banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

KHẢ NĂNG CẢM THỤ THIÊNG LIÊNG

Đăng lúc: Thứ sáu - 19/02/2021 08:32 - Người đăng bài viết: menthanhgia
KHẢ NĂNG CẢM THỤ THIÊNG LIÊNG

KHẢ NĂNG CẢM THỤ THIÊNG LIÊNG

Làm sao để đón nhận được ơn Chúa Thánh Thần?

Lời mở đầu:
Câu hỏi căn bản nhất của đời sống kitô hữu: Làm sao để đón nhận được ơn Chúa Thánh Thần? Làm sao để luôn luôn mở lòng ra với hoạt động của Ngài?
«Mục đích của đời sống kitô hữu là đón nhận được Chúa Thánh Thần» (thánh Seraphim de Sarov, một vị Thánh lớn của Giáo Hội Nga, qua đời năm 1833). Cha Marie-Eugène de l’Enfant-Jésus khẳng định: «Kết hiệp với Chúa Thánh Thần chưa phải là đỉnh cao của đời sống thiêng liêng, mà mới chỉ là điều cần thiết đầu tiên.»

Thật vậy, không có ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta không thể làm được gì tốt lành và bền lâu: «Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được» (Ga 15,5). Thánh vịnh 126 cũng nói : «Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công. Thành kia mà Chúa không phòng giữ, uổng công người trấn thủ canh đêm. Bạn có thức khuya hay dậy sớm, khó nhọc làm ăn cũng hoài công. Còn kẻ được Chúa thương dầu có ngủ, Người vẫn ban cho đủ tiêu dùng.»

Tất nhiên, điều này không muốn nói lên rằng chúng ta ngồi chơi xơi nước và xin Chúa Thánh Thần làm công việc của chúng ta. Hoạt động của Chúa Thánh Thần không thay thế cho những hành động của chúng ta nhưng trợ giúp và hướng dẫn. Một trong những điều kiện đầu tiên để đón nhận Chúa Thánh Thần là sự rộng lượng trong công việc phục vụ và món quà của chính chúng ta: đó chính là bằng cách cho đi điều mà chúng ta nhận được.

Thánh vịnh 126 cũng nhắc cho chúng ta một sự thật căn bản: nếu những suy nghĩ và hành động của chúng ta không được soi sáng và trợ giúp bởi ơn thánh, thì sẽ có nguy cơ rất lớn trở thành cằn cỗi hoặc vô ích. Đôi khi, chúng ta có thể bị kiệt sức trong những quyến rũ mà không đem lại một điều gì tốt đẹp và bền lâu, bởi vì chúng ta hoạt động theo quan niệm và sức riêng của chúng ta, thay vì để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn.

Chúng ta có thể đưa ra nhiều lý do khác nhau để nói lên rằng mở tâm hồn ra với Chúa Thánh Thần là rất quan trọng. Chỉ có Chúa Thánh Thần dẫn dắt chúng ta đến tự do đích thật. Thánh Phaolô nói: «Ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do » (2 Cr 3,17). Chỉ có Chúa Thánh Thần làm cho ta khám phá và đào sâu không ngừng danh tính thật sự của chúng ta, danh tính của con cái Chúa: «Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: «Áp-ba, Cha ơi!» (Gl 4,6).

Nhiều người nghĩ rằng làm người kitô hữu là phải làm một số việc gì đó và càng làm tốt những thứ đó bao nhiêu thì càng làm cho họ trở thành kitô hữu tốt bấy nhiêu. Nhưng điều này không hề thích hợp với Tin Mừng. Điều quan trọng trong cuộc sống của người kitô hữu không phải là cố gắng làm những việc bề ngoài trái lại phải biết khám phá và thực hành những cử chỉ và thái độ đưa chúng ta kết hợp với hành động của Thánh Linh. Mọi thứ còn lại đều từ đó mà ra cả, chúng ta có thể làm «các việc lành mà Thiên Chúa đã dọn sẵn cho chúng ta» (Ep 2,10).

Trong đời sống thiêng liêng, điều quan trọng không phải là những gì chúng ta làm mà hãy để Thiên Chúa làm tất cả nơi chúng ta, qua chúng ta.

Chúng ta hãy để ý đến hoạt động của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của chúng ta. Thỉnh thoảng thì công việc của Thánh Linh có thể nhận thấy được, chúng ta cảm nhận được sự hiện diện của Người, dấu chứng của Người nhưng thường xuyên là một điều bí ẩn. Đôi khi, Thánh Linh cũng ban cho chúng ta nhiều ơn như: những phép lạ, những ân sủng, sự linh hứng …Nhưng đôi khi, người làm cho chúng ta nghèo đi: Người làm cho chúng ta nhận thức được sự khốn cùng của chúng ta. Không nên đo lường sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần theo những tiêu chuẩn nông cạn. Những hoạt động của Chúa Thánh Thần nhiều lúc cảm nhận được nhưng nhiều lúc bị che kín. Có lúc là sự hạnh phúc, nhưng cũng có lúc là sự đau khổ. Cho dù hoạt động của Chúa Thánh Thần có được nhận thấy hay không, hay có đem lại an ủi hoặc là thử thách, thì nó cũng luôn sinh hoa kết quả. Điều quan trọng là thực hành những thái độ giúp chúng ta dễ tiếp nhận nó. Ơn gọi kitô hữu mời gọi chúng ta cho đi rất nhiều. Nhưng để cho nhiều, thì điều cần thiết là phải học nhận lãnh. «Công đức không phải là ở chỗ làm nhiều hay cho nhiều mà là nhận và yêu thương nhiều» (Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu). Chúng ta cần học đón nhận. Đó là điều quan trọng nhất nhưng nhiều khi là điều khó nhất trong cuộc sống của người kitô hữu. Nhiều lúc rất khó để cho đi, bởi vì chúng ta bị đóng kín trong sự keo kiệt, trong sự ích kỷ, trong sự sợ hãi. Nhưng cũng thường xuyên khó đón nhận. Về phương diện con người, chúng ta nhận thấy rằng: cho thì dễ hơn nhận, yêu thì dễ hơn hãy để được yêu. Cho đi có thể là một điểm thuận lợi cho sự kiêu ngạo của chúng ta: tôi là người rộng lượng, tôi cho nhiều, tôi chi cho người khác… Đón nhận, nhiều lúc lại khó hơn vì nó đòi hỏi một sự khiêm tốn (nhận biết rằng tôi cần đến người khác) và cũng đòi hỏi sự tin tưởng nơi người khác, sự cởi mở với người khác. Điều này không luôn luôn bộc phát.

Tất cả muốn nói lên rằng: «đón nhận» không luôn luôn dễ dàng như chúng ta nghĩ. Nhưng là một thái độ căn bản trong đời sống thiêng liêng vì chúng ta là tạo vật, chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào Đấng Tạo Dựng. Chúng ta là những con người cần được cứu chữa và phụ thuộc toàn vẹn vào lòng thương xót của Thiên Chúa những gì mà chúng ta khó đạt tới.

Do đó, điều rất quan trọng là học đón nhận, đón nhận chính mình và đón nhận tất cả từ Thiên Chúa. Chúng ta càng học đón nhận từ Thiên Chúa thì chúng ta càng có thể cho người khác thứ tốt nhất từ chúng ta.

Cho nên, tôi muốn mô tả ngay bây giờ những khuynh hướng có thể là quan trọng nhất để đảm bảo một sự cảm thụ chắc chắn về ơn Chúa Thánh Thần. Có tám khuynh hướng. Tất nhiên, con số này hơi mang tính độc đoán vì chúng ta không thể cắt những dáng vẻ khác nhau của đời sống thiêng liêng thành từng mảnh riêng biệt và chúng ta cũng có thể trình bày một cách khác chủ đề mà tôi muốn khai thác. Nhưng nó cũng dễ dàng hơn khi nhóm thành tám chủ đề khác nhau của cuộc sống kitô hữu cho phép mở ra với hoạt động của Chúa Thánh Thần. Những điểm này thì ai cũng biết nhưng mà hình như nó cũng rất thú vị để nhìn từng khía cạnh đến cái nhìn bao quát trên điều mà tôi nhấn mạnh rất nhiều: «Sự cảm thụ». Mỗi điểm có thể khai thác một cách tốt hơn mà tôi sẽ không làm. Tôi chỉ nói lên điều chính yếu, mục đích của tôi là giới thiệu một cái nhìn tổng hợp về câu hỏi này.

 
1. Sự kiên nhẫn trong đời sống cầu nguyện
Hãy nghe lời Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng Luca: «Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì sẽ nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng mà lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?» (Lc 11, 9-13).

Điều kiện đầu tiên để nhận lấy Chúa Thánh Thần, đó là cầu xin Người trong kinh nguyện. Tất nhiên, lời nguyện cầu này phải đến từ một lòng khao khát và sự kiên nhẫn… Lời cầu nguyện giúp chúng ta đạt được những điều cần thiết để chu toàn ơn gọi kitô hữu của chúng ta. Tôi nhận thấy các câu lời Chúa: «Anh em cứ xin thì sẽ được…» có thể là những lời an ủi nhất trong Thánh Kinh. Trước những nhu cầu của chúng ta, những khó khăn của chúng ta, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đừng lo lắng nhưng đơn giản là hãy xin Cha của Người những gì cần thiết cho chúng ta và Người sẽ ban cho chúng ta. Thiên Chúa lắng nghe lời cầu nguyện của người nghèo. Nhất là nếu họ cầu xin điều chính yếu là ân sủng của Chúa Thánh Thần.

Ngoài lời cầu xin này, chúng ta phải luôn trung thành thực hành các giờ cầu nguyện trong thinh lặng, đó là lời cầu nguyện chính yếu cho sự cảm thụ thiêng liêng. Khi chúng ta dùng thời gian để cầu nguyện riêng, chầu Thánh Thể - một điều thực sự rất cần thiết, nhất là đối với thời đại hôm nay – nó không phải nói nhiều, không phải là làm thật nhiều, suy nghĩ nhiều nhưng là đón nhận trong đức tin và trong tình yêu sự hiện diện của Chúa. Lời cầu nguyện sâu sắc nhất và sinh hoa kết quả cao nhất là lời cầu nguyện cho sự cảm thụ thiêng liêng thực sự.

Ngoài những thời gian đặc biệt mà chúng ta cầu nguyện riêng hoặc chung với cộng đoàn, chúng ta nên đối thoại với Chúa luôn luôn. Thánh Phaolô mời gọi: «Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi» (Ep 6,18). Thánh Gioan Thánh Giá cho một lời khuyên như sau: «Chọn lựa Thiên Chúa như là người chồng và người bạn và luôn giữ mối liên hệ khăng khít với Ngài thì bạn sẽ không phạm tội, bạn sẽ học được yêu thương và những gì bạn phải làm, phải chăm sóc là một kết cục hạnh phúc cho bạn. »

Mọi khía cạnh của cuộc sống đều có thể nuôi dưỡng cuộc đối thoại của chúng ta với Thiên Chúa: những gì tốt đẹp, chúng ta cảm tạ Người, khó khăn chúng ta cầu khẩn Người, tội lỗi chúng ta xin Người tha thứ. Mọi hoàn cảnh tốt cũng như xấu đều có thể nuôi dưỡng và giúp chúng ta đào sâu mối liên hệ với Chúa.

 
2. Lòng tín thác
Lòng tín thác là một thái độ cởi mở. Chúng ta được đón nhận, được chấp nhận nơi người chúng ta tín thác. Còn ngược lại, không tin, nghi ngờ, ngờ vực là thái độ khép kín. Điều đầu tiên Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta không phải trở nên hoàn hảo nhưng là đặt niềm tín thác nơi Ngài. Điều làm phiền lòng Chúa không phải là những sự vấp ngã của chúng ta nhưng là sự thiếu niềm tín thác nơi Ngài. Chúng ta càng tín thác nơi Ngài bao nhiêu thì càng nhận được Thần Khí bấy nhiêu.

  Sau đây là những lời Chúa Giêsu nói với Thánh Faustine: «Ân sủng của lòng thương xót được kín múc nhờ một phương tiện duy nhất là lòng tín thác. Lòng tín thác càng lớn thì linh hồn càng nhận được ân sủng. Những linh hồn nào mà có lòng tín thác không giới hạn là một niềm vui lớn lao đối với Ta, bởi vì Ta sẽ tuôn đổ xuống những linh hồn này kho tàng ân sủng của Ta. Ta vui mừng khi các linh hồn này đã chờ đợi rất nhiều, vì ước muốn của Ta là cho họ rất nhiều, một cách phong phú. Ngược lại, Ta rất buồn nếu các linh hồn hy vọng ít, nếu các linh hồn xiết chặt trái tim họ lại.»

Lòng tín thác và đức tin có sức mạnh phi thường để lôi kéo ân sủng của Thiên Chúa. Cũng như Thánh Têrêxa Lisieux đã rất hiểu điều này, Thiên Chúa có một trái tim của người Cha và người không chống lại lòng tín thác thân tín của người con. Đặc biệt luôn ban ơn tha thứ cho người con khi nó cần. Trong lá thư gửi cho Cha Bellière, thánh nhân đã dùng hình ảnh của dụ ngôn sau: «Tôi muốn cố gắng làm cho em hiểu Chúa Giêsu đã yêu các linh hồn bao nhiêu mặc dù họ không hoàn hảo nhưng đặt niềm tín thác nơi Người bằng một so sánh rất đơn giản: tôi giả sử rằng một người cha có hai người con tinh nghịch và không vâng lời, người cha đến để phạt chúng, một người thì run sợ và tránh xa người Cha với sự khiếp sợ, trong thâm tâm, người con này có cảm giác anh ta đáng bị phạt như thế; ngược lại, em của anh ta thì chạy lại ôm lấy tay Cha và nói rằng: «Con đã hối tiếc vì đã làm phiền lòng Cha, con yêu Cha, để chứng minh cho điều này  thì từ nay trở đi con sẽ ngoan»; và người con này đã xin Cha một hình phạt là một cái ôm hôn; tôi không tin trái tim hạnh phúc của người Cha có thể từ chối lòng tín thác thân tình của người con mà ông biết tấm lòng thành thật và tình yêu của nó. Tuy nhiên người Cha cũng biết rằng con của ông cũng sẽ lại mắc phải những lỗi lầm này nhưng ông sẵn sàng tha thứ cho nó nếu nó đón nhận với một trái tim rộng mở. …Người  em thân mến của tôi, tôi không nói gì về người con thứ nhất thì em phải hiểu rằng cha của anh cũng yêu anh nhiều như vậy và cũng đối xử với nhau cùng một lòng khoan dung như người con kia….. » (Thư 258).

Một câu hỏi quyết định về lòng tín thác nơi Thiên Chúa là: Lòng tín thác của chúng ta xây dựng trên cái gì? Có phải là xây dựng trên chính chúng ta (sự nghiệp của chúng ta, thành công của chúng ta, địa vị của chúng ta...), cuối cùng thì cũng chỉ là niềm tín thác nơi chính mình mà thôi? Hay là nó chỉ được xây dựng nơi Thiên Chúa và trên lòng thương xót vô bờ bến của Ngài? Có nghĩa là ngay cả trong sự nghèo khó, thất bại, vấp ngã, lòng tín thác này vẫn luôn vững vàng. Lòng tín thác thật sự thì được đặt nơi Thiên Chúa mà tình yêu của Ngài không bao giờ thay đổi, lòng tín thác này chúng ta không chỉ thực hành khi mọi sự tốt đẹp, khi chúng ta hạnh phúc mà ngay cả khi chúng ta đối diện với những giới hạn của chúng ta và sự nghèo khó. «Ngay cả khi tôi phạm mọi thứ tội có thể, tôi vẫn luôn tín thác nơi Người!» (Thánh Têrêxa Hài Đồng).  

 
3. Đức khiêm nhường
Đức khiêm nhường cũng có một sức mạnh rất lớn để lôi kéo ân sủng của Chúa Thánh Thần. Hãy nghe lời thánh Phêrô nói trong thư thứ nhất: «Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường» (1 P 5,5).

Đức khiêm nhường là điều kiện chính yếu để nhận lãnh trọn vẹn các ơn của Chúa Thánh Thần. Như Tin Mừng Thánh Luca: «Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên» (Lc 14, 11).

Có nhiều dáng vẻ trong đức khiêm nhường. Đức khiêm nhường trước hết là ở chỗ nhận biết thiếu sót, lỗi lầm của mình. Lòng ăn năn hối cải có một sức mạnh lớn để lôi kéo Chúa Thánh Thần. Tiếp đến, đức khiêm nhường là sự nhận biết rằng chúng ta không có gì bởi chúng ta, tất cả đều được ban tặng. Tất cả những gì chúng ta là và tất cả những gì chúng ta có là một ơn nhưng không từ lòng thương xót của Thiên Chúa. Hãy nghe Thánh Têrêxa Hài Đồng nói: «Trở nên bé nhỏ không phải là tự gán cho mình những nhân đức mà chúng ta thực hành, tự tin vào khả năng của một điều gì đó, nhưng tự nhận biết rằng Thiên Chúa tốt lành đã đặt kho tàng này vào bàn tay của đứa con bé bỏng của Ngài để nó sử dụng khi nó cần; nhưng nó vẫn luôn luôn là kho tàng của Thiên Chúa tốt lành.»

Trở nên khiêm nhường cũng là tự hòa giải với những yếu đuối của bản thân, nhận biết và chấp nhận những giới hạn của mình. Hãy nhớ lại lời của Thánh Têrêxa Hài Đồng nói: «Những gì làm Thiên Chúa vui lòng trong tâm hồn bé nhỏ của tôi, là thấy tôi yêu mến sự bé nhỏ của tôi và sự nghèo nàn của tôi… Hãy ở xa những gì sáng chói, rực rỡ, hãy yêu sự bé nhỏ của chúng ta,  yêu mà không cảm nhận được gì, khi đó chúng ta sẽ là những tâm hồn nghèo khó và Chúa Giêsu sẽ đến tìm kiếm chúng ta, Người sẽ biến đổi chúng ta nên sáng chói bởi tình yêu của Người!».

Cuối cùng, đức khiêm nhường là tự hạ bởi tình yêu, như Chúa Giêsu đã tự hạ cúi xuống rửa chân cho các môn đệ và Người nói rằng: «Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ» (Lc 22, 27).

Về phương diện con người, có thể chúng ta đã nhận thấy: đức khiêm nhường là một thái độ cởi mở. Nếu tôi khiêm nhường, tôi đón nhận những lời khuyên, thậm chí những lời chê trách, tôi đón nhận từ người khác. Kiêu ngạo thì ngược lại, một thái độ khép kín: tôi tự tôi là đủ rồi, tôi luôn có lý, tôi không cần ai cả. Điều này còn đúng hơn trong mối liên hệ với Thiên Chúa: chúng ta càng nhận biết rằng chúng ta không là gì cả và chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào lòng tốt lành của Thiên Chúa thì chúng ta càng đón nhận được ân sủng của Người!

Sự thiếu khiêm nhường luôn luôn ngăn cản Thiên Chúa đổ đầy nơi chúng ta những gì Người muốn. Và đây là lời Catherine Mectilde de Bar đã gửi cho các Sœur dòng chiêm niệm người Pháp, thế kỷ XVII: «Thiên Chúa không đòi hỏi gì hơn là lấp đầy nơi chúng ta chính Người và ân sủng của Người, nhưng Người thấy chúng ta tràn đầy kiêu ngạo và sự tự đề cao của chúng ta đến nỗi ngăn cản Người bày tỏ. Bởi vì nếu một tâm hồn không được xây dựng trên đức khiêm nhường thực sự thì nó không thể đón nhận ân sủng của Thiên Chúa. Lòng tự ái của nó đã thiêu hủy hết các ân sủng và Thiên Chúa bị bắt buộc để lại linh hồn này trong nghèo nàn, tối tắm của nó và linh hồn bị giữ trong sự hư vô.»

Cho nên chúng ta hãy vui mừng về những gì làm cho chúng ta hạ thấp xuống và làm nhục chúng ta, bên ngoài cũng như bên trong, bởi vì tất cả những tiến bộ trong đức khiêm nhường sẽ mở ra cho chúng ta một cách tốt hơn với ân sủng của Thánh Thần và làm cho chúng ta có khả năng đón nhận các ân sủng.
 
4. Đức Vâng Phục
«Thiên Chúa ban Thánh Thần cho những ai vâng lời Người» (Cv 5,32). Cha Mios de Bélos, không ngần ngại khẳng định: «Đức vâng phục đáp lại đức vâng phục. Khi người nào vâng phục Thiên Chúa thì Thiên Chúa cũng vâng phục người ấy.»

Rất là rõ ràng, chúng ta càng khao khát làm theo thánh ý Thiên Chúa thì chúng ta càng nhận được nhiều ân sủng cần thiết để thực hiện điều đó. Thiên Chúa ban Thần Khí cho những ai quyết tâm vâng lời Người. Thiên Chúa không từ chối bất cứ một điều gì với những ai không từ chối Người bất cứ một điều gì.

Đức vâng phục này, đương nhiên là không phải có được do sợ hãi nhưng xuất phát từ lòng tín thác và tình yêu, nó cũng là một khuôn mẫu quan trọng của «sự cảm thụ thiêng liêng».

Đức vâng phục có thể được bao bọc bởi nhiều hình thức khác nhau: vâng phục lời Chúa, vâng phục các chức trách trong Giáo Hội, vâng phục các quyền hành trong xã hội.

Đức vâng phục cũng được diễn tả trong sự tùng phục người này, người khác, về vấn đề này Thánh Phaolô đã nhấn mạnh: «Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau» (Ep 5,21). Mỗi lần chúng ta từ chối ý riêng của chúng ta một cách tự do và vì tình yêu đối với ai đó thì điều này sẽ mở ra cho chúng ta ân sủng của Thánh Thần.

Một dáng vẻ khác của sự vâng lời hiếu thảo của kitô hữu là sự vâng lời bên trong đối với hoạt động và linh hứng của Thánh Thần. Sự trung thành với một ân sủng sẽ lôi kéo những ân sủng khác. Mỗi lần chúng ta vâng phục một sự linh hứng thánh, trái tim chúng ta sẽ mở rộng và trở nên có khả năng để đón nhận tốt hơn.

Tôi muốn nhấn mạnh lại những gì có thể gọi là: «Sự vâng phục đối với các sự kiện của cuộc sống». Nó không phải ở chỗ sa vào trong một sự đam mê hoặc là thuyết định mệnh nhưng là đón nhận với lòng tín thác những hoàn cảnh mà chúng ta trải qua trong sự tin chắc rằng thánh ý của Chúa Cha sắp xếp tất cả mọi sự tốt đẹp cho chúng ta.

Hình thức vâng phục cuối cùng này có một tầm quan trọng nền tảng. Tôi càng đón nhận với lòng tín thác tất cả những gì xảy ra trong cuộc sống của tôi, ngay cả những gì gây cản trở cho tôi, thì tôi càng đón nhận được ân sủng của Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa không cho phép một điều gì xảy ra mà không cùng lúc ban những ân sủng cần thiết để chúng ta sống với nó một cách lạc quan. Chấp nhận một điều gì xảy ra thì tôi cũng đón nhận ân sủng bị cất dấu ở trong đó. Đồng ý với mọi dáng vẻ của sự tồn tại là một hình thức nền tảng của sự cảm thụ với Thánh Thần. Cuộc sống tìm thấy sự liên kết và vẻ đẹp của nó khi chúng ta đón nhận nó một cách toàn vẹn.

Hình thức vâng phục này cũng được gợi lên qua lời Chúa Giêsu nói với Thánh Phêrô khi Người hiện ra ở bờ hồ Tibêria sau khi Người sống lại: «Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: Khi anh còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải giang tay ra cho người ta thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn»  (Ga 21,18).

Những lời này muốn nhấn mạnh tới cuộc tử đạo của Phêrô. Nhưng chúng ta cũng có thể hiểu một cách chung chung. Đôi khi cuộc sống dẫn chúng ta trên những con đường mà chúng ta không chọn nhưng chúng ta hãy thuận theo với tình yêu. Sự ưng thuận này sẽ trở thành nguồn của ân sủng, của sự kết hiệp với Thiên Chúa, của kinh nghiệm về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần – Đấng đến cứu giúp sự yếu đuối của chúng ta. Trong thư thứ nhất của Thánh Phêrô cũng cho chúng ta biết: «Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ. Nếu bị sỉ nhục vì Đức Kitô anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên anh em» (1 P 4, 13-14).

Chúng ta có thể hiểu những lời này một cách rất rộng: mỗi lần chúng ta đón nhận những cuộc chiến, những khó khăn của cuộc sống trong đức tin vào Đức Kitô và tình yêu dành cho Người thì Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trên chúng ta.
 
5. Thực hành bình an bên trong
Nếu chúng ta muốn mở lòng với ân sủng của Chúa Thánh Thần, chúng ta phải cố gắng, điều này phụ thuộc vào chúng ta như thế nào thì cũng phụ thuộc vào sự bảo tồn bình an bên trong như vậy.

“Hãy bảo tồn trái tim bạn trong bình an, đừng để bất cứ sự cố nào trong thế giới này làm nó khuấy động. Ngay cả khi tất cả mọi sự dưới thế này sụp đổ và tất cả mọi biến cố đều đối ngược với bạn, thật là vô dụng nếu bạn khuấy động, bởi vì sự khuấy động này sẽ mang đến cho chúng ta nhiều điều đáng tiếc hơn là lợi ích” (Thánh Gioan Thánh Giá).

“Hồn con, con vẫn trước sau giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình” (Tv 130, 2). Trái tim càng bình an và từ bỏ bao nhiêu thì càng nhận được sự hoạt động, ánh sáng và sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần. Ngược lại, sự khuấy động, xao động, lo lắng đóng kín chúng ta với ân sủng.

“Giả như các ngươi trở lại và ở yên, hẳn các ngươi đã được cứu thoát; giả như các ngươi bình tĩnh và tin tưởng ắt các ngươi đã nên hùng mạnh” (Is 30, 15).
Hãy chú ý tới điểm quan trọng này: chỉ khi chúng ta bình an, chúng ta mới có sự phân định tốt, chúng ta thấy rõ những hoàn cảnh khác nhau mà chúng ta phải đối diện và chúng ta phải tìm ra những phương thuốc tốt cho những vấn đề của chúng ta. Điều mà không thể tránh được là có những lúc sóng gió, sợ hãi, lo lắng nhưng chúng ta phải ở trong ý thức rằng: nhận thức hiện tại của chúng ta là theo cảm xúc tiêu cực; phải chờ cho đến khi sự bình an trở lại trước khi thay đổi bất cứ điều gì trong những giải pháp nền tảng của chúng ta.

Mectilde de Bar cho một lời khuyên sau với một soeur của Bà: “Hãy trung thành giữ bình an trong tâm hồn con, bởi vì khi chúng ta mất nó, chúng ta chỉ nhìn thấy một tí xíu, chúng ta không biết đâu mà đi.”

 
6. Sống giây phút hiện tại
Một điều kiện quan trọng khác để cảm thụ về Chúa Thánh Thần là sống giây phút hiện tại. Chúng ta càng sống hiện tại (tránh quay về quá khứ và những dự định trong tương lai), chúng ta càng liên kết với hiện thực, với Thiên Chúa, với các suối nguồn bên trong giúp chúng ta đảm nhận cuộc sống của mình, chúng ta càng cảm nhận sâu công việc của ân sủng. Nuối tiếc khô cằn, nghiền ngẫm quá khứ, những lo lắng tương lai nó cắt chúng ta khỏi dây ân sủng. Nếu chúng ta dâng những quá khứ cho lòng thương xót Chúa, phó thác tương lai của chúng ta cho thánh ý Người và làm những gì chúng ta phải làm hôm nay, chúng ta sẽ nhận được ân sủng mà chúng ta cần mỗi ngày.

7. 
Sự từ bỏ
Để Chúa Thánh Thần hoạt động nơi chúng ta thì phải mềm dẻo và từ bỏ. Giữ trái tim tự do và cởi bỏ hết mọi sự. Nếu chúng ta bám vào những chương trình, kiểu nhìn, khôn ngoan của chúng ta, thì chúng ta không dành chỗ cho Chúa Thánh Thần. Tôi nghe Soeur Elvira, đấng sáng lập Hội cầu nguyện (đã đón nhận rất nhiều những người trẻ nghiện ngập), nói giữa bài thuyết trình cho các linh mục: “Tôi luôn luôn sẵn sàng làm trong năm phút những gì đến ngược lại với những gì tôi đã chuẩn bị”.

Tất nhiên là phải có những dự định, chương trình, nhưng trong một sự từ bỏ hoàn toàn.

“Làm sao đừng để trái tim của bạn bị nô lệ hóa bởi bất cứ điều gì. Khi bạn hình thành một ước muốn gì đó, thì trong mọi cách đừng để buồn phiền khi thất bại, nhưng hãy giữ tinh thần bình yên vì bạn không hề ước muốn điều này” (Juan de Bonilla, Phancicain thế kỷ XVII).

Sự từ bỏ này sẽ mở ra cho chúng ta một cánh cửa lớn với hoạt động của Chúa Thánh Thần.

 
8. Lòng cảm tạ
Lòng cảm tạ là một thái độ có sức mạnh lôi kéo ân sủng của Chúa Thánh Thần. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giê-su đã nói: “ Điều mà lôi kéo ân sủng của Thiên Chúa tốt lành được nhiều nhất là lòng cảm tạ, bởi vì nếu chúng ta cảm tạ Người về một điều tốt lành, Người cảm động và Người vội vàng ban cho chúng ta mười điều tốt lành khác và nếu chúng ta tiếp tục dâng lời cảm tạ với lòng trìu mến thì chúng ta không đếm được ân sủng Người sẽ ban cho chúng ta. Tôi có kinh nghiệm về điều này: bạn hãy thử và bạn sẽ thấy. Lòng cảm tạ của tôi thì vô bờ bến đối với những gì Người đã ban cho tôi và tôi đã chứng tỏ lòng cảm tạ của tôi đối với Người bằng hàng ngìn cách.”

Dưới những hình thức nhẹ nhàng bên ngoài và hóm hỉnh, đoạn văn này chứa đựng một sự thật cực kỳ sâu sắc: lòng cảm tạ mở ra cho chúng ta những hồng ân của ân sủng. Lòng cảm tạ không trả lại một cách rộng lượng cho Thiên Chúa (Người đã tràn đầy rồi) nhưng nó giúp chúng ta mở lòng ra hơn và cảm nhận tình yêu của Ngài một cách sâu sắc hơn, nó giúp chúng ta từ bỏ chính mình và quay về với Thiên Chúa một cách trọn vẹn. Lòng cảm tạ sinh hoa kết quả rất nhiều bởi vì nó là tín hiệu nói lên rằng chúng ta hiểu và thực sự đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và nó làm cho chúng ta sẵn sàng để đón nhận tốt hơn: “Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy đi” (Mt 25, 29).

Tình yêu lôi cuốn tình yêu. Lòng cảm tạ là một thái độ cực kỳ hiệu quả đối với sự cảm thụ thiêng liêng, khi sự vô ơn, sự phàn nàn, sự ganh tỵ, những đòi hỏi đóng kín trái tim chúng ta và nó tước mất khỏi chúng ta hồng ân của Thiên Chúa. Thánh Bernard đã diễn giải trong bình luận lời Chúa về mười người phong hủi, tất cả đều được chữa lành bởi Chúa Giêsu nhưng chỉ có một người Samaritain quay trở lại cảm tạ Thiên Chúa: “Hạnh phúc cho ai, sau mỗi lần đón nhận một ân sủng biết quay trở lại hướng tới Đấng tràn đầy ân sủng. Khi cho thấy chúng ta không vô ơn với các hồng ân nhận được, chúng ta chuẩn bị cho mình khoảng trống cho ân sủng để đón nhận những ân huệ lớn lao hơn. Chỉ có sự vô ơn ngăn cản chúng ta tiến triển trong đời sống ki-tô hữu của chúng ta, bởi vì người cho nhận thấy bị mất mát những gì chúng ta đón nhận từ họ mà không biết ơn, tự cho là của mình: họ biết rằng càng cho người không biết cảm ơn thì họ càng mất đi. Cho nên, hạnh phúc cho ai tự nhận thấy mình như một người ngoại, chỉ nhận được một ít điều tốt lành nhưng đã dâng lời cảm tạ sâu rộng.”

Hãy nghe Soeur Mectilde de Bar cũng nói như sau: “Mẹ khẩn cầu con, hãy chăm sóc cuộc sống của con bằng tình yêu của sự biết ơn cách khiêm nhường, hãy tạ ơn Chúa, ngợi khen Người và chúc tụng Người về mọi điều tốt đẹp Người đã làm. Đó là một việc thực hành thánh, nơi đó chúng ta lại tìm thấy những điều tuyệt vời và những ân sủng đặc biệt. Khi chúng ta dâng lời tạ ơn Thiên Chúa thì chúng ta lôi kéo cho chúng ta những phép lành mới.”

Kết luận
Nếu chúng ta thử thực hành ngày qua ngày những thái độ mà tôi mới vừa gợi lên, một cách nào đó, chúng ta được mở tâm hồn ra với Thánh Thần và Người có thể thực hiện sự nghiệp nơi chúng ta. Điều này không có nghĩa là chúng ta cảm nhận được luôn luôn sự hiện diện của Người và sự hoạt động của Người, những hoạt động của Người nhiều lúc rất kín đáo như tôi đã nhấn mạnh, nhưng hoa quả sẽ đến từng chút một. Tuy nhiên, nó không có nghĩa là thực hành trọn vẹn những gì tôi nói nhưng một cách kiên nhẫn, với một ý tốt lành và không bao giờ chán nản trong đường hướng này.

Tôi muốn đưa ra hai lời nhận xét cho phần kết thúc.

Nhận xét thứ nhất là: những thái độ mà tôi vừa diễn tả là những thái độ đặc trưng của tâm hồn Mẹ Maria; chúng ta có thể chỉ ra một cách dễ dàng. Mẹ không ngừng, trong hình thức hoàn hảo, thực hành các điểm sau: cầu nguyện, tín thác, khiêm nhường, vâng phục, bình an, từ bỏ, sống giây phút hiện tại và cảm tạ. Điều bí mật cuối cùng để đón nhận sự phong phú từ Chúa Thánh Thần là chúng ta hãy phó thác cho Đức Mẹ để Người dạy chúng ta sự chuẩn bị bên trong của Người, gìn giữ chúng ta mỗi ngày trung thành với cuộc sống của chúng ta và Người đến bổ sung những gì còn thiếu nơi chúng ta. Chúng ta càng gần gũi với Mẹ Maria, chúng ta càng đón nhận được Chúa Thánh Thần.

Nhận xét thứ hai là: nền tảng của mỗi thái độ mà tôi vừa gợi lên, chúng ta có thể nhận ra rằng có tinh thần của đức tin.

Lời cầu nguyện là hành động của đức tin. Sự khiêm nhường (chấp nhận sự nhỏ bé của tôi) là một hành động của đức tin: tôi có thể chấp nhận sự nghèo khó vì tôi đặt tất cả niềm tin của tôi nơi Thiên Chúa và tôi hy vọng tất cả nơi lòng thương xót của Người. Sự vâng lời cũng vậy là một diễn tả của đức tin nơi sự tốt lành của Thiên Chúa và sự trung thành của Người. Bình an xây dựng trên đức tin: làm sao có thể bình an trong một thế giới bấp bênh, nếu không phải chúng ta đặt niềm tin nơi sự chiến thắng của Đức Ki-tô? Sống giây phút hiện tại cũng là một hành động của đức tin: Tôi dâng cho Chúa quá khứ và tương lai của tôi, tôi tin rằng Người luôn ở với tôi hôm nay. Sự từ bỏ cũng là một hành động của đức tin: tôi có thể tự do và từ bỏ mọi sự trong thế giới này bởi vì tôi biết rằng tình yêu của Thiên Chúa là chính yếu không làm cho tôi bị sai lầm. Còn lòng biết ơn cũng diễn tả đức tin của chúng ta nơi lòng tốt và lòng trung thành của Thiên Chúa.

Cả hai lời nhận xét chỉ làm nên một: Sự cao quý của Đức Maria, là sự cao quý của đức tin. Mẹ được tràn đầy Thánh Thần bởi đức tin và đó là điều mà Mẹ muốn truyền đạt nhiều với chúng ta, đó là sức mạnh quý giá của đức tin Mẹ Maria.

Nhờ đức tin mà tất cả ân sủng, tất cả hồng ân của Thánh Thần, tất cả phép lành thánh được ban cho chúng ta như Thánh Phao-lô đã không ngừng khẳng định. Đức tin là khả năng chính yếu của việc đón nhận hồng ân nhưng không của Thiên Chúa. Chúng ta hiểu tại sao Chúa Giê-su rất nhấn mạnh về điểm này trong Tin Mừng: “Đức tin anh em ở đâu?” (Lc 8,25).

(Dịch từ sách “Si tu savais le don de Dieu, apprendre à recevoir” của Cha Jacques Philippe) 

Tác giả bài viết: Anna Maria chuyển ngữ
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc