Mến Thánh Giá HUẤN LUYỆN

ĐỨC TỰ KHIỂN

Thứ tư - 04/09/2019 20:49

ĐỨC TỰ KHIỂN

Tôi làm chủ tôi cũng như làm chủ vũ trụ
 
ĐỨC TỰ KHIỂN
Đức tự khiển với nhân cách

                                                                     
Tôi làm chủ tôi cũng như làm chủ vũ trụ
 

Cơ cấu tâm lý của con người gồm hai yếu tố chính, như chúng ta đã biết, là tâm linh hoạt thượng đẳng và tâm linh hoạt hạ đẳng. Tâm linh hoạt thượng đẳng là trí tuệ và ý chí tự do. Tâm linh hoạt hạ đẳng là tính chất gồm những phẩm chất căn bản như cảm tính, dục tình, tính hợp đoàn, các khuynh hướng, tính hoạt động… Muốn rèn luyện cá tính ngày một thuần thục để có một nhân cách đáng phục, phải chú trọng xây đắp địa vị chinh phục của tâm linh hoạt thượng đẳng trên tâm linh hoạt hạ đẳng. Con người mà mọi người trong xã hội kính trọng, đều có thể vâng lời, là con người không những tự chủ khi tâm linh hoạt hạ đẳng hoành hành mà còn tự khiển, còn dùng tâm trí điều khiển cả guồng máy tâm tính của mình một cách sáng suốt, anh hùng. Người tự khiển coi nhân cách là một lý tưởng, nên cố gắng dùng ý chí chiến thắng sự dung dữ của thú tính để nhân tính được phát triển. Họ cảm thấy giá trị của mình căn cứ ở chỗ họ trở nên người hơn. Nghĩa là hướng dẫn nếp sống, lời nói, cử chỉ, thái độ, hành vi của mình trên con đường nhân vị, theo lý tưởng.

Trừ những người được giáo luyện về cá tính đầy đủ, đức tự khiển là điều kiện tất nhiên cho hết mọi người, trẻ cũng như già, ở thời dã man, bán khai hay văn minh. Ở đây chúng tôi không đặt vấn đề nguyên do của bản chất cá tính. Mà chỉ bàn cùng bạn một sự kiện này là trong mỗi cá nhân đều có tính chất thú vật, tính chất dã man cấu thành một phần của cá tính làm người ta có thể gọi là phần hạ của con người.

Phần hạ ấy thường được bộc lộ rõ rệt ở những bộ lạc mọi rợ nhiều hơn ở dân tộc bán khai, ở dân tộc bán khai nhiều hơn ở dân tộc văn minh.

Đó là nói đoàn thể. Chứ nói gì đến cá nhân thì có thể ở những bộ lạc mọi rợ có nhiều người sớm ý thức về lý tưởng con người, nhờ tự giáo dục hay nhờ sự võ trị của tù trưởng, nên trấn áp được phần cá tính hạ của mình và sống xứng đáng hơn với phẩm cách con người. Trái lại, ở nhiều dân tộc tự xưng là có trình độ văn hóa rất cao vẫn có thể có không ít người có hình thức, có lối sống xã giao xem ra văn minh lắm nhưng khi ở một mình, khi gặp cơ hội, tỏ ra rất mực dã man, rất mực hèn mạt. Cũng không thiếu những người ở thời đại văn minh dùng học thức của mình để ăn nói hay hành động cách dã man hơn hẳn những người dã man ở thời khuyết sử. Một sự kiện này, bạn nên để ý nữa là ngay trong những nền văn minh thật sự, nghĩa là những người được giáo luyện chẳng những về tâm trí mà đặc biệt về tâm linh, cũng có kẻ thỉnh thoảng không hành động theo trí tuệ và ý chí, mà làm nô lệ cho thú tính cách ngoan ngoãn. Vậy chúng ta phải công nhận rằng trong mỗi người đều có một cá tính hạ, nó rất hung hăng trong con người dã man, nó bị kiềm hãm chớ không bị tiêu diệt – và nếu sức kiềm hãm của con người sa sút thì nó đẩy con người trở về đời sống mợi rợ, đê hèn. Người ta không thiếu những bằng chứng hùng biện tìm gặp trong những tù ngục. Cho riêng từng cá nhân ở một mình, sức kiềm hãm phần hạ thường dễ dàng nhưng khi có đoàn thể, cá nhân rất khó bề tự chủ. Không cần đọc cuốn “Psychologie des foules” của bác sĩ Gustave le Bon, chúng ta cũng có thể do quan sát biết được rằng, trong nhiều trường hợp, tinh thần quần chúng ảnh hưởng mạnh mẽ trên mỗi cá nhân. Nhiều bậc thông thái siêu quần, thánh đức, tuyệt chúng, lúc sống một mình thì đáng phục, nhưng khi hội chung trong một nơi thiếu trật tự và quen biết nhau kha khá, thì ăn nói, hành động nhiều khi tỏ ra không có tư cách gì cả.

Bạn hỏi chúng tôi tại sao? Thì tinh thần quần chúng ảnh hưởng sự kiềm chế thú tính của cá nhân đó. Thú tính tung hoành là tại nó không được tiêu trừ trong con người, mà chỉ nằm núp dưới sự trấn áp của ý chí và trí tuệ. Gustave le Bon nói phần hạ của con người là chất cặn bã di truyền lại cho mỗi người trong chúng ta từ những thời đại mọi rợ nhất của lịch sử loài người. Tuy phần thượng của con người theo thời gian, nhờ giáo dục được phát triển nhưng không phải vì lẽ đó mà phần tử mất luôn thế lực. Nó ở trong con người văn minh như than lửa vùi tro. Nó có thể bừng dậy, khiến con người văn minh sống động như những kẻ trong bộ lạc. Đối với trẻ thơ nó là mầm mống, nếu không nhờ sự giáo dục về tâm đức kiềm hãm, thì sẽ đều đều phát triển y như những con người của thời ăn lông ở lỗ. Đối với người lớn mà ít được giáo dục về tâm đức, chỉ lo về thể dục hay trí dục, nó vẫn có thể khiến họ làm những việc không kém mọi rợ đối với những người rất mọi rợ ở những thời mọi rợ nhất trên đời. Vậy để cho được rèn luyện tính cách trở thành tốt đẹp, cho được có nhân cách khả quan, bạn hãy nắm ngay cái đức tự khiển. Nó chẳng những ngăn chặn sức phát triển của thú tính mà còn giúp nhân tính nảy nở và nhất là làm cho ý chí và trí tuệ của ta chỉ huy toàn thể thâm linh hoạt hạ đặng. Người tự chủ là người chỉ không hành động, ăn nói, cư xử cách dã man, còn người tự khiển chẳng những tự chủ mà con hướng dẫn sức tiến của thú tính theo đà phát triển của lý tính một cách lâu bền.

Trên đường đời, họ luôn cầm lái cho cuộc sống của họ. Họ nói lời gì, làm việc gì, có thái độ cử chỉ nào là do trí tuệ họ chỉ dẫn, là do ý chí của họ điều khiển. Họ vẫn là những người có cảm tình dồi dào nhưng không nô lệ cảm tính, vẫn đầy đủ dục vọng, tưởng tượng, hăng hoạt động, giàu thị hiếu và khuynh hướng, nhưng bao giờ cũng hành động với ý thức, với sự cương quyết. Nhờ đó trong xã hội họ không phải như một hạt cát giữa sa mạc, mà là một lực lượng, một con người khiến bao kẻ khác phải quan tâm. Bởi hành động theo lý trí nên họ có lý tưởng, có chương trình đặc biệt. Ở giữa xã hội hay ở một mình, họ vẫn sống theo lối sống hợp lý của mình. Bởi có ý chí đanh thép trong khi thi hành lý tưởng, họ ảnh hưởng đến người khác, dẫn dụ nhiều người cộng tác với mình nên đời họ là đời đắc lực. Khi bao nhiêu người sống vô lý tưởng, sống làm mồi ngon cho tính quá ham hoạt động, cho lòng dục vọng mù quáng, cho thói quen ươn hèn, cho sự hung hặng vụng chạc, bối rối, luýnh quýnh, thô lỗ, người tự khiển lo thực hiện chương trình sống của mình và lúc nào cũng ăn ở theo huấn lệnh của ý chí được sáng soi bởi trí tuệ.

Tóm lại, nếu bạn muốn có nhân cách làm cho ai nấy cũng mến yêu thì bạn hãy tập cho mình có đức tự khiển. Đây là những bí quyết giúp bạn chiếm đoạt chiếc chìa khóa kinh nghiệm ấy nếu bạn chịu khó thực hành.

Trích trong tập sách RÈN NHÂN CÁCH của Hoàng Xuân Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:Rèn nhân cách, đức tự khiển, tự chủ

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn