Mến Thánh Giá LINH ĐẠO Đức Cha Lambert de La Motte

THẨM PHÁN TRẺ – ƠN GỌI LINH MỤC – LINH ĐẠO MẾN THÁNH GIÁ

Thứ hai - 11/12/2017 09:24

THẨM PHÁN TRẺ – ƠN GỌI LINH MỤC – LINH ĐẠO MẾN THÁNH GIÁ

Tháng 12 của Đức Cha Lambert: Ngày 27 tháng 12 năm 1655: thụ phong linh mục; ngày 25 tháng 12 năm 1671: Lập Dòng Mến Thánh Giá tại Đàng Trong

Nhân dịp kỷ niệm 362 năm ngày Đấng Sáng Lập lãnh nhận hồng ân linh mục và 346 năm Ngài thành lập Dòng Mến Thánh Giá đàng trong, chúng ta cùng nhau đọc lại ơn gọi và con đường thiêng liêng của Người Cha đáng kính.

Năm 1648 tình hình xã hội nước Pháp đã khủng khoảng nay lại trở nên trầm trọng hơn từ kinh tế, chính trị đến tôn giáo, nước Pháp rơi vào vòng nội chiến[1]. Lúc bấy giờ, Đức Cha Lambert de La motte là một chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết và hoãi bão đang xây dựng cuộc đời mình bằng nghề luật sư hái ra tiền. Ngài tham gia vào biết bao công nghị, những cuộc bàn thảo và thiện nguyện. Nghề nghiệp, khả năng của Ngài đã hứa hẹn bao nhiêu điều cho một tương lai tươi sáng. Thế nhưng trong tranh tối tranh sáng của nước Pháp ấy và giữa biết bao mời mọc chào đón, chính chàng Pierre Lambert đã rút ra được một bài học từ những biến cố và vai trò của mình. “Ở tuổi 29, Lambert có thể lợi dụng việc trở lại của Quận công de Longueville để đề cao những đóng góp của mình và được thêm ân huệ. Nhưng Pierre Lambert đã thấy rõ tính cách phù phiếm của những dấn thân vào chính trường, dù có ý ngay lành đến đâu đi nữa, các dấn thân đó cũng chỉ phục vụ cho những người có quyền thế và gây thiệt hại cho đám người yếu kém. Đã lâu nay, chàng trai trẻ cảm thấy chán ngán thế gian, quay lưng với các thụ tạo và hướng lòng trí về một mình Thiên Chúa”[2].

Giữa những ồn ào và đầy bon chen của cuộc sống, Lambert cảm nhận tiếng nói rất khẽ nơi cõi lòng mình, một chút chán chường với cuộc sống hiện tại, không tìm thấy ý nghĩa đích thực của việc mình đang làm và khả năng mình đang có. “Chàng đang do dự trước những chọn lựa của cuộc sống. Chàng rút lui về ở nhà nội, nơi đây Pierre Lambert chọn cho mình một chổ ở riêng, để sống trong thanh vắng và tìm thánh ý Thiên Chúa trên cuộc đời mình”[3].

Kể từ khi nhận biết những diễn biến trong tâm hồn mình, chàng Lambert luôn để tâm đến những dao động, cảm nghiệm và đọc những biến cố của cuộc sống trong ánh sáng của việc tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa.

Biến cố thứ nhất, ông cậu giới thiệu cho Lambert một cô gái xinh đẹp để làm bạn, nhưng chàng từ chối. Sau khi hai cậu cháu chia tay, ông cậu bị ám sát ngay trên đường trở về nhà. Biến cố này làm cho Lambert chán ngán thế gian đến nỗi ngài quyết tâm từ bỏ tất cả. Biến cố thứ hai xảy ra trong dịp lễ kết hôn của một người họ hàng, trên đường đi Lambert bị con ngựa trở chứng hất tung xuống một rãnh nước. Trong bộ dạng xốc xếch và lem luốc của một con người có địa vị chàng cảm thấy danh tiếng chẳng còn đáng là gì, tất cả chỉ là phù vân.

Sau những trải nghiệm nội tâm ấy, Pierre Lambert chuyển đến ẩn mình nơi ẩn viện của ông Jean de Bernières. Tại vùng Caen này, chàng trai trẻ đang đi tìm một lối sống mới gặp lại những anh em đồng hội và những bạn đồng môn xưa, giáo sĩ hay giáo dân cùng chung một lý tưởng của những con người đang tìm kiếm “một con đường đạt tới cảm nghiệm nội tâm về Thiên Chúa”[4]. Chính nơi đây, giữa tiếng mời gọi của Chúa, giữa những gương sống của những người đi trước và cùng thời, Pierre Lambert đã khám phá ra con đường của riêng mình, “như con đường của Chúa Kitô, phải băng qua sự hạ mình, hy sinh, tự hủy tự nguyện và chàng đã khởi công xây dựng lại con người bên trong trên những đống đổ nát của con người bên ngoài. “Lần đầu tiên ý định làm linh mục để có thể giúp đỡ các linh hồn ở các xứ mà ngài nghĩ Chúa sẽ gọi mình đi đến đó”[5].

Sau bao nhiêu cân nhắc, lắng nghe lời mời gọi vì nhu cầu của Giáo Hội lúc bấy giờ, lắng nghe tiếng thúc dục từ tâm hồn mình, cũng như vượt qua giữa biết bao giằng co, sợ hãi cuối cùng Ngài đã quyết tâm dứt bỏ tất cả để tâm hồn mình cho Chúa hướng dẫn. Vị thẩm phán trẻ, đạo đức này gia nhập hàng giáo sĩ ở tuổi 31[6].

Để chuẩn bị chịu chức linh mục, thầy Lambert đã tĩnh tâm ba mươi ngày, đi bộ hành hương từ Caen đến Rennes hơn 120 cây số, cải dạng thành người nghèo khổ, cắt tóc ngắn, ăn mặc tồi tàn khiến cho mọi người chế giễu[7]. Tại Rennes, thầy làm tuần cửu nhật kính viếng mộ tu sĩ thánh thiện Jean de Saint Samson, sau đó lại đi bộ khất thực trở về Caen. Tuy chịu nhiều khốn khổ trong thân xác nhưng tinh thần rất hân hoan và bình an, thầy tập từ bỏ mình nhiều hơn và tăng thêm lòng kính Đức Mẹ bội phần[8].

Tháng 9 năm 1655, thầy được chịu phép cắt tóc và các chức nhỏ do Đức Cha địa phận Bayeux. Sau cuộc tĩnh tâm 40 ngày, thầy lãnh tác vụ linh mục vào ngày 27. 12. 1655[9].

Trong ngày cùng với các bạn cử hành trọng thể lễ mừng Chúa Giêsu Thượng Phẩm, trong Thánh Lễ có nghi thức lặp lại các cam kết của hàng giáo sĩ. Tất cả các nghi lễ đó đều ca tụng sự cao trọng cùng các bổn phận của chức linh mục và Pierre Lambert hẳn đã phải rất nhạy bén, vì theo cha Brisascier, cuộc tĩnh tâm đã đem lại cho ngài “những cái nhìn mở rộng về phẩm giá cao quý của chức linh mục và về các tâm tình linh mục phải có. Cái chính yếu là tinh thần hy sinh nghĩa là quyết tâm thành thật tự hủy mình ra không, kết hợp với Chúa Giêsu Kitô dâng mình làm của lễ trên bàn thờ để thiết lập vinh quang của Chúa Cha trong mọi tâm hồn. Ngài cảm thấy rằng Chúa Cứu Độ đã ban cho ngài ơn được thông dự phần nào vào sự tự hủy nhiệm mầu đó. Trong suốt tuần tĩnh tâm, ngài thấy bừng cháy lòng khao khát yêu mến Thánh Giá”[10].

Lòng khao khát yêu mến Thánh Giá này đã trở nên hồn sống và phương châm cho đời sống của Ngài. Tình yêu Thập Giá được Ngài bày tỏ rất rõ ràng trong quan niệm về “chết vì tình yêu” rằng “Cái chết đó người ta không thấy, nó không diễn ra trong một đấu trường nào cả, nhưng trong sương mờ của các công việc hằng ngày. Đây là một sự suy yếu từ từ do những chấp nhận bé mọn, những từ bỏ nhỏ nhoi hay những nhục nhã  bất công, xúc phạm, đấu tranh không cân xứng, thất bại, bệnh hoạn. Nó không đòi những những hành động có khí phách nam nhi, nhưng thể hiện trong khả năng vô tận, mà truyền thống coi là của nữ giới. Khả năng chấp thuận và mang trong mình như Đức Trinh Nữ cho thấy trong lời Xin Vâng dứt khoát, Người đã đem lại ơn Cứu Độ cho thế giới trong đau khổ tại hang đá Belem và trên đồi Golgotha[11].

Tất cả điều này hình thành nên linh đạo của Đức Cha Lambert. Một linh đạo không luôn luôn được các bạn đồng nghiệp nam giới của Ngài dễ chấp nhận, nhưng sẽ được nuôi dưỡng trong hơn ba thế kỷ, một lịch sử đầy xáo trộn và thương đau của hằng ngàn nữ tu Mến Thánh Giá[12].

16 năm sau kể từ khi linh đạo “chết vì yêu” ấy được ấp ủ và sống nơi miền truyền giáo Á Đông, Đức Cha Lambert de La Motte đã thành lập Dòng Mến Thánh Giá Đàng Trong vào dịp lễ Giáng Sinh năm 1671 tại An Chỉ (Quảng Ngãi), Việt Nam. Sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử quê nhà chiến tranh, loạn lạc, bách hại… hạt giống tình yêu ấy lắm lúc tưởng chừng bị bóp nghẹt, thế nhưng nay vẫn còn và lớn mạnh, để đúng 300 năm sau kể từ ngày thầy Pierre Lambert lãnh nhận thiên chức linh mục và xác định cách chắc chắn con đường thiêng liêng riêng của mình thì Hội Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang ra đời (1955).

Đọc lại cuộc đời của Người Cha đáng kính, nhìn lại dòng lịch sử đã qua, chúng ta học nơi Ngài biết bao điều tốt đẹp: phương cách Ngài lắng nghe tiếng thôi thúc của nội tâm, để ý đến những hoạt động của Thiên Chúa trong tâm hồn mình, phân định tiếng mời gọi của Chúa để can đảm đáp trả vượt qua những sợ hãi và danh vọng của chính mình. Tri ân Ngài, chúng ta sống tâm tình của những người con đi lại con đường thiêng liêng của Ngài cách vui tươi và đầy dấn thân để trên Thiên Quốc Ngài hài lòng về chúng ta.
 
 

[1] X. Lucien Hoàng Gia Quảng, Người Cha bị lãng quên của công cuộc truyền giáo hiện đại. Pierre Lambert de la Motte, Đại diện Tông Tòa tiên khởi đàng Trong 1624 – 1679, Nhà xuất bản Phương Đông, Tp. HCM 2015, 68 – 79.
[2] Như trên, tr. 80.
[3] Như trên, tr. 81.
[4] Như trên, tr. 91.
[5][5] Như trên, tr. 100.
[6] Như trê, tr. 118.
[7] J. CH. de Brisacier, sđd., số 48 – 57.
[8] Như trên, số 33, 58.
[9] Như trên, số 69.
[10] Lucien Hoàng Gia Quảng, Người Cha bị lãng quên của công cuộc truyền giáo hiện đại. Pierre Lambert de la Motte, Đại diện Tông Tòa tiên khởi đàng Trong 1624 – 1679, Nhà xuất bản Phương Đông, Tp. HCM 2015, 129.
[11] Như trên, tr. 131.
[12] Nhu trên, tr. 132.

Tác giả bài viết: MTG Nha Trang

Tổng số điểm của bài viết là: 30 trong 8 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:Đức Cha Lambert de La Motte, tiểu sử Đức Cha Lambert, linh đạo Mến Thánh Giá, lịch sử dòng Mến Thánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn