Mến Thánh Giá KỸ NĂNG SỐNG

Thinh lặng lò luyện con người mới

Thứ ba - 03/07/2018 23:02

Thinh lặng lò luyện con người mới

Những nẻo đường thinh lặng, kỳ 17

Mặc khải Kitô giáo thêm vào một lý do nặng cân cho biết; vì sao con người cảm thấy thật khó khăn để lòng mình được cư ngụ một cách thanh thản, để sống hạnh phúc cuộc đối thoại thân mật với Thiên Chúa; bi kịch mà truyền thống gọi là tội lỗi, sự đoạn tuyệt bí ẩn giữa con người với Đấng Tạo Dựng mình.

“Nghe bước chân Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi ban chiều, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn để khỏi gặp Thiên Chúa. Thiên Chúa gọi con người: “Adam, ngươi ở đâu?” (St 3,8). Cuộc đối thoại linh hứng này – được viết vào thời lưu đày, sau khi Giêrusalem bị tàn phá -  biểu hiện một cách hoàn hảo cuộc gặp gỡ khó khăn giữa Đấng Tạo Dựng với loài thụ tạo sau cuộc đoạn tuyệt ấy. Con người trở thành một hữu thể đầy nghịch lý: vừa khát mong hạnh phúc; được sống viên mãn, vừa lẫn trốn Đấng duy nhất có thể ban cho họ điều họ kiếm tìm.

Nhân danh tự do, họ đòi hỏi một sự tự quản tuyệt đối, họ đã liều mình đóng cửa lòng đối với tiếng gọi của Tình Yêu Thiên Chúa, là nền tảng và bảo đảm cho sự tự do mỏng manh của mình. Khát vọng của lòng họ trước đây hướng về Thiên Chúa, nguồn mạch của mình sự Tăng Trưởng và Hoàn Tất của mình, giờ đây như thể cuộn lấy vào chính mình.

Trong họ, lòng “Mong Muốn” được hạnh phúc nghĩa là khát mong Thần Khí – đã tản mát thành nhiều mong muốn ít nhiều phù du hay nhỏ nhé.

Từ ngày có cuộc đoạn tuyệt bí ẩn kia với Thiên Chúa, chính “lòng” chúng ta như lời thánh Phaolo, đã trở nên “Mê muội, ngái ngủ và tăm tối”. “Con người suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hóa ra mê muội; thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ ngẫu tượng” (Rm 1, 21 – 23). Vì ích kỷ hay kiêu căng, con người đã xem mình là trung tâm tuyệt đối, đối tượng duy nhất mà mình khát mong.

Trở thành nô lệ của các mong muốn không kiềm chế, bị phân tán theo mọi hướng, con người không tìm ra hạnh phúc, họ tự hủy hoại chính mình bằng cách khước từ Sự Sống. Tội lỗi không gì khác hơn là sự sa đọa của khát mong được hạnh phúc, một sự lệch lạc của lòng mong muốn yêu thương và được yêu thương, một sự cuộn tròn của lòng mong muốn và chính bản thân mình, một sự tôn thờ ngẫu tượng. Tội lỗi là lòng mong muốn được hạnh phúc đã bị xoay lạc hướng.

Ai biết con đường về với lòng mình để lắng nghe Khát Mong của Thần Khí, người ấy sẽ nhận ra rằng, dần dần, những mong muốn của mình sẽ không bị phủ nhận hay trấn áp, nhưng được tẩy sạch; định hướng lại đơn giản hóa.

Thinh lặng trở nên nơi hoán cải, nơi mà ta đi từ thái độ “tự ngắm” luôn hướng về mình, đến thái độ cởi mở đối với Thiên Chúa và tha nhân, những người mà chúng ta mong ước và yêu thương vì chính bản thân họ.

Khi quay lưng với Chúa, con người đã gây ra một loại “sã ngã”, mà một trong các hệ quả quan trọng nhất là đánh mất sự thống nhất của mình. Bị lưu đày xa “lòng” mình, việc liên lạc giữa “khả năng nội tâm này” với những khả năng khác như trí khôn và ý chí trở nên khó khăn. Điều này làm nảy sinh một khủng hoảng căn tính trầm trọng; vì có một khoảng cách giữa cái thực chất sâu xa của chúng ta: một hữu thể được tạo nên “theo hình ảnh và giống Thiên Chúa”, với cái mà chúng ta tưởng là mình, cái mà trí không chúng ta nghĩ ra.

Ai học cách mặc lấy sự thinh lặng cho lòng mình đón nhận Thần Khí, người ấy sẽ khám phá rằng Năng Lực thần linh của Tình Yêu sung mãn kia sẽ dần dần thấm sâu vào mọi khả năng mình, thống nhất toàn bộ con người mình. Năng lực ấy mở đường vào sự hiểu biết mới, ấy là con đường hiểu biết của Thần Khí và đường vào tình yêu mới, yêu bằng đức ái của Thần Khí.

Cuối cùng, phẩm chất của các tương quan của hành vi đời thường chúng ta tùy thuộc vào cái mà chúng ta tìm Đấng cư ngụ cho “lòng mình”, nơi mà Vương Quốc của Chúa Giêsu đã hiện diện.
Các nhà tâm lý ngày càng quan tâm đến việc thức tỉnh của các tương quan, cũng như họ quan tâm đến việc chiêm niệm, vì tác động hỗ tương giữa hai lãnh vực này ngày càng trở nên rõ rệt. Họ công nhận rằng sự thinh lặng chiêm niệm ảnh hưởng nhiều đến phẩm chất các tương quan gắn bó người với người.

Thật vậy, cần phải rất thinh lặng để đi từ tình yêu chiếm hữu đến tình yêu vô vị lợi, yêu thương người khác vì chính họ. Triết gia Lévinas, tuy không ngừng bảo vệ “quyền tha nhân”; vẫn khẳng định rằng chỉ có những người biết tạo một tương quan đích thực với sự cô tịch, mới có thể ở vào vị thế “thiết lập được một tương quan với tha nhân”.

Đa số các tôn giáo cho rằng thinh lặng là nơi thanh luyện. Đạo Phật thậm chí xem thinh lặng là vị thầy không thể thiếu được để diệt dục, vì dục vọng là nguồn mạch ảo tưởng làm cho người ta không nhìn thấy đúng các thực tại trần gian.

Truyền thống Kitô giáo, như chúng ta đã thấy, gán cho sự thinh lặng một mục tiêu khác hẳn. Sở dĩ việc suy niệm trong thinh lặng giúp chúng ta đi xuyên qua, và tẩy rửa các tầng lớp khác nhau trong đời sống tâm linh mình, đời sống ý thức cũng như vô thức, ấy là vì chúng ta tin rằng chỉ có Thần Khí là nguồn mạch của sự tự do mới của nội tâm: chính Ngài đã tạo ra một sự thân mật chân chính giữ chúng ta với Thiên Chúa và với loài người.

Sự thư thái bên trong chuẩn bị cho ta hiểu biết Đấng Khác, những người khác bằng trực giác. Đấy là sự hiểu biết của cõi lòng, vượt trên mọi tư tưởng, hình ảnh và ngôn từ. Sự hiểu biết ấy là hoa quả của tình yêu mở cửa vào điều mà truyền thống Kitô giáo gọi là “Thiên Chúa cư ngụ trong chúng ta”, một trong các chủ đề lớn trong Phúc Âm thánh Gioan, ở đấy Chúa Giêsu đã công bố rõ ràng: “Ngày ấy, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha và anh em ở trong Cha và anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em” (Ga 14, 20). Việc Chúa cư ngụ, theo hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi, là tình yêu thân mật nhưng không hề triệt tiêu những người mình yêu thương.

Thật cảm động khi đọc một đoạn của thánh Gioan: “Này Ta đứng ngoài cửa mà gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa cho Ta, Ta sẽ vào nhà người ấy và dùng bữa với người ấy” (Kh 3, 20). Chúng ta được tự do đón nhận tiếp hay khước từ sự thân mật mà Thiên Chúa đề nghị với chúng ta! Sự thinh lặng hẳn là cách tốt nhất để lắng nghe tiếng của Đấng đang gõ cửa lòng mình và mở cửa cho Người. Trong thinh lặng suy niệm, ta nhập môn vào sự hiệp nhất làm cho ta trở nên độc đáo, vào trong sự hiệp thông tình yêu, không phải là bị tan biến trong một Tổng Thể hoàn vũ nhưng trái lại mỗi người trở nên là mình hơn.

Thiếu cuộc học tập về tình yêu này – một tình yêu kết hiệp mà vẫn tôn trọng từng cá vị - mọi tương quan giữa người và người, mọi thân tình giữa vợ chồng, giữa ha mẹ con cái, giữa bằng hữu với nhau, sẽ trở nên khó khăn hơn.

Chỉ có Thần Khí Tình Yêu trong thinh lặng mới thanh luyện chúng ta và cứu thoát chúng ta khỏi mọi mong muốn chiếm hữu kẻ khác, hầu ta có thể kết hiệp với họ.

Ta có thể áp dụng cho sự thanh luyện nội tâm này câu chuyện dụ ngôn thật hay của Chúa Giêsu, khi Ngài mời gọi chúng ta bán đi, đánh mất đi mọi sự trong vui tươi, để tậu lấy kho tàng cất giấu trong lòng chúng ta, trong lòng người khác: đấy là tình yêu đích thực” (Mt 13, 4).

Trích trong tập sách NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THINH LẶNG của Michel Hubaut
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:những nẻo đường thinh lặng, nghệ thuật sống thinh lặng, giá trị của thinh lặng, giáo dục nhân bản

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn