Mến Thánh Giá GÓC HỌC TẬP Giáo Lý

SAO ANH HỎI TÔI VỀ ĐIỀU TỐT?

Thứ tư - 18/10/2017 05:30

SAO ANH HỎI TÔI VỀ ĐIỀU TỐT?

Những nét căn bản về luân lý Kitô giáo của Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (tiếp theo)
II. “Tại sao anh hỏi tôi về điều tốt”: Thiên Chúa nguồn gốc của mọi tốt lành

Người thanh niên trong Tin Mừng Thánh Mattheu 19, 16 – 22 chất vấn Chúa Giêsu: “Tôi phải làm gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?”. Tra vấn về điều tốt, điều xấu, về ý nghĩa hay định hướng của cuộc sống, về giá trị của nó là một phần của sự phong phú nội tâm của con người đặc biệt là tuổi tuổi trẻ. Hơn nữa câu hỏi này một cách mặc nhiên bày tỏ niềm khao khát và ý thức mãnh liệt trong con người rằng con người sống là được mời gọi đến hưởng vinh phúc, đó là ơn gọi của con người[1], nghĩa là con người tìm thấy mục đích tối hậu của các hành vi và lối sống của mình hôm nay, ở đây và ngay bây giờ[2].

Từ kinh nghiệm của cuộc sống hằng ngày chúng ta thấy rằng con người mỗi khi hành động hoặc khi phán xét về một hành động nào đó luôn nghĩ đến và cân nhắc giữa: tốt và xấu, đúng và sai, luôn đặt nó trong những nguyên tắc của đạo đức và luân lý. Một câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao con người ai ai cũng bị chi phối bởi điều tốt – xấu, cân nhắc giữa đúng và sai? Phải chăng có một nguyên tắc phổ quát? Các nguyên tắc phổ quát ấy đến từ đâu? Tôn giáo hay văn hóa? Bản chất của chúng là tương đối hay tuyệt đối? Khách quan hay chủ quan? Bất biến hay thay đổi theo qui luật tiến hóa?

Tốt - xấu là hai ý niệm thuộc luân lý, thế nhưng trước khi đi vào những điều mà niềm tin Kitô giáo hướng dẫn phong cách sống của chúng ta qua các hành vi luân lý, hay nói cách khác là trước khi chúng ta xét đến đạo đức hay luân lý Kitô giáo, chúng ta thử nhắc đến một vài quan điểm triết học của Immanuel Kant về đạo đức và những quan điểm về luân lý của nhà thần học Karl Rahner.  

Như chúng ta biết Immanuel Kant là một người có những đóng góp rất quan trọng trong việc xác định “con người là ai” để từ đó đi đến việc xác định “con người phải làm gì”. Theo Kant để có một hành động đạo đức con người cần làm tất cả với ý hướng ngay lành nhờ làm vì bổn phận tuân theo mệnh lệnh tuyệt đối trong sự tự trị của ý chí[3]. Có 4 ý niệm quan trọng trong lập luận của ông mà chúng ta cần chú ý.


♦ Ý hướng ngay lành: ý hướng ngay lành hay thiện chí cần thiết để đánh giá một hành động bởi nó là điều duy nhất “tốt vô điều kiện”, “tốt tự tại”. Thật vậy, bởi vì các tài năng tự nhiên hay các đức tính dù tốt về mọi phương diện cũng không thể được coi là tốt tự tại. Bởi lẽ, nếu không có thiện chí hướng dẫn và sử dụng, sự thông minh, lanh lợi hay can đảm sẽ trở nên xấu và gian ác. Chính ý hướng ngay lành giúp uốn nắn những ảnh hưởng của chúng với trí khôn. Thiện chí là tốt không phải là do những kết quả của hành động tạo ra hay mục đích nó hướng tới. Vì rằng dù không thực hiện được mục đích của mình và dù rất cố gắng cũng không đạt được gì, thiện chí vẫn được coi là “viên ngọc quý” vì chính bản thân nó đã có giá trị đầy đủ.


 Bổn phận: Để bất kỳ một hành động nào đó được gọi là tốt về mặt đạo đức, nó phải được làm vì bổn phận thay vì một mục đích ích kỷ hay vì một khuynh hướng nào đó dù tốt đến mấy. Việc làm vì bổn phận vượt trên khuynh hướng thích hay không thích, có hứng hay không có hứng. Hành vi đạo đức là cái đáng phải làm và nên làm còn niềm vui và bình an mà hành động ấy đem lại là đến sau. Hơn nữa chính những hoàn cảnh khi cảm tính đi ngược lại với ước muốn thực hiện hành vi đạo đức là lúc ý chí thể hiện sức mạnh của chính nó để hành động cách có đạo đức. Chỉ khi ấy, ý chí vốn được ảnh hưởng bởi các khuynh hướng vui thì làm buồn thì thôi bị rèn giũa để trở nên tốt nhờ sự vô điều kiện của hành động vì bổn phận. Ở đây, cái mà Kant muốn nhấn mạnh động cơ thực hiện chỉ là một bổn phận chứ không phải vì tình yêu mến, mà bổn phận ấy từ đâu đến, ai trao cho, vì thế ông đưa ra một logic khác đó là con người cần tuân theo một mệnh lệnh tuyệt đối.

Ž♦ Mệnh lệnh tuyệt đối: Tuyệt đối nghĩa là phổ quát và vô điều kiện. Mệnh lệnh tuyệt đối là mệnh lệnh đòi buộc con người là hữu thể có lý trí thực hiện trong mọi trường hợp. Theo ông “mệnh lệnh tuyệt đối” được hình thành theo nguyên lý “chỉ hành động theo phương châm mà bởi đó bạn đồng thời muốn rằng nó trở thành luật phổ quát”, “Ta phải tìm cái gì đó mà sự tồn tại tự nó có giá trị tuyệt đối với mục đích tự tại mới là nguồn của các luật nhất định”.

 Nguyên tắc tự trị: Kant cho rằng tự do của ý chí chỉ có thể là tự trị, nghĩa là ý chí phải là luật của chính nó. Khi nói ý chí là luật của chính nó nghĩa là ý chí vượt trên và độc lập với cảm tính, xu hướng, mục đích hay điều kiện bên ngoài để trở thành tác giả nguyên lý của chính mình. Ông cho rằng ý chí tự do và ý chí tuân theo lệnh tuyệt đối vốn làm nên hành vi đạo đức.

Chúng ta đã thấy quan điểm của Kant về một hành động thế nào được gọi là đạo đức. Cái cuối cùng, một việc là đạo đức, là tốt thì buộc nó phải tốt trong chính nó và ông gọi tên là “mệnh lệnh tuyệt đối”. Cái mà chúng ta xác nhận là: đã là người thì phải tuân theo trong mọi hoành cảnh, mọi trường hợp… Nhà thần học Karl Rahner[4] nhận thấy rằng quan điểm “mệnh lệnh tuyệt đối” này đồng nhất với thần học, nghĩa là nếu nhận biết Chúa là trung tâm của cuộc sống thì mệnh lệnh phổ quát trên chính là Ý Thiên Chúa. Như vậy chọn hay bỏ là đón nhận hay từ chối Ý Thiên Chúa.

Thế nhưng, qui luật phổ quát được coi là mệnh lệnh nhưng đối với chủ thể khi thực thi không phải ai cũng như ai, lúc nào, nơi nào, chỉ cần sao y nguyên bản là được, trong mỗi trường hợp chứa đựng nhiều góc độ, lý do khác nhau. Karl Rahner lập luận rằng: Phải chăng chủ thể trong trường hợp cụ thể “này” hành động hoàn toàn đơn thuần nhằm phù hợp với qui luật tổng quát là đạt tới tiêu chuẩn đạo đức luân lý? Và điều này phải được chấp nhận là đúng mà không còn một chút do dự hay hồ nghi gì?

Theo ông, mỗi hành vi luân lý không chỉ là lặp đi lặp lại việc qui luật đòi hỏi, nhưng hơn thế nữa là một hành động đáp trả lời kêu gọi của “chân ngôn”, là một dấn thân có tính cách siêu việt, nghĩa là không dẫm chân tại chổ, nhưng luôn chú ý đến sứ điệp của mặc khải soi sáng để tiến bước. Chính vì thế, con người nhận ra mình hiện hữu trong cảnh ngộ nghịch này: con người thuộc vật chất tính, sống trong lãnh vực tự nhiên, để thỏa mãn luật tự nhiên phổ quát nào đó, nhiều khi họ phải chấp nhận những điều trái với tâm hồn mong ước. Cũng con người đó thuộc tinh thần, sống trong linh vực, càng nhận ra sự cách biệt giữa hành vi đạo đức được phương án hóa và hành vi luân lý kiến tạo ý nghĩa cho cuộc sống.

Theo Rahner hành vi luân lý không chỉ có giá trị đạo đức, nhưng tự bản chất nó đã chứa đựng tính tôn giáo. Hành vi đạo đức của Kitô hữu là hành động đáp trả lại tiếng gọi của Thiên Chúa trong lương tâm bằng cách thực thi Thập Giới và các Mối Phúc đã được mặc khải trong Kinh Thánh và được Đức Kitô sống động và viên mãn hóa trong Tin Mừng của Ngài.

Chúng ta đã đọc qua 2 quan điểm một của triết học và một của thần học về hành động đạo đức của con người. Cả hai dùng lập luận, suy tư và khả năng biện luận của mình để đi tìm và giải thích những nguyên tắc đạo đức của con người. Cả hai cùng gặp nhau trong thế giới siêu việt của luật luân lý. Cái mà trong kinh nghiệm cân nhắc, phân định, lựa chọn mỗi hành động cho chúng ta khám phá ra rằng chúng ta đang tuân theo một lề luật mà chúng ta không tự đặt ra cho chính mình[5]. Immanuel Kant thì tìm thấy qui luật ấy trong “mệnh lệnh tuyệt đối” còn Karl Rahner thấy nó trong “Thiên Ý”.

Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cho chúng ta biết rằng bị chi phối qui luật này chính bởi vì con người “là hình ảnh và giống Thiên Chúa”[6]. Công đồng Vatican II đã khẳng định điều ấy[7]: Nhờ được dự phần vào ánh sáng của thần trí siêu nhiên, con người có lý để nhận định rằng chính nhờ trí tuệ mà họ vượt trên mọi tạo vật. Nhờ lý trí, con người có khả năng để hiểu biết trật tự muôn loài do Đấng Tạo Hóa thiết lập. Nhờ lý trí, con người có khả năng hướng mình tới điều thiện hảo thật của mình. Con người theo đuổi sự trọn hảo của mình bằng cách tìm kiếm và yêu mến những điều thiện hảo đích thực. Nhờ lý trí con người nhận ra tiếng Thiên Chúa thúc đẩy mình “làm điều tốt và tránh điều xấu”. Và việc sống theo nguyên tắc này con người chứng tỏ phẩm giá nhân vị của mình[8].

Tốt – xấu liên quan đến chủ thể hành động mà người thực hiện hành động đó vì tình yêu hay không vì tình yêu để nổ lực sống đúng. Câu hỏi liên hệ đến tốt – xấu là liệu người đó có cố gắng đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu để yêu mến Thiên Chúa và tha nhân không. Còn ý niệm đúng – sai liên hệ đến hành vi, mô tả hành vi thúc đẩy các giá trị trong thế giới. Câu hỏi liên hệ đến đúng sai là liệu các hành động nào đó có thực sự làm cho thế giới này trở nên tốt đẹp hay không.

Tốt – xấu, đúng – sai liên quan đến động lực và ý hướng. Ở đó động lực là nền tảng thúc đẩy để đi đến hành động, còn ý hướng liên quan đến các lý do cho hành động mà ở đó nó hướng dẫn các phán đoán của chủ thể trong việc lựa chọn các phương thế để hành động. Động lực gắn liền với tốt – xấu, ý hướng và chọn lựa gắn liền với đúng – sai. Do đó, khi xét đến mối liên hệ giữa đúng – sai với liên hệ tiêu chuẩn tốt - xấu, chúng ta xét đến động lực và ý hướng. Câu hỏi đặt ra cho mối liên hệ này là “Tôi có trở nên người tốt hơn để làm cho thể giới này thành một nơi tốt hơn hay không?

Một người tốt có thể hành động sai, điều này có nghĩa là sống tốt không bảo đảm cho hành xử đúng và người xấu không chắc là hành xử sai. Tương tự như vậy, một người có thể có ý hướng đúng nhưng thiếu khôn ngoan làm chọn lựa sai. Hoặc một người có thể có chọn lựa đúng ngay cả khi ý hướng của anh ta thiếu trật tự. Đúng sai liên quan đến cách nghĩ của chủ thể trong ý hướng và chọn lựa. Trong khi đó, động lực liên quan đến đức ái. Một người đạo đức hay chưa đạo đức hệ tại ở động lực thúc đẩy người ấy. Nếu như vì tình yêu Chúa và tha nhân mà hành động, thì chúng ta nói người ấy là đạo đức và ngược lại chưa là đạo đức vì người ấy làm với động lực của một tình yêu vị kỷ. Động lực luân lý này sẽ chi phối cả đến ý hướng và lựa chọn. Như vậy, chúng ta có thể nói động lực luân lý là đặc tính vô điều kiện và đầy đủ của một hành đúng – sai về mặt luân lý, đồng thời cho ta thấy đó là người tốt hay xấu.

Vì thế, khi nói đến một người nào đó tốt hay xấu và hành động của họ đúng hay sai, chúng ta không chỉ phán đoán dựa trên hành động của người đó mà cần xét đến động lực, ý hướng và chọn lựa: động lực phải đặt nền tảng trên đức ái, ý hướng phải ngay lành và chọn lựa phương tiện đúng đắn để hành động.

Người thanh niên hỏi Đức Kitô: “Tôi phải phải làm gì tốt để được hưởng sự sống đời đời? Câu hỏi này một cách mặc nhiên bày tỏ niềm khao khát và ý thức mãnh liệt trong con người rằng con người con người sống là để đạt đến hạnh phúc, cái mà Giáo Lý gọi là ơn gọi của con người. Con người tìm thấy mục đích tối hậu của các hành vi nhân linh hôm nay, ở đây và ngay bây giờ của mình, nghĩa là những hành vi được lựa chọn theo tự do, trong phán đoán của lương tâm để làm điều tốt hợp với chân lý và điều thiện[9] trong giây phút hiện tại thì sẽ được sự sống mai sau.

Tính luân lý của hành vi nhân linh[10] tùy thuộc vào: Œ đối tượng được chọn lựa,  mục đích nhắm tới hoặc ý hướng, Ž các hoàn cảnh của hành động. Một hành vi tốt về mặt luân lý đồng thời phải là đối tượng tốt, mục đích và ý hướng tốt, hoàn cảnh tốt. Một đối tượng lắm khi tự nó đã là xấu như trộm cắp, nói dối, ngoại tình, thề gian… và phương tiện không biện minh cho mục đích, dù mục đích tốt mà phương tiện xấu thì hành vi ấy vẫn xấu.

Cái khó là ở khả năng phân định và chọn lựa rất giới hạn của chúng ta về những điều phải làm và nên tránh, giữa điều tốt và điều tốt hơn. Điều này Đức Giêsu gây cho chúng ta ý thức qua câu đối đáp với chàng thanh niên: “Sao anh hỏi tôi về điều tốt? Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi” (Mt 16). Khả năng nhận biết về chân lý tuyệt đối và điều tốt tuyệt đối không nơi con người mà nơi Thiên Chúa, bởi lẽ từ khởi đầu con người đã dùng tự do của mình để sa chước cám dỗ, nên con người dễ sai lầm và sa ngã[11]. Chỉ có Thiên Chúa là nền tảng cuối cùng của mọi giá trị. Chỉ có Thiên Chúa là tốt lành, điều đó có nghĩa là chỉ trong Người các giá trị tìm thấy cội nguồn và sự hoàn thành cuối cùng, bởi vì Thiên Chúa là Alfa và Omega, là khởi nguyên và tận cùng. Không có Thiên Chúa các giá trị mất đi điểm qui chiếu.

Tại sao chỉ Thiên Chúa là tốt lành, bởi vì Ngài là tình yêu (x. 1Ga 4,16)[12]. Và chính ân sủng của Con Một Ngài là Đức Kitô Phục Sinh phục hồi những gì hư hỏng của chúng ta và Ngài là khuôn mẫu cho sự hoàn thiện và trở nên tốt hơn mỗi ngày của chúng ta. Ơn làm nghĩa tử trong Đức Kitô làm cho chúng ta có khả năng hành động đúng đắn và thực thi điều tốt. Nhờ kết hợp với Người và sống theo gương mẫu của Người chúng ta đạt đến sự trọn hảo của đức mến, là sự thánh thiện[13].


Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài.

Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống.

Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh.

                           ĐHY Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận trong Đường Hy Vọng số 977
 
 

[1] X. GLHTCG s. 1702, tr. 509.
[2] X. GLHTCG s. 1719, tr. 512.
[3] Trần Đỉnh SJ, Một hành động thế nào là đạo đức theo Immanuel Kant trong tác phẩm Grounding for the metaphysics of morals, trong http://dongten.net/2017/02/11/hanh-dong-the-nao-la-dao-duc/
[4] Giuse Vũ Kim Chính SJ, Luân lý thực tồn của Karl Rahner, trong http://dongten/2012/05/10/luan-ly-thuc-ton-cua-karl-rahner
[5]X. Công Đồng Vatican II, Gaudium et spes, 16, 235.
[6] X. GLHTCG s. 1702 -  1703, tr. 509.
[7] X. Công Đồng Vatican II, Gaudium et spes, s. 15 - 16, tr. 234 – 235.
[8] GLHTCG s. 1706, tr. 510.
[9] GLHTCG s. 1749, tr. 519.
[10] X. GLHTCG s. 1750 – 1756, tr. 519 – 521.
[11] X. GHLHCG s. 1707, tr. 510.
[12] Gioan Phaolo II, Dilecti amici – Lettera apostolica per l’anno internazionale della gioventù, s. 4.
[13] GLHTCG s. 1709, tr. 510.

Tác giả bài viết: Isave Ngọc Mỹ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, luân lý Kitô giáo, đạo đức Kitô giáo, tốt và xấu, giá trị sống

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn