Mến Thánh Giá HUẤN LUYỆN

ĐỨC DŨNG

Thứ sáu - 18/01/2019 20:45

ĐỨC DŨNG

Đức dũng với nhân cách


ĐỨC DŨNG
 
Đức dũng với nhân cách

                                                        "Mục đích của giáo dục là tạo nên những cây tùng"
                                                            (P. Van Hée)
 
Không biết bạn thì sao, riêng chúng tôi, chúng tôi không thể tưởng tượng được một con người gọi được là có nhân cách đáng phục mà không dũng nghĩa là không có chí khí. Khó bề có một người được thiên hạ nhận là có cá tính khả quan, được nhiều kẻ mến phục mà tâm hồn bạc nhược, mà diện tướng lúc nào cũng biểu lộ sự sợ hãi, rụt rè. Trong xã hội, những ai có tâm hồn náo động, băn khoăn, lo lắng, thiếu khả năng tập trung tinh thần, không có lương tâm cương trực, nghèo óc tự tín, chẳng đeo đuổi một lý tưởng nào, bạc nhược về đường ý chí, gặp ai cũng không tự chủ được, không dám ra điệu bộ và lúc bàn chuyện thì cặp mắt ngó láo liên chỗ khác, những ai những ai như vậy nhất định dù có những đặc tính gì khác khả quan, vẫn bị người chung quanh cho là thiếu nhân cách. Họ bị coi là những “con số” rơi lạc trong khối quần chúng, không mấy ai quan tưởng tới họ dù khi họ cố gắng trình bày cá nhân mình ra. Thường họ là những người bị chỉ huy, làm tay sai cho kẻ khác, chớ ít khi họ đóng vai trò lãnh tụ. Trong một đoàn thể, họ sống chẳng khác một giọt nước trong đại dương. Họ không làm nên việc gì cả thể. Họ không nói được câu nào có giá trị, nổi bật lên các lời nói của những kẻ mà họ giao tiếp hằng ngày. Phong độ của họ là phong độ của những người ghiền, người bị chi phối bởi tâm linh hoạt hạ đẳng. Nếu vì những lý do nào mà họ làm lớn thì thật là cả một sự nhục nhã cho họ. Người cấp dưới coi họ rẻ như bèo. Không bị coi rẻ làm sao được một người chỉ huy mà ăn nói như con gái nhà lành, đi đứng một cách phụ nhược, không có khả năng cương quyết thi hành những gì cần thiết cho kẻ dưới.

Trong gia đình nếu là một người đàn ông thì chắc chắn, con cái tung hoành, qua mặt họ bất kể họ là cha, là chủ. Trong xã hội, người ta không mong họ làm được việc gì bổ ích. Có khi họ giàu hảo tâm lắm, nhưng bởi bạc nhược từ tâm hồn đến thể xác, nên công việc gì họ lãnh đều khó bề được đến thành tựu đường hoàng.
Bởi nghèo đức dũng, họ có nhiều tật xấu khác đáng thương tiếc nữa. Họ không thích sống có lễ độ. Lễ độ đối với họ là những gì bắt nô lệ. Họ thích sống phóng túng, chạy theo bản năng. Họ hay nói dối. Nói dối không phải chỉ để tránh tai nạn, mưu cầu ích lợi mà còn để khoe khoang, gạt gẫm thiên hạ cho khoái miệng. Họ không thể có tinh thần độc lập được nên ai nói gì họ cũng thưa “amen” dễ dàng. Họ hình như đồng ý với hết mọi người nhưng rốt cuộc họ không theo hẳn kẻ nào hết chỉ trừ người ám thị, dẫn dụ họ sau cùng hết. Họ rất thích phán đoán nhanh chóng, sự phán đoán của họ thường căn cứ trên sự nhận xét nông nổi, mặt ngoài, vụn chạc, căn cứ trên quảng cáo, dư luận, tiếng đồn. Họ hay thất hứa, dễ bội bạc. Những công việc kẻ khác ủy thác cho họ, họ thi hành lấy có, lấy chừng. Hành động của họ nếu đi đến thành công thì họ vênh vang tự đắc. Nếu phải té nhào vào hố thất bại, họ đổ thừa cho đủ thứ nguyên do. Họ không có đủ can đảm để chịu trách nhiệm.

Muốn khỏi bị khinh rẻ cười chê, muốn có một nhân cách siêu quần, nhất định bạn phải tránh xa đường lối của hạng người trên. Bạn phải cố tâm rèn cho mình một chí khí anh dũng. Chính chí khí là cái xương sống của toàn thể nhân cách một người. Nhờ nó mới có các đức tính khác. Đáng lẽ vì sự nhút nhát chúng tôi phải bàn mấy chương sau chung với chương này; song bởi muốn cho bạn thấy sự quan trọng của từng đức, muốn tiệc việc thảo luận nên chúng tôi buộc lòng đề cập riêng biệt. Bàn luận mỗi đức một khác biệt nhưng luôn nhấn mạnh sự cần thiết của chí khí. Chí khí đối với các đức tính có thể sánh với một bàn tay nâng đỡ một chiếc mâm chất đầy những ly mỏng. Rút bàn tay, mâm ly đổ nhào như thể đánh rơi chí khí, các đức tính cũng tan tành thể ấy.

Bạn cần có một quan niệm chính đáng về đức dũng, về chí khí. Một người có dũng khí không phải là người có tướng điệu hầm hừ mà con nít trông thấy phải ôm mặt khóc; cũng không phải là người du côn, cộc cằn, thô lỗ, lúc nào cũng sẵn sàng trả đũa những ai vi phạm tự ái hay quyền lợi của mình. Đó không phải là chí khí, là dũng mà thưa bạn là dã man, là thứ quái tính của kẻ tiểu nhân.

Dũng là rường cột của tòa nhà nhân cách, là có một kho khí lực dồi dào, là biết tập trung tinh thần, là có lương tâm cương trực, có óc tự tín hơn người, có lý tưởng cao cả, có ý chí gang thép và biết biểu lộ chí khí ra cách đáng mến phục. Gương mẫu về chí khí mà bạn noi theo đây không phải là một tên Goliat to kết xù mà dã man, hách dịch, không phải một tên Neron say máu coi mạng người nhẹ như rơm. Những gương chí khí bạn có thể lấy làm khuôn mẫu cho đời mình: Thích Ca dám bỏ đời vinh phú để tu thân, là Giêsu anh dũng nói: “Xin tha cho chúng vì chúng lầm chẳng biết” để trả ơn cho kẻ thù; là Daniel kiêng thịt trong đền Nabucodonoso; là Cristofo Colombo trên con tàu phiêu lưu tìm ra tân thế giới; là Stéphenson trong mười lăm năm lao khổ để tạo nên cái đầu máy xe lửa thứ nhất; là Gandhi trên con đường vận động tự do, độc lập cho người dân Ấn. Người ta có thể viết một quyển sách dày kể cho bạn những ngôi sao sáng về đức dũng. Những ngôi sao sáng này, trừ Chúa Giêsu là Thiên – nhân, tất cả cũng là những người như chúng ta, mà tại sao họ lại có nhân cách đáng phục thế. Lạ gì lắm đâu, họ chỉ rèn chí khí thôi.

 

Trích trong cuốn RÈN NHÂN CÁCH  của Hoàng Xuân Việt
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn