Rô-ma: Cổng Thánh được mở tại Thánh Đường kính Đức Mẹ Divino Amore

Rô-ma: Cổng Thánh được mở tại Thánh Đường kính Đức Mẹ Divino Amore
Vào hôm thứ Tư vừa qua, Cổng Thánh Lòng Thương Xót thứ sáu và cũng là Cổng Thánh cuối cùng của thành phố Rô-ma đã được mở ra: Nhận dịp Đại Lễ Ba Vua, Cổng Thánh nói trên đã được mở ra tại Thánh Đường Tình Yêu Thiên Chúa Divino Amore. Đây là nơi hành hương kính Đức Mẹ Thiên Chúa, nằm ở khu vực phía Nam thành phố Rô-ma. Đức Hồng Y phụ tá Agostino Vallini đã chủ sự nghi thức mở cổng này.
Đích thân Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã mở 4 trong số 6 Cổng Thánh tại Rô-ma: đó là các cổng tại Đền Thờ Thánh Phê-rô, Vương Cung Thánh Đường Lateran, Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả và tại cơ sở Caritas bên cạnh nhà ga xe lửa chính của thành phố Rô-ma.
Thánh Đường Divino Amore chính là một địa điểm hành hương tôn kính Đức Mẹ được rất nhiều người dân Rô-ma biết tới. Đức Gio-an Phao-lô II đã mô tả địa điểm hành hương này như là „Nhà Nghỉ ngoại ô của Mẹ Thiên Chúa“. Điểm đặc biệt của khu Thánh Địa được kiến thiết từ thế kỷ 18 này chính là những cuộc hành hương đi bộ. Những cuộc hành hương bộ này thường diễn ra vào các đêm thứ Bảy rạng ngày Chúa Nhật, từ Đại Lễ Phục Sinh cho tới tháng 10 hàng năm. Các cuộc hành hương được thực hiện trên con phố cổ có tên là Appia Antica của thành phố Rô-ma, vì nó dẫn thẳng tới Thánh Đường Divino Amore.
(Theo de.rv 07.01.2015 gs)
 
Noi gương mầu nhiệm Nhập Thể - Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 07.01.2016
Noi gương mầu nhiệm Nhập Thể của Thiên Chúa: chỉ có điều đó mới là con đường chính xác để luyện tập Lòng Thương Xót. Qua bài giảng của Ngài trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Năm hôm nay tại nguyện đường Thánh Mác-ta, tức Thánh Lễ ngày thường đầu tiên trong năm mới, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã tái suy tư về sự gắn kết nội tại giữa Lòng Thương Xót, thần khí và sự kiếm tìm con đường thực sự mang tính Ki-tô giáo trong việc đến với người khác. Điểm xuất phát của bài giảng hôm nay chính là Bài Đọc I được trích từ thư của Thánh Gio-an: „Đừng có thần khí nào cũng tin, nhưng hãy kiểm tra các thần khí, xem có phải bởi Thiên Chúa hay không“ (1Ga 3,22-24; 4,1-6). Kiểm tra các thần khí có nghĩa là, nhìn xem „cái gì đang diễn ra trong tâm hồn tôi“ – Đức Thánh Cha giải thích. Nó đến từ Thiên Chúa hay từ „tinh thần thế tục“? Sự biện phân có tính phê bình không phải là bất cứ điều gì khác ngoài mầu nhiệm Nhập Thể - Đức Thánh Cha quả quyết.
Tôi có thể cảm nghiệm thấy rất nhiều những điều trong tâm hồn tôi, kể cả những ý tưởng tốt lành. Nhưng nếu những ý tưởng tốt lành và những cảm nhận này không dẫn tôi đến với Thiên Chúa, Đấng đã trở thành người, và sau đó chúng cũng không dẫn tôi đến với tha nhân, đến với những người anh chị em, thì những ý tưởng và cảm nghĩ đó không đến từ Thiên Chúa. Vì thế Thánh Gio-an đã khởi đầu đoạn viết này trong bức thư của Ngài với những từ sau: Bất cứ thần khí nào tuyên xưng rằng, Chúa Giê-su đã đến trong xác phàm, thì đều đến từ Thiên Chúa. Và bất cứ thần khí nào mà không tuyên xưng Chúa Giê-su, thì đều không đến từ Thiên Chúa.“
Người ta vẫn còn có thể soạn thảo ra rất nhiều những chương trình mục vụ tuyệt vời, và vẫn còn có thể tìm ra những phương pháp mới đề „gần gũi hơn với con người“ – „Nếu chúng ta không đi trên con đường của Thiên Chúa, Đấng đã trở thành người, để đồng hành với chúng ta, thì rồi chúng ta cũng sẽ không đi trên con đường của Chúa Thánh Thần: đó là kẻ phản Ki-tô, đó là tinh thần thế gian“ – Đức Thánh Cha giải thích.
Chúng ta đã gặp gỡ biết bao nhiêu là con người trong cuộc sống mà họ hoạt động trong lãnh vực tinh thần - ´đó là một con người tinh thần thực sự!` -, nhưng họ không bao giờ nghĩ tới việc thực thi những công việc của Lòng Thương Xót. Tại sao vậy? Thưa, tại vì công việc của Lòng Thương Xót sẽ cụ thể hóa niềm tuyên xưng của chúng ta mà theo đó Con Thiên Chúa đã trở thành người: viếng thăm những người nghèo, trao đồ ăn thức uống cho những người đói khát, chăm sóc lo lắng cho những người bị đẩy ra bên lề xã hội. Đó là những công việc của Lòng Thương Xót. Tại sao vậy? Thưa, vì bất cứ người nào trong số những người anh chị em của chúng ta cũng đều là thân xác của Chúa Ki-tô. Thiên Chúa đã làm người để đồng hóa mình với chúng ta. Và những ai đang khổ đau cũng chính là Chúa Ki-tô.“
Kết thúc bài giảng hôm nay, giống như nơi bất cứ bài giảng Lễ ngày thường nào của Ngài, Đức Thánh Cha đã đưa ra một sự khích lệ cụ thể cho ngày sống: „Hôm nay chúng ta hãy cầu xin Chúa, xin Ngài ban cho chúng ta ơn biết nhận ra những gì mà nó đang diễn ra trong lòng chúng ta; điều mà chúng ta thích thực hiện, có nghĩa là cài mà nó đụng chạm tới tôi nhiều nhất: liệu nó có phải là Thần Khí của Thiên Chúa hay không, liệu nó có dẫn tôi tới với việc phục vụ người khác hay không, hay đó lại là tinh thần thế gian, nó đang vây quanh tôi, vây quanh sự ích kỷ của tôi, vây quanh rất nhiều những điều khác… Chúng ta hãy xin cho mình được ơn nhận ra điều gì đang diễn ra trong tâm hồn chúng ta.“
(theo de.rv 07.01.2016 gs)
Đa-minh Thiệu
 
Bài Huấn Dụ của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi Đọc Kinh Truyền Tin chung trưa Đại Lễ Hiển Linh 06.01.2016: „Ngay cả đối với chúng ta, ngôi sao này cũng là một niềm đại ủi an!
*Trước khi đọc Kinh Truyền Tin:
Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật cho chúng ta biết về các nhà Chiêm Tinh. Họ đã thực hiện một cuộc hành trình từ Phương Đông tới Bê-lem để tôn thờ Đấng Messia. Và đây chính là toàn bộ đặc tính của Đại Lễ kính Chúa Hiển Linh. Giáo hội mong muốn rằng, tất cả mọi dân tộc trên mặt đất này đều cùng có thể gặp gỡ Chúa Giê-su để có được kinh nghiệm về Tình Yêu nhân hậu của Ngài. Đó là niềm ước mong của Giáo hội, Giáo hội ước mong sao cho tất cả mọi dân nước đều có thể tìm thấy Lòng Thương Xót của Chúa Giê-su, tìm thấy Tình Yêu của Ngài.
Chúa Ki-tô vừa mới xuống thế; Ngài là một Hài Nhi, Hài Nhi đó vẫn chưa thể nói được – nhưng các nhà Chiêm Tinh – đại diện cho tất cả mọi dân tộc trên mặt đất – đã có thể gặp gỡ Ngài rồi, đã có thể nhận ra Ngài và tôn thờ Ngài. Các nhà Chiêm Tinh nói: „Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người“ (Mt 2,2). Đây chính là điều trước tiên mà vua Hê-rô-đê nghe được về Ngài khi các nhà Chiêm Tinh tới Giê-ru-sa-lem. Các nhà Chiêm Tinh ấy là những con người có tầm quan trọng đặc biệt, các Ngài đến từ những đất nước xa xôi và từ những nền văn hóa xa lạ, và các Ngài đã thực hiện một chuyến hành trình dài để đi tới Israel và để tôn kính vị tân vương, Đấng vừa mới giáng sinh. Ngay từ thời xa xưa, Giáo hội đã nhìn thấy trong các Ngài một hình ảnh tượng trưng của toàn nhân loại; với Đại Lễ hôm nay, tức Đại Lễ Hiển Linh, một cách nào đó, Giáo hội muốn làm cho từng cá nhân con người trên mặt đất này chú ý một cách đầy kính cẩn tới Hài Nhi vừa mới được Giáng Sinh cho ơn cứu độ của tất cả mọi người.
Trong đêm Giáng Sinh của Ngài, Chúa Giê-su đã mạc khải mình cho các mục đồng, đó là những con người giản dị và bị khinh thường – đến nỗi một số người nói, hồi đó, các mục đồng hầu như không có giá trị gì hơn những tên cướp đường. Họ là những người đầu tiên đã mang một cái gì đó như là hơi ấm của con người đến cho khu chuồng trại lạnh lẽo tại Bê-lem. Giờ đây các nhà Chiêm Tin đã đến từ những đất nước xa xôi; các Ngài cũng cảm thấy mình được lôi cuốn đến cùng với Hài Nhi này theo một cách thức huyền bí. Các mục đồng và những nhà Chiêm Tinh rất khác biệt nhau; nhưng họ có một điểm chung: bầu trời. Các mục đồng thành Bê-lem đã vội vã đến với Chúa Giê-su một cách tức khắc, nhưng chẳng phải vì họ là những con người tốt lành đặc biệt, nhưng vì họ đã thức trong đêm và đã ngước nhìn lên bầu trời, và ở đó họ phát hiện ra một dấu chỉ, họ nghe thấy một sứ điệp và họ đi theo sứ điệp và dấu chỉ đó. Các nhà Chiêm Tinh cũng vậy: các Ngài nghiên cứu bầu trời, và các Ngài đã phát hiện ra một ngôi sao mới, các Ngài đã giải thích dấu chỉ này và tức tốc lên đường với một cuộc hành trình dài. Các mục đồng và các nhà Khôn Ngoan phương Đông đã dậy chúng ta rằng, người ta phải hướng cái nhìn lên bầu trời nếu như người ta muốn gặp gỡ Chúa Giê-su. Người ta không được phép cứ lý ra mãi trong việc tự nhốt mình trong chính bản thân mình, trong sự ích kỷ của mình, nhưng người ta phải mở con tim và mở trí óc ra cho chân trời của Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn luôn gây bất ngờ cho chúng ta. Người ta phải hiểu để đón nhận các sứ điệp của Ngài, và phải đáp lại những sứ điệp ấy bằng thái độ sẵn sàng và quảng đại.
Khi các nhà Chiêm Tinh nhìn thấy ngôi sao, Tin Mừng nói: „Họ mừng rỡ vô cùng“ (Mt 2,10). Ngay cả đối với chúng ta, ngôi sao này cũng là một niềm đại an ủi, vì nó làm cho chúng ta cảm thấy rằng, chúng ta được đồng hành, và số phận của chúng ta không bị phó mặc cho sự bất lực. Đó chính là ngôi sao của Tin Mừng, của Lời Chúa mà Thánh Vịnh nói rằng: „Lời Chúa chính là ngọn đèn soi bước chân con, là ánh sáng chỉ đường con đi“ (Tv 119,105). Ánh sáng này dẫn chúng ta tới Chúa Ki-tô. Nếu không lắng nghe Tin Mừng, người ta sẽ không thể gặp gỡ được Ngài. Sở dĩ các nhà Khôn Ngoan phương Đông đã thấy Ngài, là vì các Ngài đã đi theo ngôi sao! Do đó, các Ngài thấy „Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình bái lạy Người“ (Mt 2,11). Gương sáng của các nhà Chiêm Tinh thôi thúc chúng ta đừng hài lòng với những điều tầm thường, đừng sống như thể không biết tới ngày mai, nhưng hãy tìm kiếm ý nghĩa của những sự việc, chiêm ngưỡng mầu nhiệm vĩ đại của cuộc sống với niềm đam mê. Và gương sáng ấy dậy cho chúng ta biết đừng lấy làm bực bội về sự nghèo túng và về sự giản dị, nhưng hãy nhận ra sự vĩ đại trong sự khiêm nhượng, và hãy quỳ gối xuống trước sự nghèo nàn đơn sơ đó.
Xin Đức Trinh Nữ Maria, người đã đón tiếp các nhà Chiêm Tinh tại Bê-lem, giúp chúng ta, để chúng ta học biết làm cho cái nhìn của chúng ta quay đi khỏi chính chúng ta và biết để cho mình được dẫn dắt bởi ngôi sao Tin Mừng, hầu gặp gỡ Chúa Giê-su; xin Mẹ dậy cho chúng ta về nghệ thuật biết hạ mình xuống để bái lạy Ngài. Và nhờ thế chúng ta cũng sẽ có thể mang vầng hào quang phát xuất từ ánh sáng của Ngài đến cho những người khác, cũng như có thể chia sẻ niềm vui đến từ cuộc hành trình của chúng ta với họ.
*Sau khi đọc Kinh Truyền Tin:
Anh chị em thân mến,
Hôm nay chúng ta hãy thể hiện sự gần gũi tinh thần với những người anh chị em Công giáo và Chính thống của chúng ta tại phương Đông Ki-tô giáo, vì ngày mai, nhiều người trong họ sẽ cử hành Đại Lễ Chúa Giáng Sinh. Chúng ta hãy dành cho họ những lời cầu chúc bình an và hạnh phúc của chúng ta. Chúng ta cũng hãy dành cho họ một tràng pháo tay thật mạnh như là một lời chào!
Chúng ta cũng hãy lưu ý rằng, Đại Lễ Ba Vua cũng chính là Ngày Quốc Tế Thiếu Nhi Truyền Giáo. Đó là Đại Lễ của Thiếu Nhi, mà với lời cầu nguyện và sự hy sinh của mình, các em sẽ giúp các thiếu nhi khác mà các em ấy đang gặp cảnh cùng quẫn, bằng cách là các em biến mình thành những nhà truyền giáo và những chứng nhân của tình huynh đệ.
Với trọn tấm lòng, Cha xin kính chào tất cả anh chị em, những người hành hương, các gia đình, các nhóm Giáo xứ và các hiệp hội mà anh chị em đã đến đây từ Ý và từ nhiều quốc gia khác. Đặc biệt, Cha xin kính chào các tín hữu đến từ Acerra, Modena và Terlizzi; các học sinh của trường nghệ thuật thánh đến từ Florenz; các bạn trẻ của câu lạc bộ quốc tế Camps des Lions.
Cha xin đặc biệt kính chào tất cả các tham dự viên của đoàn diễu hành lịch sử và văn hóa dân gian, mà trong năm nay, cuộc diểu hành này được dành cho khu vực chung quanh thung lũng Amaseno. Cha cũng muốn nhắc tới những đoàn rước Ba Vua Thánh đang diễn ra tại rất nhiều các thành phố ở Ba-lan, và rất nhiều gia đình và hiệp hội cũng đang tham dự trong các đoàn rước này. Đồng thời, Cha nghĩ tới „Hang Đá sống“ mà nó được tổ chức bởi hiệp hội UNITALSI và bởi các Tu Sĩ Dòng Thánh Phan-xi-cô, và các diễn viên của hang đá này chính là những người tàn tật.
Cha xin kính chúc tất cả anh chị em một ngày Đại Lễ tuyệt đẹp. Xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho Cha. Chúc anh chị em một bữa ăn trưa đầy phúc lành, và xin hẹn gặp lại anh chị em!
Quảng trường Thánh Phê-rô, Đại Lễ Hiển Linh, ngày mồng 06 tháng 01 năm 2016
ĐTC Phan-xi-cô
Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ