Mến Thánh Giá HUẤN LUYỆN

BÍ QUYẾT RÈN ĐỨC DŨNG: TẬP TRUNG TINH THẦN

Thứ hai - 01/04/2019 22:30

BÍ QUYẾT RÈN ĐỨC DŨNG: TẬP TRUNG TINH THẦN

Một khi bạn thường tập trung tinh thần thì bạn rất giàu dũng khí. Bạn làm chủ lấy mình, làm chủ ngoại cảnh và ảnh hưởng kẻ xung quanh.

Một bí quyết nữa để tạo luyện dũng chí là tập trung tinh thần. Kinh nghiệm dạy cho chúng ta biết rằng khi nào tâm thần ta bị tản mác, bị bận nhiều công việc quá thì mệt mỏi. Bạn có thể tưởng tượng nó như một đứa con nít đang thở hển, thiếu điều tắt hơi mà vẫn bị nhiều đứa trẻ khác chơi nghịch bứt tóc, thoi đá, lấn.. Lúc tinh thần ta xao xuyến, bạn cũng có thể sánh nó như một ngọn đèn khi cháy sáng lòa bốn phía mà không có chụp hay không có gì che. Nó không nhắm vào một ý tưởng nào chính và nhất định. Nó bay phiêu diêu trên mọi ý tưởng. Ý tưởng nào đối với nó cũng trọng hệ nhưng rồi nó không bám chặt  vào một ý tưởng nào cả. Mà tinh thần ta có năng khiếu bám vào một ý tưởng thôi. Nếu nó bị lôi cuốn bởi nhiều ý tưởng quá thì phải tản mác, kiệt quệ. Nếu sự mệt mỏi nầy kéo dài mãi thì chúng ta phải chứng binh thần kinh suy nhược. Người mắc chứng bịnh này không thể anh dũng đã đành, mà kẻ để tinh thần mình thường tản mác cũng khó bề súc tích dũng khí dồi dào.

Nhân cách của con người cũng căn cứ trên những hành động được thi hành cách chu đáo. Người không tập trung tinh thần không thể tư tưởng sâu sắc, không thể phán đoán, lý luận đúng luận lý, không thể khôn ngoan sâu sắc, thấy lợi thấy hại trên đường đời. Bởi tản mác tâm thần nên họ không nhắm vào một lý tưởng nhất định để chiếm đoạt, mà nhắm một trật nhiều lý tưởng. Trong chương trình sống và hoạt động của họ, có rất nhiều điểm phức tạp. Khi bắt tay làm công việc này, họ nghĩ đến việc kia, họ lo việc khác không biết thành công chăng. Rốt cuộc, không công việc nào họ làm cho cho có nghệ thuật, cho chu đáo. Theo thời gian, họ thấy sao mình thất bại luôn, thấy sao những việc của mình làm không có giá trị khả quan. Họ đâm ra chán nản về đời sống.

Vậy muốn có nghị lực mạnh mẽ, có nhiều nhân cách đáng phục, bạn nên cố gắng tạo cho mình thói quen tập trung tinh thần. Chính sự tập trung tinh thần làm cho ý chí của ta muốn cách anh dũng, muốn cách hiệu quả. Chính sự tập trung tinh thần làm cho trí tuệ ta biết được điều mình muốn. Những người có ý chí và trí tuệ như vậy là những người dũng, những người làm cho kẻ giao tiếp với mình phải kính phục. Đây là vài phương thế bạn có thể dùng để luyện sự tập trung tinh thần.

 
1. Tập trung tinh thần trên từng việc
Thống chế Foch có một tinh thần tập trung phi thường nhờ ông gom nghị lực tinh thần vào từng việc. Nhưng khi muốn thi hành công việc gì ông suy nghĩ rất lâu. Trong khi suy nghĩ, ông tập trung tinh thần trước hết trên quan niệm của vấn đề, rồi đến nghị luận, đến quyết định. Vấn đề quyết định xong là được đem ra thực hành. Vậy khi nào tư tưởng để hành động thì bạn hãy đi theo phương pháp hiệu nghiệm này của Foch.

Đó là nói về sự tư tưởng. Về công việc làm, bạn cũng hãy tập trung tinh thần như vậy. Đành rằng trong chương trình hoạt động cảu bạn, bạn sắp đặt sẵn nhiều công việc phải làm. Nhưng khi bắt tay làm công việc nào thì bạn đừng để tâm hồn bay lởn vởn ở những công việc khác. Nhất là đừng thi hành hai công việc một lượt. Người Pháp nói rất chí lý “Ai ôm nhiều quá siết không chặt”. Nếu bạn băn khoăn, lo lắng nhiều việc, làm sao bạn đủ khả năng tư tưởng sáng suốt, có sáng kiến, biết sắp đặt và muốn cách đanh thép. Bạn hãy bắt chước Napoléon chia đầu óc mình ra từng hộc tủ. Hễ công việc nào làm rồi thì đóng một hộc tủ trong tinh thần của mình lại. Mở một hộc tủ khác để lo thi hành việc khác. Đừng có tật hành động ở hiện tại mà hết lo dĩ vãng đến sợ tương lai. Con người như vậy không làm gì giàu có dũng khí.

 
2. Làm những điệu bộ điềm đạm
Những khi tinh thần mình xao xuyến, bạn ngồi thinh lặng, bước đi thong thả, chậm rãi. Bạn ngồi khoanh tay lại, duỗi hai chân thẳng ra, vuốt mặt, tinh thần bình thản lại và tập trung vào điều bạn muốn suy nghĩ ngay. Bạn cũng có thể bắt chước Foch khi suy nghĩ về việc gì mà muốn tập trung tinh thần thì hãy tìm một nơi thanh vắng để ở một mình.
 
3. Thở ra chậm chậm
Bạn muốn tập trung tinh thần vào một vấn đề, mà tháy sao cứ lo ra mãi thì trước hết bạn gắng chặt cặp mắt bạn vào một vật nào đó, đừng chớp mắt nhiều, rồi bạn không suy nghĩ gì hết, lúc ấy bạn nín thở, nín thở một chút, còn bao nhiêu khí trong buồng phổi thì từ từ đẩy ra bằng hai lỗ mũi trong khi ấy răng cắn và miệng ngậm kín lại.
 
4. Hít dưỡng khí vô đầy phổi
Những lúc tinh thần bấn loạn, muốn được tập trung nghị lực nhanh, bạn hãy tìm một nơi thoáng khí, hít thở chậm chậm dưỡng khí vào đầy phổi nhiều lần. Tâm thần bạn thấy thư thái trở lại. Dĩ nhiên sự tập trung của nó cũng dễ dàng.
 
5. Tránh tật váo vát
Có nhiều người không những có tinh thần xao xuyến mà con những thái độ bên ngoài váo vát quá. Họ ngó ngang ngó dọc, họ liếc, họ nháy mắt, họ búng tay, gãi đầu, khều, đá, tróc lưỡi, chống nạnh, trề môi… Người ta không mấy khi được thấy họ điềm tĩnh. Sự tháo vát của họ ảnh hưởng tâm hồn họ rất nhiều. Nó khiến họ không bao giờ yên trí, không bao giờ chú ý lâu vào vật gì  hay vấn đề nào. Bạn nên tránh những thái độ váo vát nếu bạn muốn tinh thần mình tập trung mạnh mẽ.
 
6. Dùng cặp mắt
Bạn có thể dùng cặp mắt để tập trung tinh thần bằng nhiều cách. Nằm dài trên một chiếc “đi văng” hay trên võng, bạn dùng mắt vẽ trên trần nhà những hình con vật hay hình tam giác, hình chữ nhật. Nhớ vẽ cho ngay, góc nầy đúng góc kia. Nhờ sự kỹ lưỡng nầy tinh thần được gom lại… Chọn một điểm nào đó trên vách tường hay trên một thân cây. Ngó chòng chọc, không nháy mắt vào điểm ấy. Cặp mắt đang mở, bỗng nhắm lại mà nhắm rất chậm, nhắm từ từ cho đến khi không còn thấy gì hết. Rồi mở ra. Không phải trợn một cái nhé. Mở chậm chậm, liếc qua phải. Từ bên phải, cũng hết sức thong thả liếc qua trái.
 
7. Tưởng tượng
Nhắm mắt lại tưởng tượng mộc cuộc du lịch nào đó mà bạn đã thi hành trong thời gian qua Bạn nhớ kỹ lúc trù tính cho chương trình, lúc khởi hành, trên đường đi, những gặp gỡ, những thắng cảnh v.v…
 
8. Phân tích
Ngắm kỹ một bức học đồ hay một vật nào đó trông rất phức tạp. Rồi bạn để ý từng lằn vẽ, từng nét, từng điểm. Bạn phân tích ra xem cái nào liên quan đến cái nào.
 
9. Toát yếu
Đọc một chương sách, nên dùng sách viết bằng ngoại ngữ, rồi xếp sách lại. Nhớ những điểm chính trong chương. Toát yếu những phần quan hệ và viết lên mặt giấy. Viết rồi lấy so sánh với nguyên văn xem có đúng như tác giả muốn nói không.
 
10. Vẽ
Quan sát chu đáo một vật hay một tấm hình. Cất vật hay hình ấy đi, lấy viết chì vẽ lại kỹ lưỡng theo trí nhớ. Nét nào quên rán nhớ cho ra. Nhớ không được thì coi lại đối tượng mà mình quan sát.
 
11. Đi đếm bước
Cắm hai cây trụ A và B cách khoảng nhau chừng vài chục thước. Bạn vừa đi, đi rất chậm vừa đếm coi bao nhiêu bước. Lần sau cũng đếm bước và so sánh số bước của hai lần đi có giống nhau không. Quan trọng là lúc đi, đi chậm, lúc đếm, đếm kỹ.
 
12. Tính toán trong trí
Tính toán nào cũng phải làm trong trí, nhưng ở đây hiểu là không viết số lên giấy. Bạn ngồi hai tay đặt lên đùi. Nhắm mắt lại. Rồi bắt đầu “viết” nhiều con số để cộng hay nhân chia gì cũng được. Bạn cố gắng tính chậm chậm cho đúng và nhớ tưởng tượng như mình viết hết số này đến số kia.
 
13. Đếm gạo hay cát
Hốt một nắm gạo hay một nhúm cát. Rồi bình tĩnh đếm từng hột.

Thưa bạn, tất cả những gợi ý trên là một vài phương pháp đơn sơ chúng ta có thể dùng để luyện cho có thói quen tập trung tinh thần. Những phương thế đơn giản nhưng hiệu nghiệm. Chúng sẽ giúp bạn tập trung tinh thần một cách chắc chắn. Một khi bạn thường tập trung tinh thần thì bạn rất giàu dũng khí. Bạn làm chủ lấy mình, làm chủ ngoại cảnh và ảnh hưởng kẻ xung quanh.
 
Trích trong tập sách RÈN NHÂN CÁCH của Hoàng Xuân Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:Rèn nhân cách

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn