TƯ LIỆU GIÁO HỘI Triều yết chung Đức Thánh Cha Phanxico

NHƯ CHÚNG CON THA NỢ CHO KẺ CÓ NỢ CHÚNG CON

Thứ năm - 25/07/2019 09:22

NHƯ CHÚNG CON THA NỢ CHO KẺ CÓ NỢ CHÚNG CON

Bài Giáo Lý của Đức Thánh Cha Phanxico về Kinh Lạy Cha trong biều triều yết chung, thứ tư ngày 24.04.2019

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Hôm nay chúng ta hoàn tất bài Giáo Lý về lời cầu nguyện thứ năm trong kinh Lạy Cha. Chúng ta dừng lại ở lời cầu: “Như chúng con cũng tha cho những người mắc nợ chúng con” (Mt 6,12). Chúng ta thấy rằng trước mặt Thiên Chúa chính con người là kẻ mắc nợ: từ Ngài chúng ta đón nhận tất cả xét về mặt tự nhiên và ân sủng. Sự sống của chúng ta không chỉ là được Thiên Chúa mong muốn mà còn được Ngài yêu mến. Thật vậy, không có không gian để tự phụ khi chúng ta chắp tay cầu nguyện. Không tồn tại trong Giáo Hội “người tự tạo ra mình”, những con người tự tạo ra mình. Tất cả chúng ta là kẻ mắc nợ đối với Thiên Chúa và đối với rất nhiều người, họ đã trao ban cho chúng ta điều kiện sống thuận lợi. Căn tính của chúng ta xây dựng trên sự đón nhận. Điều trước tiên đó là sự sống.

Ai cầu nguyện, thì học nói “cám ơn”. Chúng ta rất nhiều lần quên nói cám ơn. Chúng ta là những người ích kỷ. Ai cầu nguyện, thì học nói “cám ơn” và xin Thiên Chúa nhân từ với họ. Bởi vì, chúng ta nỗ lực biết bao, vẫn luôn luôn là món nợ không thể lấp đầy trước Thiên Chúa, mà chúng ta sẽ không bao giờ có thể hoàn trả lại được: Ngài đã yêu thương ta vô bờ bến hơn chúng ta yêu Ngài rất nhiều. Và rồi, bởi chúng ta dấn thân biết bao để sống theo những giáo huấn của Kitô giáo, nhưng trong cuộc sống chúng ta sẽ luôn có điều gì đó làm chúng ta phải cầu xin để được tha thứ: chúng ta nghĩ về những ngày đã qua cách mệt mỏi, nghĩ đến những khoảnh khắc mà hiềm thù xâm chiếm trái tim chúng ta… Những kinh nghiệm này chẳng may là không không quá hiếm, chúng làm cho chúng ta phải khẩn cầu: “Lạy Chúa Cha, xin tha nợ cho chúng con”. Chúng ta cầu xin sự tha thứ nơi Thiên Chúa.

Hãy suy nghĩ kỹ về điều này, lời khẩn cầu cũng có thể giới hạn ở phần đầu tiên này; có thể là rất đẹp rồi. Nhưng Chúa Giêsu gắn nó với lời khẩn cầu thứ hai cùng làm một với lời cầu thứ nhất. Mối tương quan nhân từ thẳng đứng từ Thiên Chúa khúc xạ và được mời gọi biểu lộ trong một tương quan mới mà chúng ta sống với anh chị em mình: mối tương quan chiều ngang. Thiên Chúa tốt lành mời gọi tất cả chúng ta trở nên tốt lành. Hai phần của lời khẩn cầu này liên kết cùng nhau trong một điểm thiết yếu: chúng ta cầu xin Thiên Chúa tha nợ cho chúng ta, tha tội chúng ta, “như” chúng ta tha thứ cho bạn bè, cho những người sống với chúng ta, những người gần gũi chúng ta, những người làm cho chúng ta những điều không đẹp.

Mỗi kitô hữu biết rằng tồn tại sự tha thứ tội lỗi dành cho mình, tất cả chúng ta đều biết điều này: Thiên Chúa tha thứ tất cả và tha thứ luôn luôn. Khi Chúa Giêsu nói cho các môn đệ về dung mạo của Thiên Chúa, Ngài luôn phác họa với sự biểu cảm đầy âu yếm. Ngài nói rằng có nhiều niềm vui trên trời vì một người tội lỗi hối cải hơn là nhiều người công chính không cần hối cải (x. Lc 15,7.10). Không có gì trong các Tin Mừng để phải nghi ngờ Thiên Chúa không tha thứ tội lỗi của những ai sẵn lòng xin ơn tha thứ và quay trở về.

Nhưng ân sủng của Thiên Chúa thật trào tràn luôn luôn sẵn sàng. Ai đã đón nhận nhiều thì phải học trao ban nhiều và không chỉ giữ lại cho mình điều mình đã được nhận. Ai đã đón nhận nhiều phải học để trao ban nhiều. Không phải ngẫu nhiên mà Tin Mừng Thánh Mattheu, ngay sau khi trình bày kinh “Lạy Cha”, giữa bảy lời cầu xin, lại dừng lại nhấn mạnh đến sự tha thứ huynh đệ: “Thật vậy, nếu anh em tha thứ cho người khác lỗi lầm của họ, Cha anh em ở trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em” (Mt 16, 14 – 15). Điều này thật mạnh mẽ! Tôi nghĩ: một vài lần tôi nghe người ta nói rằng: “Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho người đó! Điều người ấy đã làm cho tôi, tôi không bao giờ tha thứ”. Nhưng nếu bạn không tha thứ, Thiên Chúa không tha thứ cho bạn. Bạn đóng cửa lại. Chúng ta nghĩ xem, chúng ta không có khả năng tha thứ hay không tha thứ? Một linh mục, ở trong một giáo phận kia, đã kể cho cha nghe về lo lắng của mình khi đi trao Mình Thánh Chúa cho người ngay lúc người ấy qua đời. Người phụ nữ tội nghiệp đã không có thể nói. Vị linh mục nói với bà: “Thưa bà, bà hối hận về tội lỗi của mình không?”. Người phụ nữ trả lời có. Bà không thể nói để xưng thú tội lỗi nhưng đã đáp lời có hối hận về tội của mình. Thế là đủ. Rồi còn nữa: “Bà có tha thứ cho người khác không?” và người phụ nữ ấy, ngay giờ chết của mình đã trả lời “Không”. Vị linh mục lo lắng về điều ấy. Nếu bạn không tha thứ, Thiên Chúa sẽ không tha thứ cho bạn. Chúng ta nghĩ xem, tất cả chúng ta đang ở đây, chúng ta tha thứ hay chúng ta có khả năng tha thứ hay không. “Thưa cha, con không thể làm được, bởi vì người đó đã làm cho con nhiều điều tồi tệ”. Nhưng nếu bạn không có khả năng để làm, hãy xin Chúa ban cho bạn sức mạnh để làm điều đó: Lạy Chúa, xin giúp con tha thứ. Chúng ta tìm thấy nơi đây điểm nối giữa tình yêu dành cho Thiên Chúa và tình yêu dành cho người khác. Tình yêu mời gọi tình yêu, tha thứ mời gọi tha thứ. Chúng ta còn thấy trong Tin Mừng Mattheu một dụ ngôn rất mạnh mẽ nói đến việc tha thứ huynh đệ (x. Mt 18, 21 – 35). Chúng ta hãy lắng nghe.

Có một người đầy tớ mắc nợ chủ mình một món nợ kết xù: mười ngàn nén bạc. Một số tiền không thể trả nổi; tôi không biết hôm nay trị giá bao nhiêu, khoảng một trăm triệu. Tuy nhiên, đã xảy ra một phép lạ, người đầy tớ ấy không chỉ được phép hoãn thời gian thanh toán nợ, mà còn được tha luôn món nợ. Một món quà ngoài mong đợi! Nhưng chính người đầy tớ ấy, ngay sau đó, khăng khăng chống lại người anh em mình mắc nợ anh một trăm đồng – một điều rất nhỏ - một số tiền ít ỏi, anh ta không nhận lời xin lỗi cũng không nhận lời nài xin. Bởi vậy, cuối cùng, ông chủ gọi anh ta vào và kết án anh. Bởi vì nếu bạn không cố gắng tha thứ, sẽ không nhận được sự thứ tha; nếu bạn không nỗ lực yêu mến, bạn cũng sẽ không có được tình yêu.

Chúa Giêsu đặt để vào trong mối tương quan của con người sức mạnh của sự tha thứ. Trong cuộc sống không phải tất cả mọi thứ đều được giải quyết bằng công bằng. Không! nhất là những nơi, ở đó phải đặt để một bờ đê đối với sự dữ, ai đó phải yêu mến hơn bổn phận phải là để bắt đầu lại một lịch sử của ân sủng. Sự dữ biết sự trả thù của nó và nếu chúng ta không ngăn chặn nó, với nguy cơ lan rộng nó bóp nghẹt toàn thế giới.

Với luật ăn miếng trả miếng – điều bạn làm cho tôi, tôi sẽ trả lại bạn, Chúa Giêsu đã thay thế bằng luật yêu thương: Điều mà Thiên Chúa làm cho tôi, tôi sẽ làm cho bạn! Hôm nay chúng ta hãy nghĩ xem, trong tuần Phục Sinh thật đẹp này, tôi có khả năng tha thứ không. Và nếu như tôi cảm thấy mình không có khả năng tha thứ, tôi cần phải xin ơn Chúa ban cho tôi ơn tha thứ, bởi vì đó là ơn biết thứ tha.

Thiên Chúa ban cho mỗi Kitô hữu ơn viết nên trang sử đẹp trong cuộc sống của người anh chị em mình, đặc biệt là nơi cuộc đời của những ai đã làm điều gì đó đáng tiếc và sai lầm. Với một lời, một vòng tay, một nụ cười chúng ta có thể truyền thông cho người khác điều chúng ta đã đón nhận quý giá hơn. Đâu là điều quý giá mà chúng ta đã đón nhận? Sự tha thứ, chúng ta cũng phải có khả năng trao ban điều đó cho người khác.

Vatican, thứ Tư, ngày 24 tháng 04 năm 2019
       Đức Thánh Cha Phanxico

Tác giả bài viết: MTG Nha Trang chuyển ngữ

Nguồn tin: w2.vatican.va

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:Kinh lạy Cha, cầu nguyện, kinh nguyện Kitô giáo, sự tha thứ

Bình luận mới

Bạn cần đăng nhập thành viên để sử dụng chức năng này

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn