Mến Thánh Giá GÓC SUY TƯ

NƯỚC CỜ TRONG CUỘC CHIẾN ĐẤU THIÊNG LIÊNG

Thứ sáu - 28/01/2022 04:50

NƯỚC CỜ TRONG CUỘC CHIẾN ĐẤU THIÊNG LIÊNG


 
Nước cờ là từ thường dùng trong thi đấu, những trò bài bạc hay chơi game. Người chơi phải quan sát tình thế của đối phương, phân tích, thông minh, lanh lẹ để ra “nước cờ” cho mình thì mới có thể thắng hoặc ít nhất là huề. Trong ý nghĩa “nước cờ” là cách người ta đánh giá thực tế và khôn ngoan tìm ra cách hành xử để đạt đến một điều gì đó thì từ này cũng được dùng trong cuộc sống thường ngày. Vì thế, lắm khi đứng trước một thất bại mà nguyên nhân là do sự chọn lựa hành động của chính mình, người ta bảo “Mình đã đi sai nước cờ”. Điều này cũng đúng trong cả hành trình thiêng liêng của mỗi người Kitô hữu, đặc biệt những người hiến dâng cuộc đời mình cho Thiên Chúa trong ơn gọi thánh hiến. Sự trung thành của họ tùy thuộc khả năng phân định nước cờ của thế gian, ma quỷ và khôn ngoan sử dụng nước cờ của Thiên Chúa để chiến thắng.

Nước cờ thế gian
Lời Chúa trong những ngày này thuật lại một sự kiện đáng buồn của cuộc đời vua Đavit. Câu chuyện cho thấy những toan tính của con người đầy sức mạnh quyền lực nhưng cũng đầy yếu đuối tâm hồn. Toan tính này làm ông đi sai nước cờ của cuộc đời mình. Chuyện xảy ra vào một buổi chiều mùa xuân, vua Đavít đi bách bộ trên sân thượng đền vua, ông bất chợt thấy một phụ nữ đang tắm. Nàng nhan sắc tuyệt vời. Vua sai người đi điều tra thân thế và gia cảnh của nàng. Người phụ nữ ấy là Batseva, vợ của tướng quân Urigia đang tham gia chiến trận. Vua Đavit sai người mang người phụ nữ ấy về cung và không lâu sau đó bà báo cho vua biết bà có mang.

Vua Đavít bắt đầu tính và đi nước cờ của mình. Vua cho gọi tướng quân Urigia về từ chiến trường để với sự trở về của người chồng cùng với người vợ trẻ ấy có thể lấp đi hành vi sai trái của vua và cũng không mang tai tiếng đến cho mình. Thế nhưng, tướng quân Urigia sau khi yết kiến vua Đavít, ông không về nhà mình mà ngủ lại ở cổng đền vua cùng với binh lính và đoàn tùy tùng.

Cách hành xử của tướng Urigia đưa vua Đavít vào tình thế khó xử. Ông buộc phải tính và đi bước cờ thứ hai và đây cũng là bước cờ quyết định cho định mệnh cuộc đời ông. Vua viết thư cho đại tướng Gioap, người chỉ huy chiến trận và gửi tướng Urigia mang đi. Lá thư được viết với mấy dòng chữ: “Hãy đặt Urigia ở hàng đầu, chỗ mặt trận nặng nhất, rồi rút lui bỏ nó lại, để nó bị trúng thương mà chết”. Trong trận chiến ác liệt nhất Urigia đã chết.

Thế là vua Đavít đi tiếp nước cờ của mình, ông đón bà Batseva vào cung. Vua Đavít dường như an lòng vì ván cờ của ông đã kết thúc suông sẻ. Thế nhưng, Thiên Chúa, Người quan sát và làm trọng tài trong ván cờ cuộc đời của vua và cuộc đời tướng Urigia lên tiếng, can thiệp. Ngài can thiệp như thế nào, đó là câu chuyện đẹp, là kinh nghiệm tuyệt vời không chỉ cho cuộc sống hằng ngày mà còn cho hành trình đi tìm kiếm khuôn mặt của Thiên Chúa và kinh nghiệm nhận biết sai lầm, đón nhận chúng và hoán cải trong hành trình trưởng thành của chúng ta. Thiên Chúa sai ngôn sứ Nathan đến gặp vua Đavít và thức tỉnh tâm hồn vua bằng một câu chuyện rất nhẹ nhàng nhưng sâu sắc và đầy ý nghĩa, để vua tự mình làm một phân định giữa đúng và sai, nên và không nên, để thống hối và biến đổi.

Sa ngã của vua Đavit cũng là sa ngã của biết bao người ngày hôm nay. Thật vậy, nếu trong cuộc đời này, nước cờ của con người ta chỉ đặt trên những ham muốn và toan tính nhất thời, thì người ta thường đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Nếu như những lựa chọn, những quyết định hành xử của con người chỉ dựa trên những gì mắt thấy, tai nghe mà không làm chủ giác quan và xúc cảm, con người tự đi vào cái trống rỗng và vô nghĩa của chính mình. Như có lời khuyên rằng “Người tin rằng mình có thể đọc tất cả, nghe tất cả, thấy tất cả: người ấy từ chối làm chủ trí tưởng tượng và những nhu cầu cảm xúc, tốt nhất không nên dấn thân trên con đường trở nên hoàn thiện”. Con đường hoàn thiện này là một cuộc chiến đấu không ngừng, không dừng lại ở sự dễ dãi nhưng vươn lên tới Thiên Chúa nhờ nỗ lực của con người và ân sủng của Thiên Chúa.

Nước cờ thuộc về Thiên Chúa
Hai vị Đại Diện Tông Tòa tiên khởi của Giáo Hội Việt Nam, Đức Cha Francois Pallu và Pierre Lambert trong Tâm thư gởi các thừa sai năm 1664 đã cảnh báo những cám dỗ mà các thừa sai sẽ đối diện trong cuộc đời của mình và đưa ra những phương thế để vượt thắng các cám dỗ ấy.

Theo các ngài để ngăn ngừa các cám dỗ, các thừa sai trên hết phải cố gắng tìm ra căn nguyên của chúng. Các ngài còn nhấn mạnh rằng chỉ cần để ý một chút thì sẽ nhận ra ngay các cám dỗ mà các thừa sai gặp phải, đó cũng chính là những cám dỗ mà ma quỷ đã dùng để tấn công Thầy Chí Thánh trong sa mạc [1]. Như thế, nước cờ đầu tiên trong cuộc chiến đấu thiêng liêng là sự nhạy bén và chủ tâm của con người: nhận ra và gọi tên yếu đuối của chính mình.

Nước cờ thứ hai, các ngài đề nghị là: chuyên cần cầu nguyện. Đối với các ngài đây là “chân lý tuyệt đối: Tinh thần cầu nguyện là cần thiết và hiệu nghiệm để chống lại mọi cám dỗ” [2]. “Nguyện gẫm là nguồn và là đầu mọi nhân đức. Nó dạy ta biết hãm mình; giống như một tấm gương bắt ta thấy, cả những vết nhơ nhỏ nhặt nhất của tâm hồn. Và khi chúng ta cố gắng tránh những vết nhơ này cách nghiêm chỉnh, thì chắc chắn ta sẽ không rơi vào những tội nặng hơn” [3].

Nước cờ thứ ba, tĩnh tâm khi đến xứ truyền giáo. “Ngay khi vị thừa sai đặt chân đến xứ truyền giáo sẽ được giao phó cho mình, ngài mau mắn đưa mắt nhìn lên Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Người mục tử để được chúc phúc. Và khi hoàn cảnh cho phép, Ngài sẽ rút lui để tĩnh tâm hầu tích lũy những nhân đức cần thiết, ngài sẽ dâng lên Chúa Kitô các linh hồn được giao phó cho ngài, và đem hết mình dạy dỗ họ, ngài vui sướng vì đã đổ công sức chăm lo cho các linh hồn, và có thể một ngày nào được đổ máu mình nữa” [4].

Nước cờ thứ tư, khổ chế. Theo các ngài người tông đồ trưởng thành qua vất vả và khổ hạnh và mang lại những hoa quả tốt đẹp làm vinh danh Thiên Chúa [5].

Các các cám dỗ và những chiến lược chiến đấu mà hai Giám Mục Tông Tòa tiên khởi nhắn nhủ các thừa sai cách đây 358 năm dường như vẫn còn nguyên giá trị của nó. Thật vậy, trong bất kỳ lối sống hay tương quan nào sự trung thành và hạnh phúc luôn được đan bện bởi những từ bỏ, hy sinh và tiết độ nhỏ nhặt hằng ngày.
 
 
[1] Francois Pallu – Lambert de la Motte, Monita Missionararios – Nhắn nhủ các thừa sai, (Bản dịch của Kontum) trong Lm. Giuse Trương Đình Hiền, Bình vẫn chưa hề cũ: Huấn thị 1659, Công nghị 1664 – Kim chỉ nam truyền giáo thế kỷ 17, Tủ sách Antôn và Đuốc Sáng, 2021, tr. 184.
[2] Như trên, tr. 191.
[3] Như trên.
[4] Như trên, tr. 194.
[5] Như trên, tr. 195.
 

Tác giả bài viết: Ngọc Trong Đá

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:cuộc chiến đấu thiêng liêng

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn