Mến Thánh Giá KỸ NĂNG SỐNG

THINH LẶNG VÀ LỜI NÓI

Chủ nhật - 22/07/2018 20:23

THINH LẶNG VÀ LỜI NÓI

Những nẻo đường thinh lặng 20

 
THINH LẶNG VÀ LỜI NÓI


“Thinh lặng không gì khác hơn là lời nói nội tâm” (L.Lavelle, La parole intérieure).
Ở bình diện thứ nhất, thinh lặng mở lòng để chúng ta nghe tiếng nói của ý thức mình. Thật vậy, đối với con người, một tư tưởng có giá trị gì đâu nếu không có từ ngữ để diễn đạt? Cũng vậy, thinh lặng mà thiếu lời nội tâm, chẳng phải chỉ là sự trống rỗng của vô thức sao? Ở bình diện thứ hai, thinh lặng mở lòng để chúng ta nghe tiếng Chúa chạm đến ‘lòng’ mình; qua lời của Chúa Kitô và sự linh hứng của Thần Khí.

Như vậy, thinh lặng không phải là vắng bóng hay khước từ lời nói, nhưng trái lại; đấy là đón nhận lời nội tâm, nơi xuất phát của mọi lời bên ngoài. “Các tâm hồn chìm xuống trong thinh lặng, như vàng và bạc chìm xuống trong nước tinh khiết, và những lời chúng ta nói chỉ có ý nghĩa nhờ sự im lặng nơi nó tắm mình” (Maeterlinck, Le trésor des Humbles).

Nếu lời nói không được bao phủ, xen kẻ bằng thinh lặng, nó sẽ trở nên một loạt ngôn từ, và âm nhạc sẽ trở thành những âm thanh chói tai! Thiếu thinh lặng đi trước và theo sau, lời nói con người và âm nhạc chỉ còn là một chuỗi những âm thanh liên tục, khiến không ai chịu nổi! Thinh lặng đem lại cho mỗi ngôn từ và mỗi nốt nhạc sức nặng và màu sắc đặc trưng. Như thế, chẳng phải là tình cờ mà trong truyền thống Kinh Thánh, thinh lặng đi trước hoặc nối dài Lời, làm rõ nghĩa cho cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người. Những cảnh ‘Thần Hiển’ hay ‘Thiên Chúa tỏ mình’ thường được bao phủ bằng một sự thinh lặng cung kính bao la. “Còn Đức Chúa, Người ngự trong thánh điện, toàn thể trái đất, hãy thinh lặng trước nhan Người!” (Kb 2, 16). Và lời loan báo về một lần can thiệp của Người, vì lợi ích của dân Người, thường đi đôi với một lời mời gọi phải chờ đợi trong thinh lặng:

“Hãy thinh lặng trước tôn nhan Thiên Chúa,
Vì ngày của Chúa đã đến gần (Xp 1,7)
Hỡi các đảo, hãy thinh lặng nghe tôi,
Mong các dân được thêm sức mạnh
Tiến lại gần và lên tiếng nói!
Hãy cùng nhau ra tòa nào! (Is 40.1)
Hỡi mọi xác phàm, hãy thinh lặng trước nhan Đức Chúa!
Bởi vì Người tỉnh giấc và ra khỏi Nơi Thánh của Người (Dcr 2, 17).
Khi Con Chiên mở ấn thứ bảy, thì cả trời yên lặng chừng nửa giờ…(Kh 8,1)
Như thánh Gioan đã viết trong lời tựa tuyệt vời của ngài, “Lúc khởi đầu… Ngôi Lời là Thiên Chúa” và Ngôi Lời ấy như được bao phủ trong một sự viên mãn lặng thinh. “Khi vạn vật chìm sâu trong thinh lặng, lúc đêm trường chừng như điểm canh ba, thì từ trời cao thẳm, Lời toàn năng của Ngài đã rời bỏ ngôi báu” (Kn 18, 14-15).

Về vấn đề Đức Ki-tô nhập thể, thánh Phaolô nói rằng đấy là một mặc khải, là “Một mầu nhiệm vốn được giữ thinh lặng từ ngàn xưa, nhưng nay lại được biểu lộ như lời các ngôn sứ trong sách Thánh” (Rm 16, 25).

Thinh lặng đi trước và theo sau Lời Mặc Khải. Xưa kia cũng như ngày nay, Lời chỉ có thể “sinh ra” trong lòng một người, và trong lòng nhân loại thông qua một sự chín mùi lâu dài, trong thinh lặng và âm thầm: Sự thinh lặng siêu hình của Thiên Chúa, một tình yêu tác tạo.

Trích trong tập sách NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THINH LẶNG của Michel Hubaut
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:nẻo đường thinh lặng, giá trị của thinh lặng, nghệ thuật sống

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn