GÁNH VÁC LẤY NHAU

GÁNH VÁC LẤY NHAU
Nguyễn gẫm Lời Chúa, thứ 6 tuần I Thường Niên B
Tin Mừng Mc 2, 1-12  

Vài ngày sau, Đức Giê-su trở lại thành Ca-phác-na-um. Hay tin Người ở nhà,2 dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết. Người giảng lời cho họ.3 Bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giê-su một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. 4 Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống.5 Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.”6 Nhưng có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng:7 “Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa? “8 Tâm trí Đức Giê-su thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ: “Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy?9 Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: “Con đã được tha tội rồi”, hai là bảo: “Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi”, điều nào dễ hơn? 10 Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, -Đức Giê-su bảo người bại liệt,-11 Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà! “12 Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: “Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ!
* * *

1-     Một kẻ bại liệt có bốn người khiêng
Người ta sống không chỉ bằng sức khỏe, nhưng còn bằng tương quan liên đới nữa. Vì thế, khi hình dung ra những gì mà bài Tin Mừng kể lại, chúng ta không thể không được đánh động bởi hình ảnh một người bại liệt, được bốn người khiêng; và chắc chắn chung quanh còn có nhiều người nữa. Và điều đánh động chúng ta nhất, có lẽ không phải là tình cảnh người bại liệt, nhưng là sự liên đới của nhiều người đối với người bại liệt. Hình ảnh này vẫn còn rất phổ biến trong đời sống của chúng ta, nhất là ở bệnh viện và ở những trung tâm hành hương: người bệnh không bao giờ đi một mình và cũg không thể đi một mình; và cũg không nên, hay thậm chí không được để người bệnh đi một mình.

Và trong cuộc sống, chúng ta cần tình liên đới biết bao; thậm chí, chúng ta không thể sống mà không có tình liên đới. Thật vậy, trong cuộc sống, nhất là trong đời sống cộng đoàn, chúng ta được mời gọi mang vác nhau, nhất là mang vác những người thân yêu, những chị em đau yếu, và rộng hơn, những chị em yếu đuối, yếu kém hay chịu thiệt thòi do hoàn cảnh hoặc thân phận hơn. Và một ngày kia, và ngày này không thể tránh được, chính chúng ta cũng sẽ được những người chị em của chúng ta mang vác, mang vác đi «loanh quanh» (đến thầy thuốc hay bệnh viện để chữa bệnh), và rồi cuối cùng, mang vác chúng ta đến đặt trước mặt Đức Giêsu trong nhà nguyện này để cầu nguyện tiễn biệt và để chúng ta tham dự thánh lễ lần cuối, trước khi đưa chúng ta đến nơi an nghỉ cuối cùng! Và lúc ấy, chúng ta chỉ còn có thể cậy dựa vào lòng tin của mọi người, nhất là của chị em và của những người thân yêu mà thôi.

Thực ra, mỗi người trong chúng ta cũng đã từng được mang vác đấy thôi, khi chúng ta còn bé hay những lúc đau yếu; và chúng ta vẫn được Chúa và chị em, những người thân yêu mang vác mỗi ngày; có điều là chúng ta nhiều khi mù quáng không nhận ra. Sự liên đới này được kể lại khắp nơi trong các Tin Mừng và đã khiến cho Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, phải động lòng, như bài Tin Mừng hôm nay kể lại.

Giờ đây, chúng ta hãy ý thức mình luôn được Chúa Giê-su và tha nhân mang vác để đến phiên chúng ta, chúng ta cũng sẵn sàng và vui vẻ mang vác chị em chúng ta.
 
2-  Lòng tin tạo ra tình liên đới
Trong bài Tin Mừng, không chỉ có tình liên đới, nhưng còn có lòng tin; và chính lòng tin tạo ra tình liên đới trong lời kêu cầu, trong ơn chữa lành và ơn cứu độ. Và một lòng tin mãnh liệt đến độ sáng tạo ra những phương thế lạ lùng và táo bạo, khi gặp trở ngại:  Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống!

Đó một lòng tin mạnh đến độ có thể nhìn thấy được. Và quả thực, Đức Giê-su đã nhìn thấy lòng tin của họ. «Lòng tin của họ», nhưng họ là những ai? Là những người khiêng vác người bại liệt, là những người tỏ tình liên đới với người bại liệt. Như thế, lòng tin không chỉ có thể cứu chính mình, như Đức Giê-su hay nói: «lòng tin của con đã cứu con» (Lc 7, 50), nhưng còn có thể cứu người khác nữa, như trường hợp ở đây, và nhiều trường hợp khác nữa trong các Tin Mừng. Chính vì thế mà chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho nhau, cho những người còn sống, cũng như cho những người đã qua đời. Bởi vì, Chúa cũng mến thương những người chúng ta thương mến trong Chúa. Chúng ta thương mến ai thì Chúa cũng thương mến người ấy.

Như thế, đau khổ bệnh tật thuộc về thân phận phải chết của con người, nhưng trong thực tế, lại là cơ hội làm phát sinh tình liên đới, tình thương, sự hòa giải và hiệp nhất. Đó chính là điều Chúa mong chờ để thi ân và bày tỏ tình yêu và lòng thương xót. Chúng ta có xác tín điều này không?
 
3-     Ơn lành bệnh và ơn tha thứ
Nhưng còn có một điều đáng ngạc nhiên khác nữa, mà bài Tin Mừng đặc biệt nhấn mạnh, đó là ơn tha thứ Đức Giê-su ban cho người bại liệt: «Này con, tội con đã được tha tội rồi»; trong khi tất cả mọi người, trong đó có người bệnh và cả chúng ta nữa hôm nay nghe bài Tin Mừng này, đều chờ đợi một điều khác, đó là phép lạ chữa lành thể lý.

Bình thường, Đức Giê-su chữa bệnh rồi mới tha tội; nhưng trong trường hợp này, tại sao Ngài cố ý tha tội trước rồi mới chữa bệnh, và lại còn so sánh hai hành động này nữa:  Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: “Con đã được tha tội rồi”, hai là bảo: “Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi”, điều nào dễ hơn.

Trong bài Tin Mừng, không có câu trả lời, chính là để cho người thuộc mọi thời trả lời, trong đó có chính chúng ta hôm nay. Thật vậy, chữa lành thể lí đúng là việc khẩn cấp, mọi người đều muốn. Được lành bệnh, phục hồi sức khỏe, cho dù là quan trọng cho cuộc sống, nhưng đâu có thể giải quyết được hết mọi vấn để của cuộc sống, nhất là những vấn đề sâu xa như những vết thương lòng, những cảm thức tội lỗi, sự không bình an và bị «bại liệt» với bản thân, với người khác và nhất là với Thiên Chúa. Như thế, ơn tha thứ không thể là «tự động» được, nhưng liên quan đến tự do của ngôi vị, liên quan đến ơn chữa lành con tim, chữa lành tâm hồn, được giải thoát khỏi sự dữ.

Và đây là một việc lâu dài và rất khó khăn: chúng ta có thật sự xác tín mình được bao dung tha thứ bởi mầu nhiệm Thập Giá của Đức Ki-tô chết cho chúng ta, ngay khi chúng ta còn là tội nhân không? Chúng ta có nhận ra gốc rễ của tội chưa? Chúng ta đón nhận ơn chữa lành khỏi sự dữ chưa? Chúng ta đã sống ơn tha thứ đã nhận được chưa, nhất là đã diễn tả tình yêu và lòng biết ơn của chúng ta dành cho Chúa và lòng bao dung chúng ta dành cho nhau chưa? Nếu không, chúng ta sẽ tự biến mình trở thành bất xứng với ơn tha tội, như trường hợp người tôi tớ được chủ tha món nợ kết xù không cách gì trả nổi nhưng lại bóp cổ xiết nợ người bạn chỉ nợ mình một món nợ cỏn con.
 
4-     Ơn tái tạo
Giả như, phép lạ chữa lành có xẩy ra, thì sức khỏe đâu có tồn tại mãi. Người bại liệt được Đức Giê-su chữa lành; nhưng một ngày kia, anh lại bị «liệt» trở lại, và lần này sẽ mãi mãi không thể đứng dậy được.

Vì thế khi nhìn ngắm hình ảnh người bại liệt đứng dậy vác giường đi về nhà, bằng lời của Đức Giê-su: «Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà», đôi mắt của chúng ta được mời gọi nhận ra một ân huệ lớn hơn ơn huệ chữa lành thể lí, mà Chúa muốn ban cho mỗi người chúng ta. Bởi vì chính chúng ta cũng đã từng bị và có thể đang bị bại liệt, trong tương quan với mình, với Chúa và với nhau. Bại liệt này vô hình, nhưng lại có hiệu quả hữu hình: chúng ta im lặng, tiêu cực, lẩn trốn, đóng kín, tính toán, tẩy chay… Chính Lời bao dung tha thứ của Chúa làm cho chúng ta đứng dậy, chữa lành, tái tạo chúng ta để chúng ta có sức mạnh và tình yêu để đảm nhận gánh nặng (hình ảnh tự vác giường, thay vì để cái giường nó vác mình), đi về nhà, nghĩa là tái hòa nhập với những người thân yêu trong hòa giải và hiệp nhất.

Đức Giê-su đến để cho con người được sống và sống dồi dào. Và sự sống đích thực này được trao ban cho chúng ta, không phải bằng những phép lạ chữa bệnh (xét cho cùng, con người làm được chuyện này bằng nền y học càng ngày càng hiệu quả), nhưng là bằng lời tha thứ, lời tái tạo, lời phục hồi: Này con, con đã được tha tội rồi.

Và Lời này chỉ có thể đến từ Thiên Chúa mà thôi. Lời tha thứ tái tạo, tuy vô hình, nhưng lại có những hiệu quả hữu hình, khi làm cho chúng ta hòa giải với bản thân, với người khác và với Thiên Chúa, qua đó, làm cho chúng ta sống dồi dào ngay trong thân phận con người và ngay trong những hoàn cảnh đầy thách đố, sinh lão bệnh tử này.
 
 
Cầu nguyện:
 
Lạy Chúa, xin ban cho con đức tin lớn hơn hạt cải,
để con làm bật rễ khỏi lòng con/ những ích kỷ và khép kín.
Xin cho con đức tin can đảm
để con chẳng sợ thiệt thòi khi trao hiến,
chẳng sợ từ bỏ những gì con cậy dựa xưa nay.
Xin cho con đức tin sáng suốt
để con thấy được thế giới/ mà mắt phàm không thấy,
thấy được Ðấng Vô hình, nhưng rất gần gũi thân thương,
thấy được Ðức Kitô nơi những người nghèo khổ.
Xin cho con đức tin liều lĩnh,
dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân,
dám tiến bước trong bóng đêm
chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa,
dám lội ngược dòng với thế gian
và khước từ những mời mọc quyến rũ của nó.
Xin cho con đức tin vui tươi,
hạnh phúc vì biết những gì
đang chờ mình ở cuối đường,
sung sướng vì biết mình được yêu
ngay giữa những sa mù của cuộc sống.
Cuối cùng, xin cho con đức tin cứng cáp
qua những cọ xát đau thương của phận người,
để dù bao thăng trầm dâu bể,
con cũng không để tàn lụi niềm tin
vào Thiên Chúa và vào con người. Amen.
 

Tác giả bài viết: Gioan Bosco