XIN CHO DANH CHA CẢ SÁNG

XIN CHO DANH CHA CẢ SÁNG
Bài Giáo Lý về cầu nguyện trong buổi triều yết chung sáng thứ tư ngày 27. 02. 2019, tại quãng trường Thánh Phêrô

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!
Dường như mùa đông đang đi qua và vì thế chúng ta quay trở lại quãng trường. Chào mừng chúng ta đã quay trở lại quãng trường! Trong hành trình tái khám phá lời nguyện kinh Lạy Cha, hôm nay chúng ta sẽ đào sâu một trong bảy lời cầu xin, nghĩa là lời cầu “Xin cho Danh Cha được cả sáng”.

Những lời cầu xin trong kinh Lạy Cha có bảy lời, thật dễ dàng để chia thành hai nhóm. Ba lời đầu đặt trọng tâm vào “BẠN” – Thiên Chúa Cha, bốn lời còn lại đặt trọng tâm vào “chúng ta” và những nhu cầu cần thiết của con người. Trong phần đầu Chúa Giêsu làm cho chúng ta đi vào trong những thao thức của Ngài, tất cả hướng về Cha: “Xin cho danh Cha được cả sáng, nước Cha trị đến và ý Cha được thể hiện”; trong phần thứ hai chính Ngài đi vào trong chúng ta và là người đệ trình những nhu cầu của chúng ta: lương thực hằng ngày, thứ tha tội lỗi, trợ giúp trong thử thách và giải phóng khỏi tội lỗi.

Đây là nguồn gốc của kinh nguyện Kitô giáo – có thể nói nguồn gốc của mọi khẩn nguyện của con người, luôn luôn được làm, một mặt từ sự chiêm ngắm Thiên Chúa mầu nhiệm, vẻ đẹp và lòng từ nhân của Ngài; mặt khác, là bởi lời cầu xin chân thành và can đảm mà chúng ta cần để sống và sống tốt. Như thế, trong sự giản dị và trong cái cốt yếu, lời kinh “Lạy Cha” dạy những ai cầu nguyện đừng nhiều lời vô ích, bởi vì – như chính Chúa Giêsu nói: “Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mt 6,8).

Khi chúng ta nói với Thiên Chúa, không phải chúng ta bày tỏ cho Ngài những gì chúng ta có trong lòng mình. Ngài biết rõ hơn chúng ta! Nếu Thiên Chúa là mầu nhiệm đối với chúng ta, chúng ta trái lại không là một bí ẩn trước mắt Ngài (x. Tv 139, 1 – 4). Thiên Chúa như những người mẹ chỉ cần một ánh nhìn là hiểu người con mình: họ hài lòng hay buồn sầu, chúng chân thành hay đang giấu điều gì đó…

Bởi vậy, bước đầu tiên của cầu nguyện Kitô giáo là trao phó chính chúng ta cho Thiên Chúa, cho sự quan phòng của Ngài. Như nói rằng: “Lạy Chúa, Ngài biết tất cả, ngay cả Ngài không cần kể lể những đau khổ của con, con chỉ xin Ngài ở đây bên cạnh con: Ngài là hy vọng của con”. Thật thú vị khi nhớ rằng Chúa Giêsu trong Bài Giảng trên núi, ngay sau khi truyền dạy lời Kinh Lạy Cha, Ngài khích lệ chúng ta đừng lo lắng và hoang mang về những thứ bên ngoài. Dường như thật đối nghịch: trước đó Ngài dạy chúng ta cầu xin lương thực hằng ngày và sau đó lại nói: “Đừng lo lắng mà nói: chúng ta sẽ ăn gì, chúng ta sẽ uống gì, chúng ta sẽ mặc gì?” (Mt 6, 31). Nhưng sự mâu thuẫn không chỉ là bề ngoài: các lời cầu xin của người Kitô hữu bày tỏ sự thân mật với Cha; và chính sự tín thác này thúc đẩy chúng ta cầu xin những gì chúng ta cần mà không lo lắng, bồn chồn.

Và bởi đó chúng ta cầu nguyện rằng: “Xin cho danh Cha cả sáng!”. Trong lời cầu xin đầu tiên này! “Xin cho danh Cha cả sáng!” – người ta cảm thấy tất cả sự thán phục của Chúa Giêsu về vẻ đẹp và sự vĩ đại của Thiên Chúa Cha, và khao khát rằng tất cả mọi người nhận biết Ngài và yêu mến Ngài vì những gì Ngài là. Đồng thời là lời khẩn nguyện và xin danh Ngài được cả sáng trong chúng ta, trong gia đình chúng ta, trong cộng đoàn chúng ta và trên toàn thế giới. Chính Thiên Chúa, Ngài thánh hóa và biến đổi bằng tình yêu của Ngài, nhưng đồng thời, chúng ta cũng vậy, với chứng tá của mình, chúng ta bày tỏ sự thánh thiện của Thiên Chúa trên toàn thế giới, làm cho danh Chúa được hiện diện. Thiên Chúa là thánh thiện, nhưng nếu chúng ta, nếu cuộc sống chúng ta không thánh thiện, sẽ là sự tương phản rất lớn! Sự thánh thiện của Thiên Chúa phải được phản chiếu trong những hành động của chúng ta, trong cuộc sống chúng ta. “Tôi là Kitô hữu, Thiên Chúa thánh thiện, nhưng tôi lại làm nhiều điều xấu”, không, điều này chẳng có ích gì. Việc này cũng tạo nên điều xấu, gây sốc và chẳng giúp được gì.

Sự thánh thiện của Thiên Chúa là một sức mạnh mở rộng và chúng ta cầu khẩn để Ngài sớm nghiền nát những rào cản của thế giới. Khi Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng, đầu tiên Ngài sánh ví những hậu quả của chúng chính là sự dữ làm đau khổ thế giới. Những thần khí nham hiểm thì nguyền rủa: “Ông Giêsu Nazareth, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Chưa bao giờ thấy một sự thánh thiện như thế: không lo lắng cho chính mình, nhưng bảo vệ người khác. Sự thánh thiện của Chúa Giêsu mở rộng ra những vòng tròn đồng tâm như khi người ta ném hòn đá cuội vào trong ao nước. Sự dữ thì có ngày ngắn ngủi, sự dữ không là vĩnh viễn, sự dữ không thể làm gì được chúng ta: một con người mạnh mẽ đã đến lấy quyền sở hữu chủ của căn nhà mình (x. Mc 3, 23 – 27). Con người mạnh mẽ ấy là Giêsu, Ngài cũng trao ban cho chúng ta sức mạnh để chúng ta lấy lại quyền sở hữu căn nhà nội tâm của mình.

Lời cầu nguyện xua đi mọi sợ hãi. Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Người Con giơ cao vòng tay đặt cạnh chúng ta bên cạnh Người, Chúa Thánh Thần hoạt động trong âm thầm để cứu chuộc thế giới. Còn chúng ta? Chúng ta lắc lư trong sự không chắc chắn. Nhưng chúng ta có một sự chắc chắn lớn lao: Thiên Chúa yêu thương tôi; Ngài trao hiến thân mình vì tôi! Thần Khí ở trong chúng ta. Đó là sự chắc chắn lớn lao. Và sự dữ sợ hãi.

Vatican, ngày 27 tháng 02 năm 2019
    Đức Thánh Cha Phanxico

Tác giả bài viết: MTG Nha Trang chuyển ngữ