Mến Thánh Giá MẸ MARIA

MẸ MARIA, KIỂU MẪU CỦA NHÂN ĐỨC

Thứ bảy - 09/06/2018 01:06

MẸ MARIA, KIỂU MẪU CỦA NHÂN ĐỨC

Khi biết rằng một người nào đã đi con đường, mà chúng ta đang bước theo và con đường đó dẫn đến nhà, có thể khiến cho chúng ta can đảm. Trong can đảm bước đi bởi đức tin, cố gắng với đức cậy và sống động với đức mến, Mẹ Maria là mẫu gương đã đi trước chúng ta.

Có một câu chuyện cổ xưa về một người bộ hành đang đi xuống trên một con đường mòn dốc dác. Ông vấp phải một hòn đá và rớt xuống vực thẳm. Trong lúc lăn lông lốc xuống ông túm được một cành cây cứu ông khỏi trượt dài xuống những tảng đá hun hút bên dưới. Bị treo ở đó ông thấy rằng mình không thể leo lên được. Trong lực tuyệt vọng ông kêu cứu liên tục “Cứu tôi với, cứu tôi với. Có ai cứu tôi với”. Cuối cùng ông nghe một giọng oai nghi: “Có Ta đây, Ta sẽ giúp con, Ta là Chúa nhưng con phải tin vào Ta!”. Người bộ hành kêu lên: “Cám ơn Chúa, con tin vào Chúa, con tin vào Chúa”. Chúa trả lời: “Tốt thôi, bây giờ con hãy buông cành cây ra”. Một phút thinh lặng, người bộ hành nhìn xuống những tảng đá lởm chởm bên dưới, khi đó ông kêu lên: “Có ai ở trên đó cứu tôi với!”.

Thật là khó để phó thác hoàn toàn chính mình cho Thiên Chúa, nhưng chẳng bao lâu sau đó, ít là trong giờ chết chúng ta phải “đi thôi”. Hãy biết rằng, chúng ta phải rơi vào tay của Thiên Chúa hoặc vào hư không đời đời.

Đó là lý do vì sao mà sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo bắt đầu với những lời tuyên xưng đức tin  của chúng ta vào Thiên Chúa. Chúng ta được Thiên Chúa dựng nên để hiểu biết Thiên Chúa và trái tim chúng ta sẽ  không nghỉ yên cho tới khi nào nó nghỉ ngơi nơi Thiên Chúa. Tội lỗi của chúng ta và những giới hạn của thế  gian cho thấy không thể tìm thấy sự bình an cho đến khi chúng ta chấp nhận sự cứu thoát mà Chúa Giêsu đã hiến tặng cho chúng ta. Những câu hỏi trong tâm trí chúng ta sẽ tìm thấy câu trả lời. Chỉ trong sự khôn ngoan và ánh sáng được ban cho bởi Chúa Thánh Thần. Chúng ta phải tiến bước trong đức tin.

Liên kết mật thiết với đức tin là đức cậy và đức mến. Thiên Chúa đã hứa rằng chúng ta có thể tìm thấy hạnh phúc sau cùng ở nơi sau hết mà chúng ta có lẽ hy vọng tìm thấy nó nơi sự chết. Sự chết xuất hiện vào cuối cuộc sống gian trần của chúng ta nhưng đó thật sự là bắt đầu cuộc sống mới. Con đường đưa đến một sự sống không bao giờ tận cùng. Nhưng chúng ta không thể thấy xuyên qua con đường này với cái nhìn của đôi mắt thể lý được mà chúng ta phải hy vọng vào những gì Thiên Chúa đã hứa ban. Thiên Chúa sẽ hoàn thành cho chúng ta.

Đời sống và sự giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô đã tỏ lộ Thiên Chúa là tình yêu. Chúng ta hiện hữu bởi vì Thiên Chúa muốn thông chia tình yêu với chúng ta. Sự hạnh phúc mà chúng ta kinh nghiệm trong những liên hệ của con người, cung cấp cho chúng ta cái nhìn vui mừng mà niềm vui mừng đó có thể là của chúng ta, khi chúng ta cởi mở chính mình cho tình yêu Thiên Chúa và khi chúng ta thông chia tình yêu đó cho những người khác. Sự viên mãn của niềm vui này chỉ đến khi chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa diện đối diện trên thiên đàng. Nhưng đức tin bảo đảm cho chúng ta rằng chúng ta cũng sẽ tìm thấy hạnh phúc ngay ở dưới đất này bởi yêu mến Thiên Chúa với trọn con tim của chúng ta và biết yêu mến tha nhân như chính mình.

Đức tin, đức cậy và đức mến được gọi là ba nhân đức “đối thần”, bởi vì chúng là những đặc ân đến từ Thiên Chúa và quyết định sự liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Tuy nhhiên, sống những nhân đức này có thể gặp nhiều khó khăn.

Những nghi ngờ tấn công những cố gắng của chúng ta để tin vào Thiên Chúa và vào Lời Chúa hứa. Những sợ hãi đập tan sự trông cậy, làm chúng ta tự hỏi phải chăng đời sống sau cái chết chỉ là một ảo ảnh. Sự ích kỷ làm khô cứng tình yêu, cản trở chúng ta không nhận biết có sự hạnh phúc trong việc cho hơn là nhận. Phải! Thật khó khăn lắm để hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa và buông khỏi cành cây.

Một kiểu bắt chước

Khi những nghi ngờ, sợ hãi và ích kỷ tấn công chúng ta, điều đó có thể là một nguồn sức mạnh rất lớn để nhận biết rằng chúng ta không cô độc. Khi biết rằng một người nào đã đi con đường, mà chúng ta đang bước theo và con đường đó dẫn đến nhà, có thể khiến cho chúng ta can đảm. Trong can đảm bước đi bởi đức tin, cố gắng với đức cậy và sống động với đức mến, Mẹ Maria là mẫu gương đã đi trước chúng ta. Đời sống của Mẹ trên trần gian này với tư cách là Mẹ của Chúa Kitô đã là một đời sống của đức tin, cậy, mến. Ngày nay, là Mẹ của Giáo Hội, Mẹ là một người bạn đồng hành giúp đỡ chúng ta tin, phó thác và chăm sóc chúng ta.

Mẹ Maria cũng là một kiểu mẫu cho mọi nhân đức của mỗi ngày sống. Mẹ đã là cô gái nhỏ và lớn lên qua thời phụ nữ. Mẹ có cùng những giấc mơ và hy vọng như chúng ta. Mẹ vui hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên và tình bằng hữu giữa những người Mẹ yêu mến. Mẹ góp ý về những vấn đề như sự công chính, sự quan hệ của Thiên Chúa cho những người yếu đuối và thấp hèn. Như là một người phụ nữ đã kết hôn, Mẹ thức dậy từ sáng sớm và thu dọn nhà cửa, lo bữa ăn cho gia đình, giặt giũ quần áo, thăm viếng láng giềng, đi chợ… Mẹ đã biết những gì là nghèo, sợ hãi và cô độc. Mẹ phải chịu đựng cảnh lìa xa nhà cửa và họ hàng, bị hiểu lầm và bị chỉ trích. Mẹ phải chấp nhận cái chết của người chồng và chứng kiến cuộc hành hình độc ác Người Con của Mẹ. Mẹ đã thích nghi với những trường hợp thay đổi và mở rộng tầm nhìn của Mẹ tới những chân trời để tiếp đón vào trong đời sống Mẹ những kẻ là những phần tử của Giáo Hội, là thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu.

Cuối cùng, sau một cuộc sống hoàn hảo trong tình yêu, không vương tội lụy, Mẹ Maria được Con Mẹ mang đến vinh quang thiên đàng và chúng ta cũng vậy, là những người bước theo Chúa Kitô, chúng ta ngước mắt nhìn lên Mẹ Maria “Đấng chiếu sáng trên toàn thể cộng đoàn là những kẻ tuyển chọn như một kiểu mẫu của mọi nhân đức” (Hiến chế Tín Lý về Mặc Khải của Thiên Chúa, s. 65).

Bất kể chúng ta là ai, hoàn cảnh nào, Mẹ Maria vẫn luôn là một kiểu mẫu cho chúng ta bắt chước. Đầu tiên chúng ta sẽ thấy Mẹ là ương mẫu nơi đức tin, đức cậy và đức mến như thế nào đã, rồi khi đó chúng ta mới xem xét một số cách thức Mẹ Maria là khuôn mẫu các nhân đức của đời sống hằng ngày.

Mẹ Maria kiểu mẫu của đức tin

Hãy tưởng tượng rằng bạn là một người phụ nữ Do Thái trẻ đang cư ngụ tại một ngôi làng nhỏ không ai biết đến, trong một đất nước nghèo khổ. Một thiên thần bất chợt xuất hiện với bạn và yêu cầu bạn trở nên Mẹ của Thiên Chúa, bạn cảm thấy thế nào?

Điều này thật sự xảy ra cho Mẹ Maria, Mẹ phải ngạc nhiên lắm “có phải tôi mơ không, tại sao Thiên Chúa lại có thể chọn tôi vào một trách nhiệm quá lớn lao đối với một con người như vậy? Ngay khi thiên thần Gabriel đã cả quyết với Mẹ rằng những yêu cầu đó là thật, Mẹ Maria đã phải thực hiện một hành vi đức tin tuyệt vời: “Vâng, tôi chấp nhận, tôi không biết những gi tương lai sẽ tới, nhưng tôi phó thác hoàn toàn trong tay Chúa. Nếu Thiên Chúa, Đấng đã sáng tạo thế gian và biết tất cả mọi sự, cho rằng tôi xứng đáng và có khả năng, vì tôi là tôi tá của Chúa”.

Đức tin là nhân đức đối thần, bởi nhân đức đó mà chúng ta tin vào Thiên Chúa và tất cả những gì mà Thiên Chúa nói và dã mặc khải cho chúng ta…bởi vì Thiên Chúa là chính Sự Thật (GLHTCG 1814) Mẹ Maria chấp nhận những gì Mẹ nghe từ thiên thần Gabriel, bởi vì sự thật đó được chính Thiên Chúa bảo đảm. Không có gì ngạc nhiên khi sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (GLHTCG 148) gọi Mẹ Maria là “Sự hiện thân hoàn hảo của đức tin”. Không có gì dáng ngạc nhiên khi Thánh Kinh ngợi khen Mẹ vì đức tin của Mẹ: “Phúc cho Bà đã tin rằng những Lời Chúa nói cùng Bà sẽ được thực hiện” (Lc 1, 45). Chúng ta biết rằng vào thời gian đầy đủ Thiên Chúa đã làm những điều trọng đại qua Mẹ Maria nhưng Mẹ không thể thấy tương lai. Mẹ chỉ có thể đặt đức tin của Mẹ vào Thiên Chúa.

Thánh Kinh đã nói về những dấu hiệu đi kèm theo với việc Con Mẹ sinh ra: các thiên thần, các mục đồng, một ngôi sao lạ, những người khôn ngoan tới từ Phương Đông. Những điều kỳ diệu đó hẳn là củng cố thêm đức tin cho Mẹ. Nhưng đức tin của Mẹ chẳng bao lâu đã phải sáng soi con đường xuyên qua bóng tối. Đầu tiên xảy ra bởi lời tiên báo của ông già Simeon nơi đền thờ, “Đứa trẻ này là cớ cho người ta chống đối để từ bên trong nhiều tâm hồn được biểu lộ - và một lười gươm sẽ xuyên thấu tâm hồn Bà” (Lc 2, 34 – 35). Mẹ Maria nhận biết điều đó, khi Con của Mẹ đối đầu với sự cay đắng và Mẹ đã phải đau khổ nhiều. Những gì mà Simeon tiên báo đã bắt đầu tự bấy giờ, những nổ lực chống lại đời sống của Chúa Giêsu, cuộc tị nạn sang miền đất ngoại quốc, khi trở về xây dựng lại căn nhà mới.

Rồi sau đó là những năm bình lặng đời thường, Mẹ Maria nhận đồ thêu, dạy trẻ Giêsu nói và đọc, nhìn ngắm Người lớn lên, làm việc và chơi đùa, điều đó phải dùng một đức tin lớn lao để thấy Giêsu là “con của Đấng Tối Cao” (Lc1 , 32). Cái nếp cũ bị đảo lộn bởi kinh nghiệm thương đau khi Chúa Giêsu lớn lên 12 tuổi bị lạc ở Giêrusalem. Sauk hi Mẹ Maria và Thánh Giuse tìm thấy Người nơi đền thờ, họ hỏi Người vì sao rời bỏ họ làm cho họ lo âu đến thế. Câu trả lời của Người là “Người phải lo công việc cho Cha Người” đã làm họ bối rối: “Họ không hiểu những gì Người nói với họ” (Lc 2, 50). Không một người nào có thể thấu hiểu Mầu nhiệm Nhập Thể , vì không một người nào biết Chúa Giêsu hoàn toàn trừ Chúa Cha (Mt 11, 27). Mẹ Maria phải tiến bước trong đức tin mà không hề biết tất cả những câu trả lời hoặc thấy được mọi sự cách đầy đủ.

Khi Chúa Giêsu bắt đầu đời sống công khai Mẹ Maria chắc hẳn đã vui lòng khi nghe biết những lời nói và những việc làm đầy quyền năng của Người. Nuhưng tiếp đó lại là sự chỉ trích, chống dối từ giới lãnh đạo tôn giáo cũng như dân sự. Qua mọi giờ phút vui buồn Mẹ vẫn một niềm tin. Ngay cả khi Mẹ đứng dưới chân Thánh Giá Chúa Giêsu. Mẹ vẫn tin bằng một đức tin mạnh mẽ đến nỗi Chúa Giêsu đã trao phó cho Mẹ sứ vụ trở nên Mẹ của người môn đệ yêu dấu của Người. Qua tất cả các việc đó, Mẹ Maria “không ngừng tin vào Lời Chúa sẽ nên trọn. Bởi vậy, Giáo Hội tôn kính nơi Mẹ Maria sự thực hiện niềm tin tinh ròng nhất (GLHTCG 149).

Mẹ Maria giúp chúng ta tin vào sự hiện diện và những lời hứa của Thiên Chúa trong mọi biến cố của cuộc sống, trong những vinh quang cũng như trong những bi thương. Những gì mà chúng ta vui mừng hoặc đau khổ thì Mẹ Maria cũng đã trải qua. Bằng đức tin Mẹ chiến thắng tất cả. Mẹ đã đi đúng con đường tin vào Thiên Chúa, và chúng ta có thể nối bước theo Mẹ. Khi chúng ta nghi ngờ và tâm hồn nổi sóng chúng ta có thể quay lại với Mẹ để tìm sự can đảm và sức mạnh mà chúng ta đang cần để tin và phó thác (Hiến chế Tín Lý về Mặc Khải của Thiên Chúa 65).

Mẹ Maria, kiểu mẫu của đức cậy

“Đức cậy là một nhân đức đối thần, bởi nhân đức này mà chúng ta khao khát nước thiên đàng, và sự sống đời đời làm hạnh phúc của chúng ta, đặt sự tin tưởng vào những lời hứa của Chúa Kitô và không cậy dựa vào sức mạnh của chính mình, nhưng là nhờ vào sự giúp đỡ của ân sủng Chúa Thánh Thần” (GLHTCG 1817). Thánh Kinh đã giới thiệu Mẹ Maria như là một kiểu mẫu của đức cậy. Mẹ Maria có thể nói rằng mọi thế hệ sẽ khen Mẹ có phúc bởi vì Mẹ đã trông cậy vào hạnh phúc bởi vì Mẹ đã trông cậy vào hạnh phúc đời đời. Mẹ không cậy dựa vào sức mạnh của chính Mẹ, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ Mẹ, Đấng Quyền Năng (Lc 1, 47 – 49). Mẹ trở thành Mẹ của Chúa Giêsu Kitô bởi ân sủng của Chúa Thánh Thần (Lc 1, 35) và Mẹ đã cầu nguyện cho Chúa Thánh Thần đến trên Giáo Hội (Cv 1, 14).

Mọi lúc trong đời sống của Mẹ đã đòi hỏi đức tin thì cũng đòi hỏi đức cậy. Tin là bảo đảm cho những gì mình hy vọng (Dt 11, 1) Mẹ Maria phải trông cậy rằng những lời hứa của sứ thần sẽ được ứng nghiệm. Mẹ phải trông cậy rằng: Mẹ, Thánh Giuse và Chúa Giêsu sẽ trở về an toàn từ cuộc tị nạn ở Ai Cập. Khi Mẹ suy nghĩ về câu trả lời khó hiểu của Chúa Giêsu khi tìm gặp Người trong đền thờ. Mẹ phải trông cậy Thiên Chúa sẽ giúp Mẹ hiểu. Mẹ phải trông cậy như khi Mẹ đứng dưới chân Thánh Giá rằng sự sống sẽ chiến thắng thần chết. Mẹ phải trông cậy rằng Chúa Giê su sẽ mang Mẹ qua mọi thử thách của cuộc sống này để tới niềm vui của thiên đàng.

Sự trông cậy của Mẹ được thực hiện, và dấu hiệu lớn nhất của sự viên mãn đức cậy đó là sự Mông Triệu của Mẹ. Vinh quang của Mẹ trên thiên đàng là bảo chứng việc Chúa Kitô sẽ ban sự sống đời đời cho tất cả những kẻ đặ hy vọng của họ vào Người. Như vậy mọi thế hệ tín hữu có Mẹ Maria là một người Mẹ của đức cậy thánh thiện. Ngày nay Mẹ khuyến khích chúng ta đặt tin tưởng vào những lời hứa của Thiên Chúa, chấp nhận để ơn cứu độ của Chúa Giêsu chiến thắng trên chúng ta và đừng cản trở sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần.

Mẹ Maria, kiểu mẫu của đức mến

Đức mến là “một nhân đức đối thần, bởi đức mến mà chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự vì Chúa và yêu mến tha nhân như chính mình vì tình yêu Chúa” (GLHTCG 1822) Thiên Chúa là nguồn mạch của tình yêu, chúng ta có thể yêu mến bởi vì trước hết chúng ta được yêu mến bởi Thiên Chúa. Mẹ Maria được Chúa Giêsu, Đấng là Thiên Chúa yêu như một người Mẹ. Khả năng yêu mến của Mẹ thì vô hạn và tình yêu mà Mẹ tuôn đổ trên Chúa Giêsu thì chắc chắn phải lớn lao hơn tất cả tình mẹ trên thế gian này gộp lại. Chúa Giêsu đáng yêu vô cùng và sự nhân lành của Người không ngớt tuôn đổ ra trong tình yêu của Mẹ. Do đó, không nghi ngờ gì là tình yêu của Mẹ Maria dành cho Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần lớn hơn tất cả các vị thánh hợp lại nữa.

Tình yêu của Mẹ dành cho Chúa Giêsu không được đề cập rõ ràng trong Tân Ước. Tình yêu đó chỉ được thừa nhận cách  mặc nhiên qua sự Mẹ lo âu tìm kiếm Chúa khi lạc mất Chúa Giêsu trong đền thờ. Lúc mà biểu lộ tình yêu lớn nhất là khi Mẹ đứng dưới chân thập giá. Bởi sự hiện diện của Mẹ nơi đó, đã nối kết ý muốn của Mẹ với con Mẹ, và hiệp thông vào hy tế của Người. Khi Chúa Giêsu phó thác linh hồn trong tay Cha thì Mẹ Maria cũng đã giao phó Con Mẹ vào tay Chúa Cha cũng như vậy. Chúa Giêsu nói rằng, không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu đã hiến mạng sống vì người mình yêu. Tình yêu của Mẹ Maria tuôn tràn từ tình yêu của Con Mẹ và hợp nhất với tình yêu ấy, đã là một tấm gương của tình yêu Người.

Mối quan hệ đặc biệt của Mẹ Maria với Chúa Thánh Thần là một bảo chứng khác cho tình yêu lớn lao dành cho Thiên Chúa. Đó là ân sủng của Chúa Thánh Thần đã rợp bóng trên Mẹ, phát sinh việc thụ thai Chúa Giêsu trong cung lòng Mẹ. Đặc ân lớn nhất của Thánh Thần là đức ái (1Cr 13) và đặc ân này được ban cho Mẹ Maria trong ngôi vị của Chúa Giêsu và trong sự quan hệ kéo dài của Mẹ với Chúa Thánh Thần.

Vì Mẹ Maria được Thiên Chúa yêu mến, và vì Mẹ đã đáp trả tình yêu Chúa, nên Mẹ cũng yêu các con cái của Thiên Chúa, những anh em và chị em của Mẹ. Mẹ Maria đã bày tỏ tình yêu này không lâu sau khi thụ thai Chúa Giêsu. Được thiên thần Gabriel cho biết bà chị họ Elisabeth đang trông đợi, Mẹ liền vội vã đi thăm bà. Tình yêu của Mẹ Maria dành cho bà Elisabeth được phản chiếu nơi sự sung sướng của bà chị họ, khi Maria xuất hiện nơi của nhà bà. Mẹ Maria đã giúp đỡ bà chị họ trong ba tháng ngay khi Mẹ đang cưu mang thai, một sự tử tế và một hành động thực tiễn của tình yêu. Mẹ cũng bày tình yêu quan tâm đến những người khác tại đám cưới ở Cana. Mẹ nhận thấy rượu đã gần cạn và Mẹ quan tâm đủ để làm những gì cần thiết.

Sự hiển nhiên nhất của tình yêu Mẹ Maria dành cho người khác có thể thấy được ở Calve. Tình yêu của Chúa Kitô quá mãnh liệt để Người có thể bày tỏ sự quan tâm đến người môn đệ yêu dấu, khi Người đang hấp hối. Tình yêu của Mẹ cũng bao la để Chúa Giêsu có thể giao phó cho Mẹ chẳng những người môn đệ yêu dấu mà còn những môn đệ ở mọi thời đại, và Mẹ sẽ yêu họ như chính mình.

Mẹ Maria, kiểu mẫu của sự khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ

Những nhân đức đối thần tin, cậy, mến có một sự quan trọng đặc biệt trong truyền thống Công Giáo bởi vì chúng ảnh hưởng tới mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Còn bốn nhân đức luân lý: khôn ngoan, công bình, can đảm và tiết độ cũng quan trọng không kém bởi vì chúng liên quan rất nhiều đến đời sống của con người. Chúng được gọi là các nhân đức trụ (từ tiếng La Tinh “Hinge”) bởi vì các nhân đức khác được đặt trên nềnt tảng các nhân đức này. Chúng là những đức tính trong mỗi ngày sống.

Người ta có thể đạt đến một sự hiểu biết về các nhân đức luân lý từ một cuốn sách giáo khoa. Nhưng thật dễ dàng hơn nhiều để sống các nhân đức đó khi chúng ta có một kiểu mẫu như Mẹ Maria để bắt chước. Khôn ngoan, công bình, can đảm, tiết độ là vẻ bên ngoài và là cá tính của Mẹ Maria. Những nhân đức này đã rời những trang sách in để sống tại Nazareth, Bêlem, Cana và Giêrusalem.

Khôn ngoan là nhân đức giúp chúng ta biết điều gì đúng trong bất cứ trường hợp nào. Mẹ Maria trong các Phúc Âm là một người nữ khôn ngoan, nhạy cảm, không bao giờ liều lĩnh hay cả tin. Khi thiên thần Gabriel xuất hiện, Mẹ đã hỏi để biết chắc những gì Thiên Chúa muốn và khi biết rồi Mẹ liền đáp lời. Khi đối đầu với hoàn cảnh khó khăn là việc Thánh Giuse chưa biết nguyên nhân sự mang thai của Mẹ. Mẹ dành thời gian suy nghĩ và cầu nguyện bằng việc thăm viếng bà Elisabeth. Khi đối đầu với những cách cư xử mà Mẹ không hiểu được như khi Chúa Giêsu biến mất ba ngày, Mẹ không bọ rơi vào cơn giận dữ, thay vào đó Mẹ diễn tả những cảm xúc kính trọng. Khi câu trả lời của Chúa Giêsu làm Mẹ bối rối, Mẹ không càu nhàu hay bực bội mình nhưng cầu nguyện và suy nghĩ về hoàn cảnh đó. Mẹ Maria đã dạy chúng ta làm thế nào để sống khôn ngoan, bình an, có tinh thần cầu nguyện, để luôn luôn nhìn thấy ý muốn của Thiên Chúa và những điều tốt nơi tha nhân.

Công bình là một nhân đức cho phép chúng ta đáp ứng quyền lợi của Thiên Chúa và tha nhân cách thích hợp. Nhân đức này cho phối quan hệ giữa các cá nhân và giữa các thành phần trong xã hội. Bài ca của Mẹ, bài ca Magnificat dạy chúng ta đang cho Chúa tất cả những gì tốt đẹp xảy ra trong cuộc sống (Lc 1, 46 – 50). Bài ca của Mẹ Maria hòa điệu với Phúc Âm của Luca để tuyên bố khát vọng của Thiên Chúa là đem lại sự công bình cho người nghèo đói và thấp hèn. Hình ảnh của Mẹ Maria nơi Phúc Âm Luca cho thấy Giáo Hội tiên khởi đã nhìn Mẹ như một người đàn bà không sợ hãi kêu cầu sự công bình. Vì Mẹ Maria, Thiên Chúa là Đấng cai trị quyền năng, nâng cao những kẻ thấp hèn và thỏa mãn những nhu cầu của những người đói khát (Lc 1, 51 – 53) Chúa Giêsu yêu dấu người nghèo khổ, đã đòi hỏi sự công bình và nhân từ cho họ (Mt 25, 31 – 46). Tiến bước theo Chúa Giêsu, Giáo Hội Công Giáo tìm kiếm sự công bình cho tất cả. “Tình yêu của Giáo Hội dành cho người nghèo… là một phần truyền thống vững bền của Giáo Hội” (GLHTCG 2444). Đức Maria, Mẹ của Giáo Hội đã dạy chúng ta hãy dâng cho Chúa những gì là của Người và quan tâm tới tha nhân, đặc biệt là những người nghèo và thấp hèn như Chúa Giêsu đã làm.

Lòng dũng cảm tăng thêm sức mạnh cho chúng ta để lướt thắng những khó khăn và những cám dỗ trong cuộc sống. Mẹ Maria là một người nữ can đảm và mạnh mẽ, Đấng đã lướt thắng những nghịch cảnh và những cám dỗ. Dù chỉ là một phụ nữ trẻ, Mẹ đã can đảm thực hiện cuộc hành trình gian khổ trên con đường đầy nguy hiểm để thăm viếng bà Elisabeth. Mẹ đi tới Belem với Thánh Giuse khi Mẹ đang mang thai chín tháng. Mẹ đã chịu đựng cuộc tị nạn qua Ai Cập. Mẹ đã trải qua những bất tiện khi phải thực hiện những cuộc hành hương Giêrusalem mỗi năm, và trên tất cả Mẹ đã can đảm đứng dưới chân Thập Giá Con Mẹ, cùng với Người chịu đựng những lời phỉ pháng và chế nhạo của quân thù. Mẹ Maria dạy chúng ta đối đầu với đời sống cách gan dạ, chịu đựng những bất tiện mà không phàn nàn, để can đảm theo đuổi ý muốn của Thiên Chúa bằng bất cứ giá nào.

Đức tiết độ giúp chúng ta làm chủ dục vọng và sử dụng tốt những sự vật trong đời sống cách đúng nhất. Mẹ Maria làm chủ những ước muốn của Mẹ bởi vì Mẹ hoàn toàn vâng phục ý muốn của Thiên Chúa: “Này Tôi là tôi tá Chúa” (Lc 1, 38). Mẹ và Thánh Giuse nghèo khổ đã dâng Chúa Giêsu trong đền thờ. Điều này có nghĩa là các Ngài chấp nhận ăn uống kham khổ, chổ trọ và hoàn cảnh của người nghèo – cuộc sống điều khiển những ước muốn của họ. Mẹ Maria vẫn thấy niềm vui trong những sự vật tốt lành trong đời sống. Mẹ hoan hỉ trong tình thân ái với Đấng toàn Năng đnag ngự trong Mẹ. Mẹ có thể cảm nếm những vui thú đơn giản như rượu ngon nơi tiệc cưới Cana. Mẹ dạy chúng ta đức điều độ cả hai nghĩa vừa trung dung vừa biết thưởng thức khi dùng những đặc ân của Thiên Chúa.

Mẹ Maria, kiểu mẫu của sự khiêm nhường

Kiêu ngạo được voi như là cội mọi tội lỗi, vì tội lỗi là sự từ chối vâng phục ý muốn của Thiên Chúa. Tội là tự lựa chọn “cái tôi”, đồng thời chống lại ý muốn của Thiên Chúa và những người khác. Adong và Eva được giới thiệu trong Thánh Kinh như những con người từ chối việc chấp nhận Lời và quyền năng của Thiên Chúa. Tội kiêu ngạo của họ hoàn toàn trái ngược với sự khiêm nhường của Mẹ Maria trong việc vâng phục Thiên Chúa, vì Mẹ là tôi tá của Thiên Chúa trong mọi sự.

Mẹ Maria tỏ ra rằng khiêm nhượng có nghĩa là nhận biết sự tốt lành trong chính mình, cùng lúc đó nhận biết Thiên Chúa có thể làm được tất cả. Mẹ Maria biết tán tụng vai trò Mẹ thi hành trong chương trình của Thiên Chúa; không có sự khiêm nhường giả tạo nơi Mẹ. Nhưng Mẹ biết rằng mọi sự đã đến từ Thiên Chúa “Chắc chắn, từ bây giờ và cho đến muôn đời, muôn thế hệ sẽ khen tôi có phúc vì Đấng Quyền Năng đã làm cho tôi những sự trọng đại” (Lc 1, 48 – 49).

Mẹ Maria dạy rằng khiêm nhường không có nghĩa là suy nghĩ cách nghèo hèn về chính chúng ta. Thay vào đó khiêm nhường có nghĩa suy niệm nhiều về Thiên Chúa và những người khác tới nỗi không lo lắng về chính mình. Mẹ Maria biết chấp nhận Thiên Chúa và chăm sóc cho người khác. Adong và Eva bày tỏ sự kiêu ngạo là luôn đặt tâm điểm chính nơi họ. Mẹ Maria tỏ cho thấy sự khiêm nhường là một diễn tả tình yêu Thiên Chúa và tha nhân.

Mẹ Maria, kiễu mẫu của sự vâng lời

Sách Giáo Lý hội Thánh Công Giáo và Thánh Kinh đã chú ý đến nối kết giữa đức tin và sự vâng lời. Đức tin là vâng theo sự mời gọi của Thiên Chúa, Đấng coi chúng ta như bạn hữu (GLHTCG 142 – 143) Thánh Kinh nói về “Sự vâng lời của đức tin” (Rm 1,5) và “Mẹ Maria là hiện thân hoàn hảo nhất của sự vâng lời” (GLHTCG 144); “Nút buộc do sự bất tuân của Eva đã được tháo cởi bởi sự vâng lời của Maria” (Thánh Irene; GLHTCG 494).

Đức tin đã linh hứng cho Mẹ Maria vâng theo sự mời gọi của Thiên Chú để trở thành Mẹ của Chúa Giêsu Kitô. Mẹ đúng như một kiểu mẫu vâng lời cho chúng ta, và chúng ta bắt chước Mẹ khhi chúng ta đáp trả mọi ước muốn của Thiên Chúa như Mẹ đã làm: “Này Tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền” (Lc 1, 38).

Bởi những lời ở Cana, Mẹ dạy chúng ta biết vâng lời Chúa Giêsu “Hãy làm tất cả những gì Người bảo” (Ga 2,5). Những lời này đã vang qua nhiều thế kỷ, và sự vâng lời này là tâm điểm của tất cả các cuộc hiện ra đã được Giáo Hội công nhận “Hãy vâng lời Con Ta thid các con sẽ gặp sự sống và bình an” Mẹ Maria bảo đảm với chúng ta như thế.

Mẹ Maria, kiểu mẫu của đời sống trong Thánh Thần

Thánh Phaolo viết về những kẻ thuộc về Chúa Giêsu Kitô, họ đã chết cho tội lỗi và sống bởi Thánh Thần. Ngài cắt nghĩa: “Nếu chúng ta sống bởi Thánh Thần thì chúng ta cũng được hướng dẫn bởi Thánh Thần” (Gal 5, 25). Mọi Kitô hữu được mời gọi trở nên “một đền thờ của Chúa Thánh Thần” (1Cor 6, 19) để trải qua mỗi ngày sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa qua những ân sủng được ban xuống bởi Chúa Thánh Thần.

Những hiệu quả của ân sủng Thánh Thần trong đời sống chúng ta mà theo truyền thống được diễn tả như những đặc ân Chúa Thánh Thần. Những đặc ân này là Khôn ngoan, Minh Luận, Chỉ giáo, Can đảm, Thông hiểu, Đạo đức, Kính sợ (Is 11,2; GLHTCG 1831). Những kết quả của tình yêu Thánh Thần, chúng là: đức ái, vui mừng, bình an, kiên nhẫn, tử tế, nhân hậu, quảng đại, thanh lịch, trung thành, đáng kính trọng, tự chủ và tinh sạch (Gal 5, 22 – 23; GLHTCG 1832). Những đặc ân và hoa quả của Thánh Thần là những phẩm tính có thể giúp chúng ta đến hạnh phúc, tình yêu và một đời sống đáng nể.

Những danh mục này thì không phải là bảng xếp loại hoàn toàn các nhân đức và một số trong các nhân đức đó là kép đôi vì vừa là nhân đức đối thần vừa là nhân đức luân lý. Chúng cung cấp những phương cácch được thử luyện qua thời gian về những phẩm chất được coi là cốt yếu của những kẻ muốn bắt chước Chúa Giêsu. Cái khung “đặc ân” và “ hoa quả” của Thánh Thần nhắc nhở chúng ta rằng đời sống Kitô hữu không phải là một cuộc mạo hiểm đơn độc. Nhưng đó là sự hợp nhất với Thiên Chúa. Đời sống đó mở ra cho ân sủng Thiên Chúa, cho sự hiện diện cứu độ của Chúa Giêsu và tình yêu của Chúa Thánh Thần. Đời sống đó là cố gắng làm việc lành với sự giúp đỡ của Thiên Chúa.

Sự quan hệ đặc biệt của Mẹ Maria với Chúa Thánh Thần làm chứng rằng những đặc ân và hoa quả của Thánh Thần đã hiện diện trong đời sống Mẹ. Mẹ khôn ngoan đặt Thiên Chúa ở vị trí trước hết. Mẹ tìm kiếm sự hiểu biết trong cầu nguyện và suy niệm. Mẹ yêu cầu lời chỉ bảo từ sứ giả thiên cung của Thiên Chúa. Mẹ vẫn can đảm vững vàng trong mọi thử thách. Mẹ tràn đầy sự thông hiểu Thánh Kinh, điều đó hiển nhiên trong kinh Magnificat, rất phong phú hình ảnh trong Cựu Ước. Sự đạo đức của Mẹ được diễn tả trong kinh nguyện của Mẹ và trong những cuộc hành hương hằng năm lên đền thờ. Sự kính sợ Thiên Chúa của Mẹ thì không phải là vì sự sợ hãi nhưng là tôn kính và trọng vọng, điều đó tuôn tràn từ sự ý thức của Mẹ về Thiên Chúa là Đấng Quyền Năng đã làm mọi sự lớn lao cho Mẹ.

Đức ái, sự tử tế, lòng nhân lành, quảng đại của Mẹ Maria đã tỏ bày qua cách thế mà Mẹ yêu thương những người khác. Niềm vui của Mẹ và sự bình an linh hồn được diễn tả trong kinh Magnificat. Sự kiên nhẫn, thanh lịch, trung thành dẫn Mẹ tới bên thánh giá Chúa Giêsu và có khả năng làm cho Mẹ hợp nhất với hy tế tình yêu của Người. Sự từ tốn, tự chủ và tinh sạch của Mẹ xinh đẹp biết bao, khiến Thiên Chúa đã chọn Mẹ làm người mẹ trinh khiết của Chúa Giêsu.

Khi chúng ta cố gắng “sống trong Thánh Thần”, Mẹ Maria sự chỉ đường cho chúng ta. Khi sự khôn ngoan của thế gian này xúi bẩy chúng ta bỏ đi những giáo huấn của Thánh Kinh và Thánh Truyền của Giáo Hội, Mẹ Maria tỏ bày cho chúng ta sự khôn ngoan, tri thức, chỉ bảo, hiểu biết đến từ Thiên Chúa không bao giờ làm cho chúng ta phải thất vọng. Khi chúng ta bị cám dỗ lạc xa Thiên Chúa bởi những đau khổ hoặc chán nả , tuyệt vọng thì Mẹ Maria vẫn đứng vững như một ngọn hải đăng của lòng can đảm, đạo đức và kính sợ Thiên Chúa.

Khi chúng ta cần những phẩm chất tình yêu được hiểu như hoa quả Thánh Thần thì Mẹ Maria mang chúng tập trung vào một điểm. Mẹ bảo đảm với chúng ta rằng đức ái, sự tử tế, lòng quảng đại và phần còn lại của hoa quả Thánh Thần thì đều có thể là của chúng ta. Chúng ta được nuôi dưỡng trong đời sống Mẹ và với ân sủng của Chúa Thánh Thần chúng ta sẽ lớn lên trong chúng ta.

Mẹ Maria là người mẹ dẫn dắt chúng ta tới thiên đàng. Giống như đứa trẻ hướng về chúng khi chúng có nhu cầu cần sự yên tâm, chúng ta cũng có thể tùy thuộc vào Mẹ Maria đang ở bên chúng ta. Chúng ta có thể tìm kiếm nơi Mẹ sức mạnh và sức chịu đựng.

“Hãy đi”… “Hãy thành sự”

Vào giờ chết, chúng ta phải rời bỏ mọi thứ vật cahát mà chúng ta bám lấy trong suốt cuộc sống này. Đây không phải là một hành động tuyệt vọng nhưng là một quyết định mà chúng ta thực hiện bởi tin vào Lời của Chúa, hãy hy vọng vào những lời hứa của Chúa và ước ao từ bỏ chính mình vì tình yêu Thiên Chúa “Hãy thành sự nơi tôi theo lời sứ thần truyền”.

Những câu hỏi để hồi tâm

Những trường hợp nào trong đời sống của bạn cần đến đức tin, cậy, mến và khôn ngoan, công bình, can đảm, tiết độ nhất? Bạn cần sự khiêm nhượng và vâng lời ở đâu? Ở hoành cảnh nào sự khôn ngoan, thông minh, chỉ bảo, can đảm, hiếu biết, đạo đức và kính sợ Thiên Chúa có thể giúp bạn nhiều nhất? Trong lĩnh vực nào đức ái, vui mừng, bình an, kiên nhẫn, tử tế, nhân lành, quãng đại, thanh lịch, trung thành, từ tốn, tự chủ, tinh sạch làm cho bạn trở nên một con người tốt hơn?

Bạn có thể nghĩ ra ít nhất là một mẫu gương trong đời sống mà Mẹ đã thực hiện một trong những nhân đức và phẩm tính đã kể tên ở trên không? Mẹ Maria có thể giúp bạn lớn lên trong việc thực hành các nhân đức đó thế nào?

Những việc làm

Hãy suy nghĩ và dành ra một tuần cầu nguyện cho mỗi nhân đức đã lên danh sách trong bài này. Vào Chúa Nhật hãy chiêm ngắm các nhân đức đối thần. Vào thức hai chiêm ngắm các nhân đức luân lý. Thứ ba xem xét nhân đức khiêm nhường và vâng lời. Ngày thứ tư: những đặc ân của Chúa Thánh Thần. Ngày thứ năm: sáu hoa quả đầu tiên của Chúa Thánh Thần. Ngày thứ sáu: sáu hoa quả cuối. Mỗi ngày hãy xem xét Mẹ Maria đã thực hành mỗi một nhân đức và phẩm tính thế nào? Cầu xin Mẹ giúp đỡ chúng ta cố gắng theo gương Mẹ. Ngày thứ bảy, hãy suy gẫm về những nhân đức đã làm cho Mẹ Maria nên giống Con Mẹ hơn và xin Mẹ giúp chúng ta tin tưởng vào Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần và làm cho chúng ta nên giống Chúa Giêsu hơn.

Trích trong cuốn ÁNH SAO MAI. MẸ CHÚA GIÊSU VÀ MẸ CHÚNG TA, Thiên Minh chuyển ngữ. Nguyên tác: Morning Star. Christ's Mother and Ours, tác giả: Fr. Oscar Lukefahr, C.M. 
Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:có thể, can đảm, cố gắng

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn