THẦY LÀ ĐƯỜNG

THẦY LÀ ĐƯỜNG
Lời Chúa: Cv 6,1-7; 1 Pr 2,4-9; Ga 14,1-12
 
Chúa Giê-su đã nhiều lần báo trước cho các môn đệ là Ngài sẽ ra đi, nhưng các ông không hiểu nổi. Chúa cũng nói là Ngài sẽ trở về với Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài đến trần gian, nhưng họ vẫn không hiểu. Họ không hiểu được con đường Ngài sẽ đi, đơn giản là vì con đường đó là con đường thập giá. Mặc dù không hiểu nhưng không ai dám hỏi lại, ngoại trừ Tô-ma. Ông là người quá thật thà đến độ chẳng bao giờ thỏa mãn với những câu nói mơ hồ. Ông muốn biết chắc chắn nên đã hỏi lại Chúa Giê-su. Điều lạ lùng là chính câu hỏi của một môn đệ hoài nghi đã khiến Chúa Giê-su nói lên một điều vĩ đại. Vì thế, không nên xấu hổ về những nghi ngờ của mình; ngược lại sự thật lạ lùng và đầy hạnh phúc sẽ đến với bất cứ kẻ nào ra công tìm kiếm.     

Chúa Giê-su bảo Tô-ma: “Thầy là Đường Đi, là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy”. Với chúng ta đây là một câu quan trọng. Nhưng đối với người Do thái, nghe câu phát biểu ấy lần đầu tiên còn quan trọng hơn nhiều. Trong câu đó, Chúa Giê-su đã lấy 3 quan điểm căn bản của Do thái giáo, và đưa ra lời tuyên xưng phi thường là trong Ngài, cả 3 quan niệm ấy đã được thực hiện đầy đủ.
 
1. Trước hết, Chúa Giê-su phán: “Thầy là Đường Đi”. Dân Do thái đề cập rất nhiều đến con đường người ta phải đi, và đến các đường lối của Thiên Chúa. Mô-sê dặn dò dân Do thái như sau: “Anh em hãy đi đúng con đường mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã truyền cho anh em, để anh em được sống, được hạnh phúc và được sống lâu trên mặt đất mà anh em sẽ chiếm hữu” (Đnl 5, 33). Ông còn nói với họ: “Vì tôi biết rằng sau khi tôi chết, chắc chắn anh em sẽ ra hư hỏng và sẽ đi ra ngoài con đường tôi đã truyền cho anh em” (Đnl 31,29). Tác giả Thánh vịnh 27 cầu nguyện như sau: “Xin dạy con đường nẻo Ngài, lạy Chúa” (27,11). Dân Do thái biết rất nhiều về con đường của Chúa mà loài người phải đi. Trong bối cảnh đó, Chúa Giê-su phán: “Thầy là Đường Đi”. Chúa Giê-su muốn nói gì?
 
Chẳng hạn chúng ta đến một thành phố xa lạ và hỏi thăm đường đi, có người chỉ dẫn như thế này: “Đến ngã tư thứ nhất, anh rẽ sang phải, đến ngã tư thứ hai thì rẽ sang trái, đi ngang qua công viên, vượt qua một nhà thờ, đến ngã tư thứ ba, rẽ sang phải nữa…, con đường anh tìm là con đường thứ tư bên trái”. Nếu chỉ dẫn như thế, có thể đi được nửa đường chúng ta đã bị lạc. Nhưng nếu có người nói “Hãy theo tôi, tôi sẽ dẫn anh đến đó”, người ấy sẽ là đường đi cho chúng ta, và ta sẽ chẳng lạc đường được. Đó là việc Chúa Giê-su đang làm cho chúng ta. Ngài không chỉ đưa ra những lời khuyên dạy hay những lời chỉ bảo, nhưng Ngài còn nắm lấy bàn tay và dẫn chúng ta đi. Ngài cùng đi với chúng ta, đích thân Ngài thêm sức cho chúng ta, hướng dẫn chúng ta trong từng đường đi nước bước mỗi ngày. Không phải Ngài chỉ cho chúng ta con đường, mà chính Ngài là Đường Đi cho chúng ta.
 
2. Thứ đến, Chúa Giê-su phán: “Thầy là Sự Thật” (Thầy là Chân Lý). Tác giả Thánh vịnh 25 nói: “Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ con, vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con” (Tv 25,5) và “Đường chân lý này con đã chọn, quyết định của Ngài con khao khát đợi trông” (Tv 119,30). Rất nhiều người nói với chúng ta về chân lý, nhưng chưa hề có ai thực hiện được chân lý. Điều tối quan trọng trong chân lý đạo đức là thực hiện chân lý đó trong đời sống. Một giáo sự dạy học chẳng hạn, tư cách đạo đức của ông chẳng ảnh hưởng bao nhiêu đến lời ông giảng dạy về hình học, về thiên văn hay về ngữ pháp. Nhưng nếu có người muốn dạy về những bổn phận đạo đức thì tư cách đạo đức của người ấy là vấn đề hệ trọng. Một người ngoại tình mà dạy cần phải sống chung thủy, một kẻ tham lam tiền bạc mà lại đi dạy về giá trị của lòng hào hiệp, một kẻ chuyên lấn át người khác mà dạy về đức khiêm nhường, một kẻ dễ cáu giận mà lại dạy về vẻ đẹp của sự thanh thản, một người hay cay cú mà dạy về tình thương, một kẻ nói dối như cuội mà lại dạy về sự thành thật, thì nhất định phải thất bại. Bởi vì chân lý đạo đức không chỉ truyền đạt bằng lời nói mà phải truyền đạt bằng gương sống. Chưa có vị thầy nào thực hiện được chân lý mình đã dạy, ngoại trừ Chúa Giê-su. Nhiều người có thể nói: “Tôi đã dạy chân lý cho bạn”, nhưng chỉ một mình Chúa Giê-su nói: “Thầy là Chân Lý”. Điều phi thường nơi Chúa không phải là những lời phát biểu về sự hoàn hảo đạo đức đã đạt đến tuyệt đỉnh trong Ngài, nhưng ở sự kiện chính Ngài là hiện thân của sự hoàn hảo đạo đức.
 
3. Sau cùng, Chúa Giê-su phán: “Thầy là Sự Sống”. Tác giả sách Châm ngôn nói: “Vì huấn lệnh là ngọn đèn, lời dạy dỗ là ánh sáng, và lời quở trách bảo ban là đường dẫn tới sự sống” và “Người giữ lời nghiêm huấn thì đi trong đường sống” (Cn 6,23; 10,17). Tác giả Thánh vịnh 16 nói: “Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống” (16,11). Phân tích cho cùng thì điều loài người luôn luôn tìm kiếm là sự sống. Người ta không tìm tri thức chỉ vì tri thức, nhưng tìm những gì tri thức đem lại cho đời sống, làm cho cuộc đời đáng sống. Một nhà văn đã cho nhân vật si tình trong truyện của ông nói rằng “Anh chưa hề biết sống là gì cho đến khi nhìn thấy sự sống trong đôi mắt em”. Tình yêu đã đem sự sống đến. Đó là điều Chúa Giê-su làm. Sống với Chúa Giê-su là sống thật, vì Ngài thật là Sự Sống.
 
Hơn thế nữa, trong khi các vị giáo chủ các tôn giáo khác một khi đã chết là chết luôn, còn Chúa Giê-su đã chết nhưng đã sống lại, như lời Ngài đã phán: “Thầy là Sự Sống Lại và là Sự Sống”; vì thế, Ngài có thể ban sự sống đời đời cho chúng ta.

Để tóm tắt các điều đó, Chúa Giê-su phán: “Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy”. Chỉ một mình Chúa Giê-su là con đường đến với Chúa Cha. Chỉ trong Ngài, chúng ta mới biết được Thiên Chúa là Đấng nào; và chỉ một mình Ngài đưa chúng ta đến với Chúa Cha mà chúng ta không phải sợ hãi và xấu hổ. Vậy thì chúng ta còn chờ gì nữa mà không chạy đến với Chúa Giê-su, nhất là Chúa Giê-su ngự trong bí tích Thánh Thể để Ngài thông ban tràn trề Sự Sống của Thiên Chúa cho. Amen.

Tác giả bài viết: JBP