Mến Thánh Giá HUẤN LUYỆN

ĐỨC THU TÂM VỚI NHÂN CÁCH

Chủ nhật - 23/02/2020 21:43

ĐỨC THU TÂM VỚI NHÂN CÁCH

Đức thu tâm mà chúng tôi muốn bạn tự tập cho mình ở đây phải căn cứ trên đức ái đích thực
 Bàn vấn đề rèn nhân cách mà chẳng đề cập đến thu tâm thì chắc chắn chúng tôi không khỏi bị bạn khiển trách ít nhiều. Bạn có lý. Trong xã hội, khi nào người ta nói ông kia, bà nọ có nhân cách khả ái thì người ta hiểu ngầm rằng những người ấy khéo thu tâm. Chúng ta không thể hiểu được những người có nhân cách mà ở đời ai cũng ghét hay chỉ trích sống một mình một cõi như Robinson Crusoé của Daniel de Foe hay như An Tiêm của Nguyễn Trọng Thuật. Là một phần tử của xã hội, người có nhân cách phải có nghệ thuật làm cho kẻ khác quý mến mình, để nhờ đó mình ảnh hưởng lại họ, nhờ họ giúp mình xây dựng hạnh phúc, thành công. Chúng tôi đồng ý với bạn điều này: là ở đời ta không làm sao có thiện cảm với hết mọi người được. Quan sát xã hội, bạn thấy có nhiều người tự nhiên có tính tình tốt đẹp, có nhiều người nhờ tự luyện có nghệ thuật đặc nhân tâm. Cả hai hạng người này cố gắng gieo thiện cảm. Nhưng rồi cũng chỉ có một số người nào đó mến thích họ cách thành thật thôi. Nhờ nội quan, bạn hãy kiểm điểm đời tư của bạn lại, bạn cũng thấy nhiều lúc cố gắng làm đẹp lòng kẻ xung quanh lắm, song rốt cuộc vẫn có một số người nghi kỵ bạn, có ác cảm với bạn. Điều đó tưởng không có gì lạ lắm bạn ạ. Không nói chi những trường hợp mình ăn ở sái quấy. Mình sai quấy thì sao người khác có thể đáng được ưa thích? Nhưng khi chúng ta hành động hợp lý, đi con đường chính, chúng ta vẫn bị một lớp người thù ghét? Tại sao? Phải nói rằng hoặc chúng ta bị hiểu lầm, hoặc có nhiều kẻ có lòng không tốt. Trên đời, chúng ta thường bị hiểu lầm vì chúng ta đâu có biết mọi hoàn cảnh để người khác hiểu mình. Vả lại có nhiều khi sự khôn ngoan buộc chúng ta phải hành động âm thầm, bí mật. Đó là chúng tôi chưa nói đến sự lười biếng tự nhiên của mỗi người trong việc tìm hiểu kẻ khác. Con người tự nhiên duy kỷ và cho cá nhân mình là trung tâm điểm của vũ trụ. Còn tâm không tốt của nhiều người thì có chắc chắn như trái đất. Pascal nói bao giờ cũng có kẻ ác tâm. Người ác tâm cũng tin mình hành động phải, ăn nói đúng, giàu thiện chí, thiện tâm. Ngay mấy trang đầu của lịch sử nhân loại đã ghi việc sát hại em của Cain. Cain đổ máu em mình mà cứ cho mình làm đúng. Người đời nay có tâm lý không khác đời xưa. Golse giết nhà cách mạng Camdia cách thê thảm mà vẫn cho là ái quốc. Trên đời có biết bao nhiêu kẻ các và dĩ nhiên đối với những kẻ ấy, bạn là kẻ ăn ở ngay thật, không bao giờ được họ có thiện cảm. Đại Thánh, đại hiền như Giêsu, Thích Ca kia mà đến nay còn có đa số, chúng tôi đa số, lãnh đạm, khinh chê, oán trách, huống hồ phàm nhân như chúng tôi và bạn. Đó là chúng tôi quên nói những trường hợp chúng ta đã biết bị ghét, quyết không thèm đi mua thiện cảm chi cho tốn công. Vẫn hiểu rằng đạo xử thế buộc chúng ta không nên gây ác cảm với ai. Nhưng có nhiều hoàn cảnh mà đối với họ bằng cách theo ý kiến của họ. Là một nghị sĩ quốc hội, tuy luôn dùng chiêu ngoại giao, nhưng nhiều khi bạn phải cứng rắn bài xích một đôi ý kiến đi nghịch vận mệnh quốc gia và tổn hại quyền lợi quốc dân chứ. Bạn đâu nên vì muốn gây thiện cảm mà tán thành những điều sái quấy lạc lầm. Vậy, chúng tôi đồng ý với bạn rằng trong cuộc giao tế xã hội, ta không làm sao mua được thiện cảm với hết mọi người. Có người nói: để được có thiện cảm với bất cứ ai thì phải tư tưởng hành động như hết mọi người. Đó là một quan niệm xử thế sai lầm và hoàn toàn đem lại tai hại. La Bruyère nói: “Hành động như ai nấy, đó là một châm ngôn ngu xuẩn và thường làm tệ hại”. Ở mọi thời gian, không gian có những người xấu, chuyên làm những điều sai quấy. Nhẹ dạ mà coi ai cũng là thăng mực để mua thiện cảm là vô tình tạo cho mình ác cảm liên miên.

Tuy không tránh khỏi một số người có ác cảm với ta, song nhờ sự cố gắng tự giáo luyện về tính tình và áp dụng những bí quyết đặc biệt của thuật thu tâm, bạn có thể gây thiện cảm ở nhiều người chung quanh.

Mỗi tính khí của chúng ta đều mang chất duy kỷ chật hẹp. Ai trong chúng ta cũng đều muốn thiên hạ tìm đến mình, vui vẻ giao tiếp với mình, kính trọng mình, cho mình là quan hệ và ngợi khen tài đức của mình. Song chính chúng ta, chúng ta hay thu bản ngã mình vào cái vỏ cứng cá nhân ích kỷ. Chúng ta thấy khó chịu làm sao khi mở lòng mình ra để giao thiệp với kẻ khác. Thường chúng ta hay quạy quọ, buồn rầu, ăn nói cọc cằn. Nhiều lúc bị thất bại, nhờ anh em bạn hữu khuyên nên đắc nhân tâm, chúng ta có ý phục thiện. Nhưng sau một thời gian, chúng ta cũng lục tục trở về với cáci “tháp ngà” bản ngã ích kỷ của chúng ta. Và chúng ta gieo ác cảm nữa, thất bại nữa…

Vậy, bây giờ muốn có thiện cảm với người, chúng ta phải gia tâm thực hành nghệ thuật thu tâm. Nhờ nó chúng ta biết lúc nào phải đối xử làm sao để chinh phục lòng thiên hạ. Vấn đề quan trọng là biết. Bạn còn nhớ chuyện nầy trong Liệt Tử không? Tử Hạ ngày kia hỏi Khổng Tử về hạnh kiểm của Nhan Hồi, Tử Cống, Tử Lộ, Tử Trương, Khổng Tử nói: “Nhan Hồi nhân hơn ta, Tử Cống mau mắn hơn ta, Tử Lộ anh dũng hơn ta, Tử Trương nghiêm hơn ta”. Tử Hạ nghe Khổng Tử nói, ngạc nhiên hỏi tiếp: “Thế thì sao các bậc ấy đều là học trò của Thầy?”; Khổng Tử từ từ đáp: “Nhan Hồi nhân mà không biết bất nhân, Tử Cống mau mắn mà không biết chậm chạp, Tử Lộ anh dũng mà không biết nhu nhược, Tử Trương nghiêm mà không biết bất nghiêm. Tất cả tài năng của các kẻ ấy đổi cái ta có ta không đổi. Vì thế, ta là thầy của họ”. Cái biết nên làm và không nên làm, Khổng Tử nói mấy chục thế kỷ trước, ngày nay trong đạo xử thế vẫn cần như cá cần nước. Người có nhân cách biết khi nào phải dùng bí quyết gì để thu phục tâm hồn kẻ tiểu nhân, khi nào phải dùng mánh lối nào để dẫn dụ người quân tử. Thu tâm cũng có năm bảy đường, chớ không phải gặp ai trong lúc nào cũng sử dụng một cách mà thành công.

Tiếc thay, cái thuật biết và không biết để thu tâm, chúng ta có ít cơ hội để học. Vấn đề xử thế, như hơn một lần, chúng tôi đã nói, vô cùng quan trọng cho con người, mà cơ hồ gia đình và học đường không mấy để ý giáo luyện cho chúng ta. Những bậc có bổn phận giáo dục chúng ta dư biết rằng ngày nào trên hoàn vũ này không còn ai thì thôi, chứ còn dù chỉ có hai người thì ngày ấy vẫn cần giáo dục về phép xử thế. Chúng tôi tin chắc họ biết như vậy. Nhưng trong gia đình, cha mẹ, anh chị chúng ta không đủ thời gian, không đủ cơ hội để dạy cho chúng ta. Ở học đường thì có lẽ chương trình bắt buộc quá nặng. Khi bước chân ra đời chúng ta lại phải vật lộn với cuộc mưu sinh. Việc thu tâm cần quá. Chúng ta phải mua nó với một giá đắt: trả bằng thất bại. Thật tội nghiệp chúng ta! Và nếu trên đời chúng ta không biết lo tự luyện thì sao? Thiếu gì người chung quanh chúng ta đang ở trong hoàn cảnh đáng tiếc ấy. Họ giàu sang, có chức quyền cao, ăn học sâu rộng, đầy duyên sắc, nhưng cách ăn nết ở đáng ghét. Giữa một xã hội, họ là một mũi gai nhọn khiến ai cũng phải bực mình. Thiên hạ coi họ rẻ như bèo vì nhân cách của họ là một con số rỗng.

Có hạng người người khác cũng bị khi như họ là hạng đắc nhân tâm cách giả dối. Hạng người này coi việc thu phục tâm hồn kẻ khác như một cạm bẫy để lợi dụng những người dễ bị ảnh hưởng, bị dẫn dụ, bị chỉ huy. Trong tâm hồn họ, nhiều khi đầy ghen ghét, oán thù, mỉa mai, nhưng bên ngoài họ tỏ ra ngọt dịu, thân thiết, thành thật. Sau cùng họ bị “lột mặt nạ” và bị kẻ khác coi như thù địch không đội trời chung.

Lối thu tâm của kẻ ấy là lối thu tâm phản nhân cách, nó hạ phẩm giá con người, coi rẻ lương tâm, coi rẻ người khác, làm cho thiên hạ mất tín nhiệm nhau, nghi kỵ nhau, không còn mến phục nhau.

Đức thu tâm mà chúng tôi muốn bạn tự tập cho mình ở đây phải căn cứ trên đức ái đích thực. Nhân đức này một khi chín mùi trong tâm hồn ta rồi, được chảy tràn ra bằng những lời nói, cử chỉ, thái độ, thành hi, tự nhiên đắc nhân tâm mà không mánh lới, không cần điệu bộ máy móc, bịp bợm đáng khinh bỉ.   

Trích trong tập sách RÈN NHÂN CÁCH của Hoàng Xuân Việt
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:Rèn nhân cách, đức thu tâm, kỹ năng sống

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn