Mến Thánh Giá SỨ MẠNG

LƯƠNG Y NHƯ TỪ MẪU

Thứ hai - 20/08/2018 21:36

LƯƠNG Y NHƯ TỪ MẪU

Bài nói chuyện của Bác sĩ Mạc Văn Hòa, Trưởng khoa Nội Tổng hợp Thần kinh bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa về y đức

Kính thưa: - Ban Giám đốc
                   - Lãnh đạo các Khoa, Phòng
                   - Các anh, chị đồng nghiệp thân mến
 
Hôm nay, tôi xin chia sẻ với các anh, chị đề tài “Lương y như từ mẫu”. Đây là lời dạy của Bác Hồ kính yêu của chúng ta, đầy tính nhân văn và tình thương của một người làm nghề y phải có để phục vụ bệnh nhân.

Đề tài này rất quan trọng vì nó gắn liền với nghề nghiệp chúng ta như hình với bóng. Câu nói này của Bác thể hiện rõ nét tính nhân đạo và cao cả của người làm ngành y, được ví “Thầy thuốc như mẹ hiền”.

Các anh, chị đi vào các bệnh viện thường thấy câu “Lương y như từ mẫu”, ngay tại bệnh viện của chúng ta, các anh, chị cũng thấy câu này trong các khoa, phòng. Nếu chúng ta coi đây là câu khẩu hiệu, tức là câu nói đơn thuần chỉ phát ra từ cửa miệng để nhắc nhở, động viên mà không đem ra thực hành thì vô tình chúng ta hạ thấp giá trị của ngành y.

Theo tôi nghĩ để lời dạy nêu trên của Bác phát huy hiệu quả, nó phải là tiếng nói xuất phát từ con tim, xuất phát từ tấm lòng nhân đạo của người thầy thuốc, mới đem lại ý nghĩa đích thực của người làm ngành y nói chung và từng cá nhân một thực hiện nói riêng. 

Tại sao chúng ta gọi ngành y là ngành cao quý? Có phải vì các anh, chị là Bác sĩ có học vị cao, có kiến thức uyên bác, giàu sang phú quý hơn người hoặc là Điều dưỡng có tay nghề cao, thâm niên công vụ? Theo tôi, cái cao trọng, cao quý của nghề y là cứu người vì mạng sống con người là vô giá, là quà tặng của tạo hóa ban cho nhân loại, rất đáng quý và rất đáng trân trọng. Do đó, bệnh nhân cần được chăm sóc, phục vụ tốt bởi bàn tay thầy thuốc được ví như mẹ hiền chăm sóc con yêu. Vì trên đời này, không ai yêu thương con bằng người mẹ, nhất là mẹ hiền.

Tôi xin kể một trường hợp về tình yêu của mẹ hiền dành cho con mình. Tại Khoa Nội Tổng hợp Thần kinh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi từng điều trị cho một bệnh nhân bị thiểu năng trí tuệ ngay từ lúc lọt lòng mẹ, không đi được, cử động rất hạn chế, liệt nằm một chỗ từ bé, nay đã 26 năm rồi. Gia đình này rất cơ cực. Hội từ thiện đã liên hệ xin về nuôi, để đỡ bớt gánh nặng cho gia đình. Nhưng người mẹ đã khóc, từ chối và nói rằng: “Cháu là nguồn vui và hạnh phúc của gia đình chúng tôi. Mỗi lúc đi làm về chỉ cần thấy cháu nâng bàn tay yếu ớt, chạm vào má tôi, với nụ cười ngây thơ của một người con bệnh tật, mọi mệt nhọc đều tan biến nhường chỗ cho tình yêu mẫu tử tràn ngập trong tâm hồn tôi”.

Để hiểu rõ hơn tình mẫu tử thiêng liêng, cao cả và bao la đến mức độ nào, mà Bác khuyên chúng ta, những người làm ngành y nên giống như mẹ hiền. Tôi đã đọc nhiều bài văn, bài thơ nói về tình mẹ thương con. Tôi chưa thấy một bản văn hay bài thơ nào diễn tả tình mẹ thương con một cách tuyệt vời hơn bài ca Lòng Mẹ, mà Nhạc sĩ Y Vân (1933-1992) đã dâng trào cảm xúc trong một đêm, viết thành lời và phổ nhạc năm 1959. Tôi xin trích dẫn ra đây vài câu để các anh, chị cùng cảm nhận:

 
        “Lòng Mẹ bao la như biển Thái Ɓình rạt rào,
 Tình Mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào,
Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào.
Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ уêu”.

 
Lòng mẹ hiền thương con thiêng liêng biết bao!
Các anh, chị sẽ bảo rằng việc thực hiện tình thương của thầy thuốc đối với bệnh nhân như mẹ hiền đối với con yêu của mình, quả là khó quá, lý tưởng quá. Đúng vậy! Tôi nghĩ rằng Bác Hồ muốn chúng ta phải đưa tinh thần phục vụ của ngành y lên một tầm cao, mà đích điểm là yêu thương phục vụ như mẹ hiền.

Những người thầy thuốc như chúng ta chỉ cần có một nụ cười vui vẻ, một lời thăm hỏi, an ủi chân tình, một cử chỉ chăm sóc dịu dàng cũng làm cho bệnh nhân cảm thấy được đồng cảm, được chia sẻ, làm vơi đi phần nào nỗi đau mà họ phải đang gánh chịu. Đó là liều thuốc bổ tinh thần cực quý cho bệnh nhân, vì người đời thường nói “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Chúng ta làm như vậy, bệnh nhân sẽ cảm thấy hài lòng khi điều trị tại bệnh viện và có ấn tượng tốt khi họ xuất viện.

Theo tôi, những người làm ngành y nên có tinh thần “cho đi”. Thánh Phanxicô Assisi (1181-1226) ở nước Ý vào thời Trung cổ đã nói: “Chính lúc bạn cho đi là lúc bạn nhận lãnh”. Các tôn giáo lớn trên thế giới đều dạy từ bi, bác ái, thương yêu tha nhân. Tôi xin trích dẫn câu nói của Bác sĩ, nhà tâm lý học, nhà văn người Thụy Điển Axel Munthe (1857-1949): “What you keep to yourself you lose, what you give away, you keep forever” tạm dịch “Những gì bạn giữ cho bản thân bạn sẽ bị mất đi, những gì bạn cho đi bạn sẽ giữ lại mãi mãi”.

Các anh, chị nghĩ rằng tôi là Điều dưỡng, tôi là Hộ lý làm những công việc tầm thường với đồng lương ít ỏi có đâu mà cho đi. Theo tôi, ý nghĩa từ cho đi ở đây không gói gọn trong phạm vi tiền bạc mà đặt nặng về chữ tâm, thể hiện qua cách phục vụ trong tình yêu thương giữa con người với nhau. Chỉ có tình yêu tha nhân, mới làm cho ta cảm thấy hạnh phúc khi phục vụ bệnh nhân và coi đó là cái Đức để lại cho bản thân và con cháu mình về sau. Đã gọi một việc làm có cái tâm, có tình thương người thì không phân biệt việc lớn hay việc nhỏ đều có công đức cả.

Mẹ Teresa Thành Calcuta, người gốc Albani (1910-1997) là một nữ tu phi thường. Mẹ và các nữ tu cộng sự, trong khoảng thời gian hai mươi năm tại Thành Calcuta, Ấn Độ, Mẹ đã chăm sóc nuôi dưỡng khoảng 75.000 người đau yếu, bệnh tật bị dòi bọ rúc rỉa, bị bỏ rơi ngoài đường phố, nơi cống rãnh, nơi chợ búa. Mẹ không phải là một thầy thuốc nhưng phục vụ những người cùng khổ với một tinh thần mẹ hiền đúng nghĩa. Chính vì nghĩa cử cao đẹp đó mà Mẹ đã được nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1979. Mẹ đã có câu nói bất hủ để lại cho chúng ta: “Trong cuộc sống này, chúng ta không thể làm những điều vĩ đại. Chúng ta chỉ có thể làm những điều nhỏ bé với tình yêu vĩ đại mà thôi”. Giá trị việc phục vụ của chúng ta tùy thuộc vào tình yêu chúng ta cho đi. Đừng nghĩ khả năng cho đi của chúng ta không là bao, giống như một giọt nước rơi vào đại dương nhưng nếu giọt nước đó mất đi thì đại dương thiếu một cái gì đó phải không các anh, chị?

Nói đến vai trò phục vụ ngành y mà không đề cập đến chức năng, nhiệm vụ của các anh, chị Điều dưỡng và chị Hộ lý là một thiếu sót lớn. Các vị Bác sĩ là những người phụ trách chuyên môn trong việc khám chữa bệnh nhưng nếu không có các anh, chị Điều dưỡng thì ai là người trực tiếp thực hiện y lệnh của Bác sĩ đối với bệnh nhân. Công việc này đầy sự khó nhọc và hy sinh. Nếu không có tình thương và sự cho đi thì không thể làm tròn nhiệm vụ. 

Hộ lý cũng vậy. Nếu không có các chị thì hàng ngày ai là người lo việc vệ sinh sạch sẽ phòng ốc cho bệnh nhân và đội ngũ thầy thuốc. Nhất là, khi có sự cố xảy ra ngoài ý muốn của bệnh nhân, các chị phải vất vả dọn dẹp sạch sẽ. Tôi cho rằng các anh, chị Điều dưỡng và các chị Hộ lý là “những chiến sĩ hy sinh thầm lặng trên mặt trận cứu người” trong công việc chăm sóc bệnh nhân. Những người làm ngành y đều đánh giá cao việc làm của các anh, chị. Nếu không có sự cộng tác đắc lực của các anh, chị Điều dưỡng và các chị Hộ lý thì đội ngũ Bác sĩ không thể làm tốt trách nhiệm của ngành y trao phó.

Người đời thường nói: “Một cánh én không thể làm nên mùa xuân” hoặc có câu khác: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Ở đây, chúng ta có đủ ba cây không thưa các anh, chị? Tôi xin thưa: “Chúng ta có đủ ba cây đấy”. Bác sĩ là một cây, Điều dưỡng là một cây và Hộ lý cũng là một cây. Nếu ba cây này biết chụm lại, có nghĩa là chúng ta đồng tâm nhất trí, chung tay góp sức thực hiện nhiệm vụ cao cả của ngành y với một tinh thần tích cực, đầy nhiệt huyết, đầy quyết tâm, người nào việc đó thì việc đạt tới đỉnh điểm “Lương y như từ mẫu” không phải là chuyện bất khả thi.

Rabindranath Tagore (1861-1941) một văn hào nổi tiếng người Ấn Độ đã diễn tả một cách văn vẻ: “Lúc ngủ tôi mơ thấy cuộc đời là niềm vui. Khi thức dậy tôi lại thấy cuộc đời là một chuỗi dài phục vụ”. Suy nghĩ kỹ và hành động theo thì tôi khám phá ra cuộc đời là niềm vui vì được phục vụ. Thật vậy, đối với tôi được phục vụ bệnh nhân là một niềm vui vì tôi đã cảm nhận được hạnh phúc từ việc chăm sóc bệnh nhân. Nhất là sau một ca cấp cứu thành công vì tôi nghĩ rằng tham gia vào việc cứu sống bệnh nhân đem lại hạnh phúc cho họ và gia đình họ là tôi đã làm được một việc thiện. Đức Phật đã dạy: “Cứu một mạng người còn hơn xây bảy tòa tháp”. Nếu chúng ta nhận thức như vậy sẽ làm quên đi bao nỗi nhọc nhằn trong công việc mà chúng ta thực hiện để tích lũy công đức.

Nho giáo đã dạy: “Tích thiện phùng thiện. Tích ác phùng ác”“Thiện ác đáo đầu chung hữu báo”, hay nói cách khác không có một việc tốt đẹp nào đến với ta mà không được tích lũy từ công đức của chúng ta đã làm cho tha nhân và cũng không có một hành động thiếu tình người nào mà không bị trả giá, chẳng sớm thì muộn mà thôi. Ông bà ta cũng dạy “Ở hiền gặp lành”. Như vậy, chúng ta thấy rằng: “Được phục vụ bệnh nhân là hạnh phúc, là cơ hội để tích lũy công đức cho bản thân và con cháu về sau”.

Thầy Mạnh Tử (372-289 trước công nguyên) đã nói rằng: “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Tính thiện trong con người có từ lúc sơ sinh. Trẻ sơ sinh bản tính rất lương thiện nhưng khi lớn lên vì va chạm với cuộc sống thường nhật trong xã hội loài người, tùy hoàn cảnh sống đã làm thay đổi tính thiện ban đầu của mỗi một con người. Có người cái lương thiện nơi tâm hồn đã biến đi lúc nào không hay để nhường chỗ cho cái bất lương ngự trị. Trường hợp đó, cũng có thể xảy ra trong ngành y của chúng ta, nếu chúng ta xem thường việc huấn luyện chuyên sâu về y đức cho các người phục vụ ngành y. 

Trong các trường y, họ đều giáo dục về y đức nhưng liệu thử hỏi có mấy ai đem ra thực hành một cách trọn vẹn! Nếu phục vụ bệnh nhân mà không có cái tâm thì làm sao có thể gọi là mẹ hiền được.

Tôi đã hỏi một số người: “Tại sao các anh, chị thích cho con học Bác sĩ”. Đa số họ đều trả lời: “Học Bác sĩ khi ra trường dễ kiếm việc làm, dễ làm giàu, có địa vị cao trong xã hội hơn những ngành nghề khác, được nhiều người kính trọng”. Rất tiếc, có ít người trả lời: “Học Bác sĩ để cứu người và được trực tiếp phục vụ bệnh nhân với lương tâm của người thầy thuốc và coi đó là hạnh phúc của cuộc đời”. Tư tưởng này từ đầu đã không được gieo rắc để nảy mầm và phát triển nơi não trạng của người học ngành y thì khó có hành động phục vụ tốt khi họ trở thành thầy thuốc. Đó là điều tất yếu.

Tôi đã đọc chương trình huấn luyện Bác sĩ của các trường Đại học y khoa ở Hoa Kỳ, nhận thấy rằng họ rất chú trọng về tinh thần y đức tiềm tàng trong mỗi sinh viên ngay từ lúc thi đầu vào. Qua những bài trắc nghiệm, phỏng vấn họ đánh giá tinh thần phục vụ sẵn có trong mỗi một thí sinh muốn thi vào ngành y, trước khi đánh giá các kiến thức khác. Họ rất chú trọng về y đức. Nếu các thí sinh không đạt tiêu chuẩn y đức sẽ không được thi tuyển dụng vào ngành y.

Ước gì lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”, thầy thuốc như mẹ hiền sẽ được học tập sâu rộng và phân tích đầy đủ ý nghĩa câu nói này của Bác để hiểu tính nhân văn cao cả, tình yêu thương của thầy thuốc trong việc phục vụ bệnh nhân để chúng ta hiểu được giá trị của hai chữ “cho đi”. Đó cũng là một việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vậy.
Cuối cùng tôi xin hết lòng cảm ơn các anh, chị đã lắng nghe!
 
Thạc sĩ, Bác sĩ Mạc Văn Hòa
Trưởng khoa Nội Tổng hợp Thần kinh 
Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:nói chuyện, bác sĩ, tổng hợp, thần kinh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn