TƯ LIỆU GIÁO HỘI FABC

TRỞ NÊN GIÁO HỘI CỦA NGƯỜI NGHÈO: ĐỒNG HÀNH VỚI CÔNG NHÂN

Thứ sáu - 04/12/2020 03:01

TRỞ NÊN GIÁO HỘI CỦA NGƯỜI NGHÈO: ĐỒNG HÀNH VỚI CÔNG NHÂN

Tư liệu FABC số 52

Đây là một cơ hội mang tính lịch sử cho Giáo hội tại Châu Á. Khoa đào tạo về Hoạt động Xã hội Á Châu (AISA) đầu tiên khởi sự cho loạt chương trình mà tôi hy vọng sẽ ảnh hưởng rộng khắp Giáo hội Á Châu, cũng như các Giáo hội địa phương khác trên toàn thế giới.
 
Tôi chợt nghĩ về một biến cố lịch sử khác đã từng diễn ra tại Phi-luật-tân vào năm 1970. Nhân dịp Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI viếng thăm, mọi Giám mục trên khắp Châu Á đã tề tựu, và Liên hội Đồng Giám mục Á Châu (FABC) được thành hình. Các ngài đoan hứa cam kết với nhau trở nên Giáo hội của Người nghèo, vì lẽ dân ở Châu Á phần lớn là người nghèo.
 
Tại Hội nghị Khoáng đại đầu tiên diễn ra ở Đài Bắc năm 1974, các Giám mục đã tuyên bố cụ thể hơn rằng: người dân Châu Á tuy nghèo về mặt kinh tế, nhưng lại giàu có về mặt văn hoá. Và sự phong phú trên bình diện văn hoá này được các thần học gia gọi là “sức mạnh truyền giáo của người nghèo”.
 
Tương tự, một biến cố lịch sử khác, khi 42 Giám mục hầu hết đến từ Châu Á cùng với nhiều Giám mục khắp nơi trên thế giới, quy tụ để tham dự Khoa đào tạo về Hoạt động Xã hội trực thuộc Liên hội đồng Giám mục Á Châu lần thứ VII (BISA VII) tại Thái Lan năm 1986.
 
Các ngài diễn tả những cảm nghiệm với người nghèo như sau:
Sự nghèo khổ tại Châu Á không đơn thuần về phương diện kinh tế, và lòng đạo đức bình dân từ đó cũng không chỉ mang nét văn hoá mà thôi. Trong đạo đức Á Châu, nghèo khó và đạo đức bình dân đan xen với nhau như thể kết tụ lại tạo nên nét đặc trưng của châu lục này. Hoà chung với từng di sản phong phú về mặt tôn giáo và văn hoá của Á Châu, đặc biệt trong đời sống người nghèo, các Giám mục đã tìm tòi biện phân cho sự thúc đẩy đầy sáng tạo của Thần khí giải thoát mỗi lúc người nghèo đấu tranh hầu tự mình thoát khỏi gọng kềm đàn áp, tình trạng tước đoạt, cũng như nỗ lực xây dựng tinh thần hiệp nhất chân chính giữa mọi người và các dân nước.
 
Liên quan đến điểm này, một sự kiện quan trọng khác cũng được diễn ra tại Tô-ky-ô vào tháng 10 năm 1986, đó là Hội nghị Khoáng đại IV. Ở bài suy tư cuối cùng, các Giám mục trình bày một cách đặc biệt đến vai trò của giáo dân trong thế giới lao động, và đây chính là nguồn cảm hứng cho AISA hiện nay:
Sứ mạng căn bản của người giáo dân trong thế giới lao động là tái khám phá ý nghĩa tôn giáo của công việc như một cách biểu hiện đặc tính sáng tạo nơi con người và hồng ân được tham dự vào công trình của Đấng Tạo Hoá. Trách vụ chuyển hoá hoàn cảnh phi nhân đạo hiện nay trong lao động bắt đầu một khi người công nhân vượt lên những công việc đơn điệu hằng ngày mà tự vấn về toàn bộ cảm nghiệm sống: Tại sao phải làm việc? Công việc có ý nghĩa gì? Cuộc đời mang ý nghĩa ra sao?
 
Những vấn nạn tôn giáo căn bản này bộc lộ lòng khát khao sâu thẳm nơi con người, muốn có được cuộc sống hạnh phúc, tự do, và tôn trọng muôn người. Bắt nguồn từ Thần khí, mọi khát khao này không thể bị bóp nghẹt do bất cứ hệ thống công việc nào. Vì thế, khi người công nhân đấu tranh tạo ra một hệ thống lao động hiệu quả hơn, dẫn tới đời sống thiêng liêng đích thật, thì dưới ánh sáng Tin Mừng, nỗ lực này chính là hành vi lành thánh.
 
Những lời tốt đẹp tạo nguồn cảm hứng này của các Giám mục Á Châu cần được ăn sâu và thấm nhuần trong đời sống người lao động. Cũng từ nhu cầu này mà AISA được ra đời.
 
Không từ ngữ nào hay hơn diễn đạt hết niềm hy vọng của chúng ta về AISA như một khởi đầu mang tính lịch sử, bước tiến tiên khởi của chặng đường dài ngàn dặm xa, và tư tưởng sâu sắc này được BISA VII nhắc lại: 
Thiên Chúa của lịch sử loài người hằng làm việc liên lỉ trong thế giới nghèo khó. Mỗi lúc nhận ra Chúa nơi thân phận người nghèo, hiểu được cách thức Người hoạt động giữa họ, biện phân hướng tác động của Người trên họ, thì chúng ta cảm nghiệm sâu xa trong mình những thách đố cụ thể hơn đang phải đối mặt. Một thách thức mà chúng ta phải đáp trả trong đức tin và với đức tin. Bởi lẽ, thách đố này khiến chúng ta xem xét lại các ý niệm của bản thân như Giáo hội, và Dân Chúa. Hơn nữa, những thách đố này dẫn chúng ta đến duy chỉ một kết luận mà thôi, đó là: chúng ta phải nỗ lực hầu thật sự trở nên Giáo hội của Người nghèo (BISA V).

Lm. Xuân Hy Vọng chuyển ngữ
ĐỌC THÊM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:Tư liệu FABC số 52, Giáo Hội và người nghèo, mục vụ lao động

Bình luận mới

Bạn cần đăng nhập thành viên để sử dụng chức năng này

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn