Mến Thánh Giá THÁNH HIẾN

KHẤN DÒNG

Thứ ba - 28/08/2018 09:50

KHẤN DÒNG

Tin và tận hiến (tiếp theo kỳ trước)
 
CHƯƠNG II

KHẤN DÒNG


1. Liều lĩnh và mạo hiểm
Cuộc dấn thân khấn dòng là một việc có lẽ liều lĩnh. Buộc mình sống một đời chuyên “tìm thực hiện đức ái toàn thiện, bằng cách thực hiện các lời khuyên Phúc Âm” (PC 1), là một việc liều lĩnh, vì lẽ cuộc sống con người, bất kỳ ai, cũng thấy có những khiếm khuyết. Hứa hoàn toàn phó mình cho Thiên Chúa bằng cách “mến yêu Người đến tột độ” (LG 44), là một việc liều lĩnh, vì không được biết trước đâu là những đòi hỏi cụ thể của tình yêu ấy. Hứa hiến tất cả đời mình phục vụ Giáo Hội là một việc liều lĩnh, vì cũng không thể tiên liệu được hình thức phục vụ rõ rệt của mình như thế nào, việc phục vụ ấy sẽ thực hiện trong lãnh vực cụ thể nào của Giáo Hội phổ quát và mình sẽ phải kiên trì mãi như vậy trong những điều kiện nào, dễ hay khó, thành công hay thất bại. Và cuối cùng cam kết tận hiến trọn đời cho đến chết là một việc liều lĩnh vì không biết trên đường dài có những chướng ngại vật nào, và mình sẽ phải vượt qua những thử thách nào.

Đã hẳn, cam kết vào đời sống hôn nhân cũng là cả một liều lĩnh không nhỏ. Ở đó cũng có những bất trắc về tương lai, những khó khăn bất ngờ. Nhưng sự hiện diện trước mắt của người yêu và mối tình luyến ái hứa hẹn thủy chung giữa hai người, thường che khuất những lo lắng về ngày mai. Trong đời sống tận hiến, tính cách liều lĩnh còn nổi bật hơn, vì lẽ lý tưởng được theo đuổi cao vời quá, và sự hiến thân cho Đấng vô hình lại tuyệt đối quá.

Chấp nhận hiến mình như thế mà không đo lường được tất cả những đòi hỏi của việc ấy, quả thực là một cuộc mạo hiểm. Đã hẳn đời sống tu Dòng thường tỏ ra như có một bộ mặt ổn định, vì đó là một nếp sống có luật lệ hướng dẫn và dấn bước trên con đường vạch sẵn, ngày này sang ngày khác vẫn đều đều theo một dụng biểu không thay đổi. Nhưng một khuôn khổ dù có được điều chỉnh khéo léo đến đâu vẫn chỉ là khuôn khổ bên ngoài, và linh hồn sống trong đó vẫn có thể gặp muôn vàn sóng gió. Nào ai có thể quy định trước được cuộc hành trình bên trong của một linh hồn. Hơn nữa về sau đây cái khuôn khổ đó sẽ trở nên rộng rãi hơn, uyển chuyển hơn, nó sẽ phải tôn trọng quyền tự do chủ động của Chúa Thánh Thần nhiều hơn, để Ngài muốn gió thổi thế nào tùy ý Ngài. Đời sống tận hiến sẽ càng ngày càng mang tính cách mạo hiểm hơn, mạo hiểm vì Chúa, nhưng vẫn là mạo hiểm, với nhiều bất ngờ, nhiều chấn động, và nhiều bão tố.

Nhờ đức tin, sự liều lĩnh ấy có thể chấp nhận dễ dàng và vui vẻ. Quả thế đức tin dẫn đến xác tín: tận hiến là gắn chặt vào một Đấng nhìn thấy rõ và nắm trọn cả tương lai. Thật thế, ta dâng mình cho Đấng Thiên Chúa là chủ tuyệt đối mọi biến cố. Một khi Người đã gọi ai hiến thân vĩnh viễn cho Người thì Người ước mong rằng cuộc dấn thân đó sẽ được giữ vững, và chính Người sẽ ban cho những điều kiện để có thể giữ vững lòng trung tín. Cái mà mắt người đời cho là khó khăn bất ngờ, thật ra là bao gồm trong thánh ý mà chính Ngài đã định và qua bao nhiêu quanh co khúc khuỷu và những giai đoạn nối tiếp, cuối cùng con đường Ngài đã vạch sẵn vẫn sẽ được liên tục. Chúa sẽ quy hướng nhiều biến cố phức tạp để thực hiện sự sung mãn của tình yêu, và Ngài dùng cả những yếu đuối của con người để đưa họ lên cùng Cha.

Chính vì tin vào hoạt động cao vời của Thiên Chúa như vậy, mà tu sĩ không ngần ngại chấp nhận những liều lĩnh của việc tuyên khấn. Cố nhiên không phải họ không cần suy nghĩ chín chắn trước khi dấn thân. Vì họ chỉ có thể tiến bước nếu họ được Chúa đích thực kêu gọi và họ quyết chí đáp ứng bằng cả tâm hồn. Nếu họ xác tín về ơn kêu gọi đó và họ thực sự muốn theo Chúa, thì họ phải tin rằng mình có khả năng đương đầu với mọi hoàn cảnh thực hiện đời tận hiến, vì đức tin cho họ thấy Thiên Chúa toàn năng sẽ dẫn họ đến tận cùng con đường.

 
2. Giao ước và cam kết của Chúa
Tính cách liều lĩnh trong việc tuyên khấn sống theo lời khuyên Phúc Âm làm ta chú ý đến toàn bộ khung cảnh giao ước trong việc thực hiện lời khấn. Cứ theo các sự kiện cụ thể nhận thấy, thì tuyên khấn là một cuộc cam kết của con người đối với Thiên Chúa. Điều mầu nhiệm là thực sự có một sự cam kết song phương: chính phía Thiên Chúa cam kết trước, cuộc cam kết của con người đáp ứng và xây nền trên đó. Quả thực, Thiên Chúa đi bước trước trong việc cam kết với con người và như vậy Người ban cho con người được vững tâm để cam kết với Người. Vậy để có thể cam kết đến cùng trong đời tận hiến, nhằm chiếm hữu Thiên Chúa trọn vẹn, người tu sĩ cần phải tin vào sự cam kết của Thiên Chúa và tìm được trong đức tin đó sự vững tâm và phấn khởi cho mình.

Tin vào giao ước của Thiên Chúa đối với mình, vốn là đặc tính của tất cả cuộc sống Kitô hữu, cũng như đó là đặc tính của đạo Do Thái. Thực thế, chính với hình thức giao ước mà Thiên Chúa đã ban ơn cứu độ cho nhân loại. Chính Thiên Chúa đã yêu thương con người trước, rồi mới đòi hỏi con người đáp trả tình yêu. Chính Thiên Chúa đã dấn thân dùng quyền toàn năng của Người để phục vụ con người trước, rồi mới đòi con người đáp trả. Như vậy tình yêu mà con người hiến dâng lên Thiên Chúa, trước hết là lòng tin vào chính tình yêu của Thiên Chúa. Đó là ý nghĩa câu nói của Thánh Gioan khi Ngài giải thích thái độ sống đạo cơ bản nhất là tin vào tình yêu Thiên Chúa: “Phần ta, ta đã nhận biết lòng Chúa yêu thương ta, và ta đã tin vào tình yêu Chúa” (1 Ga 4, 16).

Cuộc cam kết của Chúa vĩnh viễn đến nỗi tình yêu của Người “ở trong ta”, tình yêu ấy sát nhập vào nhân loại nhờ mầu nhiệm nhập thể, và không thể dứt ra được nữa. Vì đó không phải là một ràng buộc pháp lý, mà đúng hơn là một cuộc cam kết sinh động, qua đó một hữu thể gắn bó với một hữu thể khác bằng thực tại thẳm sâu của mình, và hòa lẫn đời sống mình với đời sống của hữu thể kia. Thánh Phaolô xác quyết rằng: “Lòng cậy trông của ta không thể bị thất vọng, vì tình yêu của Thiên Chúa đã đổ xuống lòng ta nhờ Thánh Thần, mà Thiên Chúa đã ban cho ta” (Rm 5, 5). Tình yêu ấy không thể xa lìa ta được nữa. Chính Thánh Phaolô lại hỏi: “Ai có thể tách lìa ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô?” (Rm 8, 35). Và Người trả lời ngay, người tin chắc, “không gì có thể tách rời ta khỏi tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu hiển hiện trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8, 39).

Trong đời sống tận hiến, sự cam kết của Thiên Chúa như nói trên, có một tác động thiết yếu. Khi Chúa Kitô kêu gọi người nào “yêu Người đến cực độ” (LG 44) thì trước hết, Người biểu lộ với họ một tình yêu đặc biệt hơn. Tình yêu, trong đời thánh hiến tu trì, trước hết là tin vào tình yêu Thiên Chúa, là để tình yêu ấy chiếm đoạt mình. Vì thế Công Đồng Vatican II làm sáng tỏ hoạt động của Thiên Chúa: “Người tu sĩ được trao phó hoàn toàn cho Chúa, được thánh hiến mật thiết hơn để phụng sự Chúa” (LG 44). Hoạt động thánh hiến đó của Thiên Chúa cần được con người tiếp nhận, và sự tiếp nhận ấy phải diễn ra bằng đức tin.

Người tu sĩ chẳng những phải tin vào sự chiếm đoạt hiện tại của Thiên Chúa muốn chinh phục mình, mà còn phải tin vào sự cam kết vĩnh viễn đối với mình do Chúa Giêsu đảm nhận. Nếu không có bảo đảm tuyệt vời của sự cam kết thần linh ấy, thì hỏi có ai dám cam kết triệt để không chút e dè? Người tu sĩ tận hiến cho Thầy chỉ vì, nhờ đức tin họ xác tín về một sự hiện diện sẽ không bao giờ rút lại, và một sự trợ giúp sẽ nâng đỡ họ trong những giờ phút cam go. Họ xây nền sự trung tín cho dù còn yếu ớt của họ trên sự trung tín không lay chuyển của Chúa.

Giao ước nào cũng bao gồm những tương quan tín nhiệm lẫn nhau. Chúa là Đấng đầu tiên tỏ lòng tín nhiệm, vì khi gọi ai sống đời tận hiến, là Chúa đặt một hy vọng lớn vào kẻ được gọi, Chúa coi người ấy đủ khả năng đáp ứng nhờ sự trợ lực của ân sủng và cũng có khả năng kiên trì trong việc đáp ứng. Chúa đặt tín nhiệm vào họ để thực hiện một sứ mệnh quan trọng phục vụ Giáo Hội Chúa. Sự tín nhiệm được Chúa biểu lộ như vậy, khiến cho người tận hiến đem lòng cậy trông đáp trả lại. Chỉ duy Chúa mới xứng đáng nhận cái vinh dự ấy. Đối với Ngài, lòng tin tưởng của tu sĩ không thể hạn hẹp mà phải mở rộng cho một tình yêu vô biên. Như vậy việc khấn dòng, thực hiện một Giao Ước, bao hàm một lòng cậy trông không giới hạn vào cam kết do chính Thiên Chúa đảm nhiệm.

Trích trong cuốn TIN VÀ TẬN HIẾN, nguyên tác: CROIRE ET SE DONNER của Jean Galot
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:đời sống thánh hiến, khấn dòng, tin và tận hiến, canh tân đời sống thánh hiến, đức tin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn