình nơi miền đất truyền giáo và không một lần quay trở lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Và ngày hôm nay, giữa thời đại dịch, có bao người đang vất vả, thức khuya dậy sớm để chuẩn bị những bữa cơm 0 đồng cho những người vô gia cư. Có biết bao những tình nguyện viên đến an ủi, giúp đỡ những người khốn khổ. Có biết bao y bác sĩ đang đánh đổi cả mạng sống của mình để chăm sóc cho những bệnh nhân Covid. Nghĩ đến đó, nó lại thấy hổ thẹn cho những dự tính của riêng mình.

Giữa đêm tối, nó đi về phía ánh sáng duy nhất trong nhà nguyện, lặng lẽ quỳ trước Thánh Thể Chúa, để rồi nó như nghe thấy bức thư được gởi đến cho chính mình.

“Gởi chị, bạn trăm năm của Đức Ki-tô!

Chị đã dâng hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa. Chị đã hy sinh tuổi xuân với bao mộng ước, gác lại tình cảm gia đình và bao mối quan hệ thân thương, chị đã từ bỏ tấm áo tự do hưởng thụ của thế gian để khoát vào mình tấm áo của sự khó nghèo, vâng phục và khiết tịnh. Để từ nay, chị “không còn sống cho chính mình nữa nhưng sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2Cr 5, 15). Hỡi chị, sự hy sinh của chị cao cả lắm. Chúa Giê-su hạnh phúc đón nhận chị. Giáo Hội vui mừng vì sự dâng hiến của chị. Cả thế giới nhìn vào chị, mong ước chị trở thành một hình ảnh khác của Đức Ki-tô đem Tin Mừng, tình yêu và ơn cứu độ của Chúa đến cho người khác. Cuộc sống hôm nay rất cần đến sự hiện diện của chị. Biết bao người tội lỗi, yếu đuối cần đến lời cầu nguyện của chị. Biết bao người đau khổ cần đến bàn tay chị chăm sóc, đỡ nâng. Biết bao người bơ vơ lạc hướng cần nơi chị những lời yêu thương, an ủi, lẽ nào chị lại tìm chốn bình yên, hay cứ ở trong vỏ bọc an toàn của đời mình. Chị hãy nhìn lên Đức Ki-tô, Đấng đã vì yêu thương mà hiến thân chịu chết. Chị hãy nhìn vào những nhà truyền giáo, các tình nguyện viên, các y bác sĩ... những người đang cống hiến xây dựng thế giới này. Chị hãy nhìn vào những người khốn khổ, những tâm hồn bị tổn thương, những người không có đức tin, những người bị bách hại, bơ vơ không nơi nương tựa, họ đang cần gì? Xin Chị hãy ra đi! Chị hãy can đảm xé toạt lớp vỏ bao bọc chị mà bước ra thế giới, đến những nơi mà Chúa muốn sự hiện diện của chị. Chị hãy làm ngọn nến tỏa sáng nơi tối tăm, là muối ướp cho cuộc đời thêm hương vị. Chị hãy đi chữa lành những đau thương của thế giới này. Hãy để cho những suy tư trăn trở của chị, mồ hôi của chị, nước mắt của chị, những giọt máu của chị thấm vào mảnh đất nơi chị được gieo và từ đó trổ sinh cho đời những bông hoa thơm ngát. Có như thế sự tận hiến của chị mới tròn đầy và cuộc đời chị mới thật sự ý nghĩa. Có thể cuộc sống ở cộng đoàn mới sẽ vất vả, có thể sẽ có những tổn thương là con tim rướm máu, có thể sẽ có những khác biệt khiến cuộc sống trở nên khó khăn, những lo toan trong việc thi hành sứ mạng... Nhưng chị đâu có cô đơn, chính Đấng chị yêu vẫn luôn ở bên chị. Vì chính Người đã nói “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối của con” (2Cr 12, 9). Có Ngài, chị sẽ có bình an dù cuộc đời có đưa đến cho chị muôn ngàn sóng gió.”

Hôm sau, chuyến xe đưa nó ra đi từ rất sớm đến nơi mà nó sống sứ mạng người nữ tu của mình. Ánh đèn leo loét nơi nhà tạm cho nó thêm sức mạnh. Nhìn về phía chân trời, nó thấy ánh bình minh đang lên.
 
Ai cũng có một cuộc đời để sống. Bạn có thể chọn sống một cuộc sống riêng của mình, làm những việc trong bổn phận, vun vén cho chính mình mà không cần phải cố gắng nhiều hơn, để rồi khi bạn ra đi thì cũng chẳng có gì đọng lại, nhưng khi bạn cống hiến một điều gì đó cho đời, bạn sẽ thấy cuộc sống của mình thật ý nghĩa biết bao!

Tác giả bài viết: Tomorrowljs