Một vài suy tư khi đọc sứ điệp của ĐTC Phanxicô nhân ngày thế giới truyền thông xã hội 2016_Lm FX. Thượng

Một vài suy tư khi đọc sứ điệp của ĐTC Phanxicô nhân ngày thế giới truyền thông xã hội 2016_Lm FX. Thượng
Vai trò là “nhà truyền thông” của Lòng Chúa Thương Xót, Giáo Hội mời gọi cho con cái mình, lắng đọng tâm hồn, lắng nghe lời Chúa mời gọi, sẵn sàng mang trong tâm tình hân hoan, với con tim đong đầy lòng thương xót

Một vài suy tư khi đọc sứ điệp của ĐTC Phanxicô nhân ngày thế giới truyền thông xã hội 2016
Lm FX. Thượng


Tìm hiểu chữ và nghĩa của “Truyền thông” biết rằng theo tiếng Latin: commūnicāre, nghĩa là “chia sẻ”, là hoạt động truyền đạt thông tin thông qua trao đổi ý tưởng, cảm xúc, ý định, thái độ, mong đợi, nhận thức hoặc các lệnh, như ngôn ngữ, cử chỉ phi ngôn ngữ, chữ viết, hành vi và có thể bằng các phương tiện khác như thông qua điện từ, hóa chất, hiện tượng vật lý và mùi vị. Với sự tiến bộ của công nghệ số hóa, “truyền thông” là thuật ngữ dành cho những hoạt động truyền bá thông tin, cổ vũ sự liên đới. Theo Maximilian Carl Emil Weber, nhà kinh tế chính trị học và xã hội học người Đức đã định nghĩa “truyền thông như là phương diện của tương tác xã hội làm sáng tỏ các nghĩa mang tính chủ quan của một hành động xã hội” (G. Endruweit và G. Trommsdorff, Từ điển Xã hội học, NXB. Thế Giới, 2002, tr. 518). Tương tác sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề, nhỉ?

Mới đây, trong cuộc phỏng vấn dành cho Tạp chí Công giáo Credere (Ý) về Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha nói như sau: «Rõ ràng thế giới đang cần đến lòng thương xót, cần đến lòng trắc ẩn, tức là đau khổ với. Chúng ta đã quen với những tin xấu, với sự tàn bạo và những hung hăng tồi tệ nhất xúc phạm tới danh thánh và sự sống của Thiên Chúa. Thế giới cần khám phá rằng Thiên Chúa là Cha, rằng có lòng thương xót, rằng sự tàn bạo và kết án không phải là giải pháp…» Và cách đặc biệt, trong sứ điệp công bố hôm 22.01.2016, nhân Ngày Thế Giới Truyền thông Xã hội lần thứ 50, ĐTC kêu gọi các tín hữu hãy để cho lòng thương xót soi sáng và hướng dẫn mọi hoạt động truyền thông của mình.

Vai trò là “nhà truyền thông” của Lòng Chúa Thương Xót, Giáo Hội mời gọi cho con cái mình, lắng đọng tâm hồn, lắng nghe lời Chúa mời gọi, sẵn sàng mang trong tâm tình hân hoan, với con tim đong đầy lòng thương xót để thể hiện từng cử chỉ hành vi khắc họa chân dung Đấng Giàu Lòng Thương Xót. Đọc lại lịch sử cứu độ, sẽ hiểu phần nào, Thiên Chúa yêu nhân loại dường bao. Mãi cho đến muôn đời, Chúa vẫn một lòng xót thương. Mọi người đều có chỗ đứng trong lòng thương xót của Thiên Chúa. Vai trò lớn lao, vinh quang của truyền thông Công giáo là giúp cho nhân loại nhận ra tình thương vô tận của Thiên Chúa.

Truyền thông chẳng những nói lên tiếng nói của chân lý mà còn quyết tâm không ngồi đó chờ đợi Ngài đến, nhưng sẵn sàng ra đi, hành động loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa. Thế giới hôm nay đang rất cần được Thiên Chúa xót thương, qua từng ánh mắt, cử chỉ, hành vi của mỗi người biết xót thương nhau. Hận thù, chia rẽ, bất công, tranh giành, ích kỷ, giết hại lẫn nhau, coi thường nhân phẩm, chìm đắm trong say sưa, rượu chè, cờ bạc, tệ nạn xã hội… khiến cho thế giới đang tàn lụi, cằn cỗi, khổ đau và chết chóc, vắng bóng tình yêu của Chúa. Thế giới cần được lay dậy để những đam mê bất chính vốn khiến lòng trí ra nặng nề, xa Chúa và tàn nhẫn với tha nhân.

Năm thánh này, khoảng thời gian của lời mời gọi tỉnh thức sẵn sàng, qua việc đón nhận, tha thứ, hòa giải, loại trừ những tính hư tật xấu, loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa qua việc biết xót thương nhau. Chỉ có lòng thương xót của Thiên Chúa, và chỉ khi nào ta cảm nhận mình được Chúa xót thương, sẽ thúc đẩy ta biết xót thương người khác. Chỉ khi nào ta biết loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa, qua việc biết xót thương nhau, khi ấy ta mới thực sự tỉnh thức và sẵn sàng đón chờ Chúa đến. Sứ điệp truyền thông năm nay 2016 có một vai trò hết sức đặc biệt mời gọi ta suy tư sâu xa hơn vai trò truyền giảng Tin Mừng, làm chứng cho Lòng Thương Xót xuyên qua từng cử chỉ hành động, nhất là qua việc sử dụng mạng xã hội và phương tiện truyền thông đại chúng.

Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Những gì chúng ta nói và cách thức chúng ta nói, mỗi lời nói và mỗi cử chỉ, phải có thể diễn tả lòng trắc ẩn, sự dịu dàng và sự tha thứ của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Tự bản chất, tình yêu là truyền thông, nó đưa đến chỗ mở lòng ra chứ không cô lập. Và nếu con tim và những cử chỉ của chúng ta được đánh động bởi đức ái, bởi tình yêu của Thiên Chúa, thì việc truyền thông của chúng ta sẽ mang lấy sức mạnh của Thiên Chúa” (x. Sứ điệp truyền thông 2016). Quả vậy, ai thật tình muốn thể hiện Lòng Thương Xót, thì phải có đôi mắt thương xót để không xét đoán dáng vẻ bề ngoài mà chỉ nhìn thấy những tâm lòng tốt lành của anh chị em; có đôi tai thương xót để lắng nghe nỗi thống khổ và nhu cầu của anh chị em; có đôi môi thương xót để không bao giờ gièm pha nói xấu, mà chỉ nói lên lời an ủi, khích lệ và nguyện cầu cho anh chị em; có đôi tay thương xót để luôn sẵn sàng nâng đỡ và phục vụ những anh chị em túng cực; có đôi chân thương xót để đi tìm kiếm những người tội lỗi, sống xa lìa Chúa, đem về với Mẹ Giáo Hội là Bí Tích Cứu Độ; có con tim thương xót để luôn bừng cháy lửa yêu mến Chúa qua những người nghèo khổ. Để rồi từ đó thế giới sẽ có những con người thương xót, gia đình thương xót, cộng đoàn thương xót, giáo xứ thương xót, xã hội thương xót và đất nước thương xót và để mọi người nhận biết Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót mà tôn vinh Thánh Danh Ngài.

Có thể nói từ khoảng 40-50 năm nay Giáo Huấn của Giáo Hội Công giáo về  các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội là cả một kho tàng rất phong phú. Công Ðồng Vatican II đã có riêng một trong 16 Văn Kiện là Sắc Lệnh về các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội. Trong các triều đại Giáo Hoàng hậu Công Ðồng, nhất là của Ðức Gioan Phaolô II,  tầm quan trọng của các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội cũng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Trong dòng lịch sử, Giáo Hội đã thay đổi từ một thái độ ngờ vực và bác bỏ sang thái độ hiểu biết, cảm thương, tiếp nhận những suy tư với tinh thần cởi mở và chấp nhận một cách thận trọng. Sứ điệp truyền thông năm 2016 trình bày: “Với tư cách là con cái của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi tương giao với mọi người, không loại trừ. Cách riêng, đặc điểm của ngôn ngữ và hành động của Giáo Hội là chuyển tải lòng thương xót, để chạm đến tâm hồn con người và nâng đỡ họ trên con đường hướng đến cuộc sống viên mãn màm Chúa Giêsu, Đấng được Chúa Cha sai đến, đã mang đến cho mọi người.”
Trong Thư Chung Năm 2001 của HĐGMVN, các Đức Giám mục đã thông báo và mời gọi mọi tín hữu sống sứ mạng loan báo đức tin của mình một cách mới theo các lời dạy của Tin Mừng và của Giáo Hội. Thư chung ghi nhận: “Canh tân lối suy nghĩ có nghĩa là canh tân quan điểm của chúng ta. Tin Mừng và các giáo huấn xã hội của Giáo Hội là những qui tắc hành động nhằm xây dựng, phát triển và thăng tiến...” (HĐGMVN, Thư Chung Năm 2001, số 16). Thực tế, Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam cũng muốn sử dụng truyền thông để rao giảng Tin Mừng tốt hơn, phục vụ mọi người, mọi thành phần, mơi nơi, mọi thời gian khắp nơi trên quê hương Việt Nam, nhằm đáp ứng mọi nhu cầu, mọi khao khát trau dồi hiểu biết về kiến thức, khoa học, kỹ thuật, văn hoá, văn minh trong đối thoại và tôn trọng. Thật phù hợp khi Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ một hướng đi cụ thể qua sứ điệp truyền thông năm nay: “Việc truyền thông có sức mạnh tạo nên những chiếc cầu, tạo điều kiện cho việc gặp gỡ và sự hội nhập, và như thế làm phong phú xã hội. Thật đẹp biết bao khi thấy những con người dấn thân chọn lựa cách cẩn thận những lời nói và những cử chỉ để vượt qua việc thiếu hiểu biết, chữa lành ký ức bị tổn thương và xây dựng hòa bình và sự hài hòa. Những lời nói có thể bắc những chiếc cầu giữa con người, giữa các gia đình, các nhóm xã hội, các dân tộc; dù là trong lãnh vực thực tế hay trong lãnh vực kỹ thuật số.” (x. Sứ điệp truyền thông 2016)

Đức Thánh Cha mời gọi tất cả mọi người thiện chí “tái khám phá sức mạnh của lòng thương xót chữa lành các mối tương qua bị xâu xé, và mang lại hòa bình và sự hài hòa giữa các gia đình và trong các cộng đoàn. Tất cả chúng ta đều biết bằng cách nào những vết thương cũ và những mối oán thù có thể giăng bẫy con người và ngăn cản họ tương giao và hòa giải.” Trong thế giới hôm nay, các phương tiện truyền thông có thể giúp chúng ta cảm thấy gần gũi nhau hơn. Làn sóng “toàn cầu hóa” thúc đẩy chúng ta liên đới và nghiêm túc dấn thân cho một cuộc sống liên đới, hiệp thông và nhạy cảm hơn trước đau khổ của anh chị em mình. Việc truyền thông tốt đẹp đưa con người gần nhau hơn và biết nhau rõ hơn, liên kết với nhau hơn với điều kiện là hãy sẵn sàng lắng nghe nhau và học hỏi lẫn nhau. (x. Sứ điệp truyền thông 2014). Để thực hiện được mục tiêu ấy, “cần có can đảm để định hướng người ta trong các tiến trình hòa giải; và chính sự can đảm tích cực và sáng tạo này mà mang lại những giải pháp đích thực cho những cuộc xung đột xưa cũ, và mang lại cơ hội thực thi một nền hòa bình bền vững.” (x. Sứ điệp truyền thông 2016).

Lòng Thương Xót là tâm điểm trong huấn giáo của Hội thánh. Mọi trách nhiệm và dấn thân mà giáo huấn ấy kêu gọi đều xuất phát từ tình yêu, mà theo lời dạy của Đức Giêsu, tình yêu này là bản tóm kết toàn bộ Lề Luật (Mt 22,36-40). Lòng Thương Xót đem đến niềm hy vọng hiệp thông cá nhân với Thiên Chúa và với tha nhân; Lòng Thương Xót là nguyên lý bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa, mọi sự đều được định hình bởi một tình yêu tự hủy, tự hiến, và đem mọi sự quy hướng về Lòng Thương Xót Chúa. Lòng Thương Xót là quà tặng vĩ đại nhất mà Thiên Chúa ban cho nhân loại; và là hy vọng tuyệt vời cho chúng ta.

Chân lý trong lãnh vực truyền thông phải được tìm kiếm, khám phá và diễn đạt với lòng thương xót, hiệp thông và liên đới. Bằng cách này, không những truyền thông xã hội phục vụ tình yêu mà còn mang lại tính khả tín cho chân lý, chứng minh sức thuyết phục và minh xác của chân lý trong bối cảnh thực tiễn của đời sống xã hội. Đức Thánh Cha viết: “Lòng thương xót có thể giúp tiết chế những nghịch cảnh của cuộc sống và mang lại tình nồng ấm cho tất cả những ai chỉ đã biết đến sự phán xét lạnh lùng.” (x. Sứ điệp truyền thông 2016). Truyền thông Công giáo trình bày khuôn mặt chính Chúa Kitô, mà lòng thương xót hiền hậu của Ngài được diễn đạt sống động hữu hiệu trên các phương tiện truyền thông xã hội với tinh thần phản tỉnh sâu xa là thước đo lòng yêu thương, sự tận tâm phụng sự Nước Thiên Chúa. “Chỉ những lời nói được phát ra bằng tình yêu và kèm với sự hiền hậu và lòng thương xót mới chạm đến tâm hồn của các tội nhân là chính chúng ta. Những lời nói và những cử chỉ cứng rắn hay dạy đời có nguy cơ làm cho xa lánh về sau những người mà chúng ta muốn dẫn đến sự hoán cải và sự tự do, bằng cách củng cố ý thức của họ về sự khước từ và phòng vệ.” (x. Sứ điệp truyền thông 2016).
Để truyền thông với tinh thần đối thoại, tôn trọng sự thật và tạo ra liên đới, trước tiên đòi ta phải tìm hiểu và lắng nghe người khác. Không có bước đầu này thì không thể có những bước kế tiếp, hoặc chỉ có một cách chủ quan, võ đoán và những lý lẽ bên ngoài. Cần phải đi vào bên trong con người để nhận ra tâm tư, nguyện vọng, quan điểm và sự thật. Tìm hiểu và lắng nghe giúp ta gột rửa những thành kiến, định kiến và đi vào sự thông giao. Sứ điệp truyền thông 2016 mời gọi lắng nghe: “Tương giao có nghĩa là chia sẻ, và sự chia sẻ đòi hỏi việc lắng nghe, đón tiếp. Lắng nghe (écouter) thì hơn việc nghe (entendre) nhiều. Nghe liên quan đến lãnh vực thông tin; trái lại, lắng nghe liên quan đến lãnh vực tương giao, và đòi hỏi sự gần gũi. Việc lắng nghe cho phép chúng ta có thái độ đúng đắn, bằng việc ra khỏi tình trạng yên bình của khán giả, thính giả, người tiêu thụ. Lắng nghe cũng có nghĩa có khả năng chia sẻ những vấn đề và những nghi ngại, cùng song hành, vượt thắng mọi tham vọng toàn năng và khiêm tốn đặt những khả năng và năng khiếu của mình phục vụ công ích.” (x. Sứ điệp truyền thông 2016).
Thiếu lắng nghe sẽ thất bại trong việc đối thoại, không thể liên đới trong ý thức tôn trọng chân thành mà còn dễ hàm hồ, cổ hủ, cố chấp. Nhiệm vụ càng lớn thì khả năng lắng nghe cũng phải lớn. Biết lắng nghe cho rõ thì mới biết nói cho đúng. Lắng nghe giúp ta học hỏi rất nhiều và biết nhận định rất sâu. Muốn lắng nghe và thấu hiểu người khác thì trước tiên phải biết suy tư và tiếp nhận đúng. “Lắng nghe không bao giờ dễ dàng cả. Đôi khi việc giả điếc thì thuận lợi hơn. Việc lắng nghe có nghĩa là chú ý, có mong ước hiểu biết, gia tăng giá trị, tôn trọng, giữ gìn lời nói của người khác. Trong việc lắng nghe, một kiểu tử đạo được tiêu hao, một hy sinh bản thân trong đó cử chỉ thánh thiêng được Môisê thực hiện trước bụi gai bốc cháy được làm mới lại: cởi dép ra trước «mảnh đất thánh» của cuộc găp gỡ với người khác đang nói với tôi (x. Xh 3,5). Biết lắng nghe là một ân sủng bao la, đó là một ân huệ cần phải cầu xin để tiếp đến nỗ lực thực hành nó.” (x. Sứ điệp truyền thông 2016)
Đức Thánh Cha cho biết: “Các mạng xã hội có khả năng tạo điều kiện cho các mối tương quan và thăng tiến thiện ích của xã hội, nhưng về sau nó cũng có thể dẫn đến những phân cực và chia rẽ giữa con người và các nhóm người.” (x. Sứ điệp truyền thông 2016). Liệu có phải tất cả những gì được chia sẻ trên trang mạng xã hội cá nhân với hình ảnh đang chìa tay nhận gói mì ăn liền sau cơn bão, có hoàn toàn đồng ý với điều đó cho dù là với mục đích nhân đạo. Có ai được hỏi ý kiến và họ có ở trong hoàn cảnh có thể chọn lựa câu trả lời không? Hay vì nhu cầu cơ bản của những người đang đói, đang thiếu thốn, họ buộc phải quên đi những nhu cầu cao hơn của con người, trong đó có nhu cầu được chọn lựa và được hỏi ý kiến? Phẩm giá của họ có ý nghĩa gì không nếu người ta quên rằng những người này cũng có quyền chọn lựa về hình ảnh của chính mình trước công chúng? Tôn trọng phẩm giá còn có nghĩa là nhìn nhận những cảm xúc và phần phẩm chất tốt đẹp của họ, thể hiện bằng niềm tin họ là những con người có nhu cầu tự khẳng định bản thân, tự trọng, lương thiện, hướng thiện...
Truyền thông xã hội và các trang mạng xã hội biết cách làm thế nào để có thể thông tin cập nhật nhanh chóng nhưng thiếu và yếu trong tinh thần giữ gìn và tôn trọng phẩm giá anh chị em mình. Thật vậy, “một mối tương quan đồng bào đích thực cũng được xây dựng thành mạng lưới. Việc tiếp xúc với các mạng kỹ thuật số bao hàm một trách nhiệm đối với tha nhân, mà chúng ta không nhìn thấy nhưng là hiện thực, người ấy có phẩm giá của mình mà cần được tôn trọng. Mạng xã hội có thể được dùng để làm lớn lên một xã hội lành mạnh và mở ra cho việc chia sẻ.” (x. sứ điệp truyền thông 2016).

Các phương tiện truyền thông xã hội trong thời đại kỹ nghệ số hóa, đặc biệt là Internet, đã góp phần đem lại nhiều thành tựu đáng kể cho công cuộc loan báo Tin Mừng hiện nay. Truyền thông đã cung cấp một lượng kiến thức khổng lồ liên quan đến giáo huấn của Giáo Hội, liên tục cập nhật, phản ánh nhanh chóng các nỗ lực trong hoạt động truyền giáo khắp nơi. Đặc biệt, chính các phương tiện này đã bắc nhịp cầu liên đới giữa các cá nhân, các nhóm, các tổ chức rộng lớn khi thi hành sứ vụ tông đồ; nhờ đó, các đối tượng này có cơ hội chia sẻ những kinh nghiệm quý và có thể tương trợ những nguồn lực quan trọng trong diễn trình truyền rao Lời Chúa. Và đây chính là con đường vô hình tốt nhất cho Lời Chúa lan toả đến mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội.

Thánh Công Đồng dạy: “Vì được Chúa Kitô thiết lập để mang lại phần rỗi cho hết mọi người và do đó có nhiệm vụ rao giảng Phúc Âm, Giáo hội Công giáo nhận thấy mình cũng có bổn phận dùng cả phương tiện truyền thông xã hội để loan báo ơn cứu rỗi và dạy con người biết sử dụng chúng cách đúng đắn” (Vatican II, IM, số 4). Vậy nên, trong năm thánh Lòng Thương Xót này, truyền thông và lòng thương tận tâm nhiệt huyết hơn cho sứ mạng thông tin, phản ánh chân lý để củng cố, chữa lành, đồng hành với thế giới trong vui mừng và hy vọng. “Trong một thế giới chia rẽ, phân mảnh, phân cực, truyền thông với lòng thương xót có nghĩa là đóng góp vào sự gần gũi tốt lành, tự do và vững chắc giữa các con cái của Thiên Chúa và các anh chị em trong tình nhân loại.” (x. Sứ điệp truyền thông 2016).
Lm. FX. Nguyễn Văn Thượng
Gp. Mỹ Tho