NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THINH LẶNG 1

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THINH LẶNG 1
Con người ngày nay đã đánh mất chìa khóa nhà mình: Sự thinh lặng


Con người ngày nay đã đánh mất chìa khóa nhà mình

Tiếng ồn đã thâm nhập cuộc sống con người ngày nay như một cơn sóng thần âm thanh tràn ngập mọi ngóc ngách. Bị chìm sâu trong làn sóng từ ngữ, chao đảo theo các ngọn gió truyền thông, bị ném như một vỏ sò rỗng tuếch lên bề mặt của chính mình, họ không còn biết mình từ đâu đến và sẽ đi về đâu, họ quên mất quê hương mình. Thậm chí họ cũng quên mất con đường về căn nhà lương tâm và mảnh vườn nội tâm của “lòng mình”.

Thinh lặng là một cái gì đó hơn hẳn sự vắng mặt của tiếng ồn, không phải là một điều gì xa xỉ chỉ dành cho các Đan sĩ hay những nhà tư tưởng đóng mình trong phòng kín, nhưng đấy là một nhu cầu sống chết cho con người, giống như không khí họ thở hay lương thực họ ăn. Vì điều này liên hệ chẳng những đến căn tính của con người, mà còn đến phẩm chất các tương quan và đến tương lai của toàn bộ đời sống xã hội…

Tại góc một con đường tấp nập, bị nhận chìm trong tiếng ầm ì của giao thông, đôi khhi nổi lên một câu bất thường: “Im lặng – bệnh viện”. Giữa một bài diễn văn và tiếng kèn đồng trước đài liệt sĩ, đôi khi người ta vẫn mời gọi “giữ một phút thinh lặng”! Chẳng lẽ ngày nay im lặng chỉ dành cho người bệnh và người chết thôi sao? Phải công nhận rằng nơi và lúc im lặng càng ngày càng trở nên hiếm hoi trong đời thường của đa số những con người ngày nay. Thậm chí ở nông thôn, tiếng hát của những dàn karaoke cả ngày lẫn đêm, với việc cơ giới hóa các công việc đồng áng, sự thinh lặng của người nông dân bước đi chầm chầm sau đôi bò đã trở thành một cảnh trong tranh từ lâu lắm rồi.

Nói như thế không phải là để vun xới cho một hoài niệm nào đó về thời vàng son thần thánh nhưng là để nhận thức một cách sáng suốt, về một cuộc cách mạng xã hội và văn hóa, mà cũng giống như bất cứ một cuộc cách mạng nào, có thể nảy sinh điều tốt và điều xấu cho tương lai nhân loại. Bản tin ngắn ngay khi ra khỏi giường. Chạy việt dã đến nơi làm việc. Tiếng ầm ầm của máy móc, hay những âm thanh của máy vi tính. Chuông điện thoại. Tiếng ồn trong các quán ăn hay nhà hàng. Lại xô lấn nhau trên bến xe ngoại ô hay tàu điện ngầm để về nhà. Truyền hình 24 giờ trên 24. Những nơi gọi là giải trí với âm lượng của ban nhạc hay của loa phóng thanh vượt đến một cường điệu điên đầu. Và những máy thu thanh bó túi cứ theo bạn cho đến các bãi biển nghỉ hè…

Thiếu thinh lặng, con người chẳng những sống ngoài lề của chính mình, nhưng còn thu hẹp mọi tương quan giữa người và người thành các qui ước xã hội lạnh nhạt và hời hợt. Chúng ta đã từng nhận thấy rằng ở nhiều bình diệ khác nhau, sự vắng mặt của đời sống nội tâm đem lại biết bao hậu quả cá nhân và xã hội.

Hàng loạt triệu chứng, ít nhiều trầm trọng; đã được các nhà tâm lý xã hội hay các nhà giáo dục phân tích rồi. Khi bị tróc rễ khỏi chiều sâu của chính mình, sự mỏng dòn và thiếu ổn định của một con người nhất thiết sẽ tác động đến cuộc sống của vợ chồng, của gia đình, của các nhóm xã hội. Trẻ em khó tập trung. Thuốc an thần hay thuốc ngủ ngày càng được dùng nhiều hơn. Thiếu khả năng thích nghi mãn tính. Dễ nổi giận, trầm uất. Nghĩ ngợi lan man. Tìm kiếm vô vọng để được thảnh thơi: ma túy và giáo phái…

Sự hụt hẫng, sự trống rỗng, mà nhiều người ngày nay cảm nhận, chứng tỏ rằng con người hẳn bỏ sót một chiều kích chủ yếu của chính mình. Làm sao mình có thể là mình khi không lên cao hay xuống sâu, không giữ thinh lặng? Một sự thinh lặng ở nhiều bình diện khác nhau: thể lý, tâm lý, tâm linh. Sự thinh lặng ấy tạo điều kiện quân bình bình cho đời sống và sự tăng trưởng của mình. Ai không chấp nhận thinh lặng người ấy không những đánh mất một nghê thuật sống, một phẩm chất của cuộc sống, mà còn đánh mất một bộ phận cơ hữu tạo nên con người sâu xa của mình.

Kierkegaard từng nói: “Nếu tôi là bác sĩ và người ta hỏi tôi khuyên gì? Thì tôi sẽ trả lời: Hãy giữ thinh lặng, hãy làm cho mọi người im tiếng!”. Cần chăng phải đề ra một “biện pháp trị liệu bằng thinh lặng” mà cơ quan Anh Sinh xã hội sẽ hoàn trả chi phí cũng như “biện pháp trị liệu bằng giấc ngủ”, thì con người ngày nay mới khám phá ra những ơn ích của thinh lặng?



Trích trong tập sách Những nẻo đường thinh lặng của Michel Hubaut