Những nẻo đường thinh lặng 7: Sự thinh lặng "được cư ngụ" xây dựng con người và sự cô lập hủy diệt họ

Những nẻo đường thinh lặng 7: Sự thinh lặng "được cư ngụ" xây dựng con người và sự cô lập hủy diệt họ
Sự thinh lặng “được cư ngụ” xây dựng con người và sự cô lập hủy diệt họ
 
Sự thinh lặng “được cư ngụ” xây dựng con người và sự cô lập hủy diệt họ

“Sự cô tịch gắn liền mật thiết với tự do thì cũng giống như lửa: nó có thể hâm nóng hay hủy diệt, thanh tẩy hay đốt cháy, làm cho sống hay làm cho chết. Cô tịch có thể là một vận may hay một nguy hiểm, một mối khích lệ hay một liều thuốc…”.

Những người rao bán những buổi gặp gỡ thường phao tin rằng sự cô tịch là một điều có hại cho con người. Thực ra, sự cô tịch không phải là một thực tại hoàn toàn tiêu cực. Như lời Francoise Dolto:

Cô tịch có thể là điều tốt nhất và là điều tệ nhất: “Một người bạn vô song, một kẻ thù truyền kiếp, sự cô tịch bồi dưỡng, sự cô tịch hủy diệt… Nó thúc đẩy chúng ta đạt đến và vượt qua các giới hạn”.

Nếu đối với truyền thống Kitô giáo, sự cô tịch và thinh lặng thường gắn liền chặt chẽ với nhau, thì truyền thống ấy không bao giờ lẫn lộn giữa thinh lặng của cô tịch tự nguyện, tạm thời hay vĩnh viễn – nó có thể là một nguồn sinh ích, nó xây dựng – và thinh lặng của sự cô lập – nó luôn làm nghèo và hủy diệt.

Đó là lý do vì sao, trong lòng Kitô giáo sự cô tịch và thinh lặng không phải là những giá trị và mục đích nội tại. Thinh lặng là một con đường dẫn đến “cõi lòng” được cư ngụ bởi Thánh Thần Tình Yêu viên mãn của Thiên Chúa. Trong sự viên mãn của sự hiện diện khôn tả này, con người cảm nhận được sự hiện diện đối với chính mình, với thế giới và với tha nhân.

Sự hiện diện thinh lặng cần đưa ta đến gặp gỡ với một Đấng đã hẹn ta, không phải để ngắm nghía một cách vô bổ, mà là để tiến hành một đối thoại yêu thương; giúp chúng ta liên lạc với mọi người và toàn thể mặt đất. Thời đại chúng ta thường nói đến tự do, giải phóng; và có vẻ như không nắm rõ rằng chính sự cô tịch cởi mở đó đã rèn nên những người hoạt động lừng lẫy nhất, những nhà tư tưởng sáng tạo nhất; và những vị thánh dũng cảm nhất.

Chỉ có sự thinh lặng “được cư ngụ” mới tương thích với cơ cấu và ơn gọi của con người. Nếu sự hiện diện của Thiên Chúa không còn được nhận biết hay tìm kiếm, thì sự cô tịch trở thành phi nhân. Hầu như không thể nào yêu mến sự cô tịch trở thành phi nhân. Hầu như không thể nào yêu mến sự cô tịch và sống thanh thản trong cô tịch mà không “tin” và không tin vào chiều kích nội tâm của con người và của thế giới, mà không mở lòng với Đấng Siêu Nhiên.

Nếu sự thinh lặng thu hút sự cô tịch và sự cô tịch mời gọi sự thinh lặng, thì sự gặp gỡ của chúng ta không phải là điều đương nhiên! Vì ta có thể tạo ra bao nhiêu tiếng ồn trong đầu mình ngay giữa sa mạc và giữ thinh lặng giữa đám đông. Ta có thể đầy ắp với bản thân và các vấn đề của mình trong một Đan Viện và hoàn toàn thong dong giữa lòng thế giới. Sự thinh lặng là một cái gì đó đi xa hơn sự rút lui trong không gian: đó là một thái độ nội tâm.

Kinh nhiệm cho thấy rằng có những sự thinh lặng sung mãn mà không cần cô tịch, và có những sự cô tịch mà không có thinh lặng đích thực. Chúng ta thường gặp những người nam nữ lên án rằng cái thế giới náo động và ồn ào này là nguyên nhân của sự “chán sống” của họ và họ mong muốn đi vào cô tịch. Nhưng đôi khi, nếu họ bị ném ngoài ý muốn vào cô tịch vì những hoàn cảnh bất ngờ, thế là tiếng than trách của họ lại càng cay đắng hơn nữa. Cuối cùng, họ có được sự cô tịch từng ước mong như một không gian tự do, và thế là sự cô tịch ấy trở nên khó chịu đựng hơn cả sự náo động và tiếng ồn.

Những khao khát ầm ĩ, những ức chế khôn nguôi đã đi theo họ. Đầu óc họ tràn ngập, ý chí họ bị dằn xéo vì những mong muốn trái ngược. Trong sự cô tịch ấy, họ không tìm được sự thinh lặng đích thực, nhưng là một sự chán ngán mênh mông, một sự trống rỗng chết người và rốt cuộc đe dọa sự quân bình của họ. Đôi khi chúng ta mong ước được cô tịch vì chúng ta nghĩ rằng nó làm cho chúng ta được nghỉ ngơi xa tiếng ồn. Trên bình diện tâm lý, do tác động tương phản, điều đó đúng ở giai đoạn đầu, nhưng hiếm khi kéo dài nếu chúng ta chỉ gặp được bản thân mình mà thôi! Trong trường hợp này, không phải là tiếng ồn mà chính sự cô tịch sẽ nhanh chóng trở thành hỏa ngục. 

Trích trong tập sách NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THINH LẶNG của Michel Hubaut