Mến Thánh Giá KỸ NĂNG SỐNG

CHÚA GIÊSU VÀ THINH LẶNG

Thứ hai - 09/07/2018 22:21

CHÚA GIÊSU VÀ THINH LẶNG

Những nẻo đường thinh lặng kỳ 18

CHÚA GIÊSU VÀ THINH LẶNG

Trong Tân Ước, ta chỉ thấy nhắc vài lần đến yên lặng: sự yên lặng mà Chúa Giêsu ra lệnh cho sóng biển; cho ma quỷ, sự thinh lặng bối rối của kẻ thù và môn đệ Ngài vì ngỡ ngàng trước các câu hỏi của Ngài. Trong các cộng đoàn, thánh Phaolo mời gọi tín hữu lập thế quân bình giữa lời nói tự do, và sự im lặng huynh đệ (1Cr 14, 28 – 34).

Nhưng dù không được minh nhiên nêu lên sự thinh lặng vẫn giữ một chổ đứng quan trọng trong đời sống và sứ vụ Con Người Giêsu, Đấng đã mặc khải tầm vóc đích thực của thinh lặng, vượt xa hơn mọi sự khôn ngoan loài người.

Chúng ta chỉ cần nhớ lại một sự kiện rất nhiều ý nghĩa đối với đời sống cá nhân mình, và với sứ mạng của toàn thể Giáo Hội, ấy là chính Ngài; Đức Giêsu Lời Thiên Chúa trong xác phàm, Đấng đã im lặng trong suốt ba mươi năm! Ba mươi năm trong ba mươi bốn năm cuộc đời! Sự nhập thế của tình yêu vào đời thường không buộc phải gây ồn ào!

Làm sao tưởng tượng được một lời ca tụng xứng đáng hơn đối với giá trị và sự phong phú của thinh lặng, sự thinh lặng biến thành một sự hiện diện để khiêm tốn liên đới với giá trị và sự phong phú của thinh lặng, sự thinh lặng biến thành một sự hiện diện để khiêm tốn liên đới với đời sống và lao nhọc của con người! Sự thinh lặng ở Nazareth từng làm ngây ngất Cha Foucauld chẳng hạn, không phải là một Lời Mặc Khải tuyệt vời về mầu nhiệm Thiên Chúa ở cùng chúng ta sao?

Suốt thời gian thực thi sứ mạng công khai của Ngài, hoàn toàn dấn thân rao giảng Nước Trời, bằng lời nói và hành động, Chúa Giêsu còn biểu lộ vai trò chủ yếu của thinh lặng trong cuộc đời của mọi môn đệ. Không phải tình cờ mà thánh Macco vào đầu Phúc Âm mình, đã đặt một khoảng thời gian thinh lặng vào trong “Ngày thừa sai mẫu mực” của Chúa Giêsu: “Sáng sớm, trước khi mặt trời mọc, Chúa Giêsu trỗi dậy và lên nơi vắng vẻ, và Ngài cầu nguyện ở đó” (Mc 1, 35).

Thánh Marco muốn cho độc giả thấy rằng việc cầu nguyện trong cô tịch đối với Chúa Giêsu không phải là một “cặp ngoặc đơn” thỉnh thoảng xảy ra khi gặp dịp, nhưng là một chiều kích chủ yếu, cơ bản của bản thân và của sứ mạng Ngài.

Chúa Giêsu không tìm kiếm sự thinh lặng để mà thinh lặng nhưng để thiết lập một đối thoại hiếu đễ với Đấng cư ngụ trong lòng, trong tư tưởng hành động, trong kinh nguyện của Ngài, Đấng sai Ngài ra đi: Thiên Chúa, Cha của Ngài.

Tác giả Phúc Âm muốn nói với cộng đoàn Kitô hữu rằng nguồn gốc của sứ mạng Chúa Giêsu, sự năng động trong công cuộc dấn thân của Ngài, sự cắm rễ trong Tin Mừng, tất cả những điều ấy đều ở nơi Thiên Chúa, một Thiên Chúa mà Ngài đón nhận, yêu mến và lắng nghe trong thinh lặng.

“Simon đi tìm Ngài với bằng hữu mình. Và khi gặp Ngài, họ nói: “mọi người tìm Thầy!”.

Chúa Giêsu không để mình bị tác động do công việc khẩn cấp, do tiếng tăm, do số lượng bệnh nhân. Ngài cho rằng thời gian thinh lặng trước Cha Ngài cũng quan trọng sống chết như không khí để thở! Ngài không bao giờ xem hoạt động và chiêm niệm là hai điều đối lập.

Chính tình yêu điều khiển hướng đi hai chiều qui về Cha và về nhân loại. Trong thinh lặng nguyện cầu Ngài mở lòng để đón nhận Cha, đón nhận chương trình Yêu Thương của Ngài.

Và các thánh sử đã ghi lại cho chúng ta những cặp từ: “cô tịch – hiện diện” với con người “thinh lặng – ngỏ lời”; những điều ấy sẽ giữ nhịp cho suốt cuộc sống công khai của Ngài.

Sau lần hóa bánh ra nhiều, “Chúa Giêsu thấy rằng người ta đến để ép Ngài làm vua, thế là Ngài lại ẩn lên núi; một mình” (Ga 6, 15). “Ngài càng ngày càng nổi danh, dân chúng chạy đến nghe Ngài và xin Ngài chữa bệnh. Nhưng Chúa Giêsu rút lui vào nơi vắng vẻ và cầu nguyện” (Lc 5, 15 – 16).
Chúng ta biết rằng con người rất thường tìm cách kéo Thiên Chúa vào kế hoạch, ý thức hệ, đấu tranh của mình! Vì thế, trước những sự phấn khởi hàm hồ của dân chúng, những người luôn bị cám dỗ bởi chủ thuyết giải phóng theo nghĩa hẹp, giới hạn trong những nhu cầu trần gian trước mắt, Chúa Giêsu là người tạo ra những đoạn tuyệt và mối hiệp thông. Những đoạn tuyệt cần thiết để sống một cuộc sống chân chính, trong tình yêu liên đới với con người theo như ý Cha, Đấng vượt quá sự thiển cận của chân trời chúng ta! Sự thinh lặng nguyện cầu cần thiết cho Ngài, để thi hành sứ mạng một cách tinh tuyền và đáp ứng mọi đòi hỏi của sứ mạng ấy.

Với những môn đệ tìm đến Ngài nơi vắng vẻ Chúa Giêsu trả lời: “Chúng ta hãy đi nơi khác, vào những làng bên cạnh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó”. Rồi Người đi khắp vùng Galile rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ” (Mc 1, 38 – 39).

Sự thinh lặng ấy không hề là một sự lấn tránh hay “một cuộc trốn thoát thế gian”, nhưng là một hành vi “cắm rễ” giúp Chúa Giêsu đi xa hơn, đi “nơi khác”.

Nếu thinh lặng đối với Ngài thường là một nơi hẹn cho tình Cha Con, một tình yêu vô vị lợi, thì đôi khi đó cũng là thời điểm cần thiết để Ngài suy tư trước khi đưa ta những quyết định quan trọng đối với sứ mạng mình, ví dụ như trước khi chọn các môn đệ đầu tiên:

“Trong những ngày ấy, Ngài lên núi cầu nguyện, và Ngài thức suốt đêm cầu nguyện. Khi rời sáng, Ngài gọi các môn đệ và chọn nhóm Mười Hai” (Lc 6, 12 – 13).

Thiên Chúa đã nói hết mọi sự khi Ngài thinh lặng mà chết

Nếu những lần thinh lặng của Chúa Kitô là những lời cũng quan trọng như giáo huấn mà Ngài để lại cho chúng ta, thì sự thinh lặng hung biện nhất trong Tân Ước là sự thinh lặng trong các phiên tòa xử án Ngài. Ngài là người chẳng hề ngần ngại tố cáo sự giả hình, hoặc đối đầu với Cha Đẻ của sự dối trá, nhưng Ngài lại “Thinh lặng” trước vị Thượng Tế (Mc 14, 61), trước Hêrôđê (Lc 23, 9) và trước Philato. Sự thinh lặng của người công chính đối lập với sự hung hăng bất công của đối thủ Ngài. Sự thinh lặng uy nghi của Đấng Mesia khi Giờ Ngài đã đến, và quyền lực duy nhất là quyền lực sáng chói của chân lý.

“Khi Ngài bị thượng tế và các kỳ lão buộc tội Ngài không trả lời một tiếng. Vì thế, Philato mới hỏi: “Ông không nghe những gì họ làm chứng chống ông sao?” và Ngài chẳng trả lời về điểm nào cả, khiến viên tổng trấn rất ngạc nhiên” (Mt 27, 12 – 14).

Nhưng sự thinh lặng của Ngài không hề là thái độ hèn nhát. Khi chân lý đòi hỏi, Ngài không ngần ngại nói rõ ràng: “Vị Thượng Tế đứng dậy và nói: “Ông không trả lời gi cả sao? Nhưng Đức Giêsu vẫn thinh lặng. Vị Thương Tế mới nói: “Nhân danh Thiên Chúa Hằng Sống, tôi muốn ông nói; ông có phải là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hay không?” Đức Giêsu đáp lại: “Ông đã nói rồi đấy” (Mt 26, 63 – 64).

Nếu Đức Kitô có nói vài lời trên thập giá thì tiên vàn đó là lời thinh lặng. Sự thinh lặng của Con Người chịu đóng đinh thập giá này trở thành một Lời nát lòng, xúc động. Thiên Chúa đã nói hết mọi sự khi Ngài thinh lặng để chết!

Nếu sự thinh lặng của Con Người, xét theo số lượng các văn bản, được đề cao hơn trong Cựu Ước, thì cần lưu ý rằng những văn bản Tân Ước có được một ánh sáng mới, bởi lẽ chúng qui hướng về con người Đức Giêsu. Sự thinh lặng bao trùm mầu nhiệm Đức Giêsu không phải là không gợi lên sự thinh lặng bao trùm mầu nhiệm của chính Thiên Chúa! Sự thinh lặng này không còn đơn thuần là lẽ khôn ngoan thế gian mà đạt đến mức độ thần học rồi.

“Anh em cũng hãy ra nơi vắng vẻ!”

Sau chuyến đi rao giảng đầu tiên trở về Đức Giêsu nói với các tông đồ: “Anh em hãy lánh riêng ra nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6, 31). Sự khôn ngoan và lòng ân cần của Đức Kitô, Đấng biết rằng những người ấy cần lùi lại để suy nghĩ về các thành công, thất bại trong sứ mạng của mình hầu điều chỉnh lại “bên cạnh Ngài”, hầu cảm nếm một sự nghỉ ngơi chính đáng. Người được sai đi càng trầm mình vào thế gian, thì người ấy càng phải cắm rễ vào sự hiện diện của Thầy. Ở đây, thánh Marco vạch ra nhịp điệu trường kỳ của mọi cuộc sống thừa sai: đón nhận Lời Chúa trong thinh lặng, và công bố Lời ấy nơi công khai, chiêm niệm và hoạt động tông đồ.

Ta không quên rằng từ “nghỉ ngơi” trong Kinh Thánh có một âm vang đặc biệt. Đi vào trong sự “nghỉ ngơi của Thiên Chúa” có nghĩa là đi vào Đất Hứa, nơi mà Thiên Chúa sẽ cư ngụ với dân Người. Đối với thánh Macco, sự “nghỉ ngơi” này gợi lên tình thân mật mới “bên cạnh Đức Kitô”, vị Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Như thánh Gioan đã viết một cách tuyệt vời, mọi Kitô hữu đều là chứng nhân cho một Đấng hiện hữu mà mình đã chiêm ngắm, và lắng nghe trong thinh lặng nguyện cầu: “Điều chúng tôi đã thấy, điều chúng tôi đã chiêm ngắm… thì chúng tôi loan báo cho anh em”. (1Ga 1, 1tt).

Và khi đối diện với nghịch cảnh, người làm chứng bị cám dỗ lẩn trốn, thì cũng chính trong thinh lặng mà người ấy lại nghe được tiếng của Đấng đã sai mình, và tìm lại được sự rung cảm để tiếp tục theo đuổi sứ mạng của mình. Chước cám dỗ “bỏ cuộc” của tiên tri Elia là một minh họa sắc nét (1V 19, 1 - 15).

Elia vừa chiến thắng các tiên tri giả, phục vụ dưới trướng của nữ hoàng Giêzabel, một người thờ ngẫu tượng và độc ác. Bà hằn học báo cho vị tiên tri biết rằng bà sẽ cho giết ông khi xuất hiện cơ hội đầu tiên.

Lo sợ, Elia trốn vào sa mạc! “Êlia sợ hãi, ông trỗi dậy và tím cách thoát thân. Ông đến Becshabe thuộc Giuđa và để gia nhân mình ở lại đấy”.

Vị tiên tri từng năng nổ vì tin chắc rằng mình có được sức mạnh của Thiên Chúa, giờ đây ông chỉ còn là một con người đáng thương, sợ hãi đến thắt ruột. Ông ý thức giới hạn nhân loại của mình. Ông trú ẩn vào nơi sa mạc, quyết tâm biến đi trong thiên nhiên mà không để cho ai hay biết.

«Thế là ông đi một ngày trong sa mạc và ngồi dưới bụi cây. Ông mong muốn được chết và nói: “Lạy Chúa, thế là đủ rồi! Xin cất mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con”. Ông nằm xuống và thiếp ngủ».

Ông bị dằn vặt vì khoảng cách giữa gánh nặng của sứ mệnh, và khả năng  hạn chế của con người ông. Những giờ phút đầu tiên bước đi một mình thì đầy tràn về bản thân ông, về những vấn đề của ông, về thất bại của ông. Cần phải có một thời gian mới có thể buộc im tiếng cho những trận cuồng phong của suy nghĩ, của thắc mắc, của phản kháng vì chúng vẫn còn ồn ào quá dù cho ông ở nơi sa mạc, một sa mạc chỉ làm cho tiếng ồn nội tâm được khuếch đại lên thôi. Ông chỉ còn một nơi duy nhất để trú ẩn, đấy là giấc ngủ. Ngủ đi! Quên đi! Không còn nghĩ ngợi gì nữa. Giấc ngủ đôi khi là một hình thức chạy trốn.

«Nhưng này, một Thiên Sứ chạm vào ông và nói: “Hãy trỗi dậy mà ăn”. Ông nhìn lên và thấy cạnh mình một ổ bánh nướng trên đá nóng và một bầu nước. Ông ăn uống, rồi nằm xuống lại. Nhưng Thiên Sứ của Thiên Chúa lại đến một lần nữa, chạm vào ông và nói: “Hãy trỗi dậy mà ăn, nếu không thì ông không đủ sức đi hết đoạn đường xa. Ông trỗi dậy và ăn uống.

Thiên Chúa không bỏ rơi tôi tá Người. Hai lần Người tế nhị đến viếng thăm, đánh thức ông khỏi cơn ngái ngủ - biểu trưng cho mọi sự mệt mỏi thiêng liêng của chúng ta – và nuôi sống ông. Elia cần phải hồi phục sức lực, vì con đường nội tâm của ông chỉ mới khởi đầu. Vì thế, trong thinh lặng, ông phải đón nhận các ân huệ của Thiên Chúa, ăn bánh Lời Người, uống Nước Hằng Sống của Thánh Linh. «Nhờ lương thực ấy ông đi bốn mươi đêm ngày để đến Horeb, ngọn núi của Thiên Chúa». Elia phải đi một cách biểu trưng theo lộ trình đức tin của ông, để tìm lại con đường đến Sinai, nơi ưu tuyển để Gặp Gỡ. Đấy chính là nơi mà Thiên Chúa đã ký kết một Giao Ước với con người; đấy chính là nơi mà Người đã mặc khải Danh Người cho Mose.

Elia cần phải cắm rễ lại ơn gọi của mình; vào một cảm nghiệm cá nhân đối với sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng đã sai ông đi và cắm rễ lại sứ mạng mình vào chương trình Tình Yêu của Người, vào Lịch Sử cứu độ. Đây là một cảm nghiệm nội tâm không thể diễn đạt bằng lời, nên tác giả Kinh Thánh đã biểu trưng bằng một hình ảnh thật đẹp đó là làn gió hiu hiu.

«Ông vào một cái hang và nghỉ đêm tại đó... Bấy giờ có tiếng hỏi ông: “Elia, ngươi làm gì ở đây?” Ông thưa: “Lòng nhiệt thành đối với Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh, nung nấu con, vì con cái Israel đã bỏ giao ước với Người, phá hủy bàn thờ, dùng gươm sát hại các ngôn sứ Người. Chỉ sót lại một mình con mà họ đang lùng bắt để lấy mạng con”».

Elia khởi sự kêu lên nỗi chán ngán của mình. Lòng hăng say của ông đối với sứ mạng Chúa trao chưa hề chết đi, và chính vì thế mà ông chua xót trước sự việc là Thiên Chúa có vẻ thất bại, sự thù địch vẫn còn, kẻ vô đạo vẫn nhởn nhơ, và dân trung thành với giao ước thì lại bị bỏ rơi.

«Đức Chúa phán với ông: “Hãy ra ngoài và đứng lên núi trước mặt Đức Chúa”. Cái hang mà Elia đứng nơi cửa gợi cho ta nhớ lại khe núi mà Mose lánh khỏi mặt Người khi Người đi ngang qua» (Xh 33, 21). Hang này cũng tượng trưng cho “cõi lòng” mà mọi người phải đứng nơi cửa để đón tiếp Thiên Chúa trực tiếp đi qua.

«Kìa Đức Chúa đi ngang qua. Gió to bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan Đức Chúa, nhưng Đức Chúa không ở trong cơn gió bão. Sau đó là động đất, nhưng Đức Chúa không ở trong trận động đất. Sau động đất là lửa, nhưng Đức Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa có tiếng gió hiu hiu».

Hẳn là Elia chờ đợi một cuộc “Hiển linh” ngoạn mục, một biểu hiện rền vang của Thiên Chúa. Ông vẫn hy vọng vào một Thiên Chúa hùng mạnh, có khả năng trấn áp đối phương. Thiên Chúa lo việc tẩy rửa những quan niệm quá con người của ông, khi ông vẽ vời Người theo hình ảnh của lòng mình mong muốn thống trị, hay bạo lực của chính bản thân mình.

Thiên Chúa không có mặt trong tiếng gầm thét của bão táp, không có mặt trong sự cuồng nộ của động đất. Tác giả Kinh Thánh viết như thế. Thiên Chúa viếng thăm Elia trong cơn gió thoảng, “trong tiếng thì thầm của một làn gió hiu hiu” mà ta chỉ có thể cảm nhận trong thinh lặng. “Elia đã nghe được”. Ông khám phá rằng Thiên Chúa hiện diện cũng như hơi thở, một làn gió, một sinh khí giống như sức sống mà sách Sáng Thế đã nêu ra, khi «khi Đức Chúa thổi sinh khí vào mũi» để biến Adam thành một con người (St 2, 7).

Đức Chúa phán: “Hãy đi đi, hãy trở về trên con đường ngươi đã đi qua...”. Một lần nữa, được củng cố nhờ cảm nghiệm thiêng liêng này, nhờ sự thân mật với Thiên Chúa mà ông tìm lại được trong thinh lặng, Elia từ nay sẽ có khả năng tiếp tục lắng nghe tiếng gọi của Thiên Chúa và chu toàn sứ mạng của mình. Trong lòng ông lại vang lên tiếng “Hãy đi”, cái mệnh lệnh biến con người thành chúng nhân và ngôn sứ.

Ông đã canh tân lòng dũng cảm nội tâm, vì nó được đặt nền tảng trên niềm xác tín rằng cuộc chiến đấu của ông chính là cuộc chiến đấu của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ bỏ mặc ông một mình. Ông phải thông qua sự lột xác và thinh lặng của sa mạc, để tìm thấy nguồn mạch của ơn gọi mình, và tính chất nhưng không trong ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Trích trong tập sách NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THINH LẶNG của Michel Hubaut
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:nghệ thuật sống thinh lặng, giá trị của thinh lặng, tĩnh lặng, kỹ năng sống

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn