Mến Thánh Giá KỸ NĂNG SỐNG

Chỉ có sự thinh lặng được tình yêu cư ngụ mới tốt đẹp cho con người

Thứ năm - 28/06/2018 21:59

Chỉ có sự thinh lặng được tình yêu cư ngụ mới tốt đẹp cho con người

Những nẻo đường thinh lặng 16
 
Chỉ có sự thinh lặng được tình yêu cư ngụ
mới tốt đẹp cho con người


Làm sao dám đi vào trong thinh lặng, làm sao dám kiên trì trong kinh nguyện nếu chúng ta không xác tín rằng mình được Thần Khí ‘cư ngụ’, Ngài chính là ‘Ý Chúa trong chúng ta’. Một Thiên Chúa tự mặc khải là Sức Mạnh Tình Yêu; một Thiên Chúa nhân bản hóa, nhân vị hóa, thần hóa chúng ta. Một Thiên Chúa mà tình yêu không bó hẹp tự do chúng ta nhưng giải phóng xây dựng, tác tạo chúng ta bằng tình yêu của Người.

Quả thật, nếu con người bị bỏ mặc với chính mình thì hết sức trần tục, hướng về mặt đất. Trong họ, có một sức nặng tự nhiên kéo họ xuống với những điều chạm được, thấy được, cảm nhận được. Thánh Phaolô đã từng sáng suốt nhận định khi ngài so sánh con người ‘tâm lý’ với con người ‘thần linh’:

“Ai trong loài người biết được những gì nơi con người, nếu không phải là Thần Trí của con người trong con người?” – Trên thực tế, các khoa học nhân văn luôn tìm hiểu sâu hơn về những cấu trúc tâm lý của con người – Nhưng thánh Phaolô lại nói thêm ngay: “Không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa” (1Cr 2, 11b).

Chiều kích nội tâm, Thần Khí của thế giới; của thực tại, không phải là điều quen thuộc đối với chúng ta. Nhưng Thánh Phaolô còn viết: “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con Mình xuống trong lòng chúng ta để kêu lên: “Abba, Cha ơi!” (Gl 4, 6).

Và làm thế nào ta nghe được tiếng thì thầm của nguồn suối nội tâm của Thần Khí trong ‘lòng’ mình, nếu ta không giữ thinh lặng, và thinh lặng cũng là một ân huệ của Thiên Chúa.

Vì thế, ‘sự thinh lặng của cõi lòng’ là một điều cao hơn vấn đề môi trường chung quanh hay hiện trường tâm lý. Đấy là một biểu hiện của Thần Khí trong chúng ta: Ngài hít thở, Ngài khao khát Chúa, Ngài thờ lạy và chuyển cầu. Ta không ‘tạo’ thinh lặng; nhưng Đấng Hiện Diện khiến cho lời nói trở nên vô ích. Sự thinh lặng ‘Thần Linh’ ấy con người không thể tự tạo ra cho mình mà chỉ có thể đón nhận thôi.

Sự thinh lặng ấy vượt xa những cuộc ‘thao dượt’ thể lý hay tâm lý! Nếu chỉ thư giãn thân thể và tâm lý mà thôi; thì chưa đủ để đi vào trong thinh lặng của Chúa! Còn cần phải giải phóng trong chúng ta nguồn suối Thần Linh. Thiên Chúa hiện diện khắp nơi cả đô thị lẫn trong sa mạc, nhưng chính trong ‘sự thinh lặng của cõi lòng’ thì chúng ta mới nhận ra được sự hiện diện của Người, nghe được bước đi của Người trong cơn gió thoảng của từng ngày sống chúng ta. “Ta không bảo: Hãy tìm Ta trong hỗn độn” (Is 45, 19).

Toàn bộ Kinh Thánh – và Kinh Thánh chủ yếu là bài học trường kỳ dạy về cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người – đã đạt đến đỉnh cao trong Tin Mừng Gioan: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và cư ngụ với người ấy” (Ga 14,23). Và nơi cư ngụ ấy chính là “lòng” chúng ta, nơi mà từ nay; như lời Chúa Kitô, chúng ta có thể “thờ lạy Chúa Cha trong Thần Khí, để con người nội tâm nơi anh em được vững vàng. Xin cho anh em, nhờ lòng tin được Đức Kitô ngự trong lòng, và anh em được bén rễ sâu trong đức ái” (Ep 3, 16). Ngài vốn là một biệt phái tích cực, rất tôn trọng Đền Thờ nhưng khi được hứng khởi mặc khải Kitô giáo, Ngài đã dám nói với anh em mình: “Anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa và Thần Khí Thiên Chúa cư ngụ trong anh em sao? Đền Thờ Thiên Chúa chính là nơi Thánh và Đền Thờ ấy chính là anh em!” (1Cr 3, 16 – 17).

Trên con đường Đamas, sau khi được Đức Kitô Phục Sinh làm chóa mắt, Ngài đã hiểu rằng mọi đền thờ ở Delphe, ở Athènes và thậm chí ở Giêrusalem cũng chỉ là những dấu chỉ của thực tại mới mẻ này.

Từ nay, ai đi vào thinh lặng của lòng mình, người ấy có thể nghe được tiếng thì thầm của Thiên Chúa, đón nhận Thần Khí của Chúa Kitô Hằng Sống và tham dự vào cuộc đối thoại vĩnh cửu giữa Chúa Cha và Chúa Con.

Mặc khải vĩ đại làm sao! Nó chiếu soi toàn bộ lịch sử tạo vật và vận mệnh con người. Không, con người chỉ là bộ tiêu hóa; mà hai đầu không gắn vào đâu. Không, con người không chỉ là một tập hợp xương thịt, hồng huyết cầu và tế bào. Không, con người không phải là kết quả của ngẫu nhiên. Không, con người không chỉ là một sinh vât, ra đời để tiêu thụ; để truyền sinh rồi chết. Nhưng con người được tạo dựng để trở nên “nơi cư ngụ thinh lặng” của Thiên Chúa Cha – Con – và Thánh Thần.

Đấy là đỉnh cao của mặc khải Kitô Do Thái giáo nơi viễn mãn của cuộc tìm kiếm mò mẫm của mọi tôn giáo nhằm đối thoại với Thượng Đế.

Thinh lặng, chính là cư ngụ trong ngôi nà của lòng mình, nơi mà Thiên Chúa luôn đến trước chúng ta. Thinh lặng, chính là hiện diện trước Sự Hiện Diện đầy Thân Khí vĩnh cữu của Thiên Chúa. Tôi không cần phải tạo ra sự hiện diện ấy bằng một tử kỷ ám thị đạo đức hay sốt sắng, nhưng chỉ việc đón nhận trong thinh lặng của đức tin.

Nói đến sự Hiện Diện đầy Thần Khí, không có nghĩa là nêu lên một sự hiện diện tưởng tượng hay phi hiện thực! Mặc Khải đã cho thấy rằng sự Hiện Thực vượt quá điều tai nghe mắt thấy. Thinh lặng chính là tái sinh mãi mãi vào căn tính đích thực của mình, vào chiều sâu của bản thân.

Chúa Giêsu phán: “Cái gì bởi xác thịt mà sinh ra thì là xác thịt, còn cái bởi Thần Khí mà sinh ra thì là Thần Khí. Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: Các ông cần phải được sinh ra bởi ơn trên. Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy” (Ga 3, 6 – 8).

Làm thế nào con người có thể đem Thần Khí vào hành động, lời nói, tương quan và thinh lặng nếu họ không đem Thần Khí vào lòng mình! Chúng ta sẽ thấy rõ hơn, vào cuối chương này; nghịch lý của con người hiện đại; họ có thể thám hiểm cách hành tinh, mặt trăng và tinh tú, phân tích các ngóc ngách của não bộ, thăm dò các chiều sâu đại dương, kiểm soát cách vận hành của sự sống, đẩy lùi biên giới của cái chết… nhưng lại lạc mất con đường về với lòng mình!

Con người không biết được mình nữa. Lo lắng thay vì hớn hở về bí mật của chính mình; con người đi lang thang như một em bé tay cầm đầy quà, nhưng lại không biết đường về nhà mình. Con người như thể đã trở nên xa lạ với mình, bị lưu đày ngay trên quê hương.

Biết đón nhận Thần Khí trong thinh lặng là bí quyết hạnh phúc. Vì chính trong “lòng” mình mà con người học cách yêu thương bản thân, vui mừng vì mình là một con người, một nốt nhạc duy nhất, mỏng dòn và cần thiết cho bản giao hưởng cuộc đời. Làm sao yêu thương người khác được, nếu không yêu thương bản thân mình, bằng cách phát hiện rằng mình được yêu thương bằng toàn bộ tình yêu Đấng Tạo Dựng?

Phúc cho ai biết tìm lại con đường trở về khu vườn nội tâm, nơi mà dưới làn gió nhẹ ban đêm người ấy sẽ nghe được âm vang của một tiếng nói thì thầm: “Adam, ngươi ở đâu?”. Một sự Hiện Diện huyền nhiệm làm nền tảng cho hành trình chúng ta, và làm nên sự cao cả của chúng ta. Ai không yêu thương sẽ cảm thấy rằng thinh lặng thì trống rỗng và không thể chịu đựng được.

Ai yêu thương sẽ biến đổi thinh lặng thành thân tình. Tình yêu đối với sự thinh lặng sẽ dẫn đến sự thinh lặng của tình yêu.

Trích trong cuốn NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THINH LẶNG của Michel Hubaut
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:Nghệ thuật sống thinh lặng, giá trị của thinh lặng, thinh lặng của cõi lòng

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn