Mến Thánh Giá LINH ĐẠO

THÁNG MỘT CỦA ĐỨC CHA LAMBERT

Thứ ba - 02/01/2018 10:52

THÁNG MỘT CỦA ĐỨC CHA LAMBERT

Chúng ta vừa bước vào tháng 01, có ba sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Đức Cha Lambert trong tháng này. Những sự kiện đó là: Đức Cha Lambert chào đời ngày 28. 01. 1624, Ngài lập Hội Tông Đồ ngày 06. 01. 1665 và vào ngày 15. 01. 1672 Ngài tổ chức Công Đồng Hội An.

Cuộc đời Đức Cha Lambert  nằm gọn trong lòng thế kỷ XVII (1624 – 1679). Ngài sinh ra và lớn lên dưới triều đại vua Louis XIII (1610 – 1643). Ngài chọn hướng đi cho đời mình và thực hiện lựa chọn đó dưới triều đại vua Louis XIV (1643 – 1718). Thiết tưởng cũng nên nhìn lại một chút về khung cảnh xã hội và Giáo Hội nước Pháp lúc bấy giờ.

Chúng ta có thể thấy rằng thế kỷ XVII thật đặc biệt. Cái đặc biệt ấy không thể hiện trong những phát minh tiến bộ kỹ thuật nhưng là một bối cảnh đậm màu thiêng liêng. Người ta gọi thế kỷ này của nước Pháp là thế kỷ của tâm linh. Được mô tả như sau[1]:

Thế kỷ XVII của nước Pháp đã được mệnh danh là “Thế kỷ các Thánh”. Trong đó, các đỉnh cao của thần bí hòa tan vào những hành động đầy tràn bác ái; thế kỷ có nhiều sáng kiến đổi mới, giáo sĩ và giáo dân, nam giới và nữ giới, những nhà thông thái và những người kém học thức kết hợp niềm say mê và lòng nhiệt thành của họ thành một sự sôi động tôn giáo lạ thường; thế kỷ sáng ngời bởi những khuôn mặt vĩ đại như Giám mục Francois de Sales, Đức Hồng Y Pierre de Bérulle, bà Acarie, linh mục Vicent de Paul, linh mục Jean Eudes, linh mục Jean-Jacques Olier, ông Gaston de Renty, Giám mục Bossuet, Giám mục Fénelon và bao nhiêu người khác. Các ngài được vô số tâm hồn, tuy đơn sơ giản dị hơn nhưng không kém hăng say ủng hộ, gợi hứng, noi gương hay phục vụ, có người còn được những ơn thần bí đặc biệt, đó là những nữ tu khiêm hạ, những chị chăn chiên hay chăn bò, những cô chủ quán, những người giúp việc, những chị thợ may. Từ những người vô danh này, có vài tên tuổi nổi bật: Marguerite du Saint Sacrement, Marie des Vallées, Benoite Rencurel, Marie Rousseau, Henri Buch…đã góp phần phục hưng Giáo Hội Pháp bằng lời cầu nguyện và lòng tận tụy của họ. Họ là những người độc thân, những người làm cha, làm mẹ, những người góa bụa hay mồ côi, lãnh Chúa hay mệnh phụ thuộc giới trung lưu ít nhiều khá giả, giới thợ thuyền hay giới bần cùng… Thần Khí thổi theo hướng Ngài muốn và đôi khi chúng ta không ngờ, trong những năm sôi sục tôn giáo, tiếp theo sau chấn thương đẫm máu mà các cuộc chiến tranh tôn giáo đã để lại cho nước Pháp. Sau những thập niên đấu tranh huynh đệ tương tàn không thương tiếc, những người hô hào tái thiết Công Giáo lúc đó được thúc đẩy bởi một bầu nhiệt huyết tuyệt vời. Họ muốn chuyển đổi bạo lực của những người đi trước thành hy sinh phục vụ tha nhân. Đức Cha Pierre Lambert de La Motte thuộc về thế giới đó.

Nước Pháp thế kỷ này đã cống hiến cho thế giới nhiều nhân vật vĩ đại như trong phạm vi văn học có tên tuổi nổi bật là: Cornielle, Racine, Molière; trong phạm vi triết học thì không thể không nhắc tới: Descartes và Pascal[2].

Sống trong bối cảnh như thế chắc chắn Đức Cha Lambert người con của Giáo Hội Pháp thế kỷ XVII, sinh ngày 28 tháng 01 năm 1624, tại Lisieux thuộc vùng hạ Normandie phía Tây Bắc nước Pháp, đã đón nhận nhiều và cũng cống hiến phần mình trong gia sản thiêng liêng vĩ đại ấy.

Cuộc đời thơ ấu của Ngài được ghi lại rằng: Là con trong một gia đình đạo đức của ông Pierre Lambert de la Motte và bà Catherine Heudey de Pommainville. Cậu Phêrô Maria Lambert thường hay tiếp xúc với giới nông dân và chia sẻ của cải vật chất cho người nghèo. Cậu say mê đọc sách và suy niệm sách Gương Phước, một tác phẩm linh đạo đã ảnh hưởng sâu sắc trên đời sống Giáo Hội thừ hai thế kỷ trước. Lúc lên chín tuổi, năm 1633, cậu được ơn soi sáng: những người yêu mến Thánh Giá Chúa Giêsu nên quy tụ lại thành một Dòng mang tên Mến Thánh Giá, lấy từ đầu đề chương 11, quyển II của tác phẩm đó.

Sớm mồ côi cha mẹ và là trưởng nam trong gia đình gồm bảy anh chị em, Phêrô Maria Lambert phải gánh vác việc nhà, nên không hề nghĩ tới ơn gọi làm linh mục hay tu sĩ. Tuy nhiên, trong thời gian theo học chương trình trung học tại trường Dòng Tên ở Caen, cậu được Cha Hayneuve, đồ đệ của Cha Louis Lallemant, khai tâm về đời sống cầu nguyện để tìm ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần. Sau đó, cậu được Cha Hellé Dòng Bé Mọn hướng dẫn vào đời sống khổ hạnh, đặc điểm nổi bật của Dòng này. Do ảnh hưởng của cha linh hướng, cậu trở thành thành viên của Dòng Ba Bé Mọn. Nhờ vậy, cậu tập thói quen tốt lành là nguyện gẫm mỗi ngày hai giờ, ăn chay nhiều lần trong tuần và rước lễ hằng ngày, một điều hiếm thấy trong thế kỷ XVII.

Những thói quen đạo đức tốt lành của thời niên thiếu ấy đã nuôi sống đời sống thiêng liêng và làm nền tảng cho sứ vụ mục tử của Ngài tại Pháp cũng như nơi vùng đất truyền giáo Á Đông xa xôi. Vì thế, Ngài lập Hội Tông Đồ trong dịp kết thúc Công Đồng Juthia (Thái Lan) vào ngày lễ Chúa Hiển Linh (ngày 06 tháng 01 năm 1665)[3]. Từ những nhận định thực tế về đời sống của các tăng lữ Phật giáo, các thừa sai và các tín hữu, Đức Cha Lambert đi đến quyết định lập Hội Tông Đồ với đời sống trổi vượt phi thường. Các thành viên tuyên ba lời khấn tư theo nghĩa nội tâm, nguyện ngắm ba giờ mỗi ngày, không nằm giường nệm, không dùng thuốc chữa bệnh khi đau ốm, ăn chay, kiêng thịt, kiêng rượu bia quanh năm kể cả Chúa Nhật, trừ ba ngày lễ : Giáng Sinh, Phục Sinh và Hiện Xuống. Do uy tín và tài thuyết phục của Đức Cha Lambert, các thành viên Công Đồng tuyên khấn vào lễ Hiển Linh ngày 06. 01. 1655. Nhưng đến năm 1669 Tòa Thánh trả lời không phê chuẩn Hội Tông Đồ vì qui luật quá nghiêm nhặt, không phù hợp với đời sống vất vảm, nhọc nhằn của các thừa sai hoạt động tại một vùng khí hậu khắc nghiệt. Đức Cha Lambert vui lòng đón nhận quyết định của Tòa Thánh.

Cũng vào tháng 01, chính xác là ngày 15. 01. 1672, trong lần kinh lý Đàng Trong lần thứ I, Ngài đã khai mạc Công Đồng Hội An, trên hòn đảo nhỏ Chiêm Bồng gần Hội An[4]. Công Đồng do Ngài chủ tọa với sự hiện diện của ba thừa sai Pháp, hai linh mục bản quốc là cha Giuse Trang và Luca Bền và khoảng ba mươi thầy giảng.

Công Đồng thông qua một nghị quyết gồm mười điều liên quan đến việc công bố những sắc dụ của Tòa Thánh về quyền bính các Đại diện Tông Tòa mà tất cả các tu sĩ, thầy giảng và giáo dân phải tùng phục. Công đồng xác định nhiệm vụ của các thầy giảng và ban quý chức trong giáo xứ, nhắc lại một vài quy tắc về đời sống hôn nhân, nhất là kêu gọi tín hữu phải sẵn sàng can đảm tuyên xưng đức tin ra bên ngoài chứ không chỉ giữ đạo trong lòng.

Qua ba biến cố quan trọng này của cuộc đời của người Cha đáng kính, chúng ta học nơi Ngài tâm hồn yêu mến các việc đạo đức và say mê Thiên Chúa; học nơi Ngài một tâm hồn vâng phục trong nhẹ nhàng, bình an và vui tươi ngay cả trong những công việc đạo đức và tốt lành bị từ chối; những quyết định tông đồ luôn dựa trên nhận định thực tế. Cũng như chúng ta cám ơn Ngài đã tổ chức và củng cố đời sống Giáo Hội Việt Nam, một Giáo Hội chắc chắn luôn luôn được Ngài bầu cử từ nơi Thiên Quốc.

 
 
 
Căn nhà nơi Đức Cha Lambert sinh ra

 
 

Nhà Đức Cha bây giờ là một cửa hàng dụng cụ âm nhạc
 
 
 
Nhà thờ nơi Đức Cha được rửa tội nằm đối diện với nhà của Ngài bên kia đường

[1] Lucien Hoàng Gia Quảng (dịch), Người Cha bị lãng quên của công cuộc truyền giáo hiện đại. Pierre Lambert de La Motte đai diện Tông Tòa tiên khởi Đàng trong 1624 – 1679, NXB Phương Đông, Tp. HCM 2014,  tr. 44. Dịch từ cuốn: Le père inconnu de la Mission moderne, Pierre Lambert de la Motte, premier vicaire apostolique de Cochinchine, 1624 – 1679, Archives des Missions Étrangères, Paris 2006.
[2] Bút tích và tiểu sử Đức Cha Phê rô Maria Lambert de la Motte, Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá, lưu hành nội bộ, tr. 5.
[3] Tóm lược tiểu sử Đức Cha Phê rô Maria Lambert de la Motte Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá, Lưu hành nội bộ, tr. 26 – 27.
[4] Như trên, tr. 32 – 33. 

Tác giả bài viết: MTG Nha Trang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:Tiểu sử Đức Cha Lambert, Đức Cha Lambert de la Motte, Vâng phục, khổ chế, Giáo Hội Pháp thế kỷ 17

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn