QUA THẬP GIÁ ĐẾN VINH QUANG

QUA THẬP GIÁ ĐẾN VINH QUANG
Lời Chúa: St 12,1-4; 2 Tm 1,8-10; Mt 17,1-9

Trong chúa nhật 1 mùa chay, bao giờ Hội Thánh cũng chọn bài Tin mừng nói về những cơn cám dỗ Chúa Giê-su phải trải qua, để giúp tín hữu chúng ta ý thức rằng trong đời sống đức tin, chúng ta cũng có thể gặp những cơn cám dỗ như thế. Trong chúa nhật 2 mùa chay hôm nay, Hội Thánh luôn chọn bài Tin mừng về cuộc biến hình của Chúa Giê-su để giúp chúng ta ý thức về một mối nguy hiểm khác: đó là sự chán nản, nhụt chí trong đời sống đức tin. Để vượt qua mối nguy hiểm này và để trung tín đến cùng với Thiên Chúa, trong chúa nhật hôm nay, Hội Thánh mời gọi chúng ta suy niệm về ơn gọi và sự trung tín của tổ phụ Áp-ra-ham và nhất là của chính Chúa Giê-su.

Bài đọc 1 thuật lại việc Thiên Chúa kêu gọi Áp-ra-ham. Sáng kiến kêu gọi Áp-ra-ham xuất phát từ chính Thiên Chúa nhưng con người cần phải cộng tác tích cực và tổ phụ Áp-ra-ham chính là người đã tích cực đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa. Nói là tích cực đáp trả vì vào thời điểm đó, Áp-ra-ham là một vị tộc trưởng giàu có và quyền thế. Ông lại lớn tuổi và tâm lý người già là muốn định cư ở yên một chỗ, không muốn phải đi xa, nhất là đến những miền đất lạ. Thế nhưng khi được Thiên Chúa kêu gọi, ông đã ra đi như Chúa truyền cho ông. Phải có một niềm tin tưởng và tín thác lớn lắm, ông mới có thể đáp trả mau mắn như thế. Chính niềm tin tín thác đó đã khiến cho Áp-ra-ham được gọi là “cha của các kẻ tin” và Áp-ra-ham là tấm gương cho chúng ta về sự trung tín vượt qua mọi gian nan thử thách.

Cũng như tổ phụ Áp-ra-ham, Chúa Giê-su đã được Chúa Cha mời gọi ra đi khỏi quê hương là trời cao để đến trong thế gian nhằm cứu độ nhân loại và Ngài đã vâng phục hoàn toàn. Trong cuộc sống trần thế của Chúa Giê-su, có hai thời điểm đặc biệt mà Chúa Cha đã chọn để biểu lộ sứ mạng Người đã giao phó cho Chúa Con: đó là khi Chúa Giê-su chịu phép rửa tại sông Gio-đan và khi Chúa Giê-su biến hình trên núi thánh. Trong hai lần đó, tiếng Chúa Cha từ trời cao vọng xuống: “Đây là Con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”.

Tiếng phán đó có mục đích gì? Một đàng, Chúa Cha muốn xác quyết sứ vụ của Chúa Con trước mắt các tông đồ. Đàng khác, Chúa Cha còn muốn nâng đỡ Chúa Giê-su trong việc thi hành sứ mạng cứu thế và cũng nâng đỡ tất cả chúng ta. Lúc đó Chúa Giê-su đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem, ở đó Ngài sẽ chịu khổ nạn như Ngài đã loan báo cho các môn đệ. Ngài sẵn lòng chịu mọi đau khổ, kể cả cái chết; tuy nhiên trong thân phận con người, Ngài cũng cảm thấy run rẩy sợ hãi. Chỉ có tình yêu của Chúa Cha mới có thể đem lại sức mạnh lớn lao cho Chúa Con vượt qua thử thách và chu toàn sứ mạng. Bên cạnh đó, chính các môn đệ được chứng kiến vinh quang của Thầy Giê-su cũng được nâng đỡ. Trước viễn tượng Thầy các ông sẽ bị hành hạ và giết chết tại Giê-ru-sa-lem, các ông mất hết tinh thần. Biến cố biến hình mặc khải cho các ông chân lý này là: phải qua đau khổ rồi mới tới vinh quang.
 
Anh chị em thân mến,

Trong những thế kỷ đầu, mùa chay là thời gian chuẩn bị trực tiếp cho anh chị em dự tòng lãnh phép rửa tội. Như thế mùa chay cũng là thời gian để mỗi Kitô hữu ý thức lại bí tích rửa tội mình đã lãnh nhận; trong bí tích này, chúng ta nhận được ơn gọi làm con cái Thiên Chúa. Mặc dầu sự sống của Thiên Chúa đã được ban cho chúng ta khi lãnh nhận bí tích rửa tội nhưng sự sống ấy còn ẩn dấu trong thân phận con người trần thế, nhất là vì những tội lỗi và yếu đuối của chúng ta. Một ngày nào đó, sự sống ấy sẽ bùng nổ với tất cả vẻ huy hoàng rực rỡ và lúc ấy chúng ta sẽ reo lên như thánh Phê-rô: “Lạy Chúa, chúng con được ở đây thì tốt quá!”.

Ơn gọi đó thật cao cả nhưng để có thể trung tín đến cùng, lại không phải là điều dễ dàng. Trong chúa nhật trước, Hội Thánh đã cảnh giác chúng ta về những cám dỗ có thể hủy hoại đời sống của con cái Chúa. Trong chúa nhật hôm nay, Hội Thánh lại nhắc nhớ về một nguy hiểm khác là những thử thách trong đời sống đức tin cũng có thể làm chúng ta nhụt chí và đánh mất sự trung tín cần có. Chính vì thế, suy niệm cuộc biến hình của Chúa Kitô là cơ hội tốt để hâm nóng niềm tin và trung kiên trong thử thách.

Đó là điều thánh Phao-lô nhắn nhủ môn đệ Ti-mô-thê trong bài đọc 2. Ngài khuyên Ti-mô-thê hãy tỏ ra can đảm để đáp lại ơn gọi làm sứ giả Tin mừng, dù có phải chết. Chỉ với điều kiện và bằng giá đó, dự định của Thiên Chúa biểu lộ qua Đức Giê-su Kitô mới được thực hiện và ơn cứu độ mới được mang đến cho mọi người.

Ước chi cuộc biến hình của Chúa Kitô tặng ban sức mạnh cho chúng ta để chúng ta có thể vượt qua mọi thử thách trong đời sống đức tin, trung kiên với Chúa đến cùng, và ánh sáng Phục sinh của Chúa Kitô sẽ bừng sáng trong cuộc sống của chúng ta. Amen.

Tác giả bài viết: Gioan Bosco