Mến Thánh Giá LINH ĐẠO

ĐỨC CHA PIERRE LAMBERT, ĐỐI VỚI CHỊ, NGÀI LÀ AI?

Thứ ba - 18/01/2022 21:56

ĐỨC CHA PIERRE LAMBERT, ĐỐI VỚI CHỊ, NGÀI LÀ AI?


Trong những ngày được ở lại Nhà Mẹ Hội Dòng, tôi vô tình gặp một cuốn sách mà tiêu đề in đậm vào tâm trí tôi ngay từ khoảnh khắc đầu tiên cầm trên tay. Tựa đề cuốn sách là: Người Cha bị lãng quên của công cuộc truyền giáo hiện đại – Pierre Lambert de La Motte, Đại diện Tông Tòa tiên khởi Đàng Trong. Tựa sách ấy khơi lên trong tôi một tình yêu xen lẫn nỗi buồn. Yêu vì cuộc đời thầm lặng của Cha đáng khâm phục, buồn vì chính tôi là con cái của ngài cũng chưa biết và hiểu ngài cho đủ. Tôi tự nhủ phải chăng đây là cơ hội để xây dựng lại hình ảnh của Cha trong tôi? Tôi cảm thấy tự tin vì hành trình này tôi không làm một mình nhưng trong cùng một thao thức của đại Gia đình Mến Thánh Giá, hơn nữa cũng của Giáo Hội Việt Nam, một Giáo Hội mà Đức Cha Lambert đã dày công vun trồng.

Những nỗ lực làm sống lại hình ảnh Đức Cha Lambert de la Motte
Một trong những công trình quan trọng làm sống lại hình ảnh Đức Cha Pierre Lambert là sự ra đời cuốn sách “Người Cha bị lãng quên của công cuộc truyền giáo hiện đại” của sử gia người Pháp, Francoise Fauconnet. Tựa đề của quyển sách được tác giả chọn với ý nghĩa[1]: “Bà nhận thấy rằng Đức Cha Pierre Lambert là một người rất vĩ đại và có nhiều đóng góp vô cùng to lớn cho xã hội và Giáo Hội Công Giáo nhưng lại có rất ít sách viết về Ngài mà các sách được viết ra lại chưa trình bày đầy đủ chân dung của Đức Giám Mục này với những nét nhân bản và tâm lý của Ngài, nhất là chưa đặt Ngài vào trong bối cảnh chính trị, xã hội và tôn giáo thế kỷ XVII. Hơn nữa, bà muốn nói lên thực trạng Đức Cha Pierre Lambert đã không được đánh giá đúng mức thậm chí không được chấp nhận bởi nhiều người đương thời. Bà xem đó như một bất công của lịch sử và bà muốn phục hồi danh dự, uy tín cũng như trả lại sự công bằng cho Ngài, nên bà được thôi thúc muốn thực hiện một cuộc nghiên cứu sông rộng để giới thiệu một chân dung đầy đủ hơn của nhân vật mà bà gọi là “Người Cha bị lãng quên”.

Đặc biệt hôm nay, trên quê hương Việt Nam, tên của hai vị Đại Diện Tông Tòa tiên khởi Francoise Pallu và Pierre Lambert de La Motte nay được nhắc đến. Đó là kết quả của hành trình dài trở về nguồn của Giáo Hội Việt Nam và của chị em Mến Thánh Giá. Thật vậy, năm 2001, Nhóm nghiên cứu linh đạo Mến Thánh Giá đã thực hiện ước mơ trở về nguồn với chuyến hành hương xuyên việt. Đặc biệt là trở về thăm lại cái nôi đầu tiên của Mến Thánh Giá tại Kiên Lao, Bái Vàng. Trong chuyến đi này nhóm đã nói lên ước nguyện xin phong thánh cho Đấng Sáng Lập với các Đấng Bản Quyền sở tại và được các Ngài vui mừng và khích lệ. Cũng trong dịp này nhóm đã thu thập được sử liệu của các Hội dòng Mến Thánh Giá và cho xuất bản quyển sách lịch sử Dòng Mến Thánh Giá vào năm 2018. Hành trình làm sống lại hình ảnh Người Cha bị lãng quên đã được quyết định chính thức của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam xin mở án phong thánh cho các ngài trong khóa họp tháng 4.2019[2]. Mở án phong thánh đồng nghĩa với việc tái khám phá con người của các ngài, cũng như hành trình các ngài đón nhận cả những ưu lẫn khuyết điểm của mình để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô và dấn thân cho Ngài.

Đọc lại lịch sử, nhìn về diễn tiến của các sự kiện, tôi thật ngỡ ngàng vì việc Thiên Chúa làm một cách tiệm tiến trong dòng thời gian, khi thấy sự kiện này làm nền tảng và tiền đề cho sự kiện kia qua những trung gian Chúa dùng để nhắc nhớ lại và làm sống lại chân dung cũng như gương sống của Đức cha Pierre Lambert de la Motte trên mảnh đất Việt Nam, trong Giáo hội Việt Nam để từ nay Ngài không còn bị lãng quên nữa.

Hình ảnh của Đức Cha Lambert de la Motte trong cuộc sống của tôi
Đối với tôi, trước khi đặt chân đến Nha Trang và gia nhập Tu viện Mến Thánh Giá, tôi chưa từng nghe đến cái tên Đức cha Pierre Lambert de la Motte. Bởi vì ơn gọi của tôi không xuất phát từ việc tìm hiểu tên Dòng, Đấng Sáng Lập, Linh đạo. Thế rồi tôi được học về ngài chỉ như một môn học mà tôi phải học với tầm quan trọng: ngài là Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang mà tôi đang tìm hiểu. Đối với tôi lúc bấy giờ ngài không khác gì một nhân vật nổi danh trong lịch sử và tên của ngài chỉ được vang lên trên môi miệng tôi trong từng tiết học Linh đạo, Hiến chương. Vì thế, ngài không có chỗ đứng trong trí nhớ và trong cuộc sống của tôi là bao. Nhưng chính sự ngỡ ngàng trên như một luồng gió mới thổi đến thức tỉnh tôi, một nỗi buồn khắc khoải đưa tôi đến khao khát muốn tìm hiểu và yêu mến ngài. Tôi cảm thấy mình còn thiếu sót quá nhiều trong đạo nghĩa làm con với người Cha thiêng liêng cao cả này. Tôi đang đi theo con đường Ngài đã được soi sáng và chính Ngài đã dạy tôi cách bước đi để xứng đáng với ơn gọi Mến Thánh Giá. Cho đến một ngày niềm khắc khoải ấy thôi thúc tôi đến trước Thánh Thể Chúa và cầu xin Ngài ban cho tôi “ơn hiểu biết và yêu mến Đức Cha Lambert de la Motte”. Từ ngày ấy, Chúa chẳng định nghĩa cho tôi về Đức Cha đâu cũng chẳng nói cho tôi biết cách để yêu mến ngài đâu nhưng cho tôi những cảm nghiệm về Cha qua rất nhiều biến cố mà Chúa cho tôi được trải nghiệm trong cuộc đời mình. Nhớ lời Cha dạy nên tôi chẳng bao giờ phàn nàn hay than trách về những thánh giá trong đời mình vì theo Cha đó là các phương thế chắc chắn nhất mà Thiên Chúa nhân hậu trao cho để tôi đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu. Từ những thử thách trong cuộc sống của mình giúp tôi ngẫm về ơn gọi và gương sống của Cha cách đây 350 năm. Cha cũng đã trải qua rất nhiều thách đố và thăng trầm của trách vụ là Đại Diện Tông Tòa đầu tiên của Châu Á trong sứ mạng truyền giáo. Qua đó đã giúp tôi mạnh mẽ, can đảm và cảm nghiệm được thế nào là tình yêu phi thường mà Cha mời gọi và đòi hỏi nơi một tữ tu bình thường như tôi. Cha đã giúp tôi ý thức mình chỉ là khí cụ mà Chúa sử dụng khi Ngài muốn và lúc Ngài cần. Từ đó tôi cảm thấy mình không còn biết Cha qua những sử liệu nữa nhưng khuôn mặt Cha hiện dần lên trong trí và lớn dần lên trong tim và cũng thật gần gũi với cuộc sống và ơn gọi Mến Thánh Giá của tôi. Nay các biến cố Chúa cho tôi trải nghiệm như đang dần lắng xuống, các nét thẳng đang dần hiện lên trên những đường cong trong bàn tay của Thiên Chúa nhưng những tàn tích ấy vẫn còn. Tôi tiếp tục chạy đến với Cha và dâng lên Cha những tàn tích này với ước mong nhờ sự chuyển cầu qua gương sống thánh thiện của Cha Thiên Chúa sẽ chữa lành.

Trong tôi lời mời gọi ấy là cả một sự xác tín sâu xa thôi thúc tôi trong cầu nguyện. Nhưng tôi cảm thấy một mình tôi không đủ sức và tôi cũng muốn danh Lambert được vang lên trên nhiều môi miệng và được khắc thêm vào trong nhiều tâm hồn hơn nữa. Gần với tôi nhất để tôi có thể làm điều này là gia đình. Chính sự thôi thúc ấy đã giúp em mạnh dạn gợi ý lời Kinh mà Giáo Hội Việt Nam soạn thảo để xin ơn Chúa qua Đức Cha về gia đình và khuyến khích mọi người cùng đọc với tôi trong ý nguyện chung của gia đình dâng lên Thiên Chúa. Cảm xúc cũng thật lạ khi em tập cho ba và mọi người trong nhà đọc tên hai Đức Cha. Tôi cảm thấy lòng mình tràn ngập niềm vui. Ba và mọi người không phải là những tu sĩ Mến Thánh Giá, cũng không là thành viên của Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế, không được học hiểu về Cha nên tên Lambert được mọi người đọc lên dường như rất có giá trị và sâu sắc hơn tôi rất nhiều. Tôi thật cảm động, trong giờ kinh tối hôm đó khi tên hai Đức Cha được vang lên trong ngôi nhà ấm cúng và nhỏ bé của tôi.

Giờ đây giữa tôi và Cha không còn là khoảng cách của 350 năm nhưng thật gần tựa như mới ngày hôm qua vậy và cảm giác đó thật lạ. Hình ảnh Ngài rất gần gũi với cuộc sống của tôi, trong từng biến cố cuộc đời tôi, từng cảm nghiệm thiêng liêng của tôi với Chúa đều hiện lên hình ảnh của ngài. Có khi chỉ nghĩ đến ngài thôi mà lòng tôi trào dâng rất nhiều cảm xúc, cổ họng em nghẹn ứ. Tự nhiên tiếng “Cha ơi” vang lên cách âm thầm trên môi miệng nhưng tha thiết trong lòng tôi. Tôi muốn gọi tên Ngài bằng tình yêu của người con với tất cả lòng biết ơn sâu sắc. Tôi biết ngài là một con người quảng đại và quên mình, tất cả chỉ vì Thiên Chúa được tôn vinh mà thôi thì Ngài đâu cần đến sự tôn vinh của người đời, nhưng trong tâm tưởng của người con, tôi bồi hồi xúc động khi nghĩ đến Ngài và tôi ước mong ngài sớm được Giáo Hội công nhận là gương thánh thiện và sớm được tôn vinh trong hàng ngũ các thánh. Tôi cũng ước mong cho mọi người hiểu biết, yêu mến Ngài và làm những gì có thể để nói lên điều đó.

Hơn ba thế kỷ đã trôi qua, sự quên lãng của lịch sử không thể khép lại một cuộc đời cũng như những hương thơm nhân đức của Cha. Nhưng ai có thể làm sống lại hình ảnh của ngài nếu không phải là các con cái mà ngài đã sinh ra? Vậy nếu Đức Cha Lambert là một người rất quan trọng và ảnh hưởng sâu sắc trên cuộc đời của Chị, hãy chứng tỏ điều đó ra cho mọi người được biết. Tôi thiết nghĩ đây cũng là một đòi hỏi dành cho một chị tữ tu Mến Thánh Giá để cùng với những nỗ lực của Giáo Hội Việt Nam và mọi thành phần dân Chúa góp phần làm tôn vinh kỳ công tuyệt diệu Chúa đã làm qua Đức Cha Lambert. Vậy nếu có một thôi thúc nào đó hãy bắt đầu Chị nhé!
 
 

[1] X. Francoise Fauconnet-Buzelin, Người Cha bị lãng quên của công cuộc truyền giáo hiện đại, Sư huynh Lucien Hoàng Gia Quảng (chuyển ngữ), Nxb Phương Đông, Tp. HCM 2015, tr. 7 – 9.
[2] X. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Tiểu sử Đức Cha Francois Pallu và Đức Cha Pierre Lambert de La Motte, Nhà xuất bản Tôn Giáo, Tp. HCM 2020, 5.
 


 

Tác giả bài viết: Nến Nhỏ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:Đức Cha Pierre Lambert de La Motte, linh đạo Mến Thánh Giá, Lịch sử dòng Mến Thánh Giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn