NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THINH LẶNG 10: MẶT SÁNG VÀ MẶT TỐI CỦA THINH LẶNG

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THINH LẶNG 10: MẶT SÁNG VÀ MẶT TỐI CỦA THINH LẶNG
Có những thinh lặng tốt và xấu, phản ảnh cả hai bộ mặt của chúng ta bộ mặt tối và bộ mặt sáng. Trong thinh lặng, chúng ta có thể tẩy rửa mình; thống nhất bản thân, nhưng cũng có thể tự hủy diệt mình.


MẶT SÁNG VÀ MẶT TỐI CỦA THINH LẶNG

Từ thời cổ đại, các nhà tư tưởng và luân lý thường nhắc đến bao nhiêu ân tích của sự thinh lặng trong đời sống cá nhân và tập thể của con người. Plutarque từng viết : «Tôi chưa bao giờ phải hối hận vì đã thinh lặng, nhưng thường hối hận vì đã nói quá nhiều». Và sự khôn ngoan dân gian cũng công nhận rằng nếu : «nếu nói là bạc… thì thinh lặng là vàng!».

Như vậy, trong mọi nền văn hóa, chúng ta cũng có thể nhặt ra những phương ngôn liên quan đến sự thinh lặng tế nhị, nó không rêu rao đầu làng cuối xóm những yếu đuối của anh chị em mình, nó tránh làm ô danh kẻ khác.

Sự thinh lặng nhẫn nại biết rằng có một thời để nói và một thời để im. Sự thinh lặng cẩn trọng cân nhắc từng lời và không vội lên án. Sự thinh lặng thông cảm biểu hiện bằng hành động hơn là bằng lời nói, một tình cảm chân thành đối với người bị thương tích trong tâm hồn hay trên thể xác. Sự thinh lặng khiêm nhường thừa nhận giới hạn của lý trí và hiểu biết của con người và chấp nhận mở lòng đối với một ánh sáng khác.

Trong truyền thống Kitô giáo, các bậc thầy về sa mạc và các nhà linh đạo lớn đã dành nhiều chương để ca tụng sự thinh lặng ; mà họ thường xem là khu đất màu mỡ cho các nhân đức đối thần, đức tin, đức cậy, đức mến, cho sự sống trong Chúa Thánh Thần; cho sự thánh thiện. Dựa trên kinh nghiệm bản thân, các ngài đã xem sự thinh lặng là một bặc thầy vô song; giúp mình phát triển khả năng tập trung vào Thiên Chúa; vào tha nhân, và như thế chuẩn bị cho mình điều khiển để thờ lạy Thiên Chúa và phục vụ con người.

Nhưng nếu chúng ta trân trọng sự thinh lặng, người bạn đồng hành đầy nhân bản thì cũng phải cảnh giác trước những hí họa về thinh lặng. Vì sự thinh lặng của con người, cũng như mọi thứ khác của con người, là một điều hàm hồ. Không phải bất cứ sự thinh lặng nào cũng đương nhiên là nhân đức, là lành mạnh, là dấu chỉ của sự khôn ngoan hay chiều sâu nội tâm. Trong số những người thinh lặng, ta gặp cả các vị thánh lẫn những tên tội phạm.

Chúng ta hãy tạm gợi lên vài mẫu gương trong hàng loạt các hí họa về thinh lặng, hay các sự thinh lặng xấu xa. Thinh lặng dửng dưng: xem người khác chỉ là bối cảnh cho một cuộc sống ích kỷ. Thinh lặng khinh bỉ: nhìn kẻ khác với cái nhìn trịch thượng. Thinh lặng khắc kỷ «làm chủ bản thân», mà những câu thơ nổi danh của Alfred de Vigny đã minh họa: «Chỉ có im lặng là cao cả, mọi thứ khác thì yếu đuối…than van, khóc lóc, nguyện cầu, đều hèn hạ như nhau».

Thinh lặng ngạo ngễ của một kẻ tự mãn, một người chỉ đáp lại, như lời của tác giả ấy «bằng một sự thinh lặng lạnh lùng, đối với sự Thinh Lặng vĩnh hằng của Thượng Đế» Thinh lặng kiêu căng: không chịu ngưỡng mộ và đón nhận những việc làm hoặc lời nói tốt lành nơi kẻ khác. Thinh lặng lười biếng: không muốn bỏ công tạo ra các mối liên hệ. Thinh lặng của kẻ ngu vì không có gì để nói ; nhưng lại muốn dùng sư câm lặng của mình để cho mọi người tưởng rằng tư tưởng của mình sâu sắc. Nhưng như lời cách ngôn: «Sự thinh lặng của kẻ ngu cũng giống như cũng giống như một cái tủ khóa kín».

Thinh lặng oán hờn: gặm nhấm những vết thương lòng và không muốn nối lại cuộc đối thoại bị gián đoạn. Thinh lặng yếu đuối: sợ phải dấn thân. Thinh lặng hèn nhát: cố gắng để khỏi bị liên lụy. Thinh lặng đồng lõa: đồng tình giữ kín. Thinh lặng phản bội: trốn tránh không đưa ra một chứng từ mà mọi người chờ đợi.

Như vậy, theo các hình ảnh trên, ta có những thinh lặng tốt và xấu, phản ảnh cả hai bộ mặt của chúng ta bộ mặt tối và bộ mặt sáng. Trong thinh lặng, chúng ta có thể tẩy rửa mình; thống nhất bản thân, nhưng cũng có thể tự hủy diệt mình.

Do đó, sự thinh lặng có thể biểu hiện sự tôn trọng hay lòng khinh bỉ, tình yêu hay hận thù, niềm vui hay đau khổ, suy tư hay ngu dốt, bệnh hoạn hay cởi mở…

Làm thế nào để biện phân giữa câm lặng chẳng hạn của kẻ ít nói, của kẻ học hằn, của kẻ oán hờn, của kẻ ghét người, của kẻ thu về mình; với sự thinh lặng của một hiền nhân?

Cách đầu tiên để phân định về phẩm chất của sự thinh lặng của mình, ấy là phân định về phẩm chất của tình yêu mình, của những tương quan của mình đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân.

Trích trong cuốn NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THINH LẶNG của Michel Hubaut