Mến Thánh Giá HUẤN LUYỆN

BÍ QUYẾT RÈN LUYỆN ĐỨC ĐIỀM ĐẠM

Chủ nhật - 10/11/2019 20:27

BÍ QUYẾT RÈN LUYỆN ĐỨC ĐIỀM ĐẠM

Theo Marcelle de Somer có ba nguyên nhân làm ta mất sự điềm tĩnh. Đó là những nguyên nhân tự nhiên, thủ đắc và tạm thời.
 
A. Đề phòng những nguyên nhân làm ta mất sự điềm đạm
Theo Marcelle de Somer có ba nguyên nhân làm ta mất sự điềm tĩnh. Đó là những nguyên nhân tự nhiên, thủ đắc và tạm thời.
 
1. Nguyên nhân tự nhiên
Tức là cảm tính. Trong mỗi người tùy di truyền, có bẩm chất cảm giác nhiều ít khác nhau. Ai giàu cảm tính, người ấy ít điềm đạm. Cách chung, phụ nữ giàu cảm tính hơn nam giới, nên nam giới thường điềm đạm hơn nữ giới. Cảm tính cần thiết để chúng ta cảm giác, cảm xúc, song nó bị kích thích nhiều quá, hoạt động không chừng mực sẽ ảnh hưởng đến tính tình của ta mất sự thản nhiên. Vậy vấn đề là bạn không phải tiêu trừ cảm giác tính, vì đó là giết chết chính mình mà đề phòng nó những khi nó hoạt động quá lố.
 
2. Nguyên nhân thủ đắc:
Tức là những nguyên nhân do cuộc sống đưa đến cho ta; chúng ảnh hưởng cảm giác của ta, thay đổi ít nhiều những phú bẩm và năng khiếu của ta. Nói cách khác, chúng là những thói quen. Trong cuộc sống, chúng ta chịu giáo dục, chúng ta thi hành nghề nghiệp, giao tiếp với người khác, chịu ảnh hưởng của khí hậu, của đẳng cấp, địa phương nên dần theo thời gian chúng ta thủ đắc những tập quán khác nhau. Có nhiều tập quán khiến thần kinh hệ ta náo động. Như thói quen làm việc nước rút vì cho rằng thời giờ là vàng bạc. Đọc một cuốn sách ta đọc ung dung. Mà muốn đọc vài cái, ngó cho hết một trang và chốc lát cho xong một quyển. Đi con đường mấy dặm, chúng ta muốn thu lại trong vài chục bước. Thần kinh hệ của chúng ta lúc chúng ta hấp tấp bị căng thẳng và khiến cảm giác tính bị mất quân bình.

Vậy việc quan trọng là chúng ta hãy kiểm điểm lại những tập quán của mình, coi có tập quán nào kích thích cảm tính quá thì ta nên tránh.

 
3. Nguuyên nhân tạm thời:
Những nguyên nhân tạm thời có hai loại, một loại xảy ra trong một thời gian hay lặp đi lặp lại và một loại hiện hình một thời gian ngắn thôi.
 
a. Loại nguyên nhân tạm thời sinh ra bởi đời sống cá nhân, hoặc xã hội. Chúng cũng là kết quả của thay đổi thời tiết, khí hậu, hoàn cảnh… Chúng không phải là những nguyên do làm cho cảm tính cảm xúc mãnh liệt khi đã bị nhiều nguyên nhân tự nhiên và thủ đắc làm căng thẳng sẵn. Chúng thật ra không khác những nguyên nhân do thủ đắc bao nhiêu, vì người ta gặp chúng trong đời sống cũng như nguyên do thủ đắc. Nhưng đặc biệt là chúng ta có tạm thời lặp đi lặp lại trong một khoảng thời nào đó rồi thôi. Người ta có thể chia chúng ra làm những nguyên nhân ngoại lai và nội tại. Những nguyên nhân ngoại lai sinh ra cách phức tạp. Do nghề nghiệp: những nghề buộc ta ngồi nhiều quá, ít vận động về thể xác khiến thần kinh mất quân bình. Do tiện nghi kim thời: quá ham nhật báo, quá mê radio. Ở thời này người ta ngủ cũng rất ít lo làm việc, ham đi chơi đêm coi xi-nê chẳng hạn. Những nguyên nhân nội tại thường sinh ra bởi những đồ ẩm thực khiến ta “giật gân” như trà, rượu, thuốc hút mà dùng quá lố. Thiếu chất vôi, chất sinh tố cũng làm cho cơ thể ta mất quân bình. Cũng có nhiều khoảng trong đời sống mà con người thiếu điềm tĩnh. Như lúc nam nữ dậy thì. Lẽ dĩ nhiên, những cơn bệnh hoạn, những trạng thái khó ở khiến con người chúng ta bực tức, khó chịu không ít.
 
b. Loại nguyên nhân tạm thời thứ hai là những nguyên nhân nhỏ nhặt, tuy không làm nguyên nhân chính, khiến cảm giác bị xao động, nhưng chúng như tia lửa châm ngòi pháo, như giọt nước sau cùng làm ly nước tràn. Cơ cấu tình cảm cả chúng ta bị kích thích sẵn rồi, gặp những nguyên nhân này liền phát động mạnh mẽ. Ta đang nóng giận, bỗng ai ở sau lưng thụi ta một thoi. Cơn tam bành của ta lên đến cực điểm. Đang trông đợi gặp một người thân yêu từ lâu đi vắng mới về ở một nơi nọ. Bỗng ta hụt xe. Tức. tức. Trong cuộc sống hằng ngày có biết bao nhiêu thứ nguyên nhân nhỏ nhặt ấy. Chúng đẩy cảm xúc của chúng ta lên đến mức cùng hay chỉ làm nguyên nhận kích thích sau hết – sau hết nhưng rất có hiệu quả.
 
Vậy căn cứ vào sự phân chia những nguyên nhân kích thích tính vụt chạc trên đây, về mặt tiêu cực, bạn nên cố gắng đề phòng chúng cách riêng.

Ai tự nhiên sinh ra giàu cảm tính thì cần nhớ rằng: mình rất khó điềm tĩnh. Giàu cảm tính dĩ nhiên có những cơ quan cảm giác tinh nhuệ hơn người, bởi vì cảm giác trong mình mặc hình thức những bẩm phú, những năng khiếu, và làm cho các cơ quan cảm giác hoạt động “nhạy”. Người giàu cảm tính tự nhiên có lỗ tai tinh (trường hợp những nhạc sĩ), có cặp mắt tinh (trường hợp những họa sĩ). Cảm giác tinh tuy không định đoạt hành động của trí khôn, nhưng ảnh hưởng trí khôn. Nếu ai giàu cảm giác tính khi thu nhận nhiều ấn tượng trái nghịch với sở thích của mình, sẽ có thể có những tư tưởng chống nghịch với những người, những vật mà làm cho họ có những ấn tượng ấy. Bạn có thể nói người đa cảm là người có nhiều lòng tự ái, có nhiều tính mủi lòng… Cảm giác tính giàu quá mà bị kích thích sẽ khiến thần kinh hệ mất quân bình, đồng thời cũng thúc đẩy những bắp thịt hoạt động bất thường. Một khi thần kinh hệ bị giao động quá, người ta hay mắc bệnh thần kinh suy nhược, chứng dễ nóng nảy, tật lóc chóc, vụt chạc, dễ xúc động, dễ phán quyết.

Muốn đề phòng nguyên nhân thứ nhất bạn nên để ý sự quá xúc cảm của cảm giác tính. Tình cảm thì cần thiết – có nó mới có nghệ thuật – nhưng tâm hồn luôn luôn náo động, thần kinh hệ luôn bị kích thích, thì nhất định chỉ gây tai hại cho ta thôi. Trạng thái bất an của cảm tính là mẹ đẻ của những hỗn loạn tâm thần và sự lóc chóc của thân xác.

Còn những tập quán. Những tập quán tốt như làm việc gì thì làm kỹ lưỡng, rất hữu ích cho sự điềm đạm nên duy trì. Những tập quán xấu như luôn mơ mộng, thả óc tưởng tượng tha hồ bày vẽ, như thích nhảy nhót, rung đùi… ta nên dần dần bỏ bớt. Cũng như đề phòng những hoàn cảnh có thể tạo nên những tập quán xấu. Thường dưới hoàn cảnh giáo dục mù quáng, con trẻ hay có tập quán tự ti mặc cảm, nhát nhúa, quạu quọ, bi quan. Trong bầu khí quá ồn ào của một nghề nhiệp, nghe đủ thứ âm thanh, nát óc, thấy cảnh lộn xộn, người ta hay có tật giật mình, hối hả… Không thể kể hết những hoàn cảnh gây tập quán xấu tai hại cho đức điềm nhiên. Điều cần thiết là bạn nên để ý loại trừ những tập quán xấu; bạn có thể bắt chước lối tu thân của Flanklin mà chúng tôi đã bàn ở một chương trước đây, - và dù sống trong hoàn cảnh nào, đừng để cho ngoại cảnh làm rung động con người nội tâm của mình.

Sau hết, những nguyên nhân tạm thời ta cũng nên quan tâm xa tránh. Những thứ giải trí náo nhiệt quá, những cuộc giao thiệp khả nghi làm thần kinh rung động, những thứ ẩm thực làm ta nóng, tất cả nên dùng việc hãm mình kiêng cữ được chừng nào hay chừng ấy.

 
B. Bạn có thể luyện đức điềm đạm cách tích cực nữa
 
1. Luôn vui tính
Người điềm đạm không phải là người lúc nào mặt cũng như thiên sầu địa thảm và nghiêm nghị. Cũng không phải làm nghịch lại là luôn đùa giỡn, lố lăng. Mà phải luôn vui tươi. Xin bạn nên để ý cho điều này là con người tự nhiên thích có sắc mặt rầu rĩ cũng như tự nhiên thích giễu cợt. Cả hai việc này đều dễ làm. Có việc luôn vui tính là việc không dễ làm và cho để làm được phải cố gắng. Chỉ có những tâm hồn được giáo luyện nhiều mới luôn có sắc mặt hoa nở để tiếp rước người. Bạn có nhớ câu này của Keppler không: “Vui tính là khí hậu tự nhiên của những đức tính anh dũng”. Bạn đừng tưởng mở cửa lòng mình ra, biểu lộ nó lên nét mặt vui tươi là việc dễ dàng. Trong khi ta có những nguyên cớ để vui vẻ thì đã đành. Mà ở đời ta đâu mãi gặp người vui tươi? Chúng ta thường gặp những “cái chọc giận”, thường sống gần đau khổ. Bạn nhớ lại xem cả ngày chúng ta được mấy phút vui. Hình như ít phút vui lắm. Phần nhiều là phút lòng trống rỗng và không buồn thì cũng nghe nhàm chán. Không phải chúng tôi bi quan đâu nhé. Chúng tôi chỉ nhắn bạn bạn một sự thật mà ai cũng kinh nghiệm thôi. Trong những khi chúng ta không sẵn sàng để vui, lại có kẻ đến hỏi chuyện, cậy nhờ giúp đỡ, có kẻ nói chuyện xàm, có kẻ va chạm tự ái của ta, ta dễ dàng nổi nóng. Nhưng nếu ta biết chịu khó tự chủ, tỏ nét mặt hoa hồng tươi nở với những người ấy thì ta sẽ tạo cho tâm hồn mình sự điềm tĩnh và ngoài thân ta thái độ thản nhiên. Cương quyết tập sự vui tính cả trong khi gặp đau khổ. Thánh Phaolo nói với bổn đạo Corinto: “Tôi tràn đầy vui vẻ giữa những lúc tôi đau khổ”. Muốn được như thánh nhân, bạn nên tẩy trừ mọi mây mù của mọi thứ buồn phiền, chúng chiếm đoạt tâm hồn bạn. Lúc nào cũng hãy tự nói: Tôi vui vẻ. Ai đến với tôi, tôi sẽ tiếp rước bằng sự tươi cười, bằng thái độ lịch sự, đắc nhân tâm. Tập nhìn đời sống với những thực tế của nó. Hãy vui lòng nhận những gì mà nó cung cấp. Đừng lý tưởng hóa nó trong mộng, rồi khi thấy không như ý mình muốn ta thất vọng. Gặp những thắc mắc mà đời sống đưa đến đừng để cõi lòng bấn loạn, buồn rầu. Tập sống tốt giây phúy hiện tại. Tạo cho mình sự hăng say thi hành sứ mạng đang gánh vác. Lúc nào cũng hãy tâm niệm câu “Bạn hãy làm chu đáo việc anh đang làm”.

Muốn luôn vui tính, bạn có thể tạo chung quanh mình một bầu khi hoan lạc. Một bí quyết nữa để luôn vui tính là mỉm cười. Bạn nên giữ một nụ cười hoa nở trên môi không phải chỉ khi gặp may mắn, khi cõi lòng vui vẻ mà cả những khi gặp rủi ro, khi thấy trong mình bực dọc, thấy cuộc đời chán ghét. Chính những lúc bạn cố gắng cười như vậy, tâm hồn bạn thấy nhẹ nhàng, lạc quan. Dĩ nhiên, những khi cố gắng mỉm cười là những khi tự chử và gia tăng sự điềm đạm.

 
2. Thủ lễ
Người thủ lễ là người điềm đạm. Họ dùng ý chí cai quản bản năng của mình, cố gắng làm đẹp lòng những người đang giao tiếp với mình. Ai làm cho họ một ơn nhỏ nhặt thế nào dù nghe trong mình làm biếng nói, làm biếng cười cách mấy, họ cũng cố gắng vui tươi buông ra hai tiếng “cám ơn” êm dịu.

Muốn có một tâm hồn điềm đạm, một ngoại thân trầm tĩnh, xin bạn đi theo đường lối của người lễ độ. Bạn hãy tin rằng khi ta thủ lễ với ai cách hợp lý là ta chế ngự tình tư dục và tính ích kỷ của mình. Con người chúng ta bởi mang trong mình tính bản năng nên nhiều khi muốn sống dễ dãi. Hãy dùng lễ độ như giây cương kiềm hãm nó lại để tập đức điềm đạm. Khi còn nhỏ, chúng tôi nghe người lớn dạy bảo “Tiên học lễ, hậu học văn” chúng tôi thường có cảm tưởng xấu về lối giáo dục cũ. Chúng tôi cho là nhồi sọ con trẻ bằng cửu kinh, bằng những lễ phép lỗi thời. Khi qua thời tuổi trẻ mới thấy được nhiều cái hay trong chữ lễ. Chúng tôi thấy nó là dấu hiệu những con người sống xứng đúng với kiếp người, nó là tinh túy của văn minh. Người ta chỉ bàn về lễ với những con người văn minh, ở những xã hội văn minh phải không bạn?

 
3. Tạo sự thinh lặng
Người điềm đạm là người có tâm hồn yên lặng và ngoại thân điềm tĩnh. Sự yên lặng tâm hồn, chúng tôi muốn bạn tạo ra ở đây là sự tập trung tinh thần. Những bậc người có tiếng là điềm đạm đều có năng lực tập trung tinh thần xuất chúng. Paulus trong cuộc du thuyết tông đồ của ngài đầy hoạt động, vẫn tỏ ra có năng lực tập trung tinh thần cách phi thường những khi ngài soạn những bức thư gởi cho các giáo hữu của mình. Người ta nói Napoléon thường bảo đầu óc mình có từng hộc tủ, hết dùng hộc tủ chiến lược, chiến thuật thì kéo hộc tủ soạn dân luật, hộc tủ ngủ, hộc tủ giải trí… ra. Muốn thành người điềm đạm, bạn hãy tạo cho mình sự thinh lặng nội tâm trong mỗi khi làm bất cứ việc gì. Nhất là hãy tẩy trừ tật lo sợ bối rối, tật thả hồn trong biển tưởng tượng mà không hay biết. Có người đang làm một công việc mà trí lòng sung sướng tưởng đến thành công, những lợi tích ở đâu đâu hay đau khổ mơ tưởng những tai họa đã đến hoặc sẽ đến cho mình. Muốn được thinh lặng trong tâm hồn xin bạn đừng giống họ. Phải loại trừ tậ náo động vô ích, phải loại trừ những hình ảnh vô lý ảm ảnh tâm hồn ta.

Tích cực là bạn dùng sự chú ý tập trung tâm tư vào vấn đề mình đang dự tính, vào công việc mình đang làm hay lời mình nói. Trong những khi bạn không tư tưởng, không nói, không làm, bạn hãy cố gắng làm cho tâm hồn mình trống rỗng. Phương thức để luyện tập là bạn hãy nhìn tập trung vào một điểm nào đó trước mặt, thở nhẹ, cố gắng từ từ xua đuổi những gì làm cho tâm trí bạn vướng bận.

Sự thinh lặng tâm hồn một khi được tạo sẽ làm cho trí tuệ ta sáng suốt, óc phán đoán của ta rõ ràng, trí tưởng tượng của ta có trật tự, trí nhớ của ta sâu sắc, ý chí của ta cường dũng trên những những náo động của dục tính. Đức điềm đạm nội tâm do đó cũng được củng cố và tăng dần. Nhưng thinh lặng tâm hồn mà không thinh lặng ngoại thân chưa phải là người điềm đạm. Trước hết bạn nên thường kiếm cho mình những nơi thanh vắng chẳng những tâm hồn dễ tư tưởng, dễ tập trung, mà còn để cho thể xác được thản nhiên. Những vĩ nhân trên đời thường là những người của chốn tịch mạc. Thích Ca dưới gốc bồ đề. Đức Giêsu rất thích núi đồi, sông hồ, rừng cây để tĩnh tâm, cầu nguyện. Bossuet và Meredith hay vào ở chung trong một nhà cất giữa khu vườn vắng vẻ. Silvio Pellico lấy làm thật hạnh phúc khi ở trong tù. Không phải chúng tôi muốn bạn trốn đời, song thỉnh thoảng bạn cũng nên sống tách biệt xã hội để đầu óc mình tư tưởng sâu sắc và nhất là để tạp cho ngoại thân bầu khí thinh lặng.

Đến việc giữ thân xác thinh lặng, xin bạn quan tâm đến cách riêng những quan điểm này:
_ Giữ gương mặt điềm tĩnh.
_ Giữ tay chân điềm tĩnh.
_ Ít nói, nói hay.

 
4. Có nghệ thuật “nghiêm”:
Nghệ thuật sống “nghiêm” thể hiện trong giao tiếp của cuộc sống hằng ngày, vui thì vẫn vui, nhưng bao giờ cũng phải giữ sự chừng mực, có cái gì cứng một chút trong cách đi đứng, hành động, nói năng. Cứng đây không có nghĩa là cộc cằn, thô lỗ. Bạn có thể lấy câu này làm khẩu hiệu: “Êm dịu nhưng cứng rắn”.
 
5. Thản nhiên trước những gì không quan hệ đến mình
6. Sống độc lập
7. Siêu thoát

Trích trong tập sách RÈN NHÂN CÁCH của Hoàng Xuân Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:Rèn nhân cách, đức điềm đạm

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn