Mến Thánh Giá SUY NIỆM Hạnh Các Thánh

ĐÂY, ĐẤNG CÔNG CHÍNH ĐI TRƯỚC MẶT TRỜI CÔNG CHÍNH

Thứ sáu - 16/03/2018 05:17

ĐÂY, ĐẤNG CÔNG CHÍNH ĐI TRƯỚC MẶT TRỜI CÔNG CHÍNH

Thánh Cả Giuse - Đấng Công Chính

Tiếng trống canh năm vang rền. Đêm sắp tàn. Trời đông ửng hồng. Bình minh đang xua tan bóng tối. Và kìa! Mặt trời mọc lên rực rỡ.

Quang cảnh thiên nhiên ngoạn mục ấy mỗi ngày tái diễn, để nhắc nhủ lòng người luôn nhớ giây phút thiêng liêng khai nguyên ơn cứu độ: khi Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế, được gọi là “Mặt trời công chính” xuất hiện, thì Bình minh đi trước là Đức Trinh Nữ Diễm phúc Maria.

Nhưng Đức Maria không một mình đi vào Lịch sử Cứu Độ. Theo Thánh chỉ vĩnh hằng của Chúa Cha, còn phải có một nhân vật khác nữa đồng hành, đồng lao cộng khổ, đồng sứ mệnh với Đức Maria phục vụ Đấng Cứu Thế. Cuốn lịch thời gian của Đấng Quan Phòng đã muốn nhân vật thứ ba đó ra đời trước hết, và bao lâu vị ấy chưa xuất hiện, thì đêm tối của thời Cựu Ước, thời chờ mong Đấng Cứu Thế, vẫn còn dài vô định. Cho đến khi “Con người không thể thiếu” đó ra đời, ấy là “tiếng trống canh năm” vang lên, giục giã người đời ngước mắt đón chào Bình minh của Ngày Cứu độ, với vầng Thái dương sắp mọc lên đem ánh sáng và sức sống cho trần gian.

1. Nhân vật không thể thiếu
“Nhân vật không thể thiếu” đó trong chương trình của Thiên Chúa, là ai vậy? Một người mang dòng máu vương giả, nhưng từ lâu dòng họ đã sa sút, bản thân chỉ là người dân bình thường của một đất nước đã mất chủ quyền, đất nước Israel hay còn gọi là Palestina dưới sự thống trị của đế quốc La mã. Một người nổi tiếng “công chính”, đạo đức, nhưng thực tế là một lao động khó nghèo, mà trong chương trình Cứu độ của Thiên Chúa, đã trở thành Bạn Trăm Năm thanh khiết của Đức Trinh Nữ Maria, Cha khiết tịnh của Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể.

Chương trình Cứu độ bao la vô hạn của Thiên Chúa, được thánh Phaolo, nhà thần học số một của Giáo Hội, tóm gọn trong câu sau:

“Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã cử Con Ngài tới, sinh làm con một phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4, 4 – 5).

Ý nghĩa văn tự của lời Kinh Thánh trên đây đã hiển nhiên và dễ hiểu. Thế nhưng, nếu chúng ta đào sâu nội dung và hiểu theo ý nghĩa trọn vẹn của lời đó, - như thái độ thường phải có khi học tập và suy gẫm Kinh Thánh – chúng ta có thể nhận ra, nơi hàng chữ “sống dưới lề luật”, hiện lên hình ảnh Thánh Cả Giuse, Phu quân khiết tịnh của Đức Trinh Nữ Maria, Cha Đồng trinh của Ngôi Lời Nhập Thể. Lý do thật dễ hiểu: một trinh nữ hoài thai và sinh con là điều trái qui luật tự nhiên, và theo luật Do Thái, còn là một trọng tội phải ném đá chết (Đnl 20, 20tt). Vậy thì làm sao Con Thiên Chúa có thể “sinh làm con một phụ nữ và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật…”, nếu không có Thánh Cả Giuse trong tư cách đích thực là chồng trinh khiết của Đức Trinh Nữ Maria và là Cha khiết tịnh của Chúa Giêsu? Đặc ân Thiên Mẫu của Đức trinh Nữ Maria phải kết hợp với tư cách pháp lý và nguồn gốc Đavit của người chồng Giuse thì mới đủ điều kiện cho Con Thiên Chúa xuống thế làm người để thực hiện công trình Cứu chuộc như chính Thiên Chúa đã hứa hẹn, chuẩn bị và báo trước trong Cựu Ước.

Cảm nghĩ trên đây về lời Thánh Phaolo chợt đến với chúng tôi chính lúc chúng tôi viết những hàng này, và chúng tôi chớp lấy như tia sáng của Thánh Linh. Và chúng tôi nhận định ngay rằng nếu lời Kinh Thánh kể trên được hiểu như bao hàm cả vai trò của Thánh Giuse cùng với sứ mệnh của Đức Maria trong công trình Cứu chuộc của Con Thiên Chúa, thì điều ấy chẳng phải do một giải thích gò ép hay quá tự do về lời Kinh Thánh, mà chỉ căn cứ trên thực tế của lịch sử Cứu Độ. Trước chúng ta bảy thế kỷ, nhà thần học Phêrô Olivi (mất năm 1298) đệ tử trực tiếp của Thánh Bonaventura và – cũng như thầy mình – là tông đồ tiền phong của Thánh Giuse, đã nêu rõ:

“Chẳng phải là nhờ Thánh Giuse và dưới (quyền) Người mà Đức Kitô đã được đưa vào thế giới này trong trật tự kỷ cương và theo cách thế lương hảo đó ư”[1].

Được tiền định như vậy trong trí Chúa Cha từ muôn thuở, giờ đây là lúc “thời gian viên mãn”, Thánh Giuse xuất hiện như nhịp cầu nối liền Cựu Ước với Tân Ước, như kết tinh mọi ưu điểm và hoàn tất mọi sứ mệnh tiêu biểu của các Tổ phụ, và như người bão lãnh, chứng thực và mở đường cho Đấng Thiên Sai đi vào trần thế, cho Đấng ở trên Lề Luật hạ mình xuống dưới Lề Luật, để giải thoát loài người khỏi nô lệ quyền lực sự dữ và trở thành nghĩa tử Thiên Chúa, thừa kế gia nghiệp Ngài.

Bốn cuốn Phúc Âm chủ yếu nhằm loan báo Tin Mừng Cứu độ, truyền bá sứ điệp Chúa Kitô, nên chỉ nói rất sơ lược về Đức Maria và rất ít về Thánh Giuse, nhưng những dữ kiện sơ lược hay ít ỏi đó của nguồn Mặc Khải chính thức, lại rất cơ bản và đủ để khơi dậy và thúc đẩy lòng sùng kính ngày càng gia tăng đối với Đức Mẹ, song song với một nền thần học Thánh Mẫu ngày càng phong phú, đồng thời cũng đặt nền tảng vững chắc cho lòng sung kính và nền thần học về Thánh Giuse. Đó là căn bản cho mọi học hỏi về Kinh Cả, và cũng là tiêu chuẩn để phán đoán những mặc khải cá biệt và những suy luận của lý trí về Đấng Thánh kỳ diệu này.

2. Hình ảnh tiên trưng trong Cựu Ước
Nhân vật không thể thiếu đó, trước khi xuất hiện trong Tân Ước bên cạnh Đấng Thiên Sai, có được tiên trưng cách nào trong Cựu Ước chăng? Có, mặc dầu không nhiều và cũng không rõ nét như những lời tiên tri và hình ảnh về chính Đấng Cứu Thế.

Trước hết, về lời tiên tri. Thực sự, Cựu Ước không có lời tiên tri nào trực tiếp và cụ thể chỉ về Thánh Giuse. Thế nhưng, nếu chúng ta đọc Kinh Thánh với tâm hồn rộng mở trước ánh sáng Thánh Linh, với cái nhìn nhất quán trước công trình cứu độ, chúng ta sẽ nhận thấy Thánh Giuse hàm ngụ trong tất cả các lời hứa về tương lai dân Chúa, cũng như những lời tiên tri về dòng họ Đavit, về nguồn gốc và quê hương Đấng Thiên Sai. Vua Đavit chẳng phải là tổ tiên Thánh Giuse sao? Belem chẳng phải là quê tổ của Người ư? Người Trinh nữ mang thai và sinh con là ai nếu không phải là Hiền Thê của Người? Và Đấng được gọi là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” chẳng phải là Người Con sống giữa gia đình Người tại Nazareth ba mươi năm trường đó ư? Và điều quan trọng nhất, ai là người kế thừa các Lời Hứa cùng với vương quyền Đavit để trực tiếp chuyển trao cho Đấng Kitô, nếu không phải chính Thánh Cả Giuse – điều mà chúng ta sẽ suy nghĩ kỹ hơn khi bàn về chức vị làm cha của Người.

Đó là về các lời tiên tri. Còn những hình bóng bằng nhân vật, sự vật và những văn từ trong Cựu Ước cho phép hiểu về Thánh Giuse theo nghĩa thích ứng, thì các nhà thần học và tu đức học[2] đã kể ra khá nhiều, và điều này hoàn toàn phù hợp với nhận định của Thánh Augustino: “Tân Ước hàm chứa trong Cựu Ước, và Cựu Ước được sáng tỏ nhờ Tân Ước”.

Về hình hóng bằng nhân vật
_ Abraham với đức tin sắt đá, đức vâng lời toàn hảo, và với người con trai duy nhất, Isaac, sinh ra do lời Chúa hứa được hiến tế cho Thiên Chúa, được ban lại sự sống và phát triển thành một dòng dõi vô cùng đông đảo: rõ ràng là tiên phác một Thánh Giuse tuyệt đối tin tưởng và hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa, với người con duy nhất kết tinh mọi lúc mọi Lời Hứa, Chúa Giêsu Kitô, Đấng hy sinh trên thập giá, sống lại từ cõi chết và mở ra một dòng giống mới từ đây mới thật sự nhiều “như sao trên trời như cát bãi biển” như lời Chúa hứa cho ông Giacop (St 22, 17).

_ Ông Eliede (St 15,2) quản gia trung tín của tổ phụ Abraham, được cử đi đón rước, hộ tống và bảo vệ thiếu nữ Rebecca từ ngàn dặm về đất Canaan để thành hôn với con trai tổ phụ Isaac, chẳng phải là gợi ý trước về sứ mạng Thánh Giuse mai sau đón rước Trinh nữ Maria về nhà mình, hộ tống Người trong mọi hành trình gian nan và suốt đời bảo vệ Người đó ư? Suy luận này càng vững chắc hơn khi biết rằng nàng Rebecca đó với hai con sinh đôi, Esau và Giacop, được coi là một hình bóng Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu và Mẹ loài người.

_ Ông Giacop sau khi đoạt quyền trưởng nam của ông Esau với cả lời chúc phúc của cha (Isaac) do mưu mô của mẹ (Rebecca), sợ bị anh trả thù, trốn đi phương xa lấy vợ và sinh sống; đến khi Esau đem cả cơ binh bốn trăm bộ hạ đến giáp mặt, Giacop vô cùng khiếp sợ, vội đem mười một con trai (chưa có cậu út Benjamin) với hai bà vợ và mấy nữu tì ra trình diện, rồi khiêm tốn nói với Esau: “Đây là những đứa con Thiên Chúa đã thương ban cho nô bộc của Ngài đây” (St 33,5) – có ý cậy vào các lời Hứa của Thiên Chúa cho dòng dõi mình sau này vô cùng đông đảo và sẽ có Đấng cứu đời, để được sự che chở (St 32, 12). Quả thật, người anh đã tỏ ra hòa giải, nhận lễ vật của em rồi kéo quân về. Ông Giacop quả là hình bóng Thánh Giuse sau này sẽ bảo vệ an toàn cho Chúa Giêsu, người con tổng hợp mọi Lời Hứa, trong cuộc lưu vong Ai Cập.

_ Ông Mose với đặc ân tiếp xúc thân mật với Thiên Chúa, và với sứ mạng dẫn đưa dân Israel ra khỏi Ai Cập về quê hương: Hai nét tương đồng kỳ diệu nhất với Thánh Giuse sau này, vì hằng ngày Thánh Giuse giáp mặt ngỏ lời với Con Thiên Chúa và chính Người sẽ dẫn đưa Chúa Giêsu rời Ai Cập về Đất Thánh, như phù hợp lời ngôn sứ: “Ta đã gọi con ta từ Ai Cập về” (Hs 11,1; Mt 2,15).

_ Vua Đavit với đức khiêm nhường, công chính, nhất là với chức vị làm cha vua Salomon, danh hiệu này có nghĩa là Hòa bình, mà chính vua này cũng là một trong những hình bóng Chúa Cứu Thế “Vua Hòa Bình”: “Vậy nên vua Đavit cũng gợi rõ nét hình bóng Thánh Giuse”.

_ Ông Mardoke hiên ngang kiên cường, chỉ đạo cho con đỡ đầu là hoàng hậu Esther liều chết vượt nghi lễ triều đình, cấp thời ra trước bệ rồng, van xin vua Assuerut rút lại sắc lệnh vừa mới ký do mưu độc của cận thần Âmn nhằm tàn sát dân Do Thái lưu đày ở nước Ba Tư. Nước mắt của bà hoàng hậu đẹp đã xiêu lòng vua. Lệnh bất công được rút lại, dân Do Thái được an toàn, chỉ có Aman và đồng bọn bị trừng phạt, còn ông Marđôke thì được cử lên thay chức tể tướng, vì trước đã có công cứu vua thoát mưu thích khách. Thánh Mẫu học đã nhìn nhận bà Esther là hình bóng Đức Maria, càng giúp ta nhận rõ bóng hình Thánh Giuse nơi ông Marđôkê.

_ Nhưng không hình ảnh nào tả rõ Thánh Cả Giuse cho bằng hình ảnh Tổ phụ Giuse, công ông Giacop, bị các anh bán sang Ai Cập và trở thành phó vương nước này. Thánh Bernado tiến sĩ giải thích:

“Thánh Giuse của chúng ta không chỉ thừa kế đại danh của vị tổ phụ, người còn là bậc thi đua với tổ phụ về đức khiết tịnh, phản chiếu gương tổ phụ về lòng trong trắng và ân phúc. Vị tổ phụ, vì muốn trung thành với chủ mình (quan đại thần Putipha) nên đã từ chối sự quyến rũ của bà chủ; Đấng Thánh, vì nhận biết nơi hôn thê của mình là Mẹ Chúa mình và là Nữ Đồng Trinh, nên chính người cũng sống khiết tịnh và coi sóc vị Trinh Thê với lòng trung tín. Nếu tổ phụ Giuse được ơn hiểu bí mật của các chiêm bao, thì Thánh Giuse lại được hiểu biết và chia sẻ các mầu nhiệm trên trời. Nếu tổ phụ tích chứa kho lẫm lương thực, thì Đấng Thánh lại được Trời trao phó giữ gìn Bánh Hằng Sống, cả cho mình lẫn toàn vũ trụ”[3].

Về hình bóng trong sự vật và ngôn từ:
Trong những hình bóng về sự vật, nếu ta coi Đức Maria như vườn cực lạc mọc lên Cây Sự Sống là Chúa Giêsu, thì Thánh Cả Giuse là vị Bảo Vệ vườn ấy. Nếu ta so sánh Đức Mẹ sinh “Đấng Môi Giới duy nhất” (1Tim 2,5) giữa Thiên Chúa và loài người, là chim bồ câu ngậm cành lá trở về tàu Noe báo tin hết nạn hồng thủy, thì Thánh Giuse là người bảo vệ chim bồ câu ấy như chính ông Noe. Người ta cũng có thể ví Thánh Giuse cùng với Đức Mẹ như hai Thiên Thần Kerubim phủ cánh bao che Bàn Xá Tội bằng vàng tiêu biểu Quyền Uy Thiên Chúa (Xh 25, 18 – 22). Người ta còn ví Thánh Giuse như màn che Phòng Cực Thánh, nơi cất giữ Hòm Bia Thánh là hình bóng Đức Mẹ…

Mặt khác trong Cựu Ước còn có những lời cho phép dân Chúa qui chiếu về Thánh Giuse cách rất thích ứng trong suy gẫm, kinh nguyện và cả Phụng Vụ chính thức. Như lời Thánh vịnh 91, câu 13,14: “Người công chính sẽ tươi tốt như cây dừa, lớn lên như cây hương nam núi Liban trồng nơi nhà Chúa, trong tiền đường nhà Thiên Chúa chúng tôi”.

Hay Thánh Vịnh 104, câu 21 nói về Tổ phụ Giuse mà lại sứng hợp hơn gấp bội đối với Thánh Cả Giuse: “Chúa đã đặt người làm Chưởng quản nhà Chúa và ban cho người quyền quản trị toàn thể đất đai sản nghiệp Chúa”.

Và nhất là lời vua Ai Cập nói với thần dân về quan tể tướng Giuse, đã trở thành lời khuyến dụ truyền thống của Giáo Hội cho dân con Chúa: “Hãy đến cùng Giuse” (Xh 41, 55).

Đó là một số nét chân dung, sự việc và lời lẽ trong Cựu Ước được phép hiểu nghĩa thích ứng về Thánh Cả Giuse. Bằng cách ấy, Tác giả Kinh Thánh đã muốn giới thiệu trước về Người, như đã tiên báo rõ nét hơn về Đức Maria và hết sức chính xác về Đấng Cứu Thế, để dân Chúa sau này, khi nhận ra điều ấy, sẽ càng khâm phục Thánh trí cao minh và Công trình yêu thương kỳ diệu của Thiên Chúa, đồng thời hiểu rõ hơn và thêm lòng cảm mộ Thánh Giuse.

3. Lý lịch và tông tích
Ngay ở những trang đầu cuốn sách Phúc Âm thứ nhất do Thánh Matheu biên soạn, danh xưng và tông tích Thánh Giuse đã nổi bật.

Trong nguyên ngữ Do Thái, danh từ Giuse có nghĩa là “xin Thiên Chúa ban thêm” (hiểu ngầm là những con cái khác); danh từ ấy trong quan niệm dân gian còn có nghĩa là: “Thiên Chúa cất đã cất đi” (hiểu ngầm: sự xấu hổ của tôi)[4].

Trong Kinh Thánh đã có nhiều người mang tên này (Cựu Ước 7 vị, Tân Ước 7 – 8 vị), mà nổi tiếng là ông Giuse con ông Giacop, do bà Rakhel, người vợ sủng ái của ông Giacop sinh ra cho ông lúc tuổi già, và được đặt tên vì những ý nghĩa của danh hiệu ấy còn xứng hợp với Cha đồng trinh Chúa Giêsu hơn ông Giuse xưa bội phần, vì lẽ nếu tổ phụ Giuse chỉ có thêm được một em út là Benjamin thì Thánh Giuse lại có cả một dòng hậu duệ thiêng liêng vô cùng đông đảo là tất cả những người được ơn cứu chuộc của Đức Kitô, được cất khỏi mọi hổ nhục của tội lỗi, mọi hổ nhục do nô lệ tội lỗi, nô lệ satan.

Thánh Giuse chào đời năm nào? Các tác giả viết về vị Thánh này, hầu hết nếu không phải là tất cả, dường như đều muốn tránh né vấn đề này. Cho đến gần đây (1994), một nhà bách khoa uyên bác kiêm sử gia về những thế kỷ công gíao đầu tiên, ông Jean Aulagnier, tác giả cuốn “Từng ngày với Đức Giêsu trong lịch sử” (Avec Jésus au jour le jour), đã say mê nghiên cứu bộ sách năm nghìn trang mặc khải cá biệt của bà Maria Valtorta, cuốn “Phúc Âm như được soi tỏ cho tôi” (L’Evangile tel qu’il m’a été révélé)[5], và đã đem tất cả các chỉ dẫn về thời gian chứa đựng trong sách đó đối chiếu với bốn Phúc Âm, với các lịch cổ và sử liệu cổ Do Thái và La Mã, nhờ đó ông đã có thể lặp lại thời gian từng năm, từng tháng, có khi từng ngày, từng giờ về phần lớn các hoạt động và biến cố liên hệ đến Thánh Gia và Chúa Cứu Thế.

Do công trình khảo cứu có tính khoa học đó, người ta có thể biết, tỉ dụ về năm – 63 trước công nguyên, khi quân La Mã tiến chiếm xứ Palestina, thì song thân sau này của Đức Maria, thánh Gioan Kim mới mười bốn tuổi, và bà thánh Anna mới năm tuổi.

Về thánh Giuse, công trình nghiên cứu này cho biết Người chào đời năm – 39 hoặc năm – 38 trước công nguyên, còn Đức Maria thì đích xác sinh năm – 21 trước công nguyên. Như vậy, khi Đức Giêsu giáng sinh năm – 5  trước công nguyên, thì Đức Mẹ được chẵn mười sáu tuổi, và Thánh Giuse trạc ba mươi tư hoặc ba mươi ba tuổi.[6]

Về tông tích Thánh Giuse, hai tác giả Phúc Âm Mattheu và Luca nêu bật: Ông là “con cháu Vua Đavít” (Mt 1,23), thuộc “hoàng tộc Đavít” (Mt 1,27), “thuộc dòng dõi Vua Đavít” (Lc 2,24)…

Đó là tước hiệu cao quý nhất của Người về mặt trần thế, và còn cao trọng hơn bội phần trong ý nghĩa thiêng liêng. Quả thực, dòng tộc đế vương này, từ đời tổ phụ Giêsê (cũng phiên âm là Ysai) thân sinh vua Đavít (1015-975 trước công nguyên) qua các thế hệ nối tiếp, đã được các ngôn sứ nối tiếp nhau loan báo là dòng tộc này sẽ nảy sinh Đấng Cứu Thế, mà chính Đấng Cứu Thế cũng được gọi là “con cháu vua Đavít” (Mt 1,1…) như Thánh Giuse, và do thừa kế trực tiếp Thánh Giuse.

Quê tổ của dòng họ này là thị trấn bé nhỏ Bêlem, trong vùng núi xứ Giuđê, cách Giêrusalem tám cây số về phía nam. Bêlem, trong ngôn ngữ Do Thái, có nghĩa là Nhà bánh, và trong từ ngữ Ả Rập tương đương, có nghĩa là Nhà thịt, Một địa danh có từ thời Cựu Ước xa xưa, mà đã mang ý nghĩa huyền nhiệm của Tân Ước sau này: “Ta là Bánh bởi Trời” (Ga 6,51) “Thịt Ta thật là của ăn” (Ga 6,56).

Đó là nơi vua Đavít chào đời và ngay khi còn nhỏ, đã được in dấu Vương quyền bằng nghi thức xức dầu do tay ngôn sứ Samuen theo lệnh Thiên Chúa. (1 Sm 16, 13). Đó cũng là nơi Chúa Giêsu giáng sinh khi Thánh Giuse từ đất Nagiarét trở về đó khai sổ nhân danh theo lệnh hoàng đế La Mã, có Đức Mẹ đi theo và Đức Mẹ đã hạ sinh Hài nhi Giêsu tại đó, đúng như lời ngôn sứ Mica đã báo trước và dân Do Thái luôn luôn trông đợi ngày thực hiện. Quả thực, đây là lời tiên báo của Cựu Ước về Bêlem (x. Mk 5, 1) được Tân Ước xác nhận và chứng thực:

“Phần ngươi, hỡi Bêlem, phần đất Giuđa,
ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa,
vì từ nơi ngươi sẽ xuất hiện vị thủ lĩnh sẽ
chăn dắt Israel dân của Ta” (Mt 2, 6 ; x. Ga 7, 42).

Chín thế kỷ sau vua Đavít, sau biết bao thăng trầm xảy đến cho dân Do Thái, một trong những hậu duệ của hoàng gia là Thánh Giuse sống như cư dân bình thường của làng Nagiarét, phía bắc xứ Galilê. Ở đó, Người có nhà và có xưởng thợ, vì Người làm nghề thợ mộc. Sống khó nghèo, để Đấng Cứu Thế mai sau cũng sống cảnh sống đó và sẽ công khai giảng dạy: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Trời là của an hem” (Lc 6, 20 ; x. Mt 5, 3).

Nói đến tông tích Thánh Giuse thì đương nhiên phải kể đến hai bản “gia phả Đức Giêsu” ghi trong hai cuốn Tin Mừng, theo Thánh Mattheu (1, 1-16) và Thánh Luca (3, 23-38). Tuy cách trình bày khác hẳn nhau và có nhiều điểm dị biệt, nhưng cả hai gia phả đều đặt Thánh Giuse liền kề trước Đức Giêsu theo quan hệ cha con, nhưng là cha con theo quan hệ pháp lý chứ không phải quan hệ tự nhiên, huyết thống. Quả thực, Thánh sử Matthêu nêu rõ: “Ông Giacóp sinh ông Giuse, chồng của bà Maria, là Mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô” (Mt 1, 16). Trong khi đó, tác giả Luca cẩn thận ghi: “Khi Đức Giêsu bắt đầu rao giảng, Người trạc ba mươi tuổi, thiên hạ TƯỞNG Người là con ông Giuse. Ông Giuse là con ông Êli…” (Lc 3, 23).

Một câu hỏi nóng bỏng được đặt ra: Làm sao Thánh Giuse có thể vừa là con ông Giacóp (theo Matthêu) vừa là con ông Êli (theo Luca) được? Phúc Âm không thể sai lầm. Vậy thì ở đây có vấn đề. Một vấn đề không phải chỉ liên hệ đến Thánh Giuse và Đức Maria, mà còn có ý nghĩa gắn liền với sứ mạng Đức Kitô, vậy nên sẽ được bàn giải nơi chương ba về liên hệ giữa Thánh Giuse và Đức Kitô.

4.     Thế nào là người công chính?
“Ông Giuse là người công chính”. (Mt 1, 19). Đó là lời giới thiệu cao quý nhất mà Phúc Âm Chúa Giêsu dành cho Thánh Cả Giuse ngay ở trang đầu. Nếu diễn ngữ “Đầy Thánh sủng” là lời Thiên sứ chào mừng Đức Trinh Nữ như biểu dương trọn vẹn nhân phẩm Đức Mẹ thế nào thì diễn ngữ “Người Công chính” cũng tóm gọn phẩm giá và nhân đức Thánh Giuse như vậy.

Trong Cựu Ước, công chính là đức tính của người tuân giữ trọn vẹn lề luật, công bình với mọi người, và theo một nghĩa rộng hơn, đó là sự thánh thiện của bản thân hay ít nhất là một nếp sống nhân đức đã thành lề thói. Công chính là trái ngượcvới tội lỗi (X. Êzêkien 18, 5). Tóm lại, người công chính là người có đủ mọi nhân đức, và đức công chính là nhân đức toàn thiện, toàn hảo, như Thánh Gioan Kim Khẩu, tiến sĩ Hội Thánh đã nhận định.

Thông thường nhất, người công chính được khen ngợi bằng sự tuân thủ lề luật và các giới răn Thiên Chúa, như Phúc Âm Luca viết về hai ông bà Dacaria và Êlizabét: “Cả hai đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, đi theo đúng đường lối Người truyền dạy, không ai chê trách được điều gì” (Lc 1, 6). Những người biệt phái và người thông giáo thời đó cũng tự cho mình là người công chính vì chăm giữ lề luật, nhưng đó là thứ công chính che giấu một lương tâm suy đồi, khiến họ chỉ biết giữ hình thức lề luật mà thường khinh khi, vi phạm cả công bình và bác ái.

Trong Tân Ước, Chúa Giêsu đã lên án lối giữ luật như vậy và Chúa đã đòi hỏi nơi các môn đệ một đức công chính mới, trổi vượt hơn nhiều (x. Mt 5,20, tt), sự công chính của Nước Trời: khiêm nhường, thành thật, không giả hình, bác ái, không phô trương, đạo đức nội tâm, lương tâm trong sáng, siêu thoát của cải, cậy tin Đấng quan phòng, làm cho người khác tất cả những gì mình muốn người khác làm cho mình… (x. Mt chương 6). Tóm lại, đó là đức toàn thiện của Kitô giáo vậy.

Diễn ngữ “người công chính” mang ý nghĩa trọn vẹn nhất trong câu nói của viên đại đội trưởng quân binh La Mã, khi chứng kiến thái độ phi thường và nghe những lời bất tử của Chúa Giêsu trên thập giá, lại thấy những hiện tượng vũ trụ kinh hoàng xảy ra lúc Chúa trút hơi thở cuối cùng. Ông ta cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa và nói: “Chắc hẳn ông đây là người công chính” (Lc 23,47). Người công chính ở đây không phải chỉ là người vô tội như Pilato tuyên xưng (Lc 23, 22…) mà phải là bậc toàn Toàn thiện, là Đấng Chí thánh, hơn nữa, là chính “Con Thiên Chúa” theo bản văn của Mattheu (27, 54) và của Macco (15, 39).

Về Thánh Giuse, Phúc Âm Thánh Luca nêu rõ đức chính của Người vào một thời điểm trọng yếu nhất, tế nhị nhất, cao cả nhất trong cuộc đời vị Thánh Cả, lúc mà Người nhận thấy Đức Trinh Nữ hôn thê của Người mang thai mà Người không rõ nguyên do. Chính đức công chính tuyệt hảo của Người đã khiến Người, trong trường hợp vô cùng khúc mắc đó, đã nghĩ ra một giải pháp tuyệt vời, không vương vấn một bóng ngờ vực, ghen tương, hờn giận như thói thường người đời, mà chỉ toàn bác ái, khiêm nhường, xả kỷ, tuyệt đối hy sinh, một giải pháp đã khiến lòng trời xúc động, gâp gấp cử sứ thần đến can thiệp.

5. Thánh Giuse được công chính hóa từ khi nào?
Một nhân đức phi thường như vậy không phải chỉ có một nguồn gốc nhân bản, mà chủ yếu phải phát xuất từ một nguồn gốc siêu nhiên cao cả, chưa nói đến việc trung thành đáp ứng và gia tăng ơn siêu nhiên đó bằng cố gắng thường xuyên của con người. Vậy Thánh Cả Giuse đã được công chính hóa từ khi nào?

Không thiếu những nhà thần học, tu đức hay chiêm niệm đã suy luận rằng nếu Ông Giêrêmia là tiên tri cho Đấng Cứu Thế mà đã được Thiên Chúa “tác thành trước khi lọt lòng Mẹ” (Gr 1,5), và nếu Thánh Gioan Tẩy Giả là tiền hô cho Đấng Thiên Sai mà cũng “được đầy ơn Thánh Thần ngay khi còn trong lòng mẹ” (Lc 1,15), thì có lẽ nào Thánh Cả Giuse lại chẳng được đặc ân như vậy để xứng đáng đảm nhiệm một trọng trách còn cao cả hơn bội phần so với trọng trách của hai vị trên?

Người đầu tiên công khai nêu ý kiến trên đây trong giới thần học, là Tiến sĩ Jean Gerson (1363 – 1429), chưởng ấn Viện đại học Sorbonne và nhà thờ Đức Bà Paris, tham vấn Đại Công Đồng Constanxia (1414 – 1418), một nhà thần học uyên thâm mà Thánh Phanxico Salesio đã công khai khen ngợi là “cực kỳ thông thái, chính xác, và đạo đức sốt sắng”. Trong tác phẩm “Suy luận về Thánh Giuse” (Considérations sur Saint Joshep), ông luận rằng Thánh Giuse đã được thánh hóa từ trong lòng mẹ”[7].

Đó cũng là quan điểm của nhà thần học danh tiếng Dòng Tên, Tiến sĩ Suarez (1548 – 1617).

Chúng tôi không có trong tay văn bản của hai nhà thần học kể trên, nhưng lại được một vị Thánh khác, mà lại là Tiến sĩ Hội Thánh, Thánh Alphongso – Maria Liuogi, chỉ dẫn cho như sau:

“Thầy Gerson và thầy Suarez nói rằng Thánh Giuse được ba đặc ân: thứ nhất được thánh hóa ngay từ trước lúc sinh ra, như Thánh Gioan Tẩy Giả; thứ hai, cùng lúc đó, Người được xác định trong thánh sủng; thứ ba, Người được thường xuyên miễn nhiễm từ ước muốn dục tình”.

Thánh Alphongso viết tiếp:
“Do công phúc bởi đức Khiết Tịnh cao cả của Người, Thánh Giuse có thể giúp cho những kẻ tôn kính Người được tham dự vào đặc ân thứ ba nói trên, bằng cách Người che chẻ họ trong việc thực hành nhân đức cao đẹp ấy”[8]. Ba thế kỷ sau Gerson và năm chục năm sau Suarez, suy luận thuần lý của hai ông bất ngờ bắt gặp và hòa đồng với trực giác hay thị kiến của một nhà huyền nhiệm nổi tiếng: Bà Đáng Kính Maria – Giêsu (Marie de Jésus d’Agreda) (1602 – 1668) tu viện trưởng Dòng nữ Phan Sinh ở Argeda (Tây Ban Nha), tác giả bộ sách mặc khải về cuộc đời Đức Mẹ nhan đề “Thành đô huyền nhiệm của Thiên Chúa” (Cité Mystique de Dieu), đã viết dưới ơn soi sáng:

“Thánh Giuse là một sự kỳ diệu về thánh đức. Điều kỳ diệu này đã khởi sự từ trong lòng mẹ Người. Vào tháng thứ bảy sau khi thành thai, Người được giải thoát khỏi tội nguyên tổ và tà dục, đến mức không bao giờ Người cảm thụ một điều xấu nào. Người sinh ra rất đẹp tốt và đem lại cho cha mẹ Người một niềm hân hoan kỳ lạ, giống như niềm hân hoan phát sinh do sự ra đời của Thánh Gioan Tẩy Giả. Thiên Chúa đã cho Người từ ba tuổi biết dùng lý trí trọn hảo, được ơn thông hiểu thiên phú, ơn nguyện gẫm cao sâu và những nhân đức ngày càng tăng triển. Nhất là đức khiết tịnh của Người lớn lao vượt trội, như đức khiết tịnh của các Thiên Thần. Không bao giờ một hình ảnh hay một cảm giác dơ nhớp nào lọt vào tâm trí Người, vì Người cần phải có sự trong trắng của các Thiên Thần như vậy để sống chung với Đức Nữ Vương các Thánh Đồng Trinh”[9].

Về quan điểm trên đây, đan sĩ ẩn danh, tác giả cuốn “Vinh quang Thánh Giuse” (Les glories de Saint Joshep) xuất bản sau Công Đồng Vatican II, và tỏ ra nắm vững giáo huấn Công Đồng về vấn đề các Thánh, đã có nhận xét như sau:

“Việc Thánh Giuse được thánh hóa trong lòng mẹ như vậy, các nhà thần học dễ dàng chấp nhận như là không phải không có lẽ đúng, (comme non dé pourvu de probabilité) mặc dầu sự kiện ấy không được ghi nhận trong mặc khải chính thức. Bởi vì điều ấy cũng là đặc ân của Thánh Gioan Tẩy Giá (Lc 1, 15) và của ngôn sứ Giêrêmia (Gr 1,5). Tại sao ơn đó lại không được ban cho Thánh Giuse, vị Thánh lớn nhất? Lý luận trên đây thêm vào thị kiến hay trực giác của bà Maria Agreda cho phép chúng ta có thể chấp nhận đặc ân đó của Thánh Giuse, mặc dầu người ta không có được một xác tín tuyệt đối”[10].

Có một chủ trương “trung dung” cho rằng: “Thánh Giuse đã được xác định về ơn thánh, ít ra là từ lúc Người đón nhận Đức Maria về nhà mình”. Chủ trương này được giải thích như sau:

“Người ta có lý do để quả quyết như thế về phương diện trinh khiết, bởi vì Thánh Giuse bó buộc phải bảo vệ sự đông trinh của Đức Maria. Muốn thế Người phải được thật dư đầy ơn về đức trinh khiết vẹn toàn. Một lý do khác, thông thường hơn, giúp chúng ta tin rằng Thánh Giuse đã được xác định trong ơn thánh, đó là địa vị của Người trong Thánh Gia: Người Cha đồng trinh của Đức Giêsu, là người lãnh đạo và bảo vệ hai nhân vật thánh thiện nhất trên đời”[11].

Lý luận về việc Thánh Giuse được “Xác định” trong ơn thánh như trên cũng là xác đáng, chỉ trừ yếu tố thời gian như đã nêu lên: “Ít ra là từ lúc Người đón nhận Đức Maria về nhà mình”. Điều chỉ dẫn về thời gian như trên quả không mấy thuyết phục. Trong các việc trần thế, người không ngoan ở đời còn phải tránh thái độ “nước đến chân mới nhảy”, tại sao Đấng Khôn Ngoan vô cùng, đại lượng vô biên, lại làm như thế mà không chuẩn bị cho vị Thánh được tiền định làm Cha Đồng Trinh Ngôi Lời Nhập Thể một nguồn thánh ân sủng tràn đầy và sớm nhất có thể - nghĩa là ngay từ trong lòng mẹ như tràn đầy và sớm nhất có thể - nghĩa là ngay từ trong lòng mẹ như những Giêrêmia, Gioan Tẩy Giả?

Có một cách đặt vấn đề khác, được coi như rất chính xác mà tránh được những tranh luận vô bổ. Chúng tôi muốn nói đến lý luận của Đức Viện Phụ Biển Đức Bernard Maréchaux (1849 – 1927), tác giả nhiều sách đạo đức rất được yêu chuộng. Ông viết:

“Trước ngày lễ Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần Ngôi Ba Thiên Chúa, hoạt động không công khai nhưng trong bí mật của các linh hồn. Chính như thế mà Ngài đã chuẩn bị cho mầu nhiệm Nhập Thể, bằng việc đào tạo Đức Maria nhiệm thể trinh khiết của Ngài, và Thánh Giuse là Đấng phải bảo vệ đức đồng trinh của Đức Maria.

“Bí mật tuyệt đối bao phủ thời kỳ chuẩn bị này. Trước khi Thiên sứ đến với Đức Maria, không hề có gì về Đức Maria trong Phúc Âm, cũng không hề có gì về Thánh Giuse.

“Một ánh sáng duy nhất, nhưng ánh sáng ấy rất lớn, và ánh sáng ấy là đủ, soi chiếu vào thời kỳ này. Đó là ánh sáng do nguyên tắc: Thiên Chúa ban phát ân sủng của Ngài cho mỗi người tùy theo những trách vụ mà họ được tiền định để chu toàn.

“Dựa vào nguyên tắc rất vững chắc đó, chúng tôi kết luận rằng: Thánh Giuse ngay từ khởi đầu cuộc sống đã được ban cho một ân sủng phi thường, làm mầm mống cho sự thánh thiện siêu việt của Người. Ân sủng ấy trương xứng với những chức vị phu quân Đức Trinh Nữ và nghĩa phụ Con Thiên Chúa, là Đấng cũng thuộc về Người như con thật. Ân sủng ấy, theo lời Thánh Bernardo, bao gồm một đức thanh khiết sáng chói, một đức khiêm nhường rất thẳm sâu, một đức bác ái rất nhiệt nồng, một đức cần mẫn chí tình…[12].

Ta thấy tác giả kể trên như có ý tránh không nêu tiền lệ Kinh Thánh (Giêrêmia, Gioan Tẩy Giả), không nêu mặc khải cá biệt, cũng không đi vào chi tiết thời gian tỉ mỉ, chỉ suy luận theo lương tri và trực giác và đã đưa ra một kết luận có thể chấp nhận được cho mọi người, từ người đọc Tiến sĩ Gerson đến người đọc huyền nhiệm Maria Agreda.

Từ trong Giáo Hội Việt Nam, một tiếng nói cũng đã cất lên, tiếng nói của một vị Bề Trên uyên bác và đầy nhiệt huyết tông đồ, - Cha Chính Luca Mai Học Lý (Phát Diệm) như cùng chung một tin tưởng như trên. Vị này gọi Thánh Giuse bằng diễn ngữ “Đức Thánh”, “Đức Thánh Giuse”, như người ta vẫn quen gọi Đức Thánh Micae, Đức Bà Maria… và trong khi diễn ngữ “Cha Đồng Trinh Ngôi Lời Nhập Thể” chưa mấy phổ biến, ông tạo ra diễn ngữ “Á Phụ Con Thiên Chúa” để chỉ Thánh Giuse thay cho từ ngữ “cha nuôi” quá yếu. Á phụ là gần như Cha, kể như Cha, theo bản văn Kinh Thánh ghi lời tổ phụ Giuse nói với anh em mình: “Chúa đã cho tôi thành Á Phụ vua Ai Cập”. (Fecit me Dominus Quasi Patrem regis) (Gn. 45,8). Suy luận về các phúc của Thánh Giuse, trước hết là thánh sủng, Cha Mai Học Lý viết:

“Trong thân phận Đức Thánh Giuse, thánh sủng phải cực nhiều: nhiều vượt xa hơn các Thánh, có lẽ đoán được hơn toàn thể các Thánh (…). Vì Đức Á Phụ được yêu quý tựa hồ cha, mà tất cả các thánh chỉ được yêu như bậc tôi con. Ở đời, tình đối với một mình cha hay mẹ, vượt tình đối với tất cả đoàn tôi tá”.

Và tác giả kết luận:
“Ngọc thể Đức Thánh Giuse mang nhiều thánh sủng hơn bá thánh: nghĩa là rực rỡ sắc thái và tình yêu bởi Đức Chúa Con một cách vô song. Nguyên tội, nếu Người không được thoát, thì cũng khỏi rất sớm: vì có thánh được khỏi ngay trong lòng mẹ, phương chi Á Phụ của Thiên Chúa Cứu Thế”[13].

“CÔNG CHÍNH HOÀNG KIM HỒN RẤT THÁNH”

Vế câu đối trên đây bộc lộ lòng khâm phục của giáo hữu Việt Nam đối với Thánh Cả Giuse: một đức công chính cao giá như vàng rồng, làm cho linh hồn Ngài tràn đầy thánh thiện.

Đức công chính, tức sự thánh thiện của Thánh Cả Giuse, bắt nguồn từ khối ân sủng bao la khôn tả lúc vào đời, chỉ đứng sau ơn hoài thai vô nhiễm nguyên tội của Đức Maria. Cùng với thời gian, sự thánh thiện đó đã tăng triển mạnh mẽ theo đà tăng triển của ân sủng do lòng nhân hậu vô biên của Thiên Chúa và sự trung thành đáp ứng liên tục của vị Thánh, do đó đã đạt tới mức độ toàn hảo khi Người kết hôn và chung sống với Đức Trinh Nữ Maria trong đức trinh khiết vẹn toàn, và trở thành Cha khiết tịnh của Ngôi Lời Nhập Thể. Tóm lại, một đức công chính vượt mọi đức đo lường của trần gian, chỉ mình Thiên Chúa biết!

Sách ngôn sứ Isaia có đoạn viết: quân Êdom bị thua quân Atsua, muốn hỏi vị ngôn sứ xem họ phải lệ thuộc cho đến bao giờ. Ngôn sứ tuyên sấm:

Lời sấm về Êdom:
Từ Xêia, người ta gọi:
“Này người tuần canh, đêm sang canh mấy rồi?
Này người tuần canh, đêm sang canh mấy rồi?
Này người tuần canh trả lời:
“Sáng đến rồi đêm lại đến!
Nếu muốn hỏi gì, cứ việc hỏi,
Nhưng hãy ăn năn hối cải, và trở lại đây”.
                              (Is 21, 11 – 12 tự dịch theo Bible de Jérusalem)

… Hỡi ông “tuần canh” cuối thời Cựu Ước! Ông thấy không? Người Công Chính từ làng Nazareth đã xuất hiện rồi!. Ông còn chờ chi nữa mà không gióng lên tiếng trống, tiếng kèn, tiếng tù và… để đánh thức mọi người ăn năn hối cải, đón chào Bình Minh Ngày Giải Phóng.
 
Trích trong cuốn THÁNH GIUSE TRONG DÂN CHÚA, Tác giả Dục Đức Phạm Đình Khiêm, NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2003,tr. 33 - 56.

[1] Dẫn theo Cristiani, tài liệu đã dẫn (tlđd), trang 130. Từ sau chúng tôi cũng chỉ ghi ký hiệu tlđd: tài liệu đã dẫn.
[2] Ví dụ: Đức Hồng Y Dubois trong Saint Joshep, 1972, tr. 19 – 27. Ernest Hello, Physionomie des Saints, 1875, tr. 139 tt, v.v… X. Villepelet 174 – 177; 188 – 191.
[3] Dẫn theo R.P. Bernand, tlđd, tr. 115 – 116.
[4] J. Dheilly, tlđd, từ Joshep
[5] Nguyên văn tiếng Ý nhan đề II Poema dell Uomo-Dio (Trường ca Thiên-Chúa-làm-người) 4 quyển lớn; bản dịch tiếng Pháp đổi nhan đề: L’Evangile tel qu’il m’a été révélé (Phúc Âm như được soi tỏ cho tôi) 10 quyển tổng cộng năm nghìn trang. Đã có bản dịch tiếng Anh và mấy ngôn ngữ khác. Sách được xuất bản với lời khích lệ trực tiếp của Đức Giáo Hoàng Piô XII – Về bà Maria Valtorta (1897-1966) độc giả sẽ gặp lại bà ở nhiều đoạn khác.
[6] J. Aulagnier, tlđđ, tr. 19 đến 31.
[7] Dẫn theo Villepelet, tlđd, tr. 59.
[8] St. Anphonse de Liguori, tlđd 1, tr. 272 – 273.
[9] Marie d’Agréda, tlđd 1, tr. 203.
[10] Les Glories de St. Joshep, tlđd, tr. 23.
[11] A. Drexel, tlđd mục IV (Giáo trình thần học của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt).
[12] Dẫn theo Villepelet, tlđd tr. 182.
[13] Mai Học Lý, tlđd tr. 40 – 41. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:Thánh cả Giuse Đấng Công Chính, Công chính hóa là gì

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn