CON ‘ĐẦY TỘI’, CHÚA ‘ĐẦY TÌNH’

CON ‘ĐẦY TỘI’, CHÚA ‘ĐẦY TÌNH’
Lời Chúa: Lc 7, 36 - 40

“Ở đâu tội lỗi đầy tràn, ở đó ân sủng càng chan chứa”.

Kính thưa Anh Chị em,
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói đến ‘tội tình’. Ở đâu có tội, ở đó có tình; ở đâu có tình, tội được giảm khinh. Các biệt phái nhìn người khác như kẻ ‘có tội’; Chúa Giêsu nhìn họ như người ‘cần tình’.

Tin Mừng kể chuyện những gì xảy ra tại nhà biệt phái Simon. Biết Chúa Giêsu ở đó, một phụ nữ đến, mang theo lọ dầu thơm; đứng phía chân Ngài, bà khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Ngài, bà lấy tóc lau, xức thuốc thơm và hôn chân Ngài. Simon tự nhủ, ‘Nếu ông này là tiên tri thì phải biết người đàn bà đang động đến mình là ai, thuộc hạng người nào, một đứa ‘đầy tội’’. Câu nói của Simon biệt phái thật thú vị, thú vị ở chỗ, Chúa Giêsu là tiên tri của các tiên tri, Ngài biết phụ nữ chạm vào mình thuộc loại nào; Ngài biết tội của bà, biết ở một mức độ lớn hơn nhiều so với những gì Simon biết. Vì những lý do đó, Ngài đã đối xử với bà theo cách của Ngài, một cách ‘đầy tình’.

Vậy thì phụ nữ này thuộc hạng người nào? Đó là một phụ nữ, cũng là một tội nhân, đang thực lòng thống hối. Chính nỗi đau buồn của bà về tội lỗi mình đã mở ra trái tim Chúa Giêsu và Ngài kịp đổ ‘đầy tình’ xót thương cho bà. Buồn thay, Simon biệt phái không thể nhìn quá bề mặt, ông nhìn bà ‘đầy tội’; ông trách Chúa Giêsu vốn sẽ ‘nhiễm uế’ vì bà ấy; đang khi Ngài lại nhìn thấy thấu suốt tâm can bà, để cho bà đụng vào Ngài. Simon không thể hiểu tại sao Chúa Giêsu lại để cho mình phải ‘nhiễm uế’ bởi một người ‘đầy tội’ như thế. Vậy mà, khi để mình ‘nhiễm uế’ bởi tội nhân, Chúa Giêsu dạy cho Simon cũng như dạy chúng ta một bài học ‘đầy tình’; đó là sự khác biệt giữa tội lỗi với tội nhân. Ngài không chấp nhận tội lỗi, nhưng đón nhận tội nhân; không đồng tình với tội lỗi, nhưng động lòng với tội nhân; không khoan nhượng với tội lỗi, nhưng khoan dung với tội nhân.

Một câu hỏi khác còn thú vị hơn, tại sao người phụ nữ ‘đầy tội’ này lại dám tỏ tình cách công khai với một Giêsu ‘đầy tình’ giữa thế giới các đấng mày râu, đang khi truyền thống Do Thái không cho phép phụ nữ xuất hiện kiểu như thế? Phải chăng bà đã khám phá một điều gì đó trong trái tim ‘đầy tình’ của con người Chúa Giêsu, một Thiên Chúa làm người vốn không thể giấu kín lòng thương xót của Người đang bộc lộ qua ánh mắt nhân từ và đầy lòng trắc ẩn của con người Giêsu. Phải chăng trái tim khô héo vì tình của bà nay đang được ngụp lặn trong suối nguồn tươi mát từ trái tim đầy tình của Chúa, khiến bà không còn sợ hãi để đến gần con người đầy tình xót thương này.

Thư Côrintô hôm nay cho thấy Thánh Phaolô biết mình là ai, biết Chúa Giêsu là ai. Phaolô coi mình là một người ‘đầy tội’, “Tôi đã bắt bớ Hội thánh của Thiên Chúa”; và coi Chúa Giêsu là một người ‘đầy tình’, “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta”. Chính Thiên Chúa, Đấng ‘đầy tình’ đã xót thương đổi mới con người Phaolô, từ một con người ‘đầy tội’ trở thành sứ giả loan báo một Thiên Chúa ‘đầy tình’, “Nhưng nay tôi là người thế nào là nhờ ơn Thiên Chúa”. Thật chí lí, Thánh Vịnh đáp ca hôm nay trào tràn niềm vui, “Hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa nhân từ”, một niềm vui phục sinh của những ai vốn là người ‘đầy tội’ được xót thương; và đến lượt mình, kỳ diệu thay, họ ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh, “Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa”.

Thật thấm thía khi chúng ta cùng đọc lại những lời của Thánh Caesario, “‘Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương’. Anh em thân mến, tiếng ‘thương xót’ thật là dịu êm. Tiếng ‘thương xót’ mà đã êm tai như thế, thì chính lòng thương xót lại còn dịu ngọt biết bao! Ai cũng muốn được người ta thương xót, nhưng đáng tiếc, không phải ai cũng xử sự để đáng được xót thương; người nào cũng muốn nhận mà ít kẻ muốn cho. Này bạn, sao bạn dám chường mặt xin điều mà bạn vẫn chối khéo? Ai muốn được thương xót trên trời, phải biết xót thương dưới đất”.

Anh Chị em,
Chúa Giêsu biết lòng dạ mỗi người, Ngài thấy rõ những gì chất chứa ở đó hơn bất cứ ai có thể nhìn thấy, kể cả đương sự. Ngài biết ở đó cố chấp hay buồn phiền; cáu kỉnh hay thờ ơ; khắt khe hay nhân ái. Ngài biết tất cả và sẽ hành động ‘đầy tình’, sao cho phù hợp nhất vì không gì có thể lừa dối Ngài. Hãy để Ngài đi vào những giờ phút cầu nguyện của mình, Ngài sẽ tiết lộ tội lỗi và sự yếu đuối của mỗi người; Ngài sẽ làm điều đó với sự dịu dàng, thương xót và nhen lên ở đó ngọn lửa thống hối. Và nếu đáp ứng, chúng ta cũng sẽ được Ngài chào đón như đã chào đón người phụ nữ tội lỗi. Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con ‘đầy tội’, Chúa ‘đầy tình’, xin xót thương con; xin đừng để con rơi vào cạm bẫy đoán xét anh em, cho con biết đối xử ‘đầy tình’ với họ như Chúa đã đối xử ‘thắm tình’ với con”, Amen.

Tác giả bài viết: Lm. Minh Anh, Tgp Huế