Mến Thánh Giá LINH ĐẠO Đức Cha Lambert de La Motte

DÒNG MẾN THÁNH GIÁ - 350 NĂM HỒNG ÂN

Thứ tư - 29/12/2021 09:14

DÒNG MẾN THÁNH GIÁ - 350 NĂM HỒNG ÂN


Tại Mỹ và một số nước Châu Âu, có lẽ trong khoảng 10 năm trở lại đây, người ta đã bắt đầu quen với cái tên “The Lovers of the Holy Cross”, “Soeurs Amantes de la Croix”, “Amanti della Santa Croce” hay là “Det Hellige Kors Konggraijon”. Tuy nhiên, đối với người Việt và giáo dân Việt Nam thì tên gọi và hình ảnh các soeurs Mến Thánh Giá rất quen thuộc, quen đến nỗi nhiều người không bận tâm đến nguồn gốc và xuất xứ của Dòng Mến Thánh Giá. Riêng đối với các chị em Mến Thánh Giá thì hai năm: 2020 và 2021 là hai năm thật đẹp và ý nghĩa, vì nó ghi dấu một hành trình dài 350 năm Dòng được hình thành và phát triển. Vì thế, qua bài viết ngắn này xin được trình bày sơ lược chặng đường dài ba thế kỹ rưỡi đầy gian nan mà đại gia đình Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam rất trân quý, vì đối với chị em đó là thời gian ân phúc.  
         
Hạt giống Mến Thánh Giá
 
Khi trình bày về lịch sử Dòng Mến Thánh Giá không thể không nói đến Đức Cha Pierre Lambert de La Motte (người Pháp) – Đại Diện Tông Tòa Đàng Trong Việt Nam (1624 – 1679), Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá và linh đạo của ngài. Bởi lẽ, Đức Cha Pierre Lambert được ơn yêu mến Thánh Giá Chúa Kitô cách đặc biệt.
 
Thật vậy, sử gia Françoise Buzelin gọi ngài là “một đứa trẻ sớm trưởng thành tìm hiểu ơn gọi”[1]. Khi lên 9 tuổi Đức Cha đã được ơn soi sáng và khao khát là một tu sĩ Yêu Mến Thánh Giá Chúa: “Tôi nhớ lại một chuyện đã tác động mạnh mẽ trên tôi và làm tôi cứ băn khoăn, chuyện đó xảy ra lúc tôi khoảng chín tuổi, trong thành phố nơi tôi sinh ra. Khi đó tôi đang suy nghĩ xem tôi có thể đi tu dòng không, nhưng không dòng nào thu hút tôi cả vì tôi thấy các tu sĩ không có một đời sống gương mẫu đủ. Nhưng một mẫu tu sĩ khác xuất hiện trong tâm trí tôi, làm tôi thích và muốn gia nhập, đó là các tu sĩ Yêu Mến Thánh Giá Chúa. Tôi thấy đời sống của họ rất đáng khâm phục, đến nỗi nếu gặp được họ ở đâu, tôi sẵn sàng trả bất kỳ giá nào để gia nhập. Nhưng tiếc thay, không có dòng đó, nên từ đấy, tôi hết muốn đi tu dòng, mặc dầu vẫn còn rất quý trọng các cộng đoàn trung tín với đời sống thanh khiết của tu hội, tôi coi các tu viện như là những vườn ươm của thiên đàng”[2]. Khao khát này là hoa trái của những giờ siêng năng tham dự Thánh Lễ, đọc sách thiêng liêng, đặc biệt là sách Gương Chúa Giêsu Kitô và lối sống kỹ cương, khuôn phép, chừng mực, tiết độ.

Lòng yêu mến Đức Kitô Chịu Đóng Đinh từ thuở thiếu thời đã định hướng cho cuộc đời và sứ mạng của Đức Cha Lambert, làm nền tảng cho linh đạo Mến Thánh Giá được kết dệt trong ba chiều kích: Khổ Chế, Cầu Nguyện và Tông Đồ. Linh đạo này như hạt giống được Thiên Chúa gieo vào lòng Đức Cha Lambert, ngài đã đón nhận, cưu mang và chờ ngày Thiên Chúa chỉ cho mảnh đất để gieo hạt.
 
Cuộc gặp gỡ nhiệm mầu
 
Vào năm 1670, trong chuyến viếng thăm mục vụ tại Đàng Ngoài thay cho Đức Cha Françoise Pallu, Đức Cha Pierre Lambert đã gặp một nhóm thiếu nữ đạo đức, những người ao ước giữ mình đồng trinh. Sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng, Đức Cha quyết định chính thức thành lập Dòng Mến Thánh Giá, qua việc đích thân nhận lời khấn của hai nữ tu tiên khởi Anê và Paula tại Phố Hiến ngày 19.02.1670 và trao cho hai chị Bản Luật do ngài soạn thảo[3]. Một năm sau, trong chuyến kinh lý tại Đàng Trong – là Giáo phận Tông Tòa của ngài, Đức Cha đã lập Dòng Mến Thánh Giá Đàng Trong tại An Chỉ (Quảng Ngãi) vào dịp lễ Giáng Sinh năm 1671 với 10 chị tiên khởi[4].
 
Như thế Dòng Mến Thánh Giá khai sinh như duyên tình được kết dệt nên bởi ơn linh hứng của Chúa Thánh Thần trên Đức Cha Lambert và nỗi khao khát thiêng liêng của con người nơi các phụ nữ của vùng truyền giáo Á Đông. Từ đó, chị em Mến Thánh Giá bắt đầu hành trình sống sứ mạng là cánh tay nối dài của Đức Kitô Chịu Đóng Đinh trên quê hương Việt Nam thân yêu. Trong suốt 350 năm, ngoài những gian nan của riêng mình, Dòng Mến Thánh Giá đã chia sẻ cùng một dòng lịch sử thăng trầm của dân tộc Việt, đặc biệt là của Giáo Hội Việt Nam thân yêu. Bao nhiêu lần Đạo Chúa bị bách hại thì bấy nhiêu lần chị em Mến Thánh Giá bị gươm đao, nhà cửa ruộng vườn bị bình địa; bao nhiêu lần có những cuộc cải tổ bấy nhiêu lần chị em chia ly kẻ ở người đi để trung thành với linh đạo Mến Thánh Giá của mình.
 
Thế nhưng, những đau thương trong suốt hành trình dài gần 3 thế kỷ đó lại chứng minh sức mạnh và điều kỳ diệu của mầu nhiệm Thập Giá. Cái mà người đời cho là mất mát thì Thiên Chúa lại biến nó thành cơ hội phát triển vững mạnh.
 
Lớn lên và phát triển
 
Sau 350 nhìn lại, những cuộc di tản do chiến tranh hay bách hại đạo trong quá khứ như ngọn gió phân tán hạt giống Mến Thánh Giá, nơi đâu có vài ba chị em Mến Thánh Giá lại nảy sinh một Dòng Mến Thánh Giá khác. Vì thế, từ hai cộng đoàn đầu tiên được Đức Cha Pierre Lambert thành lập nay trải dài trên mảnh đất hình chữ S trong 27 Giáo Phận của Giáo Hội Việt Nam có 24 Hội Dòng Mến Thánh Giá và phân tán đến tận Hoa Kỳ (Hội Dòng Mến Thánh Giá Los Angeles). Từ những cuộc ra đi tay trắng chị em đã khai hoang, gầy dựng ruộng vườn, nhà cửa. Từ một số ít các nữ tu tiên khởi nay số nữ tu Mến Thánh Giá hơn 9000 ngàn phục vụ trong nước và cả hải ngoại.
 
Căn tính và sứ mạng
 
Như đã điểm sơ lược vài nét chính yếu trong hành trình khai sinh và lớn lên của Dòng Mến Thánh Giá, thì dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chị em Mến Thánh Giá cũng luôn cố gắng hết sức sống căn tính, ơn gọi và sứ mạng của mình.
 
Dòng Mến Thánh Giá là Dòng nữ đầu tiên mang bản sắc Á Đông vừa chiêm niệm vừa hoạt động (Hiến Chương, điều 1). Mỗi chị em trong Dòng được mời gọi tháp nhập đời mình vào Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh là Đối Tượng duy nhất để từ đó sống sứ vụ tông đồ, loan báo Phúc Âm cho các dân tộc và góp phần xây dựng Giáo Hội địa phương (x. Hiến Chương, điều 2).
Vì thế, trong các thời kỳ Đạo bị bách hại, các chị là những người che giấu các thừa sai và linh mục, là liên lạc viên đưa tin; thăm viếng và tiếp tế vật chất và của ăn thiêng liêng (đưa Mình Thánh Chúa) cho các tù nhân đức tin mà nhiều người trong số họ là các Thánh Tử Đạo sau này[5]. Tùy nghi từng hoàn cảnh xã hội, chị em góp phần mình trong việc đồng hành, thăng tiến văn hóa và giáo dục đức tin cho giới trẻ và phụ nữ.
 
Ngày nay cũng thế, chị em Mến Thánh Giá, vẫn trung thành với sứ mạng là cánh tay nối dài của Đức Kitô, sống sứ mạng chuyển cầu trong nguyện đường và nơi cuộc sống. Vì thế, ngoài việc chiêm niệm, cầu nguyện, cộng tác trong các chương trình mục vụ của Giáo Xứ: các hội đoàn, dạy Giáo Lý, trao Mình Thánh Chúa cho người già và bệnh nhân…, chị em mở các trung tâm xã hội dấn thân trong việc bảo vệ sự sống, nuôi dưỡng và chăm sóc các em cô nhi, các em khuyết tật; chăm sóc y tế; trợ giúp người nghèo và những bệnh nhân phong; tham gia vào công tác giáo dục đặc biệt giáo dục trẻ mầm non.
 
Nhìn lại lịch sử cuộc đời của chính mình, chị em Mến Thánh Giá xác tín rằng Dòng Mến Thánh Giá là ân ban của Chúa Thánh Thần. 350 năm qua ghi dấu ấn lịch sử đầy nhiệm mầu của Thiên Chúa. Câu chuyện cuộc đời của Dòng Mến Thánh Giá cũng minh chứng cho con đường thực nghiệm thiêng liêng của Đức Cha Lambert, như lời của sử gia Françoise Buzelin: “Linh đạo say mê thập giá này có thể được tóm gọn trong ba thái độ: chấp nhận, từ bỏ, cho đi. Những khái niệm này xác định thái độ nội tâm của Giám Mục Bérythe (Đức Cha Pierre Lambert) cùng linh đạo thừa sai của ngài, một linh đạo không luôn luôn được các bạn đồng nghiệp nam giới của ngài dễ dàng chấp nhận, nhưng sẽ nuôi dưỡng trong hơn ba thế kỷ, một lịch sử đầy xáo trộn và đau thương của hàng ngàn nữ tu Mến Thánh Giá”[6]. Thật vậy, lịch sử 350 năm đầy thách đố, lắm lúc tưởng chừng như bị hủy diệt lại là dấu chứng đức tin vào sức mạnh cứu độ kỳ diệu của Thánh Giá Con Thiên Chúa.
 
Thời gian đang qua đi, lịch sử Dòng Mến Thánh Giá lật sang trang mới. Hai năm ân thánh (2020 – 2021) giúp chị em học được bài học quý giá rằng Thiên Chúa dùng con người, thời gian và nơi chốn để viết nên câu chuyện tình yêu của Ngài. Bài học đó giúp chị em can đảm bước đi trong hy vọng và tin yêu.
 

[1] Françoise Fauconnet-Buzelin, Người Cha bị lãng quên của công cuộc truyền giáo hiện đại, Lucien Hoàng Gia Quảng (chuyển ngữ), Nhà xuất bản Phương Đông, Tp. HCM 2015, tr. 49.
[2] Đức Cha Pierre Lambert de La Motte, Di cảo số 3 – Bài nguyện ngắm ngày 03 tháng 11 năm 1663, trong Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá (tổng hợp và chuyển ngữ), Tuyển tập Bút Tích, tr. 51 – 52.
[3] Trích lại trong Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá, Lịch sử Dòng Mến Thánh Giá, Định Hướng Tùng Thư, France 2018, tr. 142.
[4] Như trên, tr. 145.
[5]Lịch sử Dòng Mến Thánh Giá, tr. 312 – 313.
[6] Người Cha bị lãng quên, 132.

Tác giả bài viết: MTG Nha Trang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:Lịch sử Dòng Mến Thánh Giá, linh đạo Mến Thánh Giá, Đức Cha Pierre Lambert de La Motte

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn