NƯỚC HẰNG SỐNG

NƯỚC HẰNG SỐNG
Lời Chúa: Xh 17, 3-7; Rm 5, 1-2; 5-8; Ga 4, 5-42

Bài đọc I trích sách Xuất hành thuật lại việc dân Do thái băng qua sa mạc và bị cơn khát hành hạ. Đáng lẽ họ cần bình tâm để xin Thiên Chúa cứu giúp thì ngược lại, họ đã bực tức, oán trách và định ném đá cả ông Mô-sê. Trong cơn khát nước, họ đâm ra nghi ngờ và oán trách cả Thiên Chúa. Họ nghi ngờ không biết có Thiên Chúa thật hay không? Họ oán trách: nếu có Thiên Chúa tốt lành thì tại sao lại để họ lâm vào tình trạng khốn khổ này?

Tuy nhiên, Thiên Chúa không chấp nhất những lời nói xúc phạm và thái độ nổi loạn này của dân Do thái, vì Người quá hiểu con người. Người bảo Mô-sê cầm cây gậy (cây gậy đã đập trên Biển Đỏ để tách biển làm hai cho dân đi qua an toàn) đánh vào tảng đá. Nước từ tảng đá vọt ra, tràn trề cho người và gia súc. Cây gậy ấy nhắc nhở cho họ hiểu rằng nếu chính Thiên Chúa là đấng đã giải thoát thì bây giờ chính Người cũng là đấng cứu sống. Thiên Chúa hành động như thế không phải để cứu vãn danh dự hay uy tín của Người nhưng Người làm thế chỉ vì muốn con người được sống và được sống dồi dào, bởi vì Người là Thiên Chúa của người sống chứ không phải của kẻ chết. Chính Người mới thỏa mãn được những khát vọng sống của con người. Chính Người mới đáng con người khát khao vạn lần hơn dòng nước tự nhiên kia. Không biết con người có hiểu được điều đó không? Không biết chúng ta có hiểu được điều đó không?

Thật vậy, tảng đá mà Mô-sê dùng gậy đánh vào, là hình bóng của dòng nước bất tận là chính Chúa Giê-su. Ngài đang hiện diện rất gần với chúng ta. Ngài có mặt bên bờ giếng tâm hồn chúng ta như người khách bộ hành xin người phụ nữ Xa-ma-ri chút nước uống trong bài Tin mừng hôm nay.

Cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-su và người phụ nữ bên bờ giếng Gia-cóp khởi đầu không được dễ dàng vì những định kiến, những chia rẽ giữa hai dân tộc Do thái và Xa-ma-ri. Người phụ nữ gần như thách thức Chúa Giê-su như dân Do thái xưa, khi Ngài xin chị chút nước uống mà lại hứa ban cho chị cả nguồn nước hằng sống. Nếu như Ngài có loại nước như thế thì cần gì phải ngửa tay xin chị! Tuy nhiên, Chúa Giê-su vẫn nhẫn nại giúp chị nhận ra những khát vọng sống cao đẹp hơn, dồi dào hơn trong tâm hồn chị. Ngài muốn xin chị chút nước tự nhiên để ban cho chị nguồn nước siêu nhiên. Thứ nước ấy sẽ dập tắt vĩnh viễn cơn khát và biến con người thành mạch nước phun trào sự sống đời đời. Tâm hồn người phụ nữ Xa-ma-ri đang khô cằn vì thiếu nguồn nước hồi sinh ấy. Chị khao khát một tình yêu chân chính mà cả 5 đời chồng cũng chưa thỏa mãn. Chị mong được kết hợp với Thiên Chúa hằng sống, nhưng người ta lại dạy chị phải thờ Thiên Chúa ở núi này, thành nọ. Chị hiểu rằng chỉ khi nào gặp được đấng mê-si-a, chị mới được ngài giải đáp trọn vẹn.

Chúa Giê-su không ngại ngùng nói thẳng với chị rằng: “Đấng mê-si-a, chính là Ta”. Ngài đã dạy cho chị hiểu rằng nguồn nước vật chất kia chưa phải là đáng kể trong cuộc sống. Còn một nguồn nước khác cao quí hơn nhiều. Không phải tình yêu chồng vợ mới là điều đáng nói trong cuộc sống, còn một tình yêu khác cao quí hơn nhiều. Không phải việc thờ phượng ở núi Ga-ri-dim hay ở đền thờ Giê-ru-sa-lam là cốt yếu trong đời sống, còn có một sự thờ phượng bằng thần khí và sự thật mới là cao quí hơn nhiều.

Chúa Giê-su chỉ vào giếng Gia-cóp và nói với người phụ nữ Xa-ma-ri: “Ai uống nước này vẫn còn khát nhưng ai uống nước Ta ban sẽ không bao giờ khát nữa”. Ý Chúa Giê-su muốn nói: về mặt thể xác chúng ta khát nước thế nào thì về mặt tâm linh, chúng ta cũng khát Chúa như vậy. Thánh vịnh 42 có nói: Như con nai khát mong giòng suối mát, hồn con cũng khát mong Ngài như thế, ôi lạy Chúa hằng sống. Thánh Au-gu-ti-nô đã cắt nghĩa cơn khát đó như sau: Lạy Chúa, tâm hồn chúng con được tạo nên cho Chúa, cho nên nó sẽ còn khắc khoải âu lo cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa thì nó mới hết âu lo khắc khoải. Một văn sĩ khác còn diễn tả cách thi vị hơn: Nơi tâm hồn con người, có một lỗ hỗng, một lỗ trống Thiên Chúa mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể lấp đầy được. Nhưng trong thực tế, cái bi kịch của đời người, đó là chúng ta đang lấp đầy lỗ hỗng đó bằng những cái không phải làThiên Chúa. Chúng ta tìm cách thỏa mãn cơn khát tâm linh bằng những cái không phải là Thiên Chúa. Nhiều lần thay vì giúp người ta thỏa mãn cơn khát thiêng liêng theo cách thức thiêng liêng, chúng ta thường cho họ những của cải vật chất theo kiểu dỗ một đứa bé đang khóc, bằng cách cho nó cục kẹo hay nhăn mày méo mặt làm cho nó cười.

Như thế, dùng của cải vật chất để làm thỏa mãn cơn khát thiêng liêng chẳng khác nào như dùng nước muối để giải tỏa cơn khát thể xác. Càng uống nước muối thì càng khát thêm. Có điên rồ mới uống nước biển để giải khát. Cũng thế, thật là điên rồ khi dùng của cải vật chất để làm thỏa mãn cơn khát tinh thần.

Vâng, chỉ mình Chúa Giê-su mới có thể thỏa mãn cơn khát trong tâm hồn chúng ta. Chỉ mình Chúa Giê-su mới có thể lấp đầy khoảng trống trong cuộc đời chúng ta. Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa, Ngài đến lấp đầy lỗ trống Thiên Chúa nơi mỗi người chúng ta. Chúa Giê-su là hoàng tử bình an đến để trấn an nỗi xao xuyến trong trái tim chúng ta. Chúa Giê-su là nước từ trời xuống để làm thỏa mãn cơn khát tâm linh của chúng ta.

Vậy thì hãy chạy đến với Chúa Giê-su, hãy tin tưởng nơi Ngài, hãy đón nhận Ngài, hãy ăn và uống Ngài để Ngài giải thoát chúng ta khỏi mọi cơn đói khát và ban nước trường sinh là sự sống đời đời cho chúng ta. Amen.

Tác giả bài viết: Gioan Bosco