VỊ NGÔN SỨ TẠI QUÊ NHÀ

VỊ NGÔN SỨ TẠI QUÊ NHÀ
Lời Chúa: Gr 1,4-5.17-19; 1 Cr 12,31-13,13; Lc 4,21-30

Chúa nhật hôm nay, chúng ta tiếp tục suy gẫm câu chuyện Chúa Giê-su về thăm những đồng hương Na-da-rét theo thánh Lu-ca. Trong phần thứ nhất mà chúng ta đã đọc vào chúa nhật trước, Chúa Giê-su đã được mọi người đồng hương hoan hỉ chào đón và ngưỡng mộ, vì họ hãnh diện về danh tiếng của một người trong họ và thán phục về cách thức giải thích Kinh Thánh của Ngài. Trái lại, phần thứ hai mà chúng ta đọc trong Tin Mừng hôm nay là một thất bại và gây nên làn sóng giận dữ từ phía những người đồng hương Na-da-rét. Câu chuyện này cho thấy hai thái độ tương phản của dân Ít-ra-en: trước hết hoan hỉ tiếp đón Chúa, sau đó tìm cách loại bỏ và giết chết Ngài. Đồng thời, Chúa Giê-su loan báo sứ mạng phổ quát Ngài sẽ thực hiện.

1. Thái độ của người đồng hương Na-da-rét từ thiện cảm sang ác cảm (4, 22):
Từ thái độ thiện cảm: “Mọi người đều tán thưởng và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Chúa Giê-su”, những người đồng hương Na-da-rét chuyển sang thái độ ác cảm với Ngài chỉ vì Ngài xuất thân từ một gia đình tầm thường: “Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao?”. Gia thế tầm thường của Ngài đã che khuất tầm nhìn của họ khiến không thể nhận ra Chúa Giê-su là Đấng được sai đến để thực hiện “lòng Chúa xót thương” trải rộng cho tất cả mọi người, nhất là những người bất hạnh, nghèo hèn, cùng khốn, bị áp bức trong xã hội, mà tiên tri I-sai-a đã báo trước.

2. Câu trả lời của Chúa Giê-su (4, 23-27):
Chúa Giê-su vạch trần những ý nghĩ thầm kín trong lòng họ khi trích dẫn câu tục ngữ: “Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình”. Câu tục ngữ này tiên báo những lời thách đố được lập lại đến ba lần ở dưới chân thập giá: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn” (23, 35. 37. 39).

Với niềm kiêu hãnh hẹp hòi và với cái nhìn nông cạn, họ cảm thấy bị chạm tự ái vì Chúa Giê-su, người đồng hương của họ, đã không làm những điều kỳ diệu ở tại Na-da-rét như Ngài đã làm tại Ca-phác-na-um. Họ cho rằng mình có quyền chính đáng đòi hỏi Ngài thực hiện những phép lạ cốt để thỏa mãn tính tự phụ của họ, chứ không nhằm thay đổi lòng dạ của họ. Vì thế, Chúa Giê-su trích dẫn câu tục ngữ thứ hai: “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương của mình”. Qua câu tục ngữ thứ hai này, Chúa Giê-su phác họa số phận chung của các tiên tri thời xưa, đó là các ngài đã không được hiểu mà còn bị bách hại bởi chính những người đồng hương của mình, tiêu biểu là số phận của tiên tri Giê-rê-mi-a như được trình bày trong bài đọc 1, đồng thời tiên báo số phận của chính Chúa.

Cuối cùng, Chúa Giê-su dẫn chứng hai mẫu chuyện về tiên tri Ê-li-a và tiên tri Ê-li-sê được trích từ 1V 17 và 2V 5. Qua hai mẫu chuyện này, Chúa Giê-su muốn ám chỉ đến sứ mạng phổ quát của Ngài. Ngài đến để thực hiện sấm ngôn Is 61, 1-2, nhưng không chỉ đóng khung cho những người đồng hương là dân làng Na-da-rét hay toàn thể dân Ít-ra-en, mà còn mở rộng ra đến hết mọi dân mọi nước khác nữa. Việc Ngài chọn Ca-phác-na-um làm cứ điểm truyền giáo có cùng một ý nghĩa như vậy. Thành này, tức là thành Ca-phác-na-um được gọi là “Ngã Tư của các dân tộc”, là nơi giao tiếp thường hằng của dân Do thái với những dân ngoại chung quanh. Chiều kích hoàn vũ của sứ điệp được phác họa rồi. Đó cũng là toàn bộ chương trình mà Giáo Hội, tiếp nối sứ mạng của Chúa Giê-su, sẽ thực hiện như được miêu tả trong sách Công vụ Tông đồ, sách này cũng là công trình biên soạn của chính thánh Lu-ca. Chính vì sứ mạng này mà Chúa Giê-su được Chúa Cha sai đến để thực hiện bằng cả mạng sống mình và cũng vì sứ mạng này mà Giáo Hội hiện diện giữa nhân loại cho đến ngày Chúa Giê-su trở lại trong vinh quang.
 
3. Tiên báo tương lai (4, 28-30):
Việc Chúa Giêsu hủy bỏ đặc quyền đặc lợi của họ trong việc thi ân giáng phúc gây nên làn sóng giận dữ từ phía những người đồng hương Na-da-rét. Sự phẩn nộ của họ: “Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ”, tiên báo sự phẫn nộ của những thành viên Thượng Hội Đồng sau này. Hành động dữ dội của họ: “Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành… kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực”, tiên báo cuộc Khổ Nạn của Chúa Giê-su. “Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi”: tiên báo cuộc Phục Sinh tương lai của Ngài. Hiện thời, chưa tới giờ của các đối thủ, Chúa Giê-su vẫn tiếp tục con đường của mình, con đường ấy rốt cuộc sẽ dẫn Ngài lên Giê-ru-sa-lem, ở đó Ngài sẽ bị dẫn ra ngoài thành thánh đến tận đỉnh đồi Can-vê và bị đóng đinh tại đó.

Như thế, ngay từ cảnh này tức là cảnh dân làng Na-da-rét muốn loại trừ Chúa Giê-su, chúng ta biết rằng tước hiệu mê-si-a dành cho Ngài hàm chứa sự loại bỏ và cuộc tử nạn. Những người đồng hương Na-da-rét đã có sẵn hình tượng về Đấng Cứu Độ. Vì thế, khi không thể đòi hỏi Ngài hành động theo đúng như họ muốn, họ liền từ chối Ngài và thậm chí tìm cách hãm hại Ngài.

Trong cuộc sống, chúng ta cũng thường hay cư xử với Lời Chúa theo cùng cách thức như thế. Chúng ta đọc và tìm cách uốn nắn lời Chúa sao cho phù hợp với sở thích, ước muốn của chúng ta, thay vì để cho lời Chúa thực sự chất vấn chúng ta. Chúng ta sử dụng Lời Chúa như phương tiện biện minh cho cách sống hiện nay của mình, thay vì để cho Lời Chúa thật sự là ngọn đèn soi đường dẫn lối cho chúng ta. Đó là lý do tại sao Lời Chúa không thể tác động vào cuộc sống của chúng ta, không thể sinh hoa kết trái trong cuộc đời của chúng ta, cho dù theo thư gửi tín hữu Do thái “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thụ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Dt 4, 12-13).
 
Cầu Nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nadarét đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người.

Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội Thánh còn nhiều bất toàn.

Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Chúa bằng con mắt đức tin.

Xin thêm đức tin cho chúng con
để chúng con khiêm tốn thấy Chúa
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.

Amen.
 
 
 

Tác giả bài viết: Gioan Bosco