Mến Thánh Giá KỸ NĂNG SỐNG

Học cách để cho cõi lòng mình được “cư ngụ”

Thứ hai - 11/06/2018 20:39

Học cách để cho cõi lòng mình được “cư ngụ”

Những nẻo đường thinh lặng 15
 
HỌC CÁCH ĐỂ CHO CÕI LÒNG MÌNH ĐƯỢC "CƯ NGỤ"

Thảm kịch của con người ngày nay là sau khi lẩn tránh ‘cõi lòng’ mình, họ không còn biết rằng mình có một “Đời sống nội tâm”. Từ đó, họ sợ sự thinh lặng mà họ đồng hóa với sự trống rỗng. Họ đã đánh mất con đường về với lòng mình, vì nhiều lý do tâm lý, và văn hóa xã hội; mà chúng ta đã nêu lên ở đầu tập sách này. Con đường vẫn còn đấy; nhưng đã bị cây cỏ che khuất, như một đường mòn mà mình không đi nữa nên biến mất dưới cỏ gai.

Nhiều người nam hay nữ chưa bao giờ thực sự ý thức về “kho tàng nội tâm” này, chỉ vì không ai chỉ bảo họ cách làm cho cõi lòng họ “được cư ngụ”, cách tạo thinh lặng cho khu vực này trong con người của họ. Và cũng như mọi khả năng – khả năng thể lý hay tinh thần – nếu không sử dụng thì sẽ mai một, ‘khả năng nội tâm’ này dần dần rồi cũng xơ cứng đi.

Cùng với những lý do trên, có lẽ phải thêm vào một sự thiếu hiểu biết trầm trọng về Thiên Chúa, mà thường thường người ta thu hẹp lại trong vài hình ảnh hí họa. Chúng ta chỉ có thể tìm lại con đường về với cõi lòng và sự vui thích đối với thinh lặng, khi nào chúng ta chịu thông qua một sự thanh tẩy hai mặt:

Thanh tẩy quan niệm chúng ta về Thiên Chúa và thanh tẩy quan niệm chúng ta về con người.
Không một ai muốn đối thoại với một Thiên Chúa xa vời, mông lung, phi ngôi vị, theo mẫu của Người Thợ Đồng Hồ vĩ đại của ông Voltaire hay của một siêu Máy Vi Tính lạnh lùng ! Ta không đối thoại với một ‘hữu thể’ trừu tượng, mà ta không biết người ấy có quan tâm hay không đến đời thường của chúng ta.

Ta không thể cảm nếm trong thinh lặng, một tình yêu mật thiết với một ‘Thiên Chúa lấp chỗ trống’, một ‘Thiên Chúa hữu dụng’, Đấng sẽ giúp đỡ chúng ta khi mọi việc bất ổn. Ta không thể gặp gỡ một ‘Thiên Chúa hạn chế tự do’ mình bằng những lệnh tùy tiện, hoàn toàn từ bên ngoài…

Không thể nào có được thinh lặng nội tâm, đối thoại, tương quan tốt đẹp giữa ‘Thiên Chúa hí họa’ ấy với con người. Và nếu Thiên Chúa bị khước từ hay gạt bỏ, thì con người sẽ cô đơn, và thinh lặng chỉ còn là sự đối diện giữa mình và mình, giữa mình với sự nghèo nàn cố hữu và với nỗi hãi hung trước hư không, vì đó là viễn ảnh tương lai độc nhất.

Con người ngày nay cũng đặt câu hỏi là làm cách nào để cho thinh lặng có thể được Thiên Chúa ‘cư ngụ’, có thể trở thành nơi đối thoại nội tâm!

Thánh Phaolô đã trả lời câu hỏi này bằng cách khẳng định rằng điều ấy khả thi, vì lý do đơn giản là Thiên Chúa đã đi bước trước và Người ban cho chúng ta phương cách:

“Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên xiết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì” (Rm 8, 26 - 27).

Tạo thinh lặng là cách chuẩn bị cõi lòng chúng ta để đón nhận điều Thần Khí muốn nói trong chúng ta. Kinh nguyện của Kitô hữu trong thinh lặng xuất phát trước hết, không phải từ một nhu cầu; hay một nỗi sợ của con người, mà từ một tiếng gọi bên trong của Thần Khí. Kinh nguyện khởi nguồn từ bước trước của Thiên Chúa Tình Yêu, Đấng mong muốn đổ đầy tâm hồn chúng ta bằng sự Hiện Diện của Người.

Trích trong cuốn NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THINH LẶNG của Michel Hubaut
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:những nẻo đường thinh lặng, nghệ thuật sống thinh lặng, giá trị của thinh lặng, thinh lặng của cõi lòng

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn