Mến Thánh Giá THÁNH HIẾN

KHẤN DÒNG

Thứ tư - 19/09/2018 22:37

KHẤN DÒNG

Tin và tận hiến (tiếp theo kỳ trước)

Chương II

KHẤN DÒNG
(Tiếp theo)

 
3. Giao Ước và hiện diện của Chúa
Suy nghĩ về cam kết của Chúa trong minh uớc huyền nhiệm của lời khấn dòng, tất nhiên người ta hình dung ra cách thức cam kết của con người; vả lại chính Chúa cũng dùng ngôn ngữ con người mà bộc lộ giao ước của Người và bày tỏ lời hứa cứu giúp đại lượng. Tuy nhiên, người ta chớ nên dừng lại ở một hình ảnh pháp lý tức là những điều ràng buộc giữa đôi bên. Không phải rằng, Đấng Chủ Tể càn khôn ngại tự buộc mình, bởi vì lời hứa mà Đức Yavê ban cho dân Ngài là một lời hứa xác thực không bao giờ Ngài tự cho phép rút lại và Ngài hằng giữ mãi với một lòng trung tín không lay chuyển. Nhưng còn có điều cao quý hơn là lời hứa giúp đỡ: Chúa không phải chỉ tự buộc mình hoạt động giúp đỡ dân Ngài, Ngài còn bảo đảm với họ sự hiện diện của Ngài. Sự cam kết của Ngài là sự trao ban chính mình Ngài.

Đây ta nên rút ra ý nghĩa của việc mặc khải danh Chúa, tiếp liền với Giao Ước trên núi Sinai. Trong khi trao cho ông Môisen sứ mạng giải thoát dân Chúa, Chúa đã ban cho ông một lời hứa để bảo đảm việc thực thi sứ mệnh ấy: “Ta sẽ ở với ngươi” (Ex 3, 12) và liền đó Chúa mặc khải tên Chúa “Ta hằng có” (Ex 3, 14). Mạc khải tên mình, ấy là Thiên Chúa muốn tỏ cho biết thực tại thâm sâu của Người. Vì theo quan niệm Do Thái, tên gọi của một người không phải chỉ là một danh hiệu đơn giản bề ngoài, nhưng là một thực tại được biểu lộ ra, do đó biết được tên gọi của người nào là nắm được bí mật của người ấy, hiểu được chiều hướng vận mạng của họ.

Vậy khi Đức Yavê xưng danh mình cho ông Môisen là Người bộc lộ đến tận cùng hữu thể của Người cho Môisen. Lời nói “Ta hằng có” đem lại toàn vẹn ý nghĩa cho câu: “Ta sẽ ở với ngươi”. Thiên Chúa sẽ ở với kẻ kết ước với Người, không phải chỉ với tư cách một Đấng toàn năng muốn bảo vệ phù trợ họ, nhưng là với tư cách một Đấng thân tình, luôn luôn có mặt bên kẻ mình yêu, với tất cả hữu thể của mình. Đó là Đấng Tự Hữu Thần Linh đến ở với con người trong “quá trình hình thành của họ”, là Đấng Vĩnh Cửu đi vào thời gian, là Đấng Tuyệt Đối siêu việt đặt mình vào tầm tay con người.

Lời mạc khải: “Ta hằng có” là một lời kêu gọi lòng tin. Nó làm nổi bật ý nghĩa của lòng tin đó: tin vào hiện hữu của Thiên Chúa, không phải là tin vào một hiện hữu trừu tượng, nhưng vào một Đấng cụ thể tỏ mình là “Ta hằng có’ tức là luôn hiện diện. Đó là tin vào một Thiên Chúa hiện sống với ta. Chính vì tin vào Đấng nói: “Ta hằng có” mà ông Môisen xây dựng sứ mệnh đã nhận lãnh. Chúa Kitô đã làm cho danh xưng “Ta hằng có’ của lời giao ước “trở nên cụ thể hơn nữa’. Vì chính với tư cách là người mà Người đã tuyên xưng danh hiệu thần linh ấy để chỉ về chính mình: “Ta hằng có từ trước khi Abraham sinh ra” (Ga 8, 58). Người đã long trọng chứng nhận danh hiệu ấy để xác quyết Người là Con Thiên Chúa, để trả lời câu hỏi của vị thượng tế, và Người đã lấy cái chết và cuộc khải hoàn vinh quang của Người để bảo đảm chân lý đó. Lời “Ta hằng có” thốt ra từ miệng Người trong giây phút tối hậu ấy (Mc 14, 62; Lc 22, 70) làm sáng tỏ một cách hiện hữu mà cái chết không thể thắng được, cũng như một hiện diện sẽ chẳng bao giờ thiếu vắng trong nhân loại. Đặc biệt hơn nữa, Đấng Cứu Thế vinh quang trước khi về trời còn tuyên bố: “Này, Ta ở với các con mọi lúc cho đến tận thế” (Mt 28, 20). Thế là Đấng xưng mình “Ta hằng có” đã vĩnh viễn dấn thân trong giao ước.

Như vậy hình thức đặc biệt của giao ước trong việc khấn dòng được sáng tỏ. Sự cam kết về phía Thiên Chúa là trao ban chính sự hiện diện của Chúa, “Ta sẽ ở cùng con”, một lời làm nổi bật ý nghĩa mạnh mẽ của lời “Ta hằng có”. Ơn thiên triệu không có nghĩa chỉ là một lời mời gọi Chúa dùng để kéo một người đến với Chúa; ơn thiên triệu chính là một hồng ân để Người cống hiến trọn vẹn hữu thể thần linh của người như một hiện diện không bao giờ vắng thiếu.

Vậy nên, tin vào sự hiện diện ấy là điều căn bản trong đời sống tận hiến. Niềm tin ấy có nhiều đường lối diễn đạt, tùy theo các phương thức hiện diện khác nhau. Có những cách hiện diện chung cho tất cả những ai sống đời kitô hữu, có những cách hiện diện đánh dấu đặc biệt hơn đối với những người sống lời khuyên Phúc Âm. Có niềm tin vào sự hiện diện của Chúa Kitô trong Thánh Thể, niềm tin ấy phải được củng cố không ngừng trong một đời sống lấy phép Thánh Thể làm trung tâm; niềm tin này phải làm người tận hiến tham dự cách sống động vào việc cử hành Thánh Lễ và chăm chú vào sự hiện diện thường xuyên của Chúa Kitô như trung tâm hiệp nhất và quy tụ cả cộng đồng. Có niềm tin vào sự hiện diện của Chúa trong đức ái cộng đồng. Người vừa hiện diện trong người khác như cùng đích của mọi động tác tình yêu của ta, vừa hiện diện giữa cộng đoàn tập hợp, để xây dựng nó, duy trì nó. Có niềm tin vào sự hiện diện của Chúa Kitô trong nội cung linh hồn, vào mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi cư ngụ nơi nội tâm ta như Chúa Giêsu trong Phúc Âm đã hứa cho những ai sống trong tình nghĩa thiết với Người. Niềm tin ấy mời gọi ta tiếp xúc đối thoại thân mật với Chúa. Sau cùng, có niềm tin vào sự hiện diện của Chúa biểu lộ dưới mọi hình thức trong cuộc sống con người: nào Lời Thiên Chúa trong Kinh Thánh, nào tiếng nói của Giáo Hội, nào những biến cố như là dấu hiệu hay lời mời gọi, nào những cơ hội mà ơn gặp gỡ Chúa được nhận thấy rõ hơn.

Tóm lại, đời sống tận hiến là một cuộc khám phá bằng đức tin để nhận rõ sự hiện diện của “Ngài” và để càng lúc càng đi sâu hơn vào mầu nhiệm Đấng Hằng Hữu.

 
4. Tin vào biến cố trong Giao Ước
Ta hãy hồi tưởng lại cuộc ký kết giao ước mới trong mầu nhiệm Nhập Thể. Chính bằng đức tin mà Đức Maria, trong ngày truyền tin đã chấp nhận lời đề nghị của Thiên Chúa chọn Người làm mẹ và xin Người cộng tác. Đã hẳn giao ước được thành hình nhờ sự ưng thuận công khai bộc lộ của Đức Maria là chấp thuận chương trình của Chúa. Nhưng linh hồn của sự ưng thuận đó là đức tin làm cho ý muốn Đức Maria hoàn toàn phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa: vì tin vào sứ điệp của Thiên Sứ, tin vào quyền năng và tình yêu của Chúa tỏ lộ trong sứ điệp ấy, nên Đức Maria mới có thể tận hiến cho Thiên Chúa như một nữ tỳ đáp ứng trọn vẹn ý muốn của chủ. Niềm tin là thái độ căn bản cho việc thiết lập giao ước trong đời sống con người.
Vì lẽ đó, lòng tin dẫn đến việc thực hiện trọn vẹn chương trình của Thiên Chúa, của mầu nhiệm cứu độ trong nhân loại. Mối liên hệ giữa đức tin và biến cố (sự việc xảy ra) được làm nổi bật qua việc cảm phục của Elizabeth: “Phúc cho bà là kẻ đã tin, vì điều Thiên Chúa đã truyền đạt, sẽ được thực hiện” (Lc 1, 45). Cái phúc của lòng tin, không chỉ do cảm thấy lòng mình tâm hợp hoàn toàn với ý muốn của Thiên Chúa, nhưng thiết yếu là do sự thực hiện những việc lạ lùng Thiên Chúa đã báo. Lòng tin tạo nên hạnh phúc, vì nó là điều kiện phải có, để những việc lạ lùng của Chúa có thể thực hiện trong đời sống con người, và làm tăng triển đời sống ấy.

Ta nên nhận rõ chiều hướng mà theo đó Phúc Âm muốn ta tìm hiểu hiệu lực của đức tin. Vì người ta có thể hiểu hiệu lực đó bằng nhiều cách. Chẳng hạn, trên bình diện tâm lý con người, lòng tin tưởng và cậy trông có thể biểu lộ hiệu năng bằng cách kích thích hoạt động hay tạo nên một sức mạnh, tự kỷ ám thị. Do đó con người tự cải hóa, phát triển khả năng sáng kiến và chịu đựng và trở thành hữu hiệu hơn. Nhưng đức tin vào Chúa tác động cách khác: đức tin ấy sinh hiệu năng không phải do người tin nhưng là do Thiên Chúa. Không phải sức mạnh tâm lý do lòng tin của Đức Maria đã đưa đến việc thực hiện sứ điệp đã loan báo cho Người; việc thực hiện ấy chỉ có thể do chính Chúa đảm nhiệm.

Đức tin tác động chuyên biệt như sức mạnh giao ước chứ không như sức mạnh chủ quan của cá nhân con người. Đức tin mở rộng cho hoạt động của Thiên Chúa nơi con người. Chính vì thế mà Chúa Giêsu trong đời sống công khai đã nhiều lần nói: “Đức tin con đã cứu con’ (Mc5, 34; 10, 52; Mt 9, 22; Lc 7, 50; 8, 48; 17, 19; 18, 42), Ngài muốn ta chú ý tới tầm quan trọng của đức tin, tới hiệu quả cứu độ bởi đức tin đối với thể xác cũng như linh hồn. Nhưng đồng thời, Người cho thấy rõ ơn cứu độ đó là bởi Người, bởi phép lạ chữa bệnh hay bởi ơn tha tội của Người. Đức tin kẻ thụ ân khiến Chúa Kitô biểu dương sức mạnh thi ân của Ngài, và như thế là đức tin đã cứu. Tuy nhiên không phải là đức tin chỉ đơn thuần là một sự chấp thuận thụ động; đức tin là một hành vi tích cực, nó tích cực chuẩn bị cho con người chấp nhận tác động của Thiên Chúa. Nhưng hiệu quả của đức tin luôn luôn chính từ Thiên Chúa do ơn trên.

Lời Chúa Giêsu nói với quan bách quân cũng không kém phần ý nghĩa: “Ông sẽ được như ông tin” (Mt 8, 13). Đức tin đặt kích thước cho phép lạ: kẻ đã tin vào quyền năng Chúa Cứu Thế có thể tác động từ xa liền được khỏi bệnh, đó là một phương diện nổi bật của giao ước: Đấng toàn năng ưng hành động theo mức độ đức tin mà người ta chứng tỏ.

Mức độ tương xứng giữa lòng tin và biến cố cũng áp dụng cho toàn bộ đời sống kitô hữu, và cách riêng trong đời sống tận hiến được cam kết rất bền chặt trong giao ước. Những gì đã hứa trong lời khấn dòng phải cần đến đức tin để trở thành hiện thực; việc tận hiến hoàn thành theo mức độ đức tin của người tin và mức độ họ biết dùng đức tin để mở rộng lòng cho hoạt động siêu việt của Thiên Chúa.

Bất cứ ơn gọi nào cũng gồm một chương trình sống cho Thiên Chúa quy định, người được gọi chỉ biết chương trình ấy cách lờ mờ. Ngay cả Đức Maria trong lúc truyền tin có lẽ cũng không ngờ được chương trình của Thiên Chúa đối với cuộc đời của Người cao cả đến thế. Nhưng sự chấp nhận bằng đức tin của Người khiến cho thánh ý Chúa được thực hiện trong đời sống cụ thể theo đúng mọi chiều kích Chúa muốn; chương trình giấu ẩn trở thành biến cố hiện thực, thầm kín hay tỏ tường. Nếu tu sĩ hạn chế phần nào “biến cố” (việc thực hiện) của đời sống tận hiến thì: trước hết là do một đức tin quá yếu ớt, nếu họ đóng góp được bao nhiêu cho “biến cố” (sự thành công) của Giáo Hội, ấy là do đức tin mạnh mẽ và sâu rộng của họ.

Trích trong cuốn TIN VÀ TẬN HIẾN, nguyên tác: CROIRE ET SE DONNER của Jean Galot. 
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:đời sống thánh hiến, tin và tận hiến, canh tân đời sống thánh hiến, khấn dòng

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn