NGƯỜI ĐÃ DÌM MÌNH TRONG DÒNG NƯỚC SÔNG GIORDAN

NGƯỜI ĐÃ DÌM MÌNH TRONG DÒNG NƯỚC SÔNG GIORDAN
Lời Chúa: Is 42,1-4.6-7; Cv 10,34-38; Lc 3,15-16.21-22

Hôm nay, Giáo Hội long trọng kỷ niệm việc Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Gio-đan. Con Thiên Chúa nhập thể sống giữa nhân loại như một người tôi tớ khiêm hạ. Ngài vô tội nhưng đã hạ mình xuống để làm gương cho chúng ta, để chúng ta thấy rằng chính chúng ta mới đích thực là những tội nhân. Trong tình trạng đó, con người chúng ta chẳng những cần được cứu rỗi, tẩy sạch bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần trong phép Rửa Tội, mà còn phải luôn thanh tẩy trong suốt đời sống mình bằng sự sám hối ăn năn.

Là những Ki-tô hữu đã được tái sinh trong bí tích Rửa Tội, bổn phận của chúng ta là phải luôn giống Chúa Ki-tô, là mặc lấy Ngài, sống và cư xử đúng vị thế của người được Thiên Chúa yêu thương, để cũng được trở nên đồng thừa kế với Chúa Ki-tô.

Lời Chúa trong lễ kính nhớ việc Chúa Giêsu chịu phép rửa soi sáng và mời gọi chúng ta sống tâm tình ấy.

Có một ông chủ trang trại kia sau khi mùa gặt hái đã xong, liền làm một bữa tiệc đãi các tá điền và nông dân. Đây thật là một bữa tiệc long trọng. Ông cho đưa ra các thứ chén dĩa rất quí giá. Dĩ nhiên có nhiều món ăn. Sau khi ăn xong món tôm, những người phục vụ mang lên cho mỗi thực khách một chén nước trà để mà rửa tay. Có một người nông dân lần đầu tiên đi dự một bữa tiệc sang trọng nên thấy đem chén nước trà lên thì tưởng là để uống nên anh bưng chén nước trà uống cạn một hơi. Những thực khách sành điệu ngồi chung quanh liếc nhìn và tủm tỉm cười. Ông chủ nhà biết chuyện liền nâng chén nước trà của mình lên và uống cạn. Thấy ông chủ uống cạn, các thực khách khác cũng bưng uống cạn chén của mình luôn. Sau này, ai cũng khen ông chủ nhà là người quảng đại và rất tế nhị: khi thấy người nhà quê bị những người khác chê cười thì ông cũng uống chén nước trà của ông và như thế, chẳng ai còn dám cười người nông dân kia nữa. Khi ông uống chén nước trà dùng để rửa tay, ông đã tự hạ mình xuống chỗ anh nông dân, để bảo vệ danh dự của người ấy.

Cử chỉ của ông chủ kia giúp ta hiểu phần nào cử chỉ của Đức Ki-tô khi Ngài tới sông Gio-đan xin ông Gio-an làm phép rửa cho mình. Chắc chắn có những người biệt phái đến nghe Gio-an rao giảng, nhưng họ không nhận phép rửa vì họ cho mình là người đạo đức thánh thiện, tuân giữ lề luật nghiêm chỉnh. Họ chê bai những người khác là tội lỗi. Chúng ta còn nhớ câu chuyện người biệt phái và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện. Trước bàn thờ, người biệt phái đứng thẳng và thưa với Thiên Chúa: “Con không giống như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần 2 lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu thập của con”. Người biệt phái cảm thấy mình không cần chịu phép rửa, không cần phải hoán cải. Vì thế, có lần Gio-an Tẩy giả đã nổi nóng và nói với họ: “Hỡi nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống đây? Các anh hãy sinh hoa quả xứng với lòng sám hối”.

Đức Giê-su không la, không rầy như ông Gio-an. Ngài giống như người tôi tớ mà tiên tri I-sai-a đề cập đến trong bài đọc 1: “Người sẽ không kêu to, không nói lớn, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường”. Ngài chỉ khiêm tốn bước xuống giòng sông Gio-đan và xin cho mình cũng được chịu phép rửa như mọi người.

Làm như thế, Đức Giê-su đã tự đặt mình vào hàng những người tội lỗi: đó là điều đáng chúng ta suy nghĩ. Ngài không muốn người ta chê cười, giễu cợt và nhất là kết án những con người tội lỗi hối cải. Ngài là đấng thánh, thế mà đã chấp nhận thân phận làm người giống như bao kẻ tội lỗi, để trước mặt Thiên Chúa, Ngài trở thành kẻ cầu bầu và che chở họ. Việc Ngài dìm mình trong dòng nước sông Gio-đan còn có nghĩa là Ngài chấp nhận cả sự chết, tức là số phận của những người tội lỗi. Đây không chỉ là một cử chỉ tượng trưng nhưng suốt đời Đức Giê-su vẫn thích đi lại với những người tội lỗi, ăn uống với họ, đàm đạo với họ để rồi cuối cùng chết trên thập giá giữa hai tên gian phi.

Chúng ta đọc tiếp Tin mừng Lu-ca: “Rồi đang khi Người cầu nguyện thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán rằng: ‘Con là Con yêu dấu của Cha; Con đẹp lòng Cha’”.

Chỉ trong Tin mừng Lu-ca mới có “đang khi Người cầu nguyện”. Theo Lu-ca, hành vi đầu tiên đánh dấu đời sống công khai của Đức Giê-su là cầu nguyện. Chính vào lúc Đức Giê-su đang cầu nguyện sau khi chịu phép rửa thì trời mở ra. Rõ ràng tác giả Lu-ca không gắn cuộc thần hiện vào việc Đức Giê-su chịu phép rửa mà là vào việc Đức Giê-su cầu nguyện. Sự can thiệp của Chúa Cha là để trả lời cho lời cầu nguyện của Đức Giê-su. Đối với chúng ta cũng vậy, cầu nguyện là khoảnh khắc ưu việt để gặp được Chúa Cha và nhận được dồi dào hơn nữa các ân huệ của Chúa Thánh Thần.

 
  • Trước hết, trời mở ra: trong thời Cựu Ước, các tiên tri mà người đại diện là I-sai-a đã khấn cầu: “Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống” (Is 64,1). Qua biến cố Đức Giê-su chịu phép Rửa, xem ra Thiên Chúa đáp lại lời cầu khẩn này mà mặc khải chính mình Người cho nhân loại và cho loài người từ nay được giao tiếp thân tình với Thiên Chúa. Kể từ nay, qua đấng có tên là Giê-su này, mọi người lại đi tới được với Chúa Cha.
  • Thứ đến, Thánh Thần ngự xuống: sách Sáng Thế kể là trước khi trời đất được tạo dựng thì Thánh Thần Thiên Chúa bay lượn như bóng chim. Ở đây “Thánh Thần ngự xuống dưới hình chim câu” ngụ ý là công trình tạo dựng mới bắt đầu nhờ công trình cứu chuộc của Đức Ki-tô. Những ai tin vào Đức Ki-tô và đón nhận sự cứu chuộc của Ngài thì sẽ được biến đổi để trở thành một thụ tạo mới.
  • Sau hết, có tiếng từ trời vọng xuống: “Con là Con yêu dấu của Cha; Con đẹp lòng Cha”: “Con là Con yêu dấu của Cha” trích từ Tv 2,7 nói về vị vua mới được tấn phong, được Thiên Chúa gọi là con. Trong Tân Ước, câu này áp dụng cho Đức Giê-su được Chúa Cha tấn phong làm đấng mê-si-a. “Con đẹp lòng Cha”: nói tới người Tôi trung được Thiên Chúa tuyển chọn và yêu mến hết lòng như trong bài đọc 1 diễn tả. Người Tôi trung đó, chính là Đức Giê-su, đấng luôn làm đẹp lòng Cha.
Như vậy, qua biến cố mặc khải này, chúng ta biết được Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, được Chúa Cha sủng mộ. Ngài được tấn phong làm đấng mê-si-a trong Chúa Thánh Thần. Vẻ khiêm cung khó nghèo của Ngài làm chứng Ngài thật là người Tôi trung của Thiên Chúa như sách tiên tri I-sai-a loan báo. Người Tôi trung ấy sẽ phải đau khổ vì tội lỗi loài người đến nỗi bị giết chết nhưng sẽ được tôn vinh. Nên hôm nay, chúng ta thấy Đức Giê-su trong hàng ngũ các tội nhân và được Gio-an rửa. Qua cử chỉ khiêm hạ này, Ngài làm trước cuộc tử nạn mà Ngài sẽ thực hiện sau này và do đó, Chúa Cha hôm nay cũng báo trước việc Ngài sẽ phục sinh và vì thế, dòng sông Gio-đan hôm nay là hình ảnh phép rửa tái sinh nhân danh Đức Giê-su chết và sống lại.
 
Khi lãnh nhận phép rửa, mỗi người chúng ta cũng được Chúa Cha tấn phong và giới thiệu với thế gian rằng: Đây là con Ta yêu dấu. Ơn gọi làm con Thiên Chúa không những không phủ nhận hay loại trừ ơn gọi làm người nhưng còn giúp chúng ta đảm nhận ơn gọi ấy nữa. Được phúc làm con Thiên Chúa, chúng ta không được đưa ra khỏi thế gian hay được miễn khỏi mọi bổn phận trần thế. Ngược lại, chính trong thế giới và trong nhân loại này mà chúng ta phải thể hiện ơn gọi ấy.

Nếu Đức Giê-su đã liên đới với người tội lỗi để giải thoát con người khỏi tội lỗi thì người đã được rửa tội vẫn phải tiếp tục sống giữa anh em mình và không quên trách nhiệm đấu tranh chống lại tội lỗi và chiến thắng sự dữ. Để hoàn thành sứ mạng ấy, chúng ta cần cầu xin Chúa Thánh Thần, Đấng hiện diện nơi con người Đức Giê-su để biến đổi Ngài thành Con Chí Ái của Cha, xin Người cũng hoạt động nơi chúng ta để làm cho mỗi người trở nên con thảo hiếu của Chúa Cha trong Đức Giê-su Ki-tô. Amen.

Tác giả bài viết: Gioan Bosco