BIẾT MÌNH

BIẾT MÌNH
Lời Chúa: Hc 27, 4 - 7; 1 Cr 15, 54 - 58; Lc 6, 39 - 45

Nhiều người thắc mắc không hiểu tại sao trong xã hội Việt Nam ta hiện nay đầy dẫy những cái xấu: trộm cướp, giết người xảy ra ở khắp nơi; tham nhũng, cửa quyền, chung chi, gian lận ở khắp các cơ quan Nhà Nước; dối trá, lường gạt ở mọi tầng lớp xã hội. Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là do con người Việt Nam hôm nay không tốt, nên những điều xấu nảy sinh trong gia đình và xã hội.
Các Ki-tô hữu chẳng những phải nên tốt lành thánh thiện, không chỉ để cho mình mà còn để lành mạnh hóa xã hội. Vì thế mà việc đọc, suy niệm Lời Chúa và đem ra thực hành là vô cùng cần thiết.
 
Biết mình không phải là chuyện dễ dàng. Ở một đền thờ nổi tiếng bên Hy lạp, có khắc câu: Hãy biết mình.
Chẳng ai gần mình bằng chính bản thân mình, vậy mà tôi vẫn là một bí ẩn đối với tôi. Người ta thích làm những bản trắc nghiệm để biết về chỉ số thông minh, về tâm lý, tính tình… nhưng để biết mình cần trắc nghiệm bằng cả cuộc đời.
 
Chuyện kể rằng một đôi vợ chồng trẻ vừa dọn đến một khu phố mới. Một buổi sáng nọ, người vợ thấy bà hàng xóm giăng tấm vải trên giàn phơi thì thốt lên: “Tấm vải bẩn thật! Bà ấy không biết giặt”. Người chồng nhìn thấy thế nhưng vẫn im lặng. Cứ như vậy cho đến một hôm, người vợ nói với chồng: “Anh nhìn kìa! Bây giờ bà ấy đã biết cách giặt tấm vải rồi. Ai đã dạy bà ấy nhỉ?”. Người chồng đáp: “Không. Sáng nay anh dậy sớm và đã lau kính cửa sổ nhà mình đấy”.
 
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói về chuyện thấy mình. Tôi không thấy cái xà nơi mắt tôi. Tôi chỉ muốn thấy nơi mình toàn những điều trong sáng, tốt đẹp, giỏi giang.
Càng có địa vị cao, càng thành công nhiều, càng có uy tín, tôi càng khó chấp nhận, tôi càng khó thấy những nhược điểm của mình. Những người dưới quyền cũng không dám góp ý, nên tôi lại càng dễ nghĩ là mình đã thực sự hoàn hảo.
Sống trên đời, chúng ta giống như một người đeo hai cái giỏ. Cái giỏ phía trước mặt thì đựng những sai lỗi của người khác, còn cái giỏ phía sau lưng thì chất đầy những sai lỗi của bản thân. Vì thế, chúng ta thường nhìn thấy rất rõ những sai lỗi của người khác để phê bình chỉ trích, trong khi những sai lỗi của bản thân thì lại chẳng nhìn thấy.
 
“Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh”, vì người khác khó tự mình lấy được, và thật khó chịu khi có rác trong mắt. Nhưng phải làm điều đó với rất nhiều yêu thương và khiêm hạ, bởi lẽ chúng ta biết mình cũng cần anh em giúp lấy rác khỏi mắt mình.
Đơn giản là phải thấy cái rác và cả cái xà trong mắt mình trước, nhờ người lấy ra dùm, sau đó mới thấy rõ để đi giúp người anh em. Giúp nhau lấy rác trong mắt nhau, giúp nhau thấy rõ hơn sự thật về mình, đó là công việc bác ái thường ngày mà chúng ta làm cho nhau.
Như thế Hội Thánh của chúng ta sẽ gồm những người sáng mắt, nhờ biết xin người khác lấy rác ra khỏi mắt mình, và giúp họ lấy rác của họ.
 
Chúa Giêsu còn cho ta những nguyên tắc nhận định.
Nguyên tắc thứ nhất: xem quả thì biết cây. Quả ở đây là đời sống thực sự của người đó, là những việc họ làm. Nếu nhìn kỹ công việc của một người, chúng ta có cơ may biết họ là ai. Chúa Giêsu nói lên một luật tự nhiên của cây cỏ. Cây tốt sẽ sinh trái tốt, cây bị sâu sẽ sinh ra trái không ngon.
Người công chính được nhận biết qua đời sống tốt lành của họ, qua những thử thách họ đã vượt qua, qua những hy sinh họ dâng hiến. Người bất chính sẽ lộ ra qua đời sống xấu xa.
Đời sống và hành động của một người phản ánh con người thật của họ. Bụi gai không sinh được trái vả, bụi rậm không cho được trái nho. Bụi gai và bụi rậm chẳng thể nào sinh hoa trái tốt đẹp. Đời sống là tiêu chuẩn để nhận ra người môn đệ thật của Chúa Giêsu.
 
Nguyên tắc thứ hai: lòng có đầy, miệng mới nói ra. Lời nói là hoa quả của lòng dạ con người. Lời nói chính là sự bộc bạch của tâm hồn. Lời nói cho biết con người, và những gì họ chất chứa trong lòng. Lời nói chứa đầy những tư tưởng, tình cảm, đam mê của người nói. Như thường lệ, Chúa Giêsu kéo ta chú ý đến nội tâm con người. Chẳng có luật lệ bên ngoài để xét xử lời nói. Chính lời nói biểu lộ phẩm chất, con người của họ. “Người tốt rút ra từ kho tàng tốt lành của mình những điều tốt đẹp. Người xấu rút ra từ kho tàng xấu xa của mình những điều xấu xa”. Lời nói bộc bạch loại kho tàng mà người nói cất giấu trong mình.
 
Sống ở đời chúng ta liên tục phải đưa ra những phán đoán. Có những phán đoán về người khác: đúng, sai, tốt, xấu. Giáo dục một người là giúp người đó có được phán đoán khách quan.
Khi Chúa Giêsu dạy các môn đệ đừng xét đoán, Ngài không bảo họ đừng đưa ra những phán đoán hay nhận định. Ngài cũng không coi thường những phán quyết của quan tòa. Đơn giản Ngài chỉ muốn chúng ta tránh một khuynh hướng dễ gặp, đó là chỉ trích phê phán, bới lông tìm vết đối với tha nhân.
Các môn đệ sẽ phải là những nhà lãnh đạo dân Chúa. Họ không thể là những người dẫn đường mù lòa. Chỉ với cặp mắt sáng, họ mới có thể chu toàn nhiệm vụ dẫn dắt những người còn trong bóng tối ra ánh sáng bình minh. Nếu không, mù dắt mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố.
Người lãnh đạo sáng suốt là người biết mình, biết cái mạnh, cái yếu, cái hay, cái dở của mình. Họ phải thấy rõ cái xà, hay thậm chí cái rác nơi mắt mình. Thiếu thái độ tự phê phán nghiêm túc, họ không thể dẫn dắt người khác.
 
Xin được mượn lời cầu nguyện của thánh Augustinô để kết thúc: – Domine, noverim te et noverim me. Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con. Biết Chúa để nhờ đó con sẽ yêu mến Chúa nhiều hơn. Biết con để nhờ đó sẽ uốn nắn sửa đổi những sai lỗi khuyết điểm, hầu luôn sống đẹp lòng Chúa. Amen.

Tác giả bài viết: Gioan Bosco