TƯ LIỆU GIÁO HỘI Triều yết chung Đức Thánh Cha Phanxico

PHÚC CHO AI XÓT THƯƠNG NGƯỜI

Thứ năm - 07/05/2020 04:58

PHÚC CHO AI XÓT THƯƠNG NGƯỜI

Mối phúc thứ 5

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Hôm nay chúng ta dừng lại ở mối phúc thứ 5, mối phúc nói rằng: “Phúc cho ai thương xót, vì họ sẽ được xót thương” (Mt 5,7). Trong mối phúc này có một đặc biệt: đó là sự hợp nhất trong đó nguyên nhân và kết quả trùng khớp với nhau: lòng thương xót. Người thực thi lòng thương xót sẽ gặp thấy lòng thương xót, họ sẽ được xót thương.

Chủ đề về lòng thương xót lẫn nhau này không chỉ có trong mối phúc này nhưng được lặp đi lặp lại trong Tin Mừng. Làm sao có thể khác đi được? Lòng thương xót là chính trái tim của Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói: “Đừng xét đoán để không bị xét đoán; đừng kết án để không bị kết án” (Lc 6,37). Luôn là một sự một có qua có lại. Thư thánh Giacobê xác định rằng “Lòng thương xót luôn lớn hơn sự xét xử” (x. Gc 2,13).

Nhưng trên hết trong kinh Lạy Cha chúng ta cầu nguyện: “Xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con” (Mt 6,12), và yêu cầu này là lời lặp lại duy nhất cho đến tận cùng: “Quả vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6, 14 – 15; x. GLHTCG s. 2838).

Có hai điều không thể tách rời nhau: sự tha thứ được trao ban và sự tha thứ được đón nhận. Có rất nhiều người họ rất khó khăn, không có khả năng tha thứ. Nhiều khi điều xấu được đón nhận lớn đến nỗi sự tha thứ dường như leo lên một núi cao chót vót: một nỗ lực lớn lao; và người ta nghĩ: không thể, cái này không thể. Sự hỗ tương này của lòng thương xót chỉ ra rằng chúng ta cần đảo ngược quan điểm. Một mình thì chúng ta không thể, chúng ta cần ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta phải cầu phải xin điều đó. Thật vậy, nếu mối phúc thứ năm hứa gặp thấy lòng thương xót và trong kinh Lạy Cha chúng ta cầu xin tha nợ, muốn nói rằng tự bản tính chúng ta là những người mắc nợ và chúng ta cần tìm thấy lòng thương xót.

Tất cả chúng ta là những người mắc nợ, tất cả, đối với Thiên Chúa Đấng vô cùng rộng lượng và đối với anh chị em mình. Mỗi người biết rằng chúng ta không phải là cha hoặc là mẹ như mình phải là; là chồng là vợ, là anh, là chị, là em như mình phải là. Tất cả chúng ta đều thiếu sót trong cuộc sống. Và chúng ta cần lòng thương xót. Chúng ta biết rằng chúng ta cũng làm điều xấu, luôn thiếu sót trong điều tốt mà chúng ta phải làm.

Nhưng sự khốn khó này của chúng ta trở nên sức mạnh để tha thứ! Chúng ta là những người mắc nợ và nếu, như chúng ta đã được lắng nghe lúc ban đầu, chúng ta sẽ được cân đo theo thước đo với nó ta làm với người khác (x. Lc 6,38), vì thế chúng ta cần nới rộng thước đo và tha nợ cho người khác, tha thứ cho người khác. Mỗi người cần nhớ rằng cần phải tha thứ, chúng ta cần sự tha thứ, cần sự kiên nhẫn; đây là bí mật của lòng thương xót: khi tha thứ là lúc được thứ tha. Bởi đó, Thiên Chúa đi bước trước và Ngài tha thứ cho chúng ta trước (x. Rm 5,8). Đón nhận sự tha thứ của Ngài, đến lượt chúng ta trở nên người có khả năng tha thứ. Như thế, chính lòng thương xót và chính sự thiếu công bằng để mở lòng ra với Nước Trời, mở ra với một thước đo lớn hơn, thước đo của Thiên Chúa đó là lòng thương xót.

Lòng thương xót của chúng ta phát xuất từ đâu? Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: “Anh em hãy thương xót như Cha anh em trên trời là Đấng thương xót” (Lc 6,36). Người ta càng đón nhận tình yêu của Thiên Chúa bao nhiêu, thì càng yêu bấy nhiêu (x. GLHTCG, s. 2842). Lòng thương xót không phải là một chiều kích giữa muôn chiều kích khác, nhưng là trọng tâm của đời sống kitô hữu: không có kitô giáo không có lòng thương xót[1]. Nếu tất cả chúng ta, các kitô hữu không mang lòng thương xót, chúng ta đã sai đường, bởi vì lòng thương xót là cùng đích đích thực của mỗi hành trình thiêng liêng. Nó là một trong những hoa trái đẹp nhất của đức ái (x. GLHTCG s. 1829).

Cha nhớ rằng chủ đề này cha đã chọn từ buổi đọc kinh Truyền Tin đầu tiên trong tư cách là Giáo Hoàng: lòng thương xót. Và điều này in dấu trong cha, như một sứ điệp, trong cương vị Giáo Hoàng, cha phải trao ban luôn luôn, nó là sứ điệp của mọi ngày: lòng thương xót. Cha nhớ ngày ấy cũng một chút “xấu hổ”, cha đã cho xuất bản cuốn sách về lòng thương xót, đã được xuất bản bởi Đức Hồng Y Kasper. Và ngày đó cha cảm thấy rất mạnh mẽ rằng đây là sứ điệp cha phải trao ban, trong cương vị là một Giám Mục Roma: thương xót, thương xót, tha thứ.

Lòng thương xót của Thiên Chúa là sự giải thoát và là hạnh phúc của chúng ta. Chúng ta sống nhờ lòng thương xót và chúng ta không thể cho phép mình sống mà không thương xót: đó là khí để thở. Chúng ta quá nghèo để đặt điều kiện, chúng ta cần tha thứ, bởi vì chúng ta cần được thứ tha. Cám ơn!

Vatican ngày 18 tháng 03 năm 2020
Đức Thánh Cha Phanxico
 
 

[1] X. Gioan Phaolo II, Thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương xót – Dives in misericordia (ngày 30.11.1980); Tông sắc Dung mạo lòng thương xót – Misericordae vultus (ngày 11.04.2015); Tông thư Lòng thương xót và nỗi khốn khó – Misericordia et misera (ngày 20.11.2016).

Tác giả bài viết: MTG Nha Trang chuyển ngữ

Nguồn tin: w2.vatican.va

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:Giáo Lý về Tám Mối Phúc Thật, Bát Phúc

Bình luận mới

Bạn cần đăng nhập thành viên để sử dụng chức năng này

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn