TÔN KÍNH CHA MẸ
- Thứ bảy - 29/09/2018 10:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!
Trong hành trình xung quanh Thập Giới hôm nay chúng ta đến điều răn nói về cha mẹ. Điều răn này bàn về bổn phận tôn kính cha mẹ. Tôn kính là gì? Khái niệm Hy Lạp chỉ vinh quang, giá trị, nghĩa đen chỉ “tầm quan trọng”, giá trị của thực tại. Nó không là hình thức bên ngoài nhưng là sự thật. Tôn thờ Thiên Chúa, trong Kinh Thánh muốn nói đến việc nhận biết thực tại của Ngài, ý thức sự hiện diện của Ngài; điều đó cũng được bày tỏ với các nghi lễ, nhưng trên hết ngụ ý trao cho Thiên Chúa vị trí đúng đắn trong hiện hữu. Vì thế, tôn kính cha mẹ muốn nói rằng nhận biết tầm quan trọng của họ với những hành động cụ thể được bày tỏ trong việc trao hiến, thương mến và chăm sóc. Nhưng không chỉ cư xử những điều đó thôi.
Lời thứ IV này có đặc trưng riêng: là điều răn chứa đựng một hệ quả. Thật vậy, điều răn nói rằng: “Hãy tôn kính cha mẹ ngươi, như Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi đã truyền, để tuổi thọ đời ngươi sẽ được kéo dài và ngươi sẽ hạnh phúc trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa sẽ ban cho ngươi” (Dt 5,16). Thờ kính cha mẹ mang đến một cuộc sống hạnh phúc trường thọ. Từ “hạnh phúc” trong Thập Giới chỉ xuất hiện khi liên quan đến mối tương quan với cha mẹ.
Sự khôn ngoan nhiều nghìn năm nay cho thấy những gì khoa học con người biết khai triển chỉ mới ít hơn một thế kỷ nay: đó là dấu vết của thời thơ ấu đánh dấu suốt cả cuộc sống. Có thể hạnh phúc, thông thường được hiểu rằng nếu ai đó được lớn lên trong môi trường lành mạnh và hài hòa. Cũng vậy để hiểu nếu một người đến từ những kinh nghiệm bị bỏ rơi và bạo lực. Tuổi thơ của chúng ta một chút nào đó cũng như vết mực không thể xóa, nó tỏ ra nơi những hành xử đúng đắn, trong cách thức hiện diện, ngay cả nếu như một vài người cố gắng che dấu những tổn thương căn nguyên.
Nhưng điều răn thứ IV còn nói nhiều hơn nữa. Điều răn này không nói đến lòng tốt của cha mẹ, không đòi buộc cha mẹ phải hoàn hảo, nhưng nói về thái độ của những người con, cũng không đề cập đến những xứng đáng của cha mẹ. Điều răn nói đến một điều thật phi thường và thanh thoát: ngay cả khi không phải tất cả cha mẹ đều tốt và không phải tất cả tuổi thơ đều bình yên, thì tất cả những người con có thể hạnh phúc, vì thành tựu của một cuộc sống tròn đầy và hạnh phúc tùy thuộc vào chúng ta nhận biết cách đúng đắn hướng về người đã đặt chúng ta vào trong thế giới này.
Chúng ta suy nghĩ xem lời này của Thánh Phaolo có tính cách xây dựng biết bao cho các bạn trẻ đến từ một lịch sử đau buồn và cho tất cả những ai đã yếu nhược ngay trong tuổi trẻ. Nhiều vị thánh và vô số Kitô hữu – sau thời thơ ấu đau thương họ đã sống một cuộc sống đầy ánh sáng, vì nhờ Đức Kitô, họ đã hòa giải với cuộc sống. Chúng ta nghĩ đến chân phước hôm nay và sẽ là thánh vào tháng tới, thánh Sulprizio, 19 tuổi đã kết thúc cuộc đời được giải hòa với biết bao nỗi đau, với rất nhiều điều, bởi vì trái tim của ngài rất bình yên và không bao giờ từ chối cha mẹ mình. Chúng ta hãy nghĩ đến thánh Camillo de Lellis, từ một tuổi thơ nghịch ngợm đã xây dựng một cuộc đời đầy yêu thương và phục vụ; nghĩ đến thánh Giuseppina Pakhita đã lớn lên trong kiếp nô lệ kinh khủng hay thánh Carlo Gnocchi, mồ côi và nghèo; và cả thánh Giáo Hoàng Phaolo II đã mất mẹ từ thuở thơ ấu.
Con người, dù xuất thân từ bất cứ lịch sử nào đều nhận từ giới răn này một định hướng dẫn đến với Đức Kitô: thật vậy, trong Ngài bày tỏ Người Cha thật, làm cho chúng ta được “tái sinh từ trên cao” (x. Ga 3, 3 – 8). Những bí ẩn của cuộc sống chúng ta được tỏa sáng khi chúng ta khám phá ra rằng từ đời đời Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta một cuộc sống làm con cái Ngài, nơi đó mỗi hành động là sứ mạng được đón nhận từ Ngài.
Những tổn thương của chúng ta sẽ bắt đầu là những tiềm năng khi nhờ chúng ta khám phá ra rằng bí ẩn của cuộc sống không còn là “tại sao” nữa mà là “vì ai”? Vì ai điều này xảy đến với tôi? Trong cái nhìn của công trình nào Thiên Chúa rèn luyện tôi ngang qua lịch sử đời tôi? Ở đây tất cả đều đảo ngược, tất cả đều trở nên quý giá, tất cả đều trở nên có tính cách xây dựng. Kinh nghiệm của tôi, ngay cả buồn sầu và đau khổ trong ánh sáng của tình yêu, như thế nào nó có thể trở nên nguồn ơn cứu độ cho người khác, cho ai? Vì thế chúng ta có thể tôn kính cha mẹ với sự tự do của những người con trưởng thành, với lòng thương xót đón nhận những giới hạn của họ[1].
Tôn kính cha mẹ: cha mẹ đã trao cho chúng ta sự sống! Nếu bạn đang xa cha mẹ, hãy làm một cố gắng và quay về, quay về với họ; có lẽ họ đã già nua… Cha mẹ đã trao cho bạn sự sống. Và rồi, giữa chúng ta thường hay có thói quen nói những điều xấu, nói những lời nguyền rủa… làm ơn, đừng bao giờ lăng mạ cha mẹ của người khác. Đừng bao giờ! đừng bao giờ lăng mạ mẹ, cũng đừng bao giờ lăng mạ cha. Đừng bao giờ! Đừng bao giờ! Các con hãy làm một quyết định tận căn: từ bây giờ trở về sau sẽ không bao giờ lăng mạ cha hoặc mẹ của một bất cứ ai. Họ đã trao ban sự sống! Họ không phải bị lăng mạ.
Cuộc sống kỳ diệu này đã được trao ban cho chúng ta, không áp đặt: tái sinh trong Đức Kitô là một ân sủng phải được đón nhận một cách tự do (Ga 1, 11 – 13), và là kho tàng của bí tích Thanh Tẩy của chúng ta, trong đó bởi công trình của Chúa Thánh Thần, chúng ta chỉ có một Người Cha duy nhất, Người ở trên trời (x. Mt 23,9; 1Cr 8,6; Ep 4,6) Xin cám ơn!
Vatican, ngày 19. 09. 2018
Đức Thánh Cha Phanxico