Mến Thánh Giá HUẤN LUYỆN

RÈN ĐỨC THU TÂM

Thứ năm - 23/04/2020 20:41

RÈN ĐỨC THU TÂM

Các phương pháp rèn đức thu tâm (tiếp theo kỳ trước)
 
RÈN ĐỨC THU TÂM
Tiếp theo

8. Đừng đổi tính như chong chóng đổi chiều
Người hay làm mất thiện cảm là người thường đổi tính. Sớm mai gặp tin vui, nghe trong người thư thái, họ vui vẻ gặp ai cũng cười. Họ làm việc hăng hái cùng những người cộng tác, dễ dàng nhịn lỗi lầm của người dưới. Chiều đám mây bi quan xâm chiếm tâm hồn họ, họ đối xử với bất luận ai như một bà chủ cay độc xử với đầy tớ trong nhà. Họ gầm gầm mặt xuống, liếc dọc người ta, trả lời cộc lốc, hay than thở, càu nhàu, chấp nhất khi có ai đó làm họ phật ý. Tính tình của họ thay đổi cách bất ngờ. Nó khi vui như mùa hoa nở, khi buồn tựa nghĩa trang vào thu. Vì thế, những người xung quanh khó lòng giao tiếp bền chặt với họ. Giao tiếp bền chặt sao được khi mà tính tình của họ không có gì đảm bảo cho kẻ khác sự dễ chịu, sự vui vẻ, sự dễ dàng. Ngày trước người ta thấy họ đáng phục vì là lạc quan, lịch sự, hiền dịu, nên mưu tính công ăn việc làm ngày sau gặp họ lại là người ta phải bực dọc vì họ cự nự, ăn nói như dùi đục chấm nước mắm…

Tính tình họ thay đổi làm cho người ta không vui thích khi sống chung với họ đã đành, mà còn làm hại cho quyền lợi của người ta nữa. Bởi có bẩm chất đa cảm hay nếu không đa cảm thì có thói quen sống theo tình dục nên họ hành động bất chấp lý trí và ý chí. Họ không suy nghĩ kỹ trước khi giao hứa một điều gì. Khi cam kết cũng không làm với ý chí gang thép. Vì thế, họ cam kết rất vụn chạc và hay thay đổi lời hứa làm cho kẻ khác mất tín nhiệm ở họ rất nhiều. Có khi người ta tin cậy họ, giao phó lòng tốt của họ những công việc hệ trọng. Họ hứa chu toàn. Lúc hứa dĩ nhiên là lúc vui. Đến lúc phải thi hành họ đổi tính, đã bi quan, lười biếng nên cũng đổi luôn ý định. Thiên hạ vì sự thất hứa của họ phải bị thiệt hại. Chúng tôi có một người bạn giật quán quân về việc đổi tính và cũng giật quán quân về việc đa cảm và lúc lạc quan gặp ai cũng niềm nở, chào hỏi, tỏ ra kính trọng. Ai cậy anh việc gì, anh lăng xăng giúp đỡ. Con người tự nhiên thích kẻ khác chiều chuộng mình và cũng lười suy nghĩ, không dò xét trước khi kết bạn. Vì vậy, có nhiều người chạy theo giao du kết bạn. Lẽ dĩ nhiên là ngày đầu anh đỗi đãi với người khác “ngọt” lắm. Người ta có thể trong một sớm một chiều coi anh là tri âm ngay. Nhưng rồi theo thời gian, anh thay đổi tính tình dễ dàng như người ta trở  bàn tay nên các kẻ giao tiếp với anh làm cái việc mà chúng ta thường nói chơi là “rút lui có trật tự”. Trước đây anh dễ dàng mở cửa lòng đón tiếp kẻ khác bao nhiêu thì lúc sau cũng dễ dàng đóng cửa lòng đá kẻ khác như vậy. Thưa bạn, trên bước đường đời có biết mấy kẻ xử thế như ông bạn đáng thương hại của chúng tôi và tiếc nhất là những kẻ ấy không được ai cảnh tỉnh nên nghiễm nhiên đi con đường bất lợi của mình để luôn tạo cho mình những thất bại.

Muốn được nhiều bạn thân, nhất định bạn phải có tính tình điềm đạm. Phải đối xử với bất cứ ai bằng sự chừng mực, chừng mực theo lý trí và ý chí soi sáng chỉ huy. Chầm chậm xây dựng tình thân keo sơn còn hơn là hấp tấp thân thiết rồi cách biệt thiên thu.
 
9. Đừng có giọng kẻ cả
Chúng tôi đã nói con người tự nhiên có tính tự ái, có óc tự tôn, thích hành động tự do và chỉ huy hơn là vâng lời. Ai trong chúng ta lại không thích mến cái tôi của mình không quý trọng những tài năng, đức tính của mình, không muốn tự hành động với những sáng kiến của mình và đồng thời chuyển đạt sáng kiến của mình cho kẻ khác. Ngay từ nhỏ chúng ta đã có những đặc tính này rồi. Đòi bú, mẹ không cho, đánh ta, ta trả đũa bằng sự khóc. Khóc là khí giới che đỡ lòng tự ái bị tổn thương. Trong lúc chơi với bè bạn, chúng ta thích lấn lướt, giành giật. Còn vụng dại lắm, song chúng ta hay cãi cha mẹ để làm việc này việc nọ một mình.
Những tính ấy có tự trong bản chất chúng ta, phát triển theo sự nẩy nở của thể xác và tinh thần chúng ta và làm những yếu tố quan trọng cấu thành trong chúng ta cái mà những nhà tâm lý học gọi là cá tính. Biết cá tính con người có những yếu tố ấy thì khi muốn thu đắc nhân tâm, ta đừng có giọng độc tài. Đối với kẻ lớn cũng như người nhỏ, nếu ta muốn họ làm gì hay cấm cái gì mà nói: “Phải làm thế này. Phải làm thế kia. Cấm không cho làm. Đừng làm…” thường gây trong đầu họ những ý nghĩ này. Họ tự nói: “Ủa, ta cùng như ai chứ. Ta có lý tưởng của ta. Ta biết việc ta làm, biết điều phải điều trái. Chuyện gì ra lệnh như thế. Ta có quyền làm điều đó mà. Tại sao cấm”. Đó là những phản ứng tự nhiên của bất cứ ai khi nghe một người khác khiến hay ngăn cấm mình bằng một giọng kẻ cả. Chúng tôi nói tự nhiên vì những phản trắc ấy nằm đâu, trong tận tâm hồn con người, nhất là ở trong tâm hồn kẻ bị chỉ huy… Và đối với kẻ ta chỉ huy hay kẻ ta lãnh đạo, ta nên nhớ rằng cái giọng kẻ cả, thái độ hách dịch bao giờ cũng đem kết quả không hay bằng sự êm dịu. Những tiếng ra lệnh làm cho bản ngã kẻ nghe bị vi phạm, lòng tự ái bị tổn thương, lòng tự trọng bị khinh rẻ, óc tự do bị cầm tù. Chúng cũng khiến kẻ nghe phản động ngấm ngầm hoặc công khai và khi phải vâng phục chỉ vâng phục cách bất đăc dĩ. Vậy từ đây, xin bạn để ý lúc giao tiếp cùng kẻ lớn hơn mình, cùng đồng bạn hay kẻ mình điều khiển, tránh hẳn giọng độc đoán, độc tài. Muốn ai làm việc gì bạn nên nói: “Ta nên làm việc ấy. Ta có nên làm việc ấy không? Ta có thể làm. Nếu có thể được, ta nên làm. Ta cố gắng làm. Ta chịu khó làm…”. Những lối nói êm dịu, lối hỏi ấy bên trong chứa đựng sự sai khiến đấy, nhưng bên ngoài có vẻ bình dân, thân mật, tỏ ra người nói trọng kẻ nghe, hợp tác với kẻ nghe để đi đến thành công.

 
10. Đừng kích thích tính tự ái của người ta
Giả sử bạn và chúng tôi bất thuận. Chúng tôi muốn giao hòa với bạn mà nói như thế này: “Bạn sai phải không? Bạn thấy cần giao hòa với chúng tôi phải không? Bạn hành động như hôm trước là khờ phải không? Chúng tôi không đến để giao hòa thì bạn tự đắc, bất thuận luôn phải không?”. Những câu nói đó lỗ mãng, xấc xược, nói như xỉ vả vào mặt bạn ấy khiến bạn trả lời với chúng tôi thế nào? Chắc chắn bạn trả lời: “Không, không, không”. Thế là việc giao hòa của chúng tôi thất bại. Tại ai? Không biết có tại bạn không, chứ chắc chắn tại chúng tôi. Chúng tôi đã ăn nói cụt ngủn, đã kích thích tính tự ái của bạn. Dù trong thâm tâm bạn thấy cần giao hòa với chúng tôi, thấy chúng tôi có lý đến đâu, trong khi nghe những câu búa rìu trên cũng phải trả lời “không” để khỏi mất mặt. Ở trường hợp của bạn, chúng tôi cũng xử sự như vậy. Bao nhiêu kẻ khác cũng hành động như bạn và chúng tôi. Và một khi đã trả lời “không” cho kẻ thách đố mình rồi, thường thấy khó bề thay đổi ý định. Họ tự phụ bảo tồn câu trả lời của mình. Nhất là khi họ trả lời cho người nhỏ hơn. Bạn trách họ kiêu căng. Phải. Nhưng đã làm cho họ kiêu căng thì chúng ta phải hưởng cái quả của nó là bất đồng ý kiến với ta, chúng ta không mong gì dẫn dụ được họ. Muốn họ nghe theo ý ta, ta phải thân mật dẫn lý cách nào cho họ đồng ý với ta lúc ban đầu. Chúng tôi và bạn bất thuận. Bạn lại nói với chúng tôi như thế này: “Hôm trước chúng mình không được vui với nhau hả bạn? Tôi hơi nóng một chút làm bạn buồn tôi nhiều lắm phải không? Sau mấy ngày suy nghĩ, điều tôi quả quyết với bạn có nhiều điểm vô lý quá! Chắc hôm nay bạn vui lòng tha thứ cho tôi chứ”. Hỏi chúng tôi mấy câu ấy, nghĩa là bạn bảo chúng tôi trả lời một loạt: Phải. Mà bạn không thua chúng tôi đâu. Bạn đang nhử chúng tôi vào rọ lý luận của bạn đấy. Sau khi mua được thiện cảm của chúng tôi rồi, sau khi bạn tự thú lỗi rồi, bạn sẽ từ từ chỉ lỗi của chúng tôi và yêu cầu chúng tôi sửa. Có khi bạn chỉ cho chúng tôi thấy chúng tôi sai nhiều hơn bạn. song chúng tôi chẳng buồn bạn gì hết. Cứ đáp: Vâng! Cách thành thật. Đáng vâng không biết có theo lẽ phải không, nhưng chắc chắn là vì quý mến bạn. Dẫn dụ như vậy quả rằng bạn rất sành khoa học tâm lý. Bạn biết con người trong đó có chúng tôi, không bao giờ chịu kẻ khác quăng vô mặt mình những tiếng chua chát, không bao giờ chịu mình lầm cách trống trải và khi lỡ nói không rồi thường chẳng đủ can đảm rút lời. Cách mấy chục thế kỷ, Socrate cũng không dẫn dụ người khác hơn bạn. Nếu trên đường đời bạn nắm vững bí quyết thuyết phục ấy thì chắc chắn bạn thành công.
 
11. Đừng vụng xài ba tấc lưỡi
Nếu bạn và chúng tôi muốn thiên hạ mau ghét mình thì cứ vụng xài ba tấc lưỡi của mình.
Gặp ai, chúng ta cũng câm như hến. Đi ngoài đường, sớn sát đạp đế giày da trên chân một người nọ rướm máu, ta làm thinh lủi đi. Ai làm ơn cho ta điều gì ta cắn răng lại, lấy mắt ngó. Lúc ta đau bệnh, bè bạn, bà con đến thăm ta, hỏi bệnh trạng ta thế nào, ta chẳng để tâm đến họ. Trong khi cộng tác cùng kẻ khác, khi sống với người xung quanh, ta đối xử với thái độ sầm thảm. Khi cần thiết cũng không chịu nói nửa lời. Lúc kẻ khác cần biết ý kiến của ta, cần sự biểu lộ của lòng chân thật của ta, ta giả bộ ít nói rồi nín luôn. Trong những trường hợp kẻ dưới hay người lại cậy nhờ lòng tốt của ta giúp đỡ, ta không buồn nói hay thốt ra vài lời cụt ngủn.

Có một lối làm cho thiên hạ ghét không thua lối cấm khẩu kiếu ấy là: “Đa ngôn”. Gặp người quen, kẻ lạ gì chúng ta đã giao tiếp dễ dàng, coi họ là bạn hữu ngay từ lúc mới gặp, đem hết tâm sự ra thuyết với họ thao thao bất tuyệt. Đối xử với bạn bè chúng ta hay chọc ghẹo, đặt tên riêng, nói hài hước, mỉa mai, sửa lưng, nói hành, vu khống, làm chứng dối, gieo tiếng xấu. Bao nhiêu chuyện bí mật tự nhiên ta biết hay kẻ khác phó thác cho ta, thề hứa với ta, ta đem nói sạch sành sanh cho bất cứ người nào. Trong khi nói chuyện, ta không cho kẻ khác nói. Hay cướp lời họ hay chận câu chuyện họ lại để nói. Chúng ta thích cãi vặt. ai nói gì nghịch ý thì nhất định phê bình, đả đảo, hạ đối phương cho được mới thôi. Nhiều lúc sợ mất lòng kẻ nghe, muốn làm đẹp lòng kẻ đến yêu cầu mình điều gì, chúng ta bịa đặt nhiều chuyện ảo huyền, chúng ta “ừ bừa” để rồi sau “đẩy” cho người khác. Trong cuộc sống hằng ngày, không lúc nào chúng ta thinh lặng để sống với bản ngã của mình, để tập trung tinh thần thêm dũng chí. Chúng ta “ra” khỏi cái tôi của mình luôn. Chúng ta hay tìm đến kẻ này người nọ để tìm tin lạ, để giải bày cõi lòng, để nhờ lời an ủi. Những câu chuyện chúng ta đem bàn phần nhiều, nếu không xàm láp, lạt như bã mía thì cũng đầu Ngô mình Sở.

Thử xét mình lại, coi bạn có thường phạm những lỗi lầm trên này không? Nếu có, xin bạn hãy cương quyết từ đây làm chủ lưỡi mình cách khôn khéo. Tự ngàn xưa Esope đã coi nó như một vật tốt đẹp nhất mà cũng là xấu nhất. Tốt đẹp là khi ta biết sử dụng nó. Ta đừng thinh lặng đến thành con người vô lễ, thành người bí mật làm kẻ khác nghi ngờ. Tự chủ, ít nói: hay lắm. Nhưng vẫn phải nói khi cần thiết để làm đẹp lòng người xung quanh và do đó, ta thu tâm. Chúng ta nên tin rằng chỉ người ít nói, khéo nói mới là dũng vì thinh lặng. Chứ không nói tiếng nào, có thái độ huyền bí sai mùa thì người ta không gọi là dũng đâu mà là lù khù, vô lễ, lừ đừ, nếu không chỉ là người để dành dựa cột mà nghe thôi…Thái độ ngược lại là nói nhiều. Người già hàm bị thiên hạ coi là người “nhẹ” vì họ ra khỏi mình, hoang phí khí lực mình nhiều quá trong những câu chuyện hai xu.

Nói những câu mà mỗi tiếng là một đồng vàng. Nói êm dịu, lịch sự, thanh cao nói sao cho người ta nhận thấy ở một con người “văn minh” thật. Như vậy, đời bạn sẽ được nhiều người mến thích và khi muốn thi hành công việc gì, chắc chắn bạn sẽ có nhiều cộng tác viên thành tâm.

Còn tiếp

Trích trong tập sách RÈN NHÂN CÁCH của Hoàng Xuân Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:Rèn nhân cách, đức thu tâm

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn