XIN CHO Ý CHA ĐƯỢC THỂ HIỆN
- Thứ sáu - 12/04/2019 23:14
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!
Tiếp tục bài Giáo Lý của chúng ta về kinh “Lạy Cha”, hôm nay chúng ta dừng lại ở lời cầu xin thứ ba “Xin cho ý Cha được thể hiện”. Lời cầu xin này được đọc trong sự hợp nhất với hai lời cầu xin trước – “nguyện xin Danh Cha cả sáng” và “Nước Cha trị đến” – như vậy những lời cầu nguyện này tạo nên bộ ba thống nhất: “Danh Cha cả sáng”, “Nước Cha trị đến”, “Ý Cha được thể hiện”. Hôm nay chúng ta sẽ nói về lời cầu xin thứ ba.
Trước khi con người chăm sóc thế giới đã có một sự chăm sóc không mỏi mệt Thiên Chúa dùng để chăm sóc con người và thế giới. Toàn bộ Tin Mừng tường thuật lại sự nghịch lý này. Giakeu tội lỗi trèo lên cây để muốn thấy Chúa Giêsu, nhưng ông không biết rằng rất lâu trước đó, Thiên Chúa đã tìm kiếm ông. Chúa Giêsu khi đến chỗ Giakeu đã nói với ông: “Giakeu xuống mau đi vì hôm nay ta phải ở lại nhà ông”. Cuối cùng Ngài đã công bố rằng “Con Người đến để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất” (Lc 19, 5.10). Đây là ý muốn của Thiên Chúa, điều mà chúng ta cầu xin cho được thể hiện. Đâu là ý muốn của Thiên Chúa nhập thể nơi Đức Giêsu? Đó là tìm kiếm và cứu chữa những người đã hư mất. Và chúng ta, trong lời cầu nguyện chúng ta cầu xin sự tìm kiếm của Thiên Chúa được hoàn tất tốt đẹp, xin cho kế hoạch cứu rỗi phổ quát của Ngài được hoàn tất trước hết nơi mỗi người chúng ta sau đó trên toàn thế giới. Các con tự hỏi Thiên Chúa tìm kiếm tôi nghĩa là gì? Mỗi chúng ta có thể tự hỏi rằng: “Thiên Chúa tìm tôi?” – “Vâng, Thiên Chúa tìm kiếm bạn, tìm kiếm tôi”: tìm kiếm mỗi người một cách cá nhân. Thiên Chúa thật lớn lao! Đằng sau đó có biết bao là tình yêu!
Thiên Chúa không nhập nhằng, không nấp đằng sau những bí ẩn, cũng không hoạch định thế giới này đến cách khó hiểu. Không, Ngài rõ ràng. Nếu chúng ta không hiểu điều này, chúng ta có nguy cơ không hiểu ý nghĩa của lời cầu xin thứ ba trong kinh Lạy Cha. Thật vậy, Kinh Thánh chứa đầy những trình thuật kể cho chúng ta ý muốn của Thiên Chúa đối với thế giới. Và trong Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo chúng ta tìm thấy những trích dẫn minh chứng thiên ý đầy kiên nhẫn và trung thành này (x., s. 2821 – 2827). Thánh Phaolo, trong thư thứ nhất gởi Timothe viết: “Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2, 4). Điều này, không có nghi vấn, đó là ý muốn của Thiên Chúa: ơn cứu độ của con người, của mọi người và của mỗi chúng ta. Thiên Chúa gõ cửa trái tim chúng ta bằng tình yêu của Ngài. Tại sao? Để lôi kéo chúng ta, để lôi kéo chúng ta về phía Ngài và đưa chúng ta tiến về phía trước trên hành trình cứu độ. Thiên Chúa gần gũi chúng ta bằng tình yêu của Ngài, để mang chúng ta nơi cánh tay Ngài và dẫn đưa đến ơn cứu độ. Đằng sau đó có biết bao là tình yêu của Thiên Chúa!
Bởi vậy, khi cầu nguyện “xin cho ý Cha được thể hiện”, chúng ta không được mời gọi cúi đầu một cách quy phục như thể những nô lệ. Không, Thiên Chúa muốn chúng ta được tự do! Chính là tình yêu của Ngài giải thoát chúng ta. Kinh “Lạy Cha”, thật vậy, là lời nguyện cầu của những người con, không phải của những nô lệ, mà của những người con biết trái tim của Cha họ và họ chắc chắn về chương trình tình yêu ấy. Khốn cho chúng ta nếu công bố những lời này, rồi lại giơ lưng đầu hàng trước những số phận mà chúng ta chán ghét và chúng ta không có khả năng thay đổi. Ngược lại, đó là một lời nguyện đầy sự tín thác nồng cháy vào Thiên Chúa, Ngài muốn cho chúng ta điều tốt lành, sự sống và ơn cứu độ. Một lời nguyện can đảm, năng nổ, bởi vì trong một thế giới có quá nhiều thực tại không theo kế hoạch của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta biết điều đó. Như ngôn sứ Isaia, chúng ta có thể nói: “Ở đây, lạy Cha, có chiến tranh, sự lạm quyền, bốc lột; nhưng chúng con biết Ngài muốn chúng con tốt, bởi vậy chúng con cầu xin Chúa: xin cho ý Cha được thể hiện! Lạy Chúa, xin lật đổ kế hoạch của thế giới, xin biến đổi gươm giáo thành cuốc, thành cày và rèn giáo mác nên liềm nên hái và không còn ai học nghề chinh chiến” (x. Is 2,4). Thiên Chúa muốn hòa bình.
Kinh “Lạy Cha” là một lời nguyện thắp lên trong chúng ta chính tình yêu của Chúa Giêsu vì ý muốn của Chúa Cha, một ngọn lửa thúc đẩy biến đổi thế giới với tình yêu. Kitô hữu không tin vào một “định mệnh” không thể tránh khỏi.
Không có gì là bấp bênh trong niềm tin Kitô giáo: trái lại có ơn cứu độ đợi chờ thể hiện trong cuộc sống mỗi người nam, người nữ và sẽ hoàn tất trong vĩnh cửu. Nếu chúng ta cầu nguyện là vì chúng ta tin Thiên Chúa có thể và muốn biến đổi thực tại tồi tệ thành tốt lành. Ở điểm này Thiên Chúa có ý định làm cho chúng ta tuân phục và buông bỏ ngang qua thời gian thử thách.
Như thế đối với Chúa Giêsu trong vườn Gietsemani, khi Ngài cảm nghiệm sự lo lắng và cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu được xin cất chén đắng này xa con! Nhưng xin đừng theo ý con mà vâng theo ý Cha” (Lc 22, 42). Chúa Giêsu đã bị tan nát bởi điều gian ác của thế giới, nhưng Ngài đã buông mình cách tín thác trong đại dương tình yêu của ý muốn Thiên Chúa. Các Thánh Tử Đạo cũng vậy, trong thử thách, họ không tìm kiếm cái chết, họ tìm kiếm sau cái chết sự phục sinh. Thiên Chúa, vì tình yêu, có thể mang chúng ta đi trên những lối mòn khó khăn, cảm nghiệm những tổn thương và gai nhọn đau buốt, nhưng không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngài luôn luôn ở với chúng ta, cạnh chúng ta, trong chúng ta. Đối với một tín hữu, hơn cả niềm hy vọng là sự chắc chắn rằng Thiên Chúa ở cùng tôi. Cũng chính là điều mà chúng ta tìm thấy trong Tin Mừng Luca đề cập đến sự cần thiết của việc cầu nguyện luôn luôn. Chúa Giêsu nói: “Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết. Người sẽ mau chóng minh xét cho họ” (Lc 18, 7 – 8). Thiên Chúa là như thế, Ngài yêu chúng ta như thế, Ngài muốn điều tốt cho chúng ta. Giờ đây, cha muốn mời chúng con, chúng ta cùng nhau đọc kinh Lạy Cha. Những ai trong các con không biết tiếng Ý, thì hãy đọc bằng ngôn ngữ của mình. Chúng ta cùng nhau cầu nguyện kinh Lạy Cha.
Vatican, ngày 20 tháng 03 năm 2019
Đức Thánh Cha Phanxico