Mến Thánh Giá THÁNH HIẾN

ĐỨC TIN VÀ ĐỨC KHIẾT TỊNH

Thứ hai - 22/10/2018 21:53

ĐỨC TIN VÀ ĐỨC KHIẾT TỊNH

Tin và tận hiến (tiếp theo kỳ trước)
 
                           Chương III                               

ĐỨC TIN VÀ ĐỨC KHIẾT TỊNH



1. Đức tin và lời khấn khiết tịnh   
                    

Ngày nay, việc đặt lại vấn đề giá trị của bậc độc thân thánh hiến và việc chống đối một số đòi buộc của bậc đó khiến càng nhận thấy rõ hơn mối liên hệ mật thiết giữa đức tin và đức khiết tịnh trong đời sống tu trì. Trong những điều kiện khả dĩ giữ đức khiết tịnh không phải chỉ cần có khả năng về mặt tính khí để thực hiện quân bình xứng đủ về phương diện tình cảm; trước tiên, phải cần đến một đức tin hùng mạnh, có sức lôi cuốn những năng lực sinh động của con người vào việc gắn bó với Thiên Chúa. Muốn sống khiết tịnh và trung thành với lời khấn ấy, cần phải tin hết mình. 
   
Ta thấy rõ sự liên đới giữa đức tin và đức khiết tịnh nơi Mẹ Maria. Mẹ là người đầu tiên trong Tân Ước đã dấn thân sống trinh khiết mà cũng là người đầu tiên sống đức tin. Sự trùng hợp ấy không phải là điều ngẫu nhiên. Đức tin mà Người biểu lộ khi đáp lời sứ thần truyền tin không thể coi như ứng khẩu, như một thái độ vừa mới nẩy ra trong chốc lát. Đức tin ấy đã hẳn có đối tượng là thiên chức làm mẹ do sứ thần đề xướng, và phẩm cách cùng sứ mệnh của người Con, nhưng còn đi kèm với việc tuyên xưng trung tín giữ đức khiết tịnh, vì Mẹ Maria biểu lộ mạnh mẽ quyết tâm không biết đến người nam. Vậy nên, ta nhận thấy trong quyết tâm đó một biểu hiện về đức tin của Người. Muốn sống hoàn toàn mật thiết với Thiên Chúa và vì vậy khước từ cuộc sống thân mật vợ chồng, ấy là chứng tỏ đức tin của mình, ấy là nhìn nhận Chúa như một Đấng toàn năng đáng cho mình dâng hiến trọn vẹn con tim, không chia sẻ. Lời Maria đáp lại sứ thần: “Tôi không biết đến người nan” là vang vọng lời tiên tri về cuộc đính hôn giữa Israel với Thiên Chúa: “Hỡi Irael, ngươi sẽ kết hôn với Đức Yavê” (Osê 2,22) Chính vì muốn “kết hôn” với Thiên Chúa, gắn bó với Người cách mật thiết hơn hết, nên Người đã tránh việc biết đến người nam và Người nói rõ quyết tâm của mình với thiên sứ.

Như vậy, dấn thân sống đời trinh khiết là một biểu chứng đức tin quyết không coi tình yêu vợ chồng, dù rất quyến rũ đối với nhiều người như là giá trị tuyệt vời của đời sống. Dấn thân như thế rõ ràng là đặt tình yêu dâng hiến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Và do đó là dứt khoát đặt mình vào chiều hướng định mệnh cuối cùng của đời sống con người, là say yêu chiếm hữu Chúa trong hạnh phúc Thiên Đàng.

Việc dấn thân sống đời trinh khiết như thế tự nó không phải là coi khinh những giá trị của hôn nhân và phái tính. Tin chỉ có thể là tiếp nhận một giá trị tích cực chứ không phải là kết án điều gì khác. Khi đức tin mời gọi ta nắm vững hơn một giá trị như giá trị của bậc độc thân thánh hiến, thì việc ấy không làm tổn thương gì cho một giá trị khác, nhưng là hài hòa với tất cả các giá trị được chấp nhận trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa. Người ta chỉ có thể tin vào giá trị đích thực của đức khiết tịnh hiến dâng Thiên Chúa khi người ta tin vào giá trị hôn nhân, mà trong tinh thần hiệp thông của Giáo Hội, bậc tận hiến trinh khiết phải đem lại sự nâng đỡ cho giá trị bậc hôn nhân. Một tình yêu càng cao thì càng phải mở rộng. Ai theo ơn Chúa gọi mà chọn bậc độc thân, thì họ phải tin rằng các tổ ấm gia đình kitô hữu sẽ được hưởng lợi ích do sự lựa chọn của họ; vì vậy họ phải quý trọng bậc hôn nhân cách sâu xa hơn, và làm cho người khắc biết quý trọng bậc ấy.

2. “Những ai được Chúa ban cho hiểu” (Mt 19, 11)

Đức khiết tịnh hiến dâng cho Chúa trong đời sống tu trì không phải giống như sự trinh khiết dựa trên những lý do loài người. Một số người nam hay người nữ có thể muốn ở bậc độc thân nhằm phục vụ tận tình hơn. Quả thực, khi từ chối đời sống hôn nhân, họ được rảnh rang để làm nhiệm vụ khác hơn là nhiệm vụ gia đình; người ta có thể tận tụy trong việc phục vụ xã hội. Những thời gian gần đây cho thấy gương của một số nhân vật hàng đầu đã chọn sống độc thân, để tận lực lo cho một việc đại nghĩa và đã tạo được ảnh hưởng rộng rãi. Ai cũng phải cảm phục lòng quảng đại đó, và thực sự nhận ra ở đó giá trị của bậc độc thân thánh hiến, nguyên về phương diện nhân bản.

Tuy nhiên bậc ấy còn có một giá trị khác nữa, bởi vì từ căn bản nó không dựa trên sự đánh giá về hiệu năng con người. Nó là một hiến lễ dâng cho Chúa, một trong những hiến lễ mà con người chấp nhận “hủy mình” để chỉ chờ đợi nơi Thiên Chúa hiệu quả của hồng ân Ngài. Vậy nên nó vượt trên mọi tính toán của con người về sản lực và hiệu năng; nó tỏ rõ là một sự hy sinh và nó bằng lòng chỉ chấp nhận sự biện minh do đức tin.

Chính vì lý do đó mà những cuộc tranh luận về bậc độc thân Linh Mục hay đồng trinh tận hiến thường chỉ đi đến bế tắc. Đã hẳn, nếu chỉ xét theo quan điểm con người, thì cuộc sống độc thân tỏ rõ có giá trị trong việc phục vụ tha nhân. Nhưng chính đức tin mới là lý chứng quyết định. Những ai không có đức tin đó có thể đưa ra những lý lẽ và những tính toán theo óc con người để phủ nhận những lý do bênh vực bậc độc thân. Nếu không có một mẫu số chung là đức tin thì cuộc đối thoại tất nhiên không đưa đến chỗ hiển nhiên và người ta có thể tiếp tục bàn cãi không cùng.

Trong Phúc Âm chúng ta gặp một lời cảnh cáo ý nghĩa. Chúa Kitô đặt ơn gọi đặc biệt sống độc thân rõ ràng trên một bình diện siêu nhiên: “Người tỏ rõ lòng quý trọng những kẻ “tự hoạn” vì nước trời” Mt19,12). Không phải vì lý do tận tâm phục vụ xã hội mà chính vì Nước Trời, đó mới là lý do chính đáng biện minh cho cuộc sống độc thân, theo quan điển của Phúc Âm.

Qua hai kiểu nói mà dường như muốn đặt vào đó tất cả giáo lý của Người, về điểm này, Chúa Giêsu nhấn mạnh sự kiện một số người không thể hiểu được giá trị của một bậc sống như thế. Bắt đầu Ngài nói: “Không phải ai cũng hiểu được những lời Thầy nói đó, nhưng chỉ những ai được ban cho hiểu”. Rồi sau khi cắt nghĩa tư tưởng của Người, Người lại tuyên bố: “Ai hiểu được thì hiểu” (Mt 19,11-12).

Như vậy, không thể mọi người đều hiểu được bậc độc thân tự nguyện vì Nước Trời. Vì đây là việc nước trời, việc siêu nhiên, việc chỉ ai có đức tin mới nhận ra được những đòi hỏi của Nước ấy. Nhưng đàng khác, đấy cũng là một ơn đức tin đặc biệt, mà không phải ai cũng được ban cho. Cả những kẻ “được ban cho hiểu” cũng phải cố gắng để hiểu theo lời khuyên cuối cùng của Thầy.

Không nên có ảo tưởng rằng mọi kitô hữu đều thẩm định bậc độc thân thánh hiến theo đúng giá trị của nó. Phải chấp nhận trước sự không hiểu được ấy. Người được hiểu thì phải ý thức về ơn mình đã nhận được để hiểu.Và họ phải đành lòng với sự kiện không thể làm cho mọi người hiểu được ý nghĩa bậc sống của mình. Một cách rất thành thật, những người không được ơn ấy có thể cứ chối bỏ giá trị của nó, đến nổi không thể làm cho họ chấp nhận một quan điểm khác.

Căn cứ vào lời cảnh báo của Phúc Âm, người ta thấy rõ kết quả những cuộc điều tra trong dư luận quần chúng về sự độc thân của Linh Mục và Tu Sĩ, có tính cách rất tương đối. Đã hẳn sự thăm dò ý kiến nơi một số đông kitô hữu có thể đưa ra ít nhiều chỉ dẫn, nhưng nó không thể biểu lộ quan điểm của Giáo Hội trong lãnh vực này và càng không thể đưa ra một nguyên tắc có tính cách qui luật. Vì lẽ không phải mọi người đều hiểu lời khuyến cáo về bậc độc thân vì Nước Trời, nên cũng không phải mọi người đều có thể phán đoán chính xác về điểm này.

Nếu sự hiểu biết về bậc sống này đòi hỏi phải có ơn riêng của Chúa, thì sự thực hành đời sống ấy còn cần ơn Chúa hơn nữa. Để giữ vững cuộc sống của mình “vì Nước Trời” ; những người đã khấn đức khiết tịnh với Chúa phải tăng triển nơi mình cái nhìn của đức tin.


Trích trong cuốn TIN VÀ TẬN HIẾN, nguyên tác: CROIRE ET SE DONNER của Jean Galot.
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:Đời sống thánh hiến, đức khiết tịnh thánh hiến, ba lời khấn dòng

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn