Mến Thánh Giá GÓC SUY TƯ

TRONG ĐAU KHỔ CÓ NIỀM HẠNH PHÚC

Thứ năm - 15/09/2022 20:55

TRONG ĐAU KHỔ CÓ NIỀM HẠNH PHÚC


Ngày 15/9, Giáo Hội mừng lễ Mẹ Sầu Bi. Bài Tin Mừng theo thánh Gioan đưa nó về với khung cảnh của ngày thứ 6 tuần thánh. Một buổi chiều, trên ngọn đồi Canvê, có một người tử tội bị đóng đinh trên thập giá. Thân xác người đầy dẫy những vết thương. Người đang hấp hối. Đứng ngay dưới chân thập giá là Mẹ của người. Mẹ đã đồng hành với Người suốt chặng đường đau thương, đã chứng kiến Người bị đánh đòn, bị đội mão gai, vác thập giá, bị té ngã, bị sỉ nhục và giờ đây đang đứng nhìn đứa con duy nhất của mình thoi thóp trên thập giá. Chắc hẳn, một người mẹ sẽ rất đau lòng khi thấy con như thế. Vậy mà hôm nay, khi suy niệm đoạn Tin Mừng này, nhìn bóng Mẹ dưới chân thập giá, nó lại cảm thấy trong lòng Mẹ không chỉ có nỗi đau mà có một điều lớn hơn, đó là niềm hạnh phúc.

Nhìn bóng Mẹ đứng dưới chân thập giá, nó lại nhớ đến hình ảnh của người mẹ đã tử đạo cùng 7 người con được ghi lại trong sách Macabê (x. 2Mc 7, 1- 41). Người mẹ ấy đã tận mắt chứng kiến không phải chỉ một người con nhưng là 7 người con của mình bị giết một cách dã man trong cùng một ngày. Nỗi đau ấy lớn lao biết mấy. Thế mà bà không gục ngã, không nao núng. Bà không khóc lóc van xin ông vua độc ác cho các con bà được sống, cũng không khuyên nhủ các con chối bỏ đức tin để giữ lại mạng sống mình. Trái lại, bà ra sức khích lệ các con hãy trung thành với Đức Chúa và coi trọng giới luật Người ban hơn mọi cái chóng qua ở đời này. Chắc hẳn bà đau xót khi nhìn từng đứa con bị giết. Nhưng có lẽ trên môi bà cũng có một nụ cười mãn nguyện khi các con mình đã giữ vững đức tin mà đi trọn con đường Chúa muốn. Trong nỗi đau, bà có cả niềm hạnh phúc. Một niềm hạnh phúc mà có lẽ bà đã chẳng có được nếu các con bà chối bỏ đức tin để giữ lại mạng sống.

Mẹ Maria cũng vậy. Hôm nay Mẹ đứng dưới chân thập giá, nhìn con thân yêu chết treo giữa trời. Lòng nát tan nhưng nó tin rằng trong lòng Mẹ cũng có cả hạnh phúc. Bởi Mẹ biết điều Con Mẹ đang làm. Mẹ biết rằng Con Mẹ phải chịu đau thương để chu toàn thánh ý Thiên Chúa. Mẹ biết khi Con Mẹ chịu chết thì ơn cứu độ được trao ban. Có đôi khi nó nghĩ: Nếu lúc ấy, vì thấy Mẹ quá đau lòng mà Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá để quay về với Mẹ sống những ngày bình yên thì sao nhỉ? Liệu Mẹ có cảm thấy hạnh phúc không? Chắc Mẹ sẽ không thấy hạnh phúc đâu nhỉ, nhưng Mẹ sẽ thấy buồn vì chương trình cứu độ đã không được hoàn tất. Có lẽ vì thế mà Mẹ đã ở bên con khi con cần Mẹ nhất, đi cùng con trong suốt chặng đường khổ nạn đầy khó khăn. Và giờ đây, Mẹ đứng vững dưới chân thập giá. Mẹ đứng vững để Con Mẹ cũng đứng vững. Mẹ đứng vững như để nói với con rằng: “Con yêu của Mẹ! Con đã làm một việc rất vĩ đại. Mẹ tự hào về Con.”

“Đau khổ”, một điều dường như không ai muốn gặp phải, thế nhưng đó lại là điều không thể tránh khỏi của thân kiếp con người. Làm người, ai cũng từng đau khổ. Mỗi người, mỗi hoàn cảnh có những nỗi đau riêng: có người đau khổ vì mất đi người thân, vì bệnh tật hành hạ, có người đau khổ vì thất bại trong chuyện tình duyên, vì gia đình bất hòa, con cái hư hỏng... Điều quan trọng không phải là chối bỏ đau khổ nhưng là đối diện, không phải xem như nó không tồn tại nhưng tìm cách hiểu được ý nghĩa những đau khổ của mình. Adrian van Kaam, một linh mục Công giáo, nhà tâm lý học hiện sinh, người đã trải qua nhiều đau khổ trong trại tập trung của Đức quốc xã, đã nói rằng: “Người ta không chết vì đau khổ nhưng chết vì những đau khổ vô ích”. Thật sự, nếu hiểu được ý nghĩa của những đau khổ của mình, người ta sẽ không còn cảm thấy đau khổ nữa. Người mẹ trong sách Macabê chấp nhận mất con vì niềm tin vào sự sống đời đời bà đặt nơi Thiên Chúa. Mẹ Maria chấp nhận đau khổ vì cộng tác chương trình cứu độ loài người của Chúa Cha.

Trong cuộc sống hôm nay, cũng có rất nhiều người đang chịu đau khổ. Có những nỗi đau xem ra vô nghĩa như đau khổ vì một lời nói vô tình, đau khổ vì cứ phải chạy theo để làm vừa lòng người khác, đau khổ vì một tình yêu vô vọng. Nhưng cũng có những nỗi đau khổ đầy ý nghĩa như những cha mẹ âm thầm chịu hy sinh vì hạnh phúc của con cái. Những nhà truyền giáo chịu rời xa quê hương, chịu thiếu thốn bách hại để ở lại với những người dân khốn cùng. Những người yêu nhau chấp nhận nỗi đau vì chia ly để người yêu được ra đi thực hiện ước mơ của mình. Thật ra, trong khi chịu đau khổ chúng ta vẫn luôn hướng về một điều gì đó tốt đẹp. Hiểu được mình chịu đau khổ vì điều gì chúng ta sẽ thấy hạnh phúc, chúng ta sẽ có đủ sức mạnh để chịu đựng và vượt qua.

Đứng trước đau khổ, chúng ta thường cảm thấy yếu đuối, chán nản, tuyệt vọng, bị tổn thương. Chúng ta muốn kêu gào, than khóc, oán trách. Chúng ta muốn nói ra, muốn chia sẻ để cảm thấy nhẹ lòng. Đó cũng là điều thường tình trong cuộc sống. Thế nhưng có nhiều người, dù gặp đau khổ vẫn nuốt nước mắt vào trong, âm thầm chịu đựng để cuộc sống mọi người được bình yên, gạt qua một bên nỗi đau của mình để an ủi, nâng đỡ người khác, như người mẹ trong sách Macabê, như Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá. Nhìn bóng Mẹ trên đồi Gôngôtha, nó cảm thấy nơi Mẹ một nỗi đau xé lòng. Nhưng nó cũng nhận thấy nơi Mẹ một tâm hồn bình an, sáng suốt, một đức tin kiên cường, một tình yêu quảng đại. Hôm nay, cũng có rất nhiều người âm thầm chịu đau đớn vì người khác như Mẹ. Đó thật là những người can đảm, quảng đại, những người có trái tim và gương mặt của Chúa.

Đau khổ là điều không mấy dễ chịu nhưng lại giúp chúng ta nhận ra nhiều điều. Trong đau khổ, chúng ta biết được đâu là điều mình thật sự yêu quý, đâu là những giá trị địch thực. Trong đau khổ, ta nhận ra mình cũng yếu đuối và cần đến sự nâng đỡ. Trong đau khổ, ta biết được mình quảng đại bao nhiêu, sức chịu đựng của mình đến đâu, đức tin của mình ở mức độ nào. Đau khổ đem lại cho ta nhiều bài học quý giá. Cuộc sống của một người có lẽ sẽ không hoàn hảo nếu người ấy không trải qua những kinh nghiệm của đau khổ. Những ngày vui đem lại cho chúng ta hạnh phúc. Nhưng đau khổ giúp chúng ta trưởng thành. Như một bản nhạc có những nốt cao, nhưng đôi khi là những nốt trầm, có khi là những nốt lặng. Nốt lặng cho chúng ta dừng lại để bừng tỉnh, để lắng nghe, để những nốt nhạc sau được trổi vang hơn.

Bởi đó, nếu bạn đang gặp đau khổ, xin đừng quá hoang mang. Bạn có thể khóc, có thể gào thét nếu điều đó làm bạn thấy dễ chịu. Bạn có thể nói ra, tâm sự với một ai đó để cảm thấy nhẹ lòng. Hoặc bạn có thể chọn im lặng để cảm nghiệm nỗi đau và nhất là để lắng nghe tiếng Chúa. Bạn hãy dừng lại để tìm xem đâu là ý nghĩa những đau khổ mình phải chịu. Nếu bạn chưa tìm ra được điều đó, thì xin bạn hãy lấy lòng kiên nhẫn mà chịu đựng vì đau khổ theo một cách nào đó cũng là một quy luật. Chính Đức Kitô cũng trải qua nhiều đau khổ trong cuộc sống. “Dầu là Con Thiên Chúa, Đức Kitô đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5, 8). Thánh Phaolo cũng đã cảm nghiệm được điều ấy khi nói: “Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng.” (1 Cr 10:13) Và điều cuối cùng là lời khẳng định của Chúa: “Ai trung tín đến cùng, sẽ được cứu độ” (x. Mt 10, 22)

Vậy mong bạn hãy trưởng thành trong đau khổ. Bởi vì: Qua thập giá sẽ đến vinh quang.

Tác giả bài viết: Tomorrowljs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:Đau khổ và hạnh phúc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn