Mến Thánh Giá GÓC HỌC TẬP Giáo Lý

THƯA THẦY, TÔI PHẢI LÀM GÌ TỐT...?

Thứ tư - 09/05/2018 06:50

THƯA THẦY, TÔI PHẢI LÀM GÌ TỐT...?

Những nét căn bản về luân lý của Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo: Điều răn 6 và 9 - sống nết na, trong sạch


ĐIỀU RĂN VI VÀ IX
CHỚ LÀM SỰ DÂM DỤC - CHỚ MUỐN VỢ CHỒNG NGƯỜI
(GLHTCG s. 2331 – 2391; 2514 - 2527)
 
“Ngươi không được ngoại tình” (Xh 20,14)
Ngươi không được ham muốn nhà người ta. Ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò, con lừa hay bất cứ vật gì của người ta” (Xh 20, 17)
 
Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ
Thiên Chúa là tình yêu và nơi Ngài sống mầu nhiệm của sự hiệp thông ngôi vị trong tình yêu. Khi tạo dựng căn tính con người theo hình ảnh mình, có nam có nữ, Thiên Chúa khắc ghi vào trong bản tính ấy ơn gọi cùng với khả năng và trách nhiệm sống tình yêu và sự hiệp thông”[1], cũng như đã ban cho họ sự bình đẳng về nhân phẩm, vì cả hai được dựng nên giống hình ảnh Ngài[2].

Thế nhưng con người trong chính lịch sử của đời mình đã làm ô uế và hư hoại căn tính cao cả của họ. Chúa Giêsu đến phục hồi cho con người tình trạng tinh tuyền nguyên thủy của họ. Trong Bài Giảng trên núi, Người đã giải thích ý định của Thiên Chúa: “Anh em đã nghe luật dạy rằng: chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5, 27 – 28).

Tính dục ảnh hưởng trên mọi phương diện của con người trong sự hợp nhất của linh hồn và thân xác: trên bình diện sinh học, tâm lý và thiêng liêng. Nó điều kiện hóa một cách lớn lao chu trình phát triển hướng về sự trưởng thành của mỗi nhân vị và quá trình hòa nhập vào xã hội. Mỗi người nam và nữ nhận biết và đón nhận căn tính tính dục của mình. Vì rằng giới tính tính cách hóa một cách sâu sắc đặc tính của mỗi cá nhân trong cách thức hiện hữu, bày tỏ chính mình, cách thức truyền thông với người khác, cảm nhận, và sống tình yêu. Cả hai được mời gọi sống sự khác biệt và bổ sung cho nhau về thể lý, luân lý và tinh thần. Bởi lẽ, con người “là hình hình ảnh và giống Thiên Chúa” nghĩa là con người được mời gọi hiện hữu cho người khác và bởi người khác, trở nên quà tặng cho người khác[3]; trái ngược với quan điểm của một triết gia, tiêu biểu trong vở kịch No Exit (Không lối thoát) của Jean Paul Satre (1944), có một câu nói nổi tiếng “Tha nhân là hỏa ngục”. Sự kết hợp giữa người nam và nữ trong hôn nhân một cách nào đó, nơi thân xác mô phỏng lòng quảng đại và sự phong phú của Đấng Tạo Hóa.

Bởi tự nhiên, con người mang trong chính mình những dấu hiệu của giới tính: nam hoặc nữ: giọng nói, hình dáng bên ngoài, cách cư xử, suy nghĩ.... Đâu là ý nghĩa tính dục của con người? Ý nghĩa nhân văn của người nam và người nữ một cách rõ ràng nằm ở tương quan giữa những con người với nhau, nghĩa là trong sự hỗ tương gặp gỡ giữa những hữu thể con người. Không phải là tính dục sáng chế ra tình yêu, nhưng là tình yêu bày tỏ tự nhiên của tính dục. Không phải người nam và người nữ tạo ra tương quan đa chủ thể, nhưng là khi nhân vị trở nên tương quan và hiện hữu cho người khác và bởi người khác[4]. Nhân vị bày tỏ cho tôi chính con người tôi như một người nam hoặc nữ trong diện đối diện trong đó họ nhận biết tôi như một nhân vị.

Vì thế, tính dục không chỉ là một hoạt động chức năng, trái lại được xem xét trong hiện hữu cá nhân con người toàn diện; không chỉ là một hoạt động được nhắm đến một mục đích, nhưng là sự thực hiện của con người vì là con người. Với điều đó chúng ta không nói rằng tính dục là thành phần căn bản và độc quyền của con như theo quan điểm của Freud. Tuy nhiên tính dục tràn ngập cấu trúc cơ thể của con người, tình cảm, cảm xúc, nhạy cảm, ý muốn, suy nghĩ và ngay cả mối tương quan của con người với Thiên Chúa.

Tính dục không chỉ là một thực tại sinh học, hữu cơ hoặc sinh sản, nó bày tỏ một hình thức hiện hữu ngập tràn cả con người, là hồng ân và là quà tặng. Điều đó có nghĩa là ngay cả những người, như những người thánh hiến, không chối bỏ tính dục, ở hữu thể nam hoặc nữ họ được mời gọi hiệp thông, là hồng ân và đón nhận trong tất cả độ dày của chính hiện hữu. Chỉ khi tính dục được hòa hợp một cách thích đáng trong toàn bộ nhân vị và trong ơn gọi đón nhận và trao ban, sự chọn lựa của đức khiết tịnh thánh hiến trở nên “nguồn của sự phong nhiêu trong một trái tim không phân chia”. Trong trường hợp ngược lại, có thể trở nên nguyên nhân khích động của thất vọng, xung khắc hoặc những rối loạn tâm lý và tinh thần của giới tính.  Bởi vậy, sự trưởng thành lành mạnh bao hàm khả năng đón nhận chính tính dục và tính dục của người khác như cấu trúc cơ bản của hiện hữu con người. 
Vì thế, mọi người đã được rửa tội đều được mời gọi sống khiết tịnh. Kitô hữu đã mặc lấy Đức Kitô, khuôn mẫu của mọi đời sống khiết tịnh. Tất cả các Kitô hữu đều được gọi sống đời khiết tịnh tùy theo bậc sống của mình[5].

Khiết tịnh là sự hòa nhập thành công tính dục trong nhân vị và qua đó thống nhất nội tâm của con người là thực tại vừa thể xác vừa tinh thần. Tính dục là nơi biểu lộ sự tùy thuộc của con người vào thế giới vật chất và sinh học; nó trở thành cá vị và thật sự nhân bản khi gắn với tương quan giữa người với người, trong việc hiến thân trọn vẹn cho nhau và vĩnh viễn giữa người nam và người nữ. Như vậy khiết tịnh bao gồm toàn vẹn con người và sự hiến thân trọn vẹn.

Người khiết tịnh giữ được toàn bộ sức mạnh của sự sống và tình yêu đã có nơi mình. Sự toàn vẹn này bảo đảm sự thống nhất của nhân vị, chống lại mọi thái độ làm tổn thương đến sự thống nhất đó. Nó không chấp nhận cuộc sống hai mặt, lời nói hai ý. Đức khiết tịnh nhờ vào tập luyện sự tự chủ, tức là tập luyện để sống sự tự do của con người. Là sự chọn lựa đầy ý thức và có chủ tâm chế ngự các đam mê của mình và được bình an hoặc để chính mình làm nô lệ cho chúng và trở nên bất an. “Phẩm giá con người đòi hỏi họ phải hành động theo một chọn lựa có ý thức và tự do, một cách cá nhân, nghĩa là được thúc đẩy và được hướng dẫn từ bên trong chứ không phải dưới sự thôi thúc mù quáng bên trong hoặc chỉ dưới sự cưỡng chế bên ngoài. Con người đạt đến phẩm giá đó khi nhờ tự giải thoát khỏi mọi nô dịch cho các đam mê, nhờ tự do lựa chọn điều thiện, con người theo đuổi mục đích của mình và một cách hữu hiệu, tìm được sự trợ giúp thích hợp và chuyên cần thành thạo”[6].

Các phương thế để luyện tập sự tự chủ và sống khiết tịnh: phải biết mình, thực tập việc khổ chế thích hợp với hoàn cảnh mình đang sống, thực hành các nhân đức luân lý và trung thành với việc cầu nguyện[7]. Đức khiết tịnh phụ thuộc nhân đức trụ là đức tiết độ, là nhân đức dùng lý trí hướng dẫn các đam mê và các ước muốn của các giác quan.

Sự tự chủ là công việc bền bỉ lâu dài. Có thể ở một số giai đoạn nào đó đòi hỏi phải có những cố gắng và nổ lực nhiều hơn trong quá trình hình thành nhân cách. Thánh Phaolo khuyên Titô, người môn đệ thân tín và trẻ trung nhất rằng: “Phần anh, hãy dạy những gì phù hợp với giáo lý lành mạnh. Hãy khuyên các cụ ông phải tiết độ, đàng hoàng, chừng mực, vững mạnh trong đức tin, đức mến và đức nhẫn nại. […] Anh hãy khuyên các thanh thiếu niên phải giữ chừng mực trong mọi sự. Chính anh hãy làm gương về mặt đức hạnh (Tt 2, 1 – 6). Theo Erikson trong dòng phát triển của con người về mặt tâm lý, buộc cá nhân phải trải qua những khủng hoảng ở những giai đoạn nhất định, vượt qua những khủng hoảng đó là bổn phận quan trọng để cá nhân đạt đến sự trưởng thành.

Đức khiết tịnh là một công việc hết sức cá nhân nhưng cũng bao hàm một nổ lực về văn hóa và cộng đoàn, là sự thăng tiến cùng nhau, sự thăng tiến của cộng đoàn và xã hội.

Khiết tịnh là một nhân đức luân lý, nhưng đó cũng là một hồng ân của Thiên Chúa, nhờ ân sủng và là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần ban cho người đã được tái sinh nhờ nước Rửa Tội, có khả năng họa lại sự trong sạch của Đức Kitô. Đức mến là mô thể của mọi nhân đức. Dưới động lực của đức mến, đức khiết tịnh như trường dạy của việc hiến thân. Sự tự chủ qui hướng tới sự tự hiến. Đức Khiết Tịnh hướng dẫn người thực thi nhân đức để họ trở thành chứng nhân về lòng trung tín và yêu thương của Thiên Chúa trước mặt người lân cận.

Đức Khiết tịnh lớn lên trong tình bạn hữu. Nhân đức này chỉ cho người môn đệ biết làm thế nào để bước theo và bắt chước Đấng đã chọn chúng ta như bạn hữu riêng của Người đã tự hiến trọn vẹn cho chúng ta. Tình bằng hữu được triển nở giữa những người cùng phái cũng như người khác phái, là điều thiện hảo lớn lao cho mọi người. Tình bằng hữu dẫn đến sự hiệp thông tinh thần.

Có 3 hình thức sống khiết tịnh: một là của bậc phu phụ, thứ đến là của người góa bụa và thứ ba là của kẻ đồng trinh (Thánh Ambriosio)[8]. Những người đã được liên kết bằng hôn nhân được kêu gọi sống đức khiết tịnh phu phụ, còn những người khác thì vun trồng đức khiết tịnh trong sự tiết dục[9].

 1. Khiết tịnh thánh hiến
Khấn Dòng là một hành động liều lĩnh và mạo hiểm trong đức tin[10]. Bởi lẽ, dấn thân vào đời sống độc thân thì thế nào cũng đụng độ với nhiều đòi hỏi của bản tính tự nhiên. Không phải chỉ có bản năng phái tính tìm thỏa mãn tính dục mà không được chấp thuận, mà còn có những xu hướng yêu đương theo kiểu vợ chồng, là nhu cầu về tình yêu của con người như thấy triển nở trong hôn nhân. Khoa học xã hội, đặc biệt khoa tâm lý hiện đại đã khám phá được nhiều điều cho thấy rõ hơn tính cách quan trọng của các xu hướng ấy và phần đóng góp của chúng trong sự quân bình của con người. Thế nhưng các nhà tâm lý học hay phân tâm học cũng phân vân trước trước những con người thật sự quân bình và triển nở cách tràn đầy sung mãn trong đời sống độc thân, đặc biệt nơi những người độc thân thánh hiến. Dòng lịch sử nhân loại minh chứng điều ấy qua đời sống thánh hiến trong Giáo Hội, những con người tự nguyện sống độc thân vì Nước Trời.  

Tận hiến trước tiên là tiếng gọi của Thiên Chúa và là việc Thiên Chúa lôi kéo và chiếm đoạt lấy con người, thế nhưng việc ấy cũng đòi buộc con người phải gắn bó mật thiết bằng tinh thần và ý chí, tức là lấy đức tin mà chấp nhận toàn vẹn. Tin là đã tận hiến. Nhờ đức tin sự liều lĩnh ấy có thể chấp nhận dễ dàng và vui vẻ. Nhờ đức tin người tu sĩ cho họ thấy Thiên Chúa toàn năng sẽ dẫn đưa họ đến tận cùng con đường. Chính đức tin là động lực làm cho người tu sĩ can đảm hiến thân trọn vẹn cho Thiên Chúa và đặt tình yêu dâng hiến Thiên Chúa trên hết mọi sự.

Đức tin vượt lên trên những qui tắc tâm lý bình thường và giúp cho tu sĩ nhận rõ những nguyên tắc và điều kiện cho sự triển nở tâm lý của đời tu. Đừng để ý đến cái mình phải bỏ, nhưng chú tâm đến điều mình sống cho. Vì thế, ai theo ánh sáng đức tin và dấn thân bước vào bậc độc thân, thì phải sống bậc ấy cách tích cực, như gắn chặt với Đấng là Bạn và Hôn Phu, chứ không để mình còn bị ám ảnh bởi những gì mình từ bỏ. Người ta sẽ chỉ có thể sống bậc độc thân tận hiến cách lành mạnh, khi người ta sống nó như một tình yêu lớn lao hơn, do đức tin soi sáng. Một tình yêu càng cao thì càng phải mở rộng. Vì thế, sự dâng hiến trọn vẹn của người tu sĩ không hệ tại ở những công việc phục vụ xã hội nhưng là ở việc dâng hiến cho Thiên Chúa và vì Nước Trời. Dâng hiến vì một tình yêu lớn lao hơn làm cho nhân cách người tu sĩ nảy nở hơn, linh hoạt hơn, hùng mạnh hơn và do đó trở thành nguồn vui bền lâu.

Vì thế, sự tiết dục hoàn toàn trong đời sống độc thân vì Nước Trời là dấu chỉ rõ ràng nhất mang tính pháp lý của lời khấn khiết tịnh[11] đối với những người sống đời thánh hiến. Sự liều lĩnh của họ không có nghĩa là không biết chắc về giá trị và sức phong phú của đức trinh khiết tận hiến, nhưng liều lĩnh và mạo hiểm vì từ bỏ những gì mà người đời coi là bảo đảm.

2. Khiết tịnh của đời sống hôn nhân[12]
Tính dục quy hướng tới tình yêu phu phụ giữa người nam và người nữ. Trong hôn nhân, sự ân ái thể xác của đôi phối ngẫu trở thành dấu chỉ và bảo chứng của sự hiệp thông tinh thần. Tính dục chỉ được thực hiện cách nhân bản đích thực nếu nó là một phần để hoàn thành tình yêu qua đó người nam và người nữ cam kết hiến thân trọn vẹn cho nhau đến chết. Mục đích của sự kết hợp vợ chồng là trao ban tình yêu và lưu truyền sự sống.

Lòng chung thủy và trung thành của vợ chồng là sống sự trinh khiết của hôn nhân gia đình, diễn tả sự kiên trì tuân giữ lời cam kết. Bí tích Hôn Nhân dẫn đưa người nam và người nữ đi vào sự trung tín của Đức Kitô đối với Hội Thánh. Nhờ sự trinh khiết phu phụ họ làm chứng về mầu nhiệm đó trong trần gian.

Sự sinh sản là một hồng ân, một mục đích của hôn nhân bởi vì tình yêu phu phụ tự nhiên hướng về việc sinh sản. Là những người được mời gọi trao tặng sự sống, vợ chồng tham dự vào quyền năng tạo dựng và tình phụ tử của Thiên Chúa. Trong bổn phận lưu truyền sự sống con người và giáo dục, vợ chồng phải biết rằng mình là cộng tác viên của tình yêu Thiên Chúa và như những người diễn đạt tình yêu của Ngài.

Khi có lý do chính đáng, vợ chồng có thể muốn tách rời các lần sinh con. Chính họ có bổn phận phải chứng thực rằng lựa chọn đó của họ không do sự ích kỷ mù quáng, nhưng là một lựa chọn phù hợp với lòng quảng đại chính đáng của tình yêu phụ tử có trách nhiệm.

Điều hòa sinh sản bằng phương pháp tự nhiên. Mọi người phải ý thức rằng sự sống con người và nhiệm vụ lưu truyền sự sống không chỉ giới hạn ở đời này, việc đánh giá chân thật và ý nghĩa đầy đủ của chúng chỉ có thể hiểu được khi qui chiếu về vận mệnh vĩnh cửu của con người.

Con cái là tặng phẩm của Thiên Chúa, là dấu chỉ của sự chúc lành và lòng quảng đại của cha mẹ.

3. Những xúc phạm nghịch đức khiết tịnh          
        
♦ Mê dâm dục: là sự ham muốn vô trật tự hay hưởng thụ vô độ khoái lạc tình dục. Là tìm khoái lạc tình dục để hưởng thụ chứ không nhằm mục đích sinh sản và vì tình yêu trao hiến cho nhau.
 
           ♦ Thủ dâm: Được hiểu là chủ ý kích thích cơ quan sinh dục để được khoái lạc tình dục.
 
Ž          ♦ Gian dâm: Là quan hệ xác thịt ngoài hôn nhân giữ một người nam và một người nữ còn tự do.
 
         ♦ Hình ảnh khiêu dâm: cốt tại việc đem những hành vi tính dục, có thật hay giả vờ ra khỏi vòng thân mật của những người trong cuộc, chú phơi bày cho người khác. Việc làm này xúc phạm đến đức khiết tịnh bởi vì làm biến chất hành vi phu phụ, xúc phạm đến phẩm giá của đời sống hôn nhân.
         ♦ Mại dâm: làm tổn thương phẩm giá con người bằng việc làm cho tính dục trở thành cuộc thương mại, tính dục trở nên dụng cụ cho khoái lạc. Người trả tiền phạm tội cách nghiêm trọng nghịch với bản thân và phá hoại sự trinh khiết của con người.
 
        ♦ Hiếp dâm: là dùng sức mạnh với bạo lực bắt kẻ khác quan hệ tính dục. Tội này làm tổn thương đức công bằng và đức mến.
 
         ♦ Đồng tính luyến ái: đồng tính luyến ái là những liên hệ giữa người nam và người nữ trong tính dục với người cùng phái tính. Một số người nam và nữ có khuynh hướng đồng tính luyến ái không thể chữa trị được. Họ phải được đón nhận với sự tôn trọng, tế nhị. Những người này được mời gọi sống khiết tịnh nhờ các nhân đức giúp tự chủ, dạy cho họ biết sống tự do nội tâm và được nâng đỡ bởi người xung quanh, nhờ cầu nguyện và ân sủng của bí tích, chính họ có thể và phải dần dần cương quyết tiến lên sự trọn lành.
 
         ♦ Ngoại tình: chỉ sự không chung thủy. Chúa Kitô lên án tội ngoại tình, ngay cả khi chỉ là ngoại tình trong ước muốn đơn giản (x. Mt 5, 27 – 28). Điều răn thứ 6 tuyệt đối nhắm đến tội ngoại tình. Ngoại tình là sự bất công. Người phạm tội làm tổn thương giao ước là dấu chỉ của liên kết hôn nhân, vi phạm quyền của người phối ngẫu và xâm phạm thể chế của hôn nhân vốn họ có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc gia đình và con cái.
          
♦ Ly dị: Giữa những người đã chịu Phép Rửa “hôn nhân thành sự và hợp pháp” không được tháo gỡ vì bất cứ quyền bính nhân loại nào, và vì bất cứ lý do nào, ngoài trừ lý do tử vong. Ly dị là một xúc phạm nghiêm trọng đối với luật tự nhiên. Cố ý phá vỡ khế ước được đôi phối ngẫu tự do ưng thuận. Làm tổn thương Giao ước cứu độ mà bí tích hôn phối là dấu chỉ.
 
          ♦ Ly thân: vẫn duy trì dây liên kết hôn nhân, có thể là hợp pháp trong một số trường hợp đã được Giáo Luật dự liệu. (GL đ. 1151 – 1155).
 
•           ♦ Loạn luân: chỉ những quan hệ tính dục giữa những người họ hàng cùng huyết thống, hoặc họ hàng gần ở bậc cấm kết hôn. Hoặc những lạm dục tính dục với trẻ em chưa đến tuổi trưởng thành.
           ♦ Tự do sống chung: là khi một người nam và nữ từ chối thực hiện một hình thức pháp lý và công khai mối liên hệ bao hàm cả sự thân mật về tính dục. Thử nghiệm trước hôn nhân không chấp nhận vì tình yêu của con người không chấp nhận sự thử nghiệm.

Trong điều răn thứ 6, Giáo Lý của Hội Thánh cho chúng ta thấy ý nghĩa và vai trò của tính dục trong đời sống con người. Trong đó, con người -  hình ảnh của Thiên Chúa đón nhận căn tính nam hoặc nữ của mình để sống tình yêu bổ sung và trao tặng cho nhau. Sống phẩm giá cao đẹp của mình người nam và người nữ tùy bậc sống của mình biểu lộ vẻ đẹp trinh khiết của nhân vị là hình ảnh của Thiên Chúa. Điều răn thứ 6 là một lời mời gọi sống vẻ đẹp tinh tuyền của phẩm giá con người có ý chí và tự do làm chủ ước muốn và làm chủ các hành động của mình trong sự dâng hiến cho Thiên Chúa và cho nhau.

Điều răn thứ 9 cũng là một lời mời gọi sống khiết tịnh, nhấn mạnh đến dục vọng của con người. Thánh Gioan phân biệt ba loại ham muốn hoặc dục vọng: dục vọng của xác thịt, dục vọng của đôi mắt và lối sống kiêu kỳ (x. 1Ga 2,16).

Điều răn này cấm dục vọng xác thịt. Dục vọng chỉ mọi hình thức ước muốn của con người. Thần học Kitô giáo dùng từ này với ý nghĩa đặc biệt chỉ ham muốn của các giác quan đi ngược với hoạt động của lý trí con người. Thánh Phaolo so sánh nó với sự nổi loạn của “xác thịt” chống lại “tinh thần” (x. Gl 5, 16.17.24; Ep 2,3). Dục vọng xuất phát từ sự bất tuân của tội đầu tiên (x. St 3, 11). Nó làm hỗn loạn các năng lực luân lý của con người, dù tự nó không là tội nhưng nó hướng con người đến chổ phạm tội.

Con người luôn luôn ở trong cuộc chiến đấu thiêng liêng giữa chiều theo dục vọng hay sống những giá trị tinh thần. Để sống trong sạch:

_ Thanh tẩy trái tim: trái tim là nơi của nhân cách luân lý. Vì rằng “Tự lòng phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm” (Mt 15, 19).  Cuộc chiến đấu chống lại dục vọng xác thịt cần đến việc thanh tẩy trái tim và sống đức tiết độ. Lời Chúa hứa cho những ai sống trong sạch trong trái tim là họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa (x. Mt 5,8). Những người có trái tim trong sạch là những người biết làm cho trí tuệ và ý chí của mình hợp với những đòi hỏi của sự thánh thiện của Thiên Chúa, đặc biệt trong: đức mến, trong sự khiết tịnh, trong yêu mến chân lý và đức tin chính thống.

_ Ân sủng của bí tích Rửa Tội giúp ta thanh tẩy mọi tội lỗi và cũng giúp ta chiến đấu tránh xa tội lỗi. Chúng ta sẽ đạt được sự thánh thiện và trong sạch trong tâm hồn nhờ:

 + Nhân đức và ơn khiết tịnh: bởi vì đức khiết tịnh cho phép yêu thương bằng trái tim ngay thẳng và không phân chia.

   + Nhờ ý hướng trong sạch: cốt tại ở việc nhắm đến mục đích thật của con người, vì người đã chịu Phép Rửa cố gắng tìm kiếm và chu toàn thánh ý Thiên Chúa trong mọi sự.

+ Nhờ cái nhìn trong sạch: nhờ kiểm soát được các giác quan và trí tưởng tượng, nhờ khước từ mọi thú vui trong những tư tưởng không trong sạch…

+ Nhờ cầu nguyện

Theo Thánh Toma Aquino có 3 cấp độ tiệm tiến của dục vọng:

_ Ước muốn: tội lỗi thống trị trong thân xác khi dục vọng ngự trị trong trái tim qua sự thỏa thuận. Thánh Phalo dạy “Đừng để tội lỗi thống trị thân xác phải chết của anh em nữa, vì nghe theo những dục vọng của thân xác” (Rm 6,12); Chúa Giêsu dạy “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã phạm tội ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5, 28). Vì đối với Thiên Chúa, một tư tưởng sẽ đi đến hành động.

_ Ngôn từ: tội lỗi thống trị trong thân xác khi dục vọng làm chủ cái miệng, khi lòng muốn bộc lộ thành lời nói “Lòng đầy miệng mới nói ra” (Mt 12,34).

_ Hành động: Tội lỗi thống trị trong thân xác khi nó bộc lộ ra hành động, như thể thân xác được sử dụng để phục vụ dục vọng.

Thánh Toma Aquino cũng đưa ra 4 phương thế để chế ngự dục vọng:

_ Tránh cơ hội bên ngoài: tránh những người bạn xấu và bất cứ điều gì trở thành cơ hội phạm tội.

_Kiểm soát tư tưởng: đừng để những tư tưởng lẻn vào, bởi vì chúng sẽ kích thích dục vọng. Điều này phải được thực hành bằng việc khổ chế xác thịt như Thánh Phaolo nói “Tôi bắt thân thể tôi phải chịu cực và phục tùng” (1Cr 9,27).

_ Kiên trì cầu nguyện: đây là kinh nghiệm tuyệt vời của tác giả Thánh Vịnh, “Nếu như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công (Tv 126, 1); và kinh nghiệm của sách Khôn Ngoan “Tôi biết tôi không có được đức tiết độ, nếu không được Thiên Chúa ban cho tôi” (Kn 8, 21). Và Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta “Giống quỷ này không chịu ra, nếu người ta không ăn chay và cầu nguyện” (Mt 17, 21).

_ Hăng say làm việc và học hành: phương cách thứ 4 là tránh nhàn cư, bằng cách giữ cho mình luôn bận rộn với công việc lành mạnh “nhàn cư vi bất thiện” (Hc 33, 28); và thánh Giêrônimô khuyên “Hãy luôn bận rộn làm việc lành, nhờ đó ma quỷ thấy bạn bận rộn mà không cám dỗ được”.

Cả hai điều răn thứ 6 và thứ 9 là một lời mời gọi sống trong sạch, sống tiết độ và chừng mực. Đức trong sạch Kitô giáo đòi hỏi thanh tẩy bầu khí xã hội, đòi hỏi các phương tiện truyền thông xã hội cẩn trọng trong tuyên truyền. Chủ trương sống phóng túng phát xuất từ quan niệm sai lạc về tự do của con người. Muốn tự do đích thực trước tiên đòi hỏi phải được giáo dục về mặt luân lý.

Sự trong sạch đòi hỏi phải nết na. Nết na là điều không thể thiếu của đức tiết độ. Nết na giữ gìn sự thân mật và kín đáo của con người. Nó từ chối phô bày những gì phải giữ kín. Sự nết na hướng dẫn cái nhìn và cử chỉ cho phù hợp với phẩm giá con người. Sự nết na bảo vệ mầu nhiệm của con người và mầu nhiệm của tình yêu. Nó mời gọi nhẫn nại và điều độ trong quan hệ yêu đương; nó đòi hỏi tuân giữ các điều kiện của sự dâng hiến và nghĩa vụ vĩnh viễn giữa người nam và người nữ. Nó gợi hứng cho việc lựa chọn y phục. Nó giữ thinh lặng hay dè dặt, khi có nguy cơ tò mò thiếu lành mạnh. Sự nết na chính là sự thận trọng. Có sự nết na của tình cảm và sự nết na của thân xác. Sự nết na gợi hứng cho một phong cách sống, giúp chống lại những quyến rũ của thời trang và áp lực của các trào lưu tư tưởng. Nết na còn là một trực cảm về phẩm giá thiêng liêng đặc thù của con người. Sự nết na phát sinh do sự ý thức rằng mình là một chủ thể. Dạy cho biết nết na là khơi dậy sự tôn trọng nhân vị, trước hết là tôn trọng chính mình.
                                              “Làm chủ một khoảnh khắc là làm chủ cả một đời”
                                                                                            Marie Von Ebnereschenbach
                                             
 
 

[1] Gioan Phaolo II, Tông huấn Cộng đồng Gia đình Familiaris consortio, s. 11.
[2] Như trên, s. 22.
[3] Gioan Phaolo II, Mulieris dignitatem, s. 7.
[4] K. Pompo, Chi è  l’uomo, 201.
[5] GLHTCG s. 2348, tr. 657.
[6] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et spes, s. 17, tr. 237.
[7] GLHTCG s. 2340, tr. 656.
[8] GLHTCG s. 2348, tr. 657.
[9] GLHTCG s. 2349, tr. 657.
[10] X., Jean Galot S.J., Tin và Tận hiến, 31 – 33. Nguyên tác: Croie et se donne.
[11] Hội Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang, Hiến Chương, Lưu hành nội bộ,  đ. 14, tr. 17.
[12] GLHTCG s. 2360 – 2379, tr. 660 – 2379. 

Tác giả bài viết: Isave Ngọc Mỹ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:Điều răn thứ 6, điều răn thứ 9, luân lý Kitô Giáo, đạo đức Kitô giáo, sống trong sạch, sống nết na, khiết tịnh hôn nhân gia đình, đức thiết tịnh thánh hiến, giáo dục giới tính

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn